Tối tăm. Ténèbres.

       



      Ngày và đêm, sáng và tối, phản đối nhau cách rõ rệt ở Pha-lê-tin. Tại xứ đó, ngày không dần dần biến vào trong đêm tối sau buổi hoàng hôn, song trước mặt trời lặn, có sự sáng ban ngày, và khi mặt trời đã khuất thì mọi sự biến đổi và tối đến ngay. Từ mặt trời lặn đến lúc tối tăm bao phủ chỉ không tới một giờ.
       Trong Kinh Thánh có hai lần nói đến sự tối tăm đặc biệt: (1) Tối tăm ở xứ Ai-cập, là tai vạ do Ðức Chúa Trời tỏ quyền phép lớn để hình phạt người Ai-cập (Xuất Ê-díp-tô ký 10:21,22). (2) Tối tăm khi Chúa ở trên thập tự giá (Ma-thi-ơ 27:45; Mác 15:33; Lu-ca 23:44). Có người nói: bấy giờ nhằm lúc có nhựt thực. Song ngày Chúa chịu nạn nhằm lễ Vượt qua, chính vào tuần trăng đương tròn, đương đối chiếu với mặt trời, thì quyết không có nhựt nhực. Ðó là Ðức Chúa Trời làm cách đặc biệt để tỏ việc giết Ðấng Christ là một tội xưa nay chưa hề có.
       Kinh Thánh nói tối tăm chẳng những chỉ về sự thực mà cũng có nghĩa hình bóng nữa: a) về sự bại hoại phần đạo đức và hình phạt. Sự sáng là hình bóng về sự tinh sạch, khôn ngoan, vinh hiển Ðức Chúa Trời. Ðức Chúa Trời cũng là sự sáng, nên kẻ nào không nhận biết Ngài thì như người âm thầm đi và làm việc ở nơi tối tăm (Thi Thiên 82:5; Châm Ngôn 2:13; Giăng 3:19; Rô-ma 13:12), và phần thưởng họ là ngồi "ở trong tối tăm" (Thi Thiên 107:10), hoặc "bị liệng ra chốn tối tăm ở ngoài" (Ma-thi-ơ 8:12; 22:13; 25:30); b) về những sự mầu nhiệm không giải nghĩa được (I Các vua 8:12; Thi Thiên 97:2); c) về sự bối rối, khốn khổ (II Sa-mu-ên 22:29; Gióp 5:14; Châm Ngôn 20:20; Ê-sai 9:2; so Sáng thế ký 15:12); d) về sự hình phạt (Ca Thương 3:2; Ê-xê-chi-ên 32:8; Sô-phô-ni 1:15); đ) về sự chết (I Sa-mu-ên 2:9; Gióp 10:21; Truyền đạo 11:8); e) sự hư không (Gióp 3:4-6); g) sự ngu dốt người đời (Gióp 19:8; I Giăng 2:11). "Nơi tối tăm" (II Phi-e-rơ 1:19) chỉ về các tình hình mô tả trong đoạn 2: theo sau.

Hội Thánh KiềnBái's blog© 2013. Được tạo và lưu trữ bởi Bùi Qúy Đôn. Tài liệu có thể được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau.