Tôn giáo. Religion.

       



      Danh từ tôn giáo bắt đầu nảy ra từ bên Thái tây. Từ sau năm 4 S.C., danh từ đó được tuyên truyền trong Hội Thánh. Bấy giờ có một vị giám mục nói rằng: Tôn giáo tức là cái then chốt làm cho người và Ðức Chúa Trời liên hiệp làm một. Lại nói: Linh tánh người ta vâng theo sự khải thị của Ðức Chúa Trời; sự khải thị đó liền soi rọi linh tánh một cách chói lòa. Ðó tức là ý chỉ của tôn giáo. Coi vậy, tôn giáo chơn chánh có hai điều rất đáng chú trọng là: sự khải thị của Ðức Chúa Trời và sự vâng theo của linh tánh. Hai điều đó xen lẫn nhau mà thành ra cái then chốt của tôn giáo.
       I. Sự khải thị.-- Sự khải thị nhập vào trong linh tánh người ta theo hai cách: gián tiếp và trực tiếp. Trực tiếp là đến từ Ðức Chúa Trời; gián tiếp là do Ðức Chúa Trời mượn Kinh Thánh và tiên tri làm con đường để Thánh Linh Ngài đến. Các tín đồ Ðấng Christ đều lấy Chúa Jêsus làm then máy quan trọng trong sự khải thị của Ðức Chúa Trời. Sự khải thị của Chúa cũng có gián tiếp và trực tiếp. Thí dụ như Ðấng Christ học tập các điều luật pháp Cựu Ước dạy: như vâng phục cha mẹ ở nhà (Lu-ca 2:51), hoặc nghe người giảng dạy trong nhà hội (Lu-ca 4:16). Khi giảng đạo, Ngài hằng dẫn Cựu Ước làm chứng (Ma-thi-ơ 12:39-42; Lu-ca 4:25-27). Khi bị ma quỉ thử thách, Ngài nhờ lời Cựu Ước mà thắng (Ma-thi-ơ 4:4,7,10). Rất đỗi chịu khổ ở trên thập tự, Ngài cũng thường dẫn lời Cựu Ước (Ma-thi-ơ 27:46; Lu-ca 23:46). Ðó đều là sự khải thị mà Ðấng Christ nhận lãnh cách gián tiếp. Ngoài đó ra, Chúa lại nhận lãnh sự khải thị cách trực tiếp, tức là lời của người xưa khác với lời dạy của Chúa (Ma-thi-ơ 5:21-48). Chúa phán: "Các ngươi dò xem Kinh Thánh, vì tưởng bởi đó được sự sống đời đời ấy là Kinh Thánh làm chứng về ta vậy" (Giăng 5:39). Lại phán: "Mọi việc Cha ta đã giao cho ta; ngoài Cha không có ai biết Con; ngoài Con và người nào Con muốn tỏ ra cùng, thì cũng không ai biết Cha" (Ma-thi-ơ 11:27). Ðó là Ngài tỏ mình là đại biểu của Ðức Chúa Trời. Sự khải thị Ngài được là trực tiếp. Vả, Ngài cũng phán cùng môn đồ rằng: "Lúc nào Thần lẽ thật sẽ đến, thì Ngài dẫn các ngươi vào mọi lẽ thật" (Giăng 16:13). Ðó tức là sự khải thị của Ðức Thánh Linh.
       II. Vâng theo.-- Tiếng vâng theo Ðức Chúa Trời là yếu chỉ của tôn giáo. Nghĩa nầy có thể chia làm ba:
             a) Linh tánh cảm biết mình không nơi nhờ cậy, bèn vâng theo Ðức Chúa Trời. Khi linh tánh tỉnh ngộ, liền cảm biết sau đời nầy đã trọn, chắc có đời sau lâu dài. Bấy giờ linh tánh phải có nơi nào để nương náu, và người nào để binh vực. Vậy, không có Ðức Chúa Trời hằng sống ắt hẳn không xong. Cho nên linh tánh tỉnh ngộ đều chỉ kêu cầu Ðức Chúa Trời, và nhờ cậy Chúa thôi. Ðiều mà từ xưa linh tánh người dò tìm không được, có thể thấy ở trong Ðấng Christ. Chúa là Ðấng đã có, hiện có, và còn có đời đời, không hề thay đổi; nên người ta khi chịu khổ ở đời nầy, có thể nhờ cậy Ngài, cho nên sau khi chết cũng có thể nhờ cậy đời đời.
             b) Linh tánh cảm biết mình có tội lìa bỏ Ðức Chúa Trời, nên trong lòng không yên, bèn vâng theo Chúa. Thế gian có nhiều tôn giáo có việc dâng của lễ. Ý đó là do người ta cảm biết mình xa cách Ðức Chúa Trời, nên muốn mượn của lễ để phục hòa với Ngài. Ðấng Christ chết trên thập tự giá, để người ta được hòa thuận với Ðức Chúa Trời. Linh tánh nhờ cậy thập tự giá có thể vững chắc không sợ. Vì Ðấng Christ đã là Con sinh lớn rồi, thì có thể bỏ được các con sinh khác (Hê-bơ-rơ 9:25-28; so 13:15).
             c) Ðiều cốt yếu của tôn giáo là ai nấy cảm biết mình có nghĩa vụ nên làm trọn. Ðạo khác cũng có nghĩa vụ, song không cao thượng bằng nghĩa vụ trong đạo Ðấng Christ. Chúa phán: "Hãy nên trọn vẹn, như Cha các ngươi ở trên trời là trọn vẹn" (Ma-thi-ơ 5:48). Lại phán: "Ai không vác cây thập tự mình mà theo ta, thì cũng chẳng đáng cho ta" (Ma-thi-ơ 10:38). Mạng lịnh đó có người cho là quá đáng! Song Ngài phán: "Ách ta dễ chịu và gánh ta nhẹ nhàng." Ấy vì Ngài có thể giúp ta mang nổi ách đó, và quảy nổi gánh đó. Người ta cảm biết mình có tội, chỉ nên trông cậy Chúa là Con sinh lớn, cảm biết mình có nghĩa vụ nên làm trọn, thì nên vâng theo Chúa, sẽ làm hết được nghĩa vụ đó.
       III. Tôn giáo chơn chính ở trong Chúa Jêsus Christ.-- Luận về tôn giáo, người ta có ba điều thiếu thốn: 
             (1) Binh vực. 
             (2) Phục hòa với Ðức Chúa Trời. 
             (3) Ai nấy không thể không vâng mạng lịnh. Ðấng Christ đem ba điều tốt đó ban cho người ta, và có thể đem tôn giáo về ba mặt nầy hiệp làm một. Ba mặt đó, xin thuật ra sau đây: 
             (1) Lễ nghi mà thầy tế lễ chú trọng. 
             (2) Lý tưởng mà nhà triết học và thần học nghiên cứu. 
             (3) Luật pháp mà thầy thông giáo tôn trọng. Tân Ước hay bao gồm ba mặt đó ở trong Ðấng Christ là Ðầu. Chúa phán: "Ta là đường đi, lẽ thật, và sự sống" (Giăng 14:6).
       IV. Sự phân biệt của tôn giáo Ðấng Christ.--
             a) Ðấng Christ là Ðại Chúa Tể có oai quyền, nên mọi lời Ngài phán, suốt cả thế gian không ai dám chống cãi. Ví bằng điều lệ của một Hội Thánh nào trái với lời Chúa, thì thà bỏ đi mà theo lời Chúa còn hơn. Vì môn đồ cốt muốn Chúa đẹp lòng, chớ không phải làm đẹp lòng Hội Thánh (Hê-bơ-rơ 13:21).
             b) Tôn giáo của Ðấng Christ rất thương xót sự vất vả, khổ sở của người ta. Suốt ngày Chúa hằng giúp đỡ hết thảy mọi người gặp nỗi khốn khó, tai nạn, và những kẻ bị khinh dễ. Chúa phán: "Hễ các ngươi đã làm việc đó cho một người trong những kẻ rất hèn mọn nầy của anh em ta, ấy là đã làm cho chính mình ta vậy" (Ma-thi-ơ 10:40; 25:40; Giăng 13:14).
             c) Ðấng Christ liên hiệp tôn giáo và đạo đức làm một. trong lời dạy dỗ quí báu trên núi, câu nào cũng lấy chữ "yêu" làm trung tâm điểm, có thể khêu gợi lòng thiện người ta lắm. Vả Ngài không từ nói không nên làm việc nầy hoặc việc kia, song chỉ nói việc nên theo, nên làm thôi.
             d) Ðấng Christ đã làm Ðại Chúa Tể thì tin theo tôn giáo Ngài tức là việc bổn phận của người ta, vì ai nấy cũng nên hằng ngày vác thập tự mà theo Chúa.
             đ) Tôn giáo do Ðấng Christ đặt ra là về phần thuộc linh. Ðấng Christ phán: "Ðức Chúa Trời là Thần, nên ai thờ lạy Ngài thì phải lấy tâm thần và lẽ thật mà thờ lạy" (Giăng 4:24). Vì đó, thống hệ dâng của lễ đời xưa có thể bỏ đi hết, mà có thể thờ lạy Ðức Chúa Trời một cách trực tiếp.
             e) Ðấng Christ phán: "Nước ta chẳng phải thuộc về thế gian nầy" (Giăng 18:36). Ðủ biết tôn giáo Ngài không can thiệp gì với chánh trị, không ngăn trở mọi ngành khoa học, mà lại giúp đỡ sự tấn tới cho chánh trị và học thuật là khác nữa. Vì đạo Ðấng Christ biệt lập, không dính dấp, bận bịu với giới khác.
             g) Ðấng Christ là Chúa Cứu thế nên đạo Ngài có quan thiệp với muôn nước. Ðấng Christ phán: "Còn ta, khi ta đã được treo lên khỏi đất, ta sẽ kéo mọi người đến cùng ta" (Giăng 12:32). Lại phán: "Từ Ðông, Tây, Nam, Bắc người ta sẽ đến mà ngồi bàn ở trong nước Ðức Chúa Trời" (Lu-ca 13:29). Tôn giáo như thế không thể giới hạn trong một nước, song tất truyền ra khắp muôn dân. tín đồ Ðấng Christ muốn làm nên trọn công cuộc lớn đó, thì phải tuân theo lời phán của Ngài (Ma-thi-ơ 28:19) mà truyền đạo khắp thiên hạ.
       Tiến sĩ Scofield chú thích về tôn giáo như sau:
       Ga-la-ti 1:14.-- Danh từ "tôn giáo" (dịch là đạo hay giáo), tiếng Hy-lạp là threskeia, tức "việc tôn giáo" chỉ dùng năm lần trong Tân Ước: 
             (1) có nghĩa xấu (Công vụ các sứ đồ 26:5; Ga-la-ti 1:14; Gia-cơ 1:26; Cô-lô-se 2:18 "thờ lạy"); 
             (2) có nghĩa các việc lành của tín đồ (Gia-cơ 1:27). Chẳng bao giờ danh từ đó dùng đồng nghĩa với sự cứu rỗi hoặc sự thuộc linh.

Hội Thánh KiềnBái's blog© 2013. Được tạo và lưu trữ bởi Bùi Qúy Đôn. Tài liệu có thể được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau.