Có chừng 300 câu trong Tân Ước trích trực tiếp từ Cựu Ước. Các tác giả Tân Ước nhận biết đạo Ðấng Christ có cội rễ từ trong Cựu Ước. Như vậy, Sáng thế ký có quan thiệp với Ma-thi-ơ cũng như với Xuất Ê-díp-tô ký, dầu về phần lịch sử Xuất Ê-díp-tô-ký trực tiếp theo Sáng thế ký, song khi suy gẫm những sự dạy dỗ và hình bóng về sự cứu chuộc trong Sáng thế ký, ta thấy Sáng thế ký cũng dẫn trực tiếp đến Ma-thi-ơ. Các sách Kinh Thánh quan thiệp với nhau như vậy. Ấy vì Kinh Thánh từ đầu đến cuối chỉ tỏ một tâm tình, một ý muốn, một mục đích, tức phương pháp và chương trình Ðức Chúa Trời để cho loài người được cứu. Bởi vậy, các trước giả Tân Ước công nhận Cựu Ước là lời Ðức Chúa Trời, có quyền (Hê-bơ-rơ 1:1,2). Nên khi trích lại Cựu Ước, các trước giả Tân Ước chứng quyết rõ hơn về lẽ thật mình, làm chứng lời tiên tri Cựu Ước được ứng nghiệm, và các lẽ thật được mở mang thế nào.
Nên chú ý, một số lớn câu Tân Ước trích lại từ Cựu Ước là từ bản Septante (Hy-lạp), nên khác nhau với lời văn của bản Hê-bơ-rơ. Các tác giả làm vậy vì lúc đó có tín đồ Hy-lạp chỉ có thể dùng bản Septante đó thôi. Phần rất nhiều câu Tân Ước trích lại là từ Cựu Ước, chỉ một vài câu từ ngoài mà thôi, như Công vụ các sứ đồ 20:35; Giu-đe 9,14; Tít 1:12; Công vụ các sứ đồ 17:28.
Tiến sĩ Scofield chú thích về lối trích:
Hê-bơ-rơ 10:5.-- So Thi Thiên 40:6; điều lệ, ứng dụng cho hết cả sự thay đổi lối trích trong Tân Ước từ các sách Cựu Ước, là Ðức Chúa Trời, tác giả của cả Tân Cựu Ước, có sự tự do hoàn toàn, khi trích một lời chép trước, để thay đổi lối văn tự của câu trích đó. Lối thay đổi vẫn thấy có nghĩa sâu nhiệm hơn câu vốn chép trước.