Mục đích bài nầy là luận về:
(1) Sự mở mang tư tưởng giữa vòng người Do-thái đối ngang với khoa triết học Tây phương.
(2) Sự công nhận triết học Hy-lạp quan thiệp thế nào với đạo Ðấng Christ.
(3) Sự tấn bộ theo trật tự của triết học Hy-lạp thành một khối hoàn toàn.
(4) Sự tiếp xúc, đạo Ðấng Christ với triết học.
I. Triết học qui phạm của người Do-thái.--Triết lý, nếu hạn chế ý nghĩa của danh từ cách nghiêm nhặt để mô tả sự học biết tự do của tri thức, lấy lẽ thật làm mục đích hoàn toàn, là cốt yếu lớn ở Tây-phương. Ðông-phương, lối tìm kiếm sự khôn ngoan bao giờ cũng quan thiệp với sự thực hành. Lịch sử dân Do-thái không có gì phản đối ý đó, vì thật không có triết học chính thức của người Do-thái. Phương pháp Hy-lạp là từ sự sanh hoạt đến Ðức Chúa Trời; phương pháp Y-sơ-ra-ên có thể nói là từ Ðức Chúa Trời đến sự sanh hoạt. Những định lý của phương pháp nầy là kết luận của phương pháp kia. Một bên thì dẫn đến sự từ bỏ lần lượt các phạm vi khoa học rất cao thượng mà người vốn xưng là của mình, đến nỗi chỉ có những hệ thống hơi đạo đức còn lại thôi; bên kia, khi kỳ hạn đã trọn, đã sửa soạn nhiều người hoan nghênh Ðấng Christ, -- Chơn lý.
Triết học người Do-thái, theo nghĩa rộng,thật ra là tìm trong sự tấn bộ của sự sanh hoạt dân tộc hơn là trong các sách đặc biệt. Từng bước, ý nghĩa của gia đình trở nên ý nghĩa của dân sự; và nước trở nên nền tảng của các lời hứa rộng hơn gồm lại hết cả dân tộc trong một nước trên trời. Những sự quan thiệp của người về xã hội, chính trị, và vũ trụ dần dần được tỏ ra là có quan thiệp với Ðức Chúa Trời. Vậy, triết lý người Do-thái cốt yếu là triết lý đạo đức, căn cứ trên sự quan thiệp nhứt định với Ðức Chúa Trời. Những lẽ đạo về cuộc Tạo thành và Thiên cơ, về một Ngôi vị Ðức Chúa Trời vô hạn, và về ý muốn phải chịu trách nhiệm của người,--trong các triết học ngoại đạo đều là mục đích cuối cùng của sự tìm tòi,--đây đều được công nhận từ ban đầu. Các Thi Thiên tỏ ra người, rất cần hiểu biết sâu nhiệm lẽ thật, bất cứ nơi nào cũng xưng ra quyền cao cả tuyệt đối của Ðức Chúa Trời trên thế giới vật chất và đạo đức.
Một trong mọi người được phân biệt giữa vòng người Do-thái là "người khôn ngoan." Các sách của Sa-lô môn làm một bài bình phẩm tỏ ý kiến quốc gia về khoa triết học (I Các vua 4:30-33). Bài học về phận sự thực hành, sự tuyên ngôn đầy đủ từ một "lòng rộng rãi," sự suy cứu cẩn thận những vật thọ tạo của Ðức Chúa Trời: ấy là tổng số của sự khôn ngoan. Dầu vậy, thật ra chính mục đích thực hành của triết học nầy dẫn đến sự khải thị lẽ thật rất sâu nhiệm. Dần dần sự khôn ngoan được cảm biết là một Ngôi-vị, mà Ðức Chúa Trời đặt lên ngôi, và hội đàm với loài người (Châm Ngôn 8:). Ta thấy sự khôn ngoan đứng đối nghịch công khai với "đờn bà ngoại bang" là người lấy những sự tư dục mà cám dỗ: vậy có một bước mới đến lẽ đạo trung tâm của Ðấng Christ,--Ngôi Lời trở nên xác thịt. Hai sách của Kinh Thánh, Gióp và Truyền đạo, dạy rõ hơn các sách khác về khoa triết học. Song trong cả hai vấn đề luận đến là đạo đức, không phải là siêu hình học. Sách Gióp luận về những sự dữ làm khốn khổ cho "người trọn vẹn và ngay thẳng, "sách Truyền đạo luận về sự luống công của những sự khoái lạc thế gian.
Cuộc phu tù có một ảnh hưởng sâu nhiệm trên tư tưởng người Do-thái. Dường như sự học tại Ba-tư có ý định cung cấp những phần tử quan hệ trong sự giáo dục của tuyển dân. Song làm càng nhiều hơn, vì sự tiếp xúc của dân Do-thái với dân Ba-tư sanh ra truyền khẩu về huyền bí giáo. Dân Do-thái đã tiếp xúc với người Hy-lạp cũng sanh ra các phái phân biệt hẳn nhau. Trong thế kỷ thứ III T.C., Antigonus ở Socho, nhà bác học trứ danh, ấy là một tên Hy-lạp, theo sự người ta tin thì là giáo sư của Xa-đốc và Boethus, là hai người khởi xướng thuần lý học Do-thái. Mặc dầu, ta có thể đặt niên hiệu từ thời nầy mà chia hai phe người Do-thái về thuần lý học. Phe Sa-đu-sê dường như là người binh vực sự tự do rất rộng rãi của người; phe Pha-ri-si binh vực phái triết học Stoicisme (trên chữ i thứ nhất có hai dấu chấm). Về sau, tuần của lẽ đạo được trọn vẹn, khi bởi sự phản công tự nhiên phái Essenes lập một thuyết Cấm dục huyền bí giáo.
II. Triết học Hy-lạp quan thiệp với đạo Ðấng Christ.-- Lối Ðức Chúa Trời sửa dạy dân Do-thái cốt yếu là đạo đức. Những sự Chúa dạy dỗ có quan thiệp với gia đình và dân tộc. Nhưng ấy không phải tự mình đầy đủ để sửa dạy bổn tánh người, vì lý trí, không kém ý muốn và sự thương yêu, cũng dự phần trong việc sửa soạn người nhận Ðấng thành nhục thể. Lối làm và kết quả trong cả hai trường hợp thì khác nhau xa, song cũng có nghĩa phụ thuộc cho nhau. Triết học làm giáo sư về sự thuộc linh thất bại (Rô-ma 1:21,22), song có làm chứng cách cao thượng về một luật bề trong (Rô-ma 2:14,15). Triết học trong các hình thức trong sạch và vĩ đại nhứt, là "giáo sư đặng dẫn chúng ta đến Ðấng Christ" (Ga-la-ti 3:24). Nhiệm vụ của triết học xưa nay được công nhận bởi nhiều trong số các giáo phụ trứ danh. Lối các văn sĩ ngoại đạo dùng để mở mang những tư tưởng của người vô đạo là một duyên cớ lớn khiến giáo phụ khinh triết học họ. Trong sự biện luận cực điểm, không thể tránh khỏi sự phán đoán khác nhau đó. Khi mọi sự ganh đua đã qua rồi, sự quan hệ đầy đủ của triết học cổ mới thấy được lần thứ nhứt, và mới có thể biết giá trị thật là thế nào, tức bao giờ cũng không bằng sự khải thị của Chúa.
III. Sự mở mang triết học Hy-lạp.-- Nhiều lần người ta thử lập triết học Tây phương từ nguồn Ðông phương, song không được. Dầu triết học Hy-lạp chịu ảnh hưởng thật từ Ðông phương song không làm mất căn nguyên của các giáo sư danh tiếng Hy-lạp. Giá trị chính của triết học là vì cớ là kết quả của Lý trí một mình, không phải từ nguồn sự khải thị của Ðức Chúa Trời. Lối đơn sơ nhứt để sắp đặt các trường học triết lý Hy-lạp là chia lịch sử triết học đó làm ba thời kỳ: kỳ nhứt cho tới kỷ nguyên của phái Sophiste, kỳ nhì cho tới Aristote, kỳ ba cho tới kỷ nguyên của Ðạo Ðấng Christ. Trong kỳ nhứt, thế gian về chủ quan là nơi trung tâm lớn của sự suy cứu; kỳ nhì, những "ý niệm" về mọi vật, lẽ thật, và sanh mạng; kỳ ba, lợi chính của khoa triết học trở ngược lại cách cư xử thường thức của đời sống. Sau kỷ nguyên của đạo Ðấng Christ triết học giảm bớt sự sanh hoạt tại xứ Hy-lạp, song cứ thử cảm động các địa vị thay đổi của sự sống tại Alecxandrie và La-mã.
1. Những trường học trước hồi Socrate.-- Triết học thứ nhứt của người Hy-lạp dường như chỉ thử theo tư tưởng về các căn nguyên huyền bí của các nhà thi sĩ thời sớm hơn. Phần tử vẫn còn lại của mọi sự đang thay đổi là gì? Ấy là câu hỏi đầu tiên mà trường Ionienne hết sức trả lời. Thalès, chừng 639-643 T.C., nói rằng ẩm ướt (nước) là nguồn duy nhứt, và nuôi dưỡng sự sống. Anaximène (chừng 520-480 T.C.) lấy không khí thế cho nước. Rồi sau, độ 450 T.C., Diogène ở Apollonie, tỏ phần tử đơn sơ nầy, "không khí," dường như có trí thức.
2. Những trường của Socrate.-- Vào thời kỳ thứ hai của triết học Hy-lạp, quang cảnh và đầu đề cả hai đều thay đổi. Một triết học của các "ý niệm," theo nghĩa rất rộng, tiếp theo một triết học của cõi thiên nhiên trải qua ba đời, sự suy cứu của người Hy-lạp tới điểm rất vinh hiển mình trong sự dạy dỗ của Socrate, Platon, và Aristote. Câu rất danh tiếng của Aristote chỉ đặc tánh của sự dạy dỗ Socrate (468-399 T.C.) tỏ ra địa vị về khoa học của nhà triết học đó rõ ràng Aristote nói có hai điều về sự Socrate dạy: luân lý theo qui nạp pháp (inductive), và sự định nghĩa chung. Bởi phép trước, Socrate thử tìm phần tử vẫn còn lại của những sự thay đổi bề ngoài và những quan niệm khác nhau; bởi phép thứ hai, Socrate tỏ ra lẽ thật mình đã tìm như thế. Ngoài hai điều đó, Socrate còn làm một việc tỏ ra lẽ thật là gì. Trong việc nghiên cứu của Socrate. Luân lý chiếm chỗ đầu nhứt của Vật lý. Mục đích lớn của qui nạp pháp là thiết lập quyền cao cả của Ðức hạnh. Socrate chứng quyết có một luật phổ thông của điều phải và điều quấy. Người liên lạc triết học với sự hành động, cả chi tiết và chung hết. Một bên thì nâng giữ quyền cao cả của Lương tâm, và một bên là sự hành động của Thiên cơ.
3. Các trường sau đời Socrate.-- Sau Aristote, triết học đi một đường mới. Sự suy cứu chỉ chuyên về cá nhơn. Épicure (352-270 T.C.) định nghĩa mục đích của triết học là sự dẫn đến một đời sống vui sướng. Sự suy cứu về lẽ thật vì chính lẽ thật, thì người coi như là thừa. Người chối bỏ những biện chứng pháp vì nói là vô ích, và nhận ngũ quan, theo nghĩa rất rộng, là mẫu để xét lẽ thật. Song Épicure khác nhau xa với phái Cyrénaique về phương diện vui sướng. Épicure dạy sự vui sướng mà người khôn ngoan nhắm làm mục đích cần phải tìm không phải ở trong sự thỏa nguyện tạm thời, song trong sự vui sướng trường thọ. Hết thảy mọi sự đều coi như là may mắn xảy ra, rồi lại qua đi như thế. Épicure để lại cá nhơn làm chủ đời sống mình. Trong khi Épicure quyết định về một phần bản tánh người trong sự cư xử mình như thế, thì Zénon ở Citium (280 T.C.), cũng binh vực một nền đạo đức thuộc linh (tức trí thức). Hai nhà triết học tương phản nhau trọn vẹn. Một bên, những thế gian vô hạn được dựng nên cách may mắn chống với bên kia, tức một thế gian điều hòa. Một bên có các phần không chú ý đến cõi vật chất, bên kia có một Ðấng làm cho cả cuộc Tạo thành được dồi dào và linh hoạt. Sự khác nhau đó cần thiết được tỏ ra trong phái Luân lý.
IV. Ðạo Ðấng Christ quan thiệp thế nào với triết học.-- Chỉ có một chỗ chép, trực tiếp trong Tân Ước về sự tiếp xúc của đạo Ðấng Christ với triết học Tây phương, là khi Phao-lô thăm viếng thành A-thên (Công vụ các sứ đồ 17:18). Trong các thơ tín Sứ đồ, không có gì tỏ ra triết học có ảnh hưởng quan hệ trên Hội Thánh đầu tiên (so I Cô-rinh-tô 1:22-24). Song về sự suy cứu Ðông phương thì khác, vì đã thâm nhập vào trong suốt cả quần chúng. Tín đồ Cô-lô-se được cảnh cáo về "triết học" (Cô-lô-se 2:8), dường như chắc là từ Ðông phương cùng những phần tử giống với những điều sau thấy trong phái Trí tuệ, là tư kỷ cấm dục, và sự cung kính dị đoan đối với các thiên sứ (Cô-lô-se 2:16-23). Trong hai thơ đạt cho Ti-mô-thê tại Ê-phê-sô, là thành mà Phao-lô nói trước sẽ có tà giáo dấy lên (Công vụ các sứ đồ 20:30), có hai phe sai lầm phân biệt rõ, với sự dạy theo Do-thái-giáo nữa, cũng vì chịu ít hay nhiều ảnh hưởng của triết học. Những bản viết sau thời các Sứ đồ, trừ ra truyện danh tiếng của Justin Martyr, không tỏ ra sự tiếp xúc gì giữa đạo Ðấng Christ và triết học. Nói về triết học đạo Ðấng Christ, theo một nghĩa, là trái với danh từ đó, vì đạo Ðấng Christ thật lấy những nguyên lý thứ nhứt từ sự khải thị, không phải chỉ riêng từ lý trí. Song thật ra có một Triết lý thật của đạo Ðấng Christ, mục đích tỏ ra thế nào đạo Ðấng Christ có thể làm thỏa những linh tánh và những sự khao khát của mọi đời. Giải nghĩa một triết học như thế là một công việc đáng một nhà triết học hiện tại có tài như Origène đời xưa.