Theo nghĩa rộng, là một người chiếm làm của mình điều gì không thuộc về mình, như ăn cắp vặt (Giăng 12:6), đánh cắp hoặc cướp trên đường cái (Lu-ca 10:30), kẻ trộm đào ngạch khoét vách (Ma-thi-ơ 6:20). Kẻ cướp đường có khi là một kẻ phá rối cuộc trị an của chính phủ La-mã, và là kẻ xui giục làm loạn giống như Ba-ra-ba (Mác 15:7), là người bị bó buộc bởi những sự cần thiết khẩn cấp, cũng như bởi sự tư dục muốn bóc lột và sống một đời trộm cướp. Dưới luật pháp Môi-se, một người trộm cắp bị bắt phải bồi thường gấp đôi số đã lấy; và nếu người không thể, thì phải tạm bán mình làm tôi mọi cho đến khi có đủ số cần. Nếu kẻ trộm vào trong nhà và đụng chạm với chủ trong bóng tối mà bị giết, thì chủ nhơn không bị tội làm đổ huyết; song nếu giết kẻ lẻn vào nhà khi mặt trời đã lên, thì chủ nhà bị tội đổ huyết đó (Xuất Ê-díp-tô ký 22:1-4).
Hai tên trộm cướp trên thập tự, theo nguyên văn Hy-lạp, là những tội nhơn nặng hơn là kẻ ăn cắp vặt, nên mới bị nghiêm trị như vậy. Một trong hai tên đó công nhận án tử hình của mình là công bình (Lu-ca 23:41); chắc ít nhứt, người cũng là tên trộm cướp (Ma-thi-ơ 27:38), và có thể là tên đạo tặc. Cả hai đều nói xấu Chúa trên thập tự (câu 44). Song cuối cùng một tên chịu cảm động về lòng nhu mì và tha thứ của Chúa Jêsus, và có lòng kính sợ Ðức Chúa Trời. Người xưng tội đã qua của mình, công nhận Chúa Jêsus không có lỗi gì, là Vua thật, và sẽ cai trị sau khi chết trên thập tự, thì quay đến Chúa Jêsus để được tiếp sau khi chết (Lu-ca 23:39-43). Vậy, tên trộm cướp nầy làm gương lớn đầu nhứt về "người ta được xưng công bình bởi đức tin, chớ không bởi việc làm theo luật pháp" (Rô-ma 3:28).