Trọn vẹn. Parfait.

         



      Kinh Thánh luận về trọn vẹn hoặc hoàn toàn có nhiều ý: hoặc là trọn lành không thiếu thốn, hoặc là bươn theo mục đích, hoặc là người nào đáng gọi hoàn toàn.
       I. Cựu Ước luận về Ðức Chúa Trời ít dùng đến tiếng trọn vẹn, song nói đạo Ngài, công việc Ngài, sự khôn ngoan Ngài, và luật pháp Ngài đều là trọn vẹn (II Sa-mu-ên 22:31; Phục truyền luật lệ ký 32:4; Gióp 37:16; Thi Thiên 19:7). Luận về sự trọn vẹn của người, thì thường so sánh với kẻ thờ hình tượng và phạm tội lỗi; vì cho rằng ai kính thờ Ðức Chúa Trời, tức là người hoàn toàn (Sáng thế ký 6:9; 17:1; Phục truyền luật lệ ký 18:13; II Sa-mu-ên 22:24; Thi Thiên 19:13), chớ không phải là người có một chút tội lỗi nào.
       II. Tân Ước. luận về ý chỉ, ơn điển, lòng từ bi, và luật pháp của Ðức Chúa Trời đều trọn vẹn (Rô-ma 12:2; Gia-cơ 1:17,25). Ðấng Christ nói người ta nên trọn vẹn như Ðức Chúa Cha (Ma-thi-ơ 5:48): thế là nói trọn vẹn tới bực cực điểm vậy. Phao-lô nói lòng yêu thương của thánh đồ nên trọn vẹn (I Cô-rinh-tô 13:; Ga-la-ti 5:22; Ê-phê-sô 3:14-19; Phi-líp 4:4-9; I Tê-sa-lô-ni-ca 5:14-23). Tín đồ nên bắt chước Chúa như chép trong Ma-thi-ơ 5:48 và Ê-phê-sô 5:1. Yêu thương là gốc mọi điều lành (Rô-ma 12:9; 13:8-10; I Cô-rinh-tô 13:) là "dây liên lạc của sự trọn lành" (Cô-lô-se 3:14). Ý Phao-lô luận về sự trọn lành không phải giống ý với Ma-thi-ơ 5:48 nói người ta nên trọn vẹn giống Ðức Chúa Cha. Theo nguyên văn tiếng Hê-bơ-rơ, thì như bực thành nhơn, sánh với trẻ con, có thể gọi là trọn lành. Vậy, nên Phao-lô xưng những người mới tin Chúa là con đỏ, người lần lần hiểu rõ đạo Chúa mà lớn lên là những kẻ trọn vẹn (I Cô-rinh-tô 2:6; 3:1; 14:20. Xem Hê-bơ-rơ 5:12; 6:1). Khi Phao-lô cao tuổi, viết về ý trọn lành là mọi sự khôn ngoan lần lần đầy đủ (Cô-lô-se 1:28; 4:12). Sứ đồ nói hễ tín đồ nào trọn vẹn (Phi-líp 3:15) phải có ý tưởng kể trong mấy câu trên, nhưng nói mình "không phải đã đến nơi trọn lành rồi đâu, chỉ là đương chạy hầu cho giựt được" (Phi-líp 3:12). Gia-cơ nói hạng người nhịn nhục đến cùng cực, nói năng không quá đáng, tức là trọn vẹn (Gia-cơ 1:4; 3:2). Thơ Hê-bơ-rơ nói trọn vẹn là nhơn Ðấng Christ chịu mọi sự khó khăn khổ sở mà được trọn vẹn để làm trọn công cuộc cứu người (Hê-bơ-rơ 2:10; 5:9; 7:28). Ðấng Christ một lần dâng mình đủ cả để làm lễ chuộc tội trọn vẹn đời đời. Thánh đồ nhờ Ngài để được trọn vẹn (Hê-bơ-rơ 10:14; 11:40; 12:23; 13:21). Còn sự trọn vẹn như có nói trong II Cô-rinh-tô 13:11; II Ti-mô-thê 3:17; và Ê-phê-sô 4:12 là ý nói Chúa ở cùng thánh đồ, không giống với sự trọn vẹn như trên đã nói.
       Tiến sĩ Scofield chú thích về nghĩa "trọn vẹn:"
       Ma-thi-ơ 5:48.-- Danh từ "trọn vẹn" chỉ về sự mở mang đầy đủ, lớn lên trong sự tin kính đã chín, chớ không phải chỉ về sự trọn vẹn vô tội. Xem Ê-phê-sô 4:12,13. Trong khúc nầy, lòng nhơn từ của Chúa Cha, không phải sự vô tội, là điểm luận tới (so Lu-ca 6:35,36).

Hội Thánh KiềnBái's blog© 2013. Được tạo và lưu trữ bởi Bùi Qúy Đôn. Tài liệu có thể được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau.