Trũng. Vallée.

         



      Trong Kinh Thánh chép về mấy trũng, như:Trũng Bê-ra-ca, nơi ngợi khen Ðức Giê-hô-va, thuộc chi phái Giu-đa, ở phía Biển Chết (II Sử ký 20:26).
       Trũng Si-điêm (Sáng thế ký 14:3). Tên Hê-bơ-rơ là Hashedim, có thể dịch là trũng giữa các ruộng, trũng phấn, và trũng muối. Xưa có Sô-đôm và Gô-mô-rơ tại trũng nầy; rồi sau miền đó trở nên Asphaltites, hoặc Biển Chết.
       Trũng Vua (Sáng thế ký 14:17; II Sa-mu-ên 18:18), theo Eusèbe, gần Giê-ru-sa-lem. Tại trũng nầy Áp-ra-ham gặp Mên-chi-xê-đéc sau khi thắng hơn năm vua đồng minh.
       Ðèo Ếch-côn, hoặc trũng Nho (Dân-số-ký 32:9). Tên nầy đặt cho trũng tại Xứ Hứa phía Nam, là nơi mười hai thám tử Y-sơ-ra-ên hái chùm nho đem đến Ca-đe (Dân-số-ký 13:23,24)
       Trũng Gít-ri-ên ( Giô-suê 18:19) trải từ Scythopolis ( thành dân Bết-Sê-an) ở phía Ðông đến chơn núi Cạt-mên ở phía Tây. Tại trũng xưa có thành Gít-rê-ên thuộc chi phái Y-sa-ca. A-háp có cung điện tại thành đó (I Các vua 21:1,23), và thành có danh tiếng vì vườn nho Na-bốt và vì Chúa báo thù Giê-sa-bên (II Các vua 9:30-37).
       Trũng A-cô ( Giô-suê 7:24) trong bờ cõi Giê-ri-cô và thuộc chi phái Bên-gia-min, là nơi A-can vì tội tham lam bị phạt ném đá. Chúa phán" trũng A-cô sẽ trở nên cửa trông cậy" (Ô-sê 2:15), tức nơi khởi sự thương xót và ban phước, làm của cầm về các ơn phước tương lai.
       Trũng Giô-sa-phát ( Giô-ên 3:2). Có người tưởng là nơi Giô-sa-phát thăng hơn dân Mô-áp, v.v.( II Sử ký 20:1,2). Trũng nầy gần Biển Chết, bên kia Thê-cô-a, và sau sự đắc thắng đó gọi là trũng Bê-ra-ca, tức trũng có phước ( II Sử ký 20:26), vì Ngài hứa cách trọng thể sẽ ban phước. Có người tưởng trũng nầy ở giữa vách tường Giê-ru-sa-lem và núi Ô-li-ve, với khe Kết-rôn ở dưới. Trái lại, có người tưởng người Hê-bơ-rơ xưa không biết đúng trũng ở đâu, và Giô-ên có ý tỏ ra ấy là nơi Ðức Chúa Trời sẽ phán xét các dân tộc, và ngày phán xét cuối cùng Chúa sẽ lấy phép tắc oai nghi mà hiện đến.
       Trũng Hi-nôm. Theo tiếng Hê-bơ-rơ là Ge Hinnom Gehenna, là chỉ về nơi chịu đau đớn vĩnh viễn, là địa ngục như dịch trong Ma-thi-ơ 5:29; 10:28; 23:15; Mác 9:43; Lu-ca 12:5. Xưa, trũng Hi-nôm làm giới hạn giữa Giu-đa và Bên-gia-min, đi qua Giê-ru-sa-lem gần đường vào cửa Gốm (Giê-rê-mi 19:2).
       Trũng của sự hiện thấy (Ê-sai 22:1), là những trũng ở dưới và chung quanh thành Sa-ma-ri, vì miền đó giàu và thổ sản nhiều. Thành Sa-ma-ri đứng trên gò mà cai trị các trũng xung quanh đó.
       Trũng của những người qua lại (Ê-xê-chi-ên 39:11). Có người tưởng ấy là đường cái lớn đi qua chơn núi Cạt-mên từ xứ Giu-đê, xứ Ai-cập, và miền người Phi-li-tin xưa, và tới xứ Phê-ni-xi ở phía Bắc. Vậy, đường đó gần bờ Ðịa trung hải phía Ðông.
       Trũng Su-cốt, bên kia sông Giô-đanh và gần thành tên đó. Tác giả Thi Thiên chỉ về cả miền bên kia sông Giô-đanh (Thi Thiên 60:6).
       Trũng Ê-la (I Sa-mu-ên 17:2). Tại đó, vua Sau-lơ và đạo binh Y-sơ-ra-ên đóng trại, là khi có lực sĩ Gô-li-át thử thách Y-sơ-ra-ên. trũng nầy ở phía Nam Giê-ru-sa-lem hướng về Sô-cô và A-xê-ca.
       Xem các bài riêng của tên những trũng kể trên.

Hội Thánh KiềnBái's blog© 2013. Được tạo và lưu trữ bởi Bùi Qúy Đôn. Tài liệu có thể được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau.