Ty-rơ. Tyrơ (hòn đá).

        



      Một thành danh tiếng và quan hệ của Phê-ni-xi rất cổ (Ê-sai 23:7); song thành được lập hoặc đến bậc quan hệ sau Si-đôn (Sáng thế ký 10:15; Ê-sai 23:12). Các thầy cả của Melkarth thuật lại cho sử gia Hérodote rằng thành được lập 2300 năm trước khi sử gia đến thăm, như vậy thành đó lập độ 2750 năm T.C.. Tùy theo lời chứng xưa, Ty-rơ nguyên lập ở trên đất chính; song theo thời gian, muốn được yên ổn chống với những kẻ vây thành, thì dời sang đảo lân cận nhiều đá, bởi đó có tên thành "Tsôr" nghĩa là vầng đá. Thành ở trên đất chính gọi là Palaetyrus. Vì Ty-rơ gần với dân Y-sơ-ra-ên, và vì sự tấn bộ nhiều hơn Si-đôn, nên khi nói đến hai thành đó thì để Ty-rơ trước và Si-đôn sau.
       Rất sớm vào thời Giô-suê, Ty-rơ đã là một nơi mạnh ở trên địa giới của A-se, song không được chia cho chi phái nào (Giô-suê 19:29; Các quan xét 1:31,32); người Y-sơ-ra-ên dường như không chiếm cứ thành đó lần nào. Trong thời Ða-vít, Ty-rơ được coi là một đồn lũy (II Sa-mu-ên 24:7). Hi-ram, vua của Ty-rơ, là bạn của Ða-vít và Sa-lô-môn, giúp đỡ Ða-vít về vật liệu để xây cất cung điện (II Sa-mu-ên 5:11; I Các vua 5:1; I Sử ký 14:1) và Sa-lô-môn, vật liệu để xây cất Ðền thờ và các tòa nhà khác (I Các vua 5:1; 9:10-14; II Sử ký 2:3,11; so Thi Thiên 45:12). Một Hi-ram khác, con một đờn bà góa về chi phái Nép-ta-li, còn cha là người Ty-rơ, thợ đúc đồng, làm hai cây trụ và các công việc khác của Ðền thờ (I Các vua 7:13,14,40,45).
       Người Ty-rơ không có khiếu về chiến tranh, song có tài buôn bán, đúc tiền, vượt biển, thực dân. Họ buôn bán với các nước khác (Ê-xê-chi-ên 27:), các thương gia Ty-rơ đều là quan trưởng, kẻ tôn trọng trên đất (Ê-sai 23:8). Vào thế kỷ thứ IX T.C., một đoàn thực dân từ Ty-rơ lập ở Carthage, và trở nên một nơi ganh đua rất mạnh với La-mã. Lại nữa, dầu chỉ có khiếu buôn bán, song có khi cũng bị ép phải chiến trận. Chừng 724 T.C., Sanh-ma-na-se, vua A-sy-ri vây thành Ty-rơ mà trước người đã đánh những thuế nặng, song chết năm 722 mà công việc chiếm cứ không thành (có lẽ Ê-sai 23:). Chừng vào thời đó đoạn tuyệt tình giao hữu giữa Ty-rơ và Y-sơ-ra-ên. Các tiên tri quở trách người Ty-rơ vì đã nộp người Y-sơ-ra-ên cho Ê-đôm (A-mốt 1:9), cướp lấy hàng hóa, và bán họ làm tôi mọi cho người Hy-lạp (Giô-ên 3:5,6). Giê-rê-mi nói tiên tri về sự phục tòng của Ty-rơ (Giê-rê-mi 27:1-11). Các lời tiên tri rất danh tiếng nghịch cùng Ty-rơ chép nhiều về các tiểu tiết, là ở Ê-xê-chi-ên (26:-28:19; 29:18-20). Những lời tiên tri của Giê-rê-mi và Ê-xê-chi-ên đó chỉ rộng về Nê-bu-cát-nết-sa vây thành Ty-rơ, kéo dài tới 13 năm. Không biết chắc Nê-bu-cát-nết-sa có chiếm phần nào trong hai thành không (so Ê-xê-chi-ên 29:18-20); nếu thật có, chắc chỉ là một trên đất chính. Năm 332 T.C., Alecxandre le Grand chiếm lấy thành ở trên cù lao sau khi vây mất 7 tháng và đã xây một đường ra biển từ đất chính qua eo chật hẹp. Song khỏi ít lâu, Ty-rơ lại phồn thịnh (so Ê-sai 23:15-18).
       Chúa ta chỉ một lần thăm viếng các bờ cõi của Ty-rơ và Si-đôn (Ma-thi-ơ 15:21-31; Mác 7:24-31), và dân sự từ các miền đó có dịp đến nơi Chúa làm chức vụ (Mác 3:8; Lu-ca 6:17). Ngài tỏ ra những trách nhiệm của các thành ngoại bang còn nhẹ hơn các nơi quanh bờ biển Ga-li-lê, là chỗ thường nghe sự giảng dạy và thấy các phép lạ (Ma-thi-ơ 11:21,22; Lu-ca 10:13,14). Có một Hội Thánh lập ở đó trong thế kỷ thứ I (Công vụ các sứ đồ 21:3-6).
       Ngày 27 tháng sáu năm 1124, Ty-rơ bị Thập Tự quân chiếm lấy, và lại mất tháng ba năm 1291. Từ đó về sau thành gần như luôn ở trong tay người Hồi giáo. Nay gọi là es-Sủr. Các tường thành đã hư nát, phần thì đổ nát, phần bị cát phủ. Trước có hai hải cảng; song nay chỉ còn dùng được cảng Si-đôn xưa. Cảng đó ở phía Ðông bắc đảo, còn cảng kia cũng gọi là cảng Ai-cập, thì bị cát lấp. Bây giờ còn đường ra biển của Alecxandre, rộng chừng 800 thước. Hầu hết các nơi đổ nát kể cả nhà thờ, đều từ thờ Thập tự quân. Các suối và hồ chứa nước gọi là Râs el-'Ain cung cấp nước cho thành nhờ một cống dẫn nước từ năm đến sáu thước cao hơn mực của đất, hầu để dốc đủ cho nước chảy xuống. Ty-rơ trải qua một thời gian dài không có người ở. Song trong thế kỷ nầy, thành đã hơi hồi lại, có chừng 3000 đến 4000 cư dân. Các nhà đều ở phía Ðông nơi trước là đảo, song đảo trước đã nhơn đường ra biển của Alecxandre xây bị cát vùi lấp mà đổi thành một mỏm đất nhô ra từ bờ biển.

Hội Thánh KiềnBái's blog© 2013. Được tạo và lưu trữ bởi Bùi Qúy Đôn. Tài liệu có thể được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau.