U-rim và Thu-mim. Urim et Thumim (sáng láng và trọn lành).

      



      Trật tự có một lần thay đổi ngược lại (Phục truyền luật lệ ký 33:8), và hai lần chỉ dùng U-rim không (Dân số ký 27:21; I Sa-mu-ên 28:6).
       Một hoặc mấy đồ vật thuộc về ê-phót của thầy tế lễ thượng phẩm để ở trên bảng đeo ngực của sự phán xét đến nỗi như ở trên trái tim của thầy tế lễ thượng phẩm khi vào trước Chúa (Xuất Ê-díp-tô ký 28:30; Lê-vi ký 8:8). Chỗ đựng có lẽ là một lớp của bảng đeo ngực hoặc một chỗ ở dưới bảng đó. Về U-rim và Thu-mim, chỉ thầy tế lễ thượng phẩm học biết ý muốn Ðức Chúa Trời trong các trường hợp đáng nghi. Phương pháp đó không dùng để hỏi ý muốn Ngài về cá nhơn, hoặc việc riêng, song chỉ dùng hỏi về dân tộc, bởi vậy, chỗ cần phải có U-rim và Thu-mim là ở trong bảng đeo ngực của sự phán xét ghi tên của mười hai chi phái Y-sơ-ra-ên trên mười hai viên ngọc. Nhờ U-rim và Thu-mim được biết ý muốn của Ðức Giê-hô-va, Ðấng Ðoán xét, về các vấn đề tư pháp, và sự ước ao của Ðức Giê-hô-va là Vua (Dân số ký 27:21; so Giô-suê 9:14; Các quan xét 1:1; 20:18,23,27,28; I Sa-mu-ên 10:22; 14:36-42; 22:10-13; 23:9-12; 28:6; 30:7,8; II Sa-mu-ên 2:1; 5:19,23,24). Ý muốn của Ðức Giê-hô-va được cầu hỏi bằng U-rim và Thu-mim, chẳng những trong nơi thánh hoặc nơi có hòm giao ước (Các quan xét 20:27,28; I Sa-mu-ên 22:10), song cũng bất cứ ở nơi nào, miễn là có thầy tế lễ đương chức có mặt tại đó. Lời đáp thường rất đơn sơ, có khi chỉ là nhận hay chối, hoặc chọn một trong các chi phái hoặc nơi song không phải bao giờ cũng vậy (I Sa-mu-ên 10:22; II Sa-mu-ên 5:23,24). Thỉnh thoảng, khi có tội lỗi làm ngừng sự thông công với Ðức Chúa Trời, thì không được lời đáp nào, (I Sa-mu-ên 14:37; 28:6). Sau đời của Ða-vít, không thấy chép gì về sự dùng U-rim và Thu-mim; và khi từ phu tù về thì không phải có thầy tế lễ với U-rim và Thu-mim nữa (E-xơ-ra 2:63; Nê-hê-mi 7:65); bởi vậy, có lẽ Josèphe sai lầm khi nói sự công dụng U-rim và Thu-mim đã thôi hai thế kỷ trước đời mình. Sự công dụng phương pháp đó là phép riêng của thầy cả thượng phẩm, và vì thầy cả đó thuộc chi phái Lê-vi nên sự được giữ U-rim và Thu-mim là sự vinh hiển của chi phái đó (Phục truyền luật lệ ký 33:8).
       Có mấy lời giải nghĩa khác nhau về U-rim và Thu-mim. Như có tìm một thứ tương tự trong một thẻ chỉ chức vụ của thầy tế lễ cả xứ Ai-cập, là quan xét cao cả, mà các nhà văn sĩ nói đã đeo, ấy để làm biểu hiệu của lẽ thật treo trên cổ bởi một sợi dây chuyền vàng. Song thầy cả Ai-cập chỉ đeo thẻ đó khi hành quyền tư pháp, và treo ở trên người nào thầy đã đoán xét mà thấy vô tội. Không có chứng cớ nào tỏ rằng thẻ đó dùng để hỏi ý muốn vị thần. Các nhà giải nghĩa khác giả định khi thầy tế lễ thượng phẩm, mặc ê-phót với U-rim và Thu-mim và dâng lời cầu nguyện, được nảy ra một ý kiến, thì căn nguyên và lẽ thật của ý đó được chứng quyết là từ Chúa bởi ánh sáng chiếu ra bất thường của các viên ngọc trên bảng đeo ngực. Bởi sự lạ thường nầy mới có chữ U-rim là ánh sáng! Cũng có gợi ý rằng lời đáp được đánh vần ra bởi những ánh sáng liên tiếp nhau của chữ thành những tên riêng trên các viên ngọc. Song không nói gì về thực sự rằng cả vần chữ cái không có đủ trong các tên đó, và trong nhiều lời chép đáp lại có chữ cái không thấy trên các viên ngọc. Vậy, toàn thể ý trên dường như giống những phép lạ giả mạo của các thầy tế lễ Hy-lạp và La-mã, và không thuận hiệp với các phương pháp và ý kiến của lễ nghi Hê-bơ-rơ.
       Chỉ có hai thuyết lý là quan hệ: 
             (1) U-rim và Thu-mim là một hoặc mấy thứ đeo thêm vào ê-phót và có thể tháo ra, được dùng như là một thăm, ném như con súc sắc, và khi rớt xuống thì bày tỏ ý muốn của Ðức Chúa Trời. Ấy thật là nghĩa đúng, song thiếu bằng chứng. Có cớ để binh vực là thực sự bắt thăm hai lần nói đến trong sự hiệp tác chặt chẽ với cách tìm sự khải thị bởi U-rim và Thu-mim (I Sa-mu-ên 10:19-22; 14:37-42). Trong khúc thứ hai, Sau-lơ cầu nguyện: "Xin hãy ban cho thăm trọn vẹn" câu 41; lời chua); chữ thamim được dùng, và được giả định đọc là thumim và như vậy làm cho U-rim và Thu-mim thành một thăm thánh. Song trong hai trường hợp nói trên, sự bắt thăm là một việc riêng biệt với sự cầu hỏi ý muốn của Chúa, và có mục đích khác với sự người hỏi ý kiến.
             (2) U-rim và Thu-mim không có sự tỏ ra bề ngoài, song dùng như một biểu hiệu. Thầy tế lễ cả mặc ê-phót với U-rim và Thu-mim làm dấu chỉ rằng người có phép tắc để nhận ánh sáng và lẽ thật, như tên chỉ ra, hầu cho thầy tế lễ được biết mưu định của Ðức Giê-hô-va bằng một lối của Ngài đã chỉ định cho. Thầy tế lễ đặt vấn đề cách khiêm nhường ở trước mặt Ðức Chúa Trời trong sự cầu nguyện; lời đáp hiện ra trong trí; người tin rằng lời đáp là đúng vì người cầu hỏi tùy theo lối Ðức Chúa Trời chỉ định, và vì người có lời Ðức Chúa Trời hứa cho sẽ nhận lãnh ánh sáng và lẽ thật. Ðức tin trong Ðức Chúa Trời là chứng cớ của những vật không thấy. Lời giải nghĩa nầy về sự dùng U-rim và Thu-mim thuận hiệp với sự thuộc linh của cả toàn thể lễ nghi ở Ðền tạm. Lời đáp là sự sáng ở bên trong, không có một dấu hiệu nào ở ngoài, và đi đôi với sự các khải thị tỏ cho các tiên tri.
       Tiến sĩ Scofield chú thích về U-rim và Thu-mim như sau:
       Xuất Ê-díp-tô ký 28:30.-- U-rim và Thu-mim, có nghĩa "những ánh sáng và các sự trọn lành." Có người cho rằng hai chữ đó chỉ là một tên liền nhau chỉ về các viên ngọc ở trên bảng đeo ngực đến nỗi hiệu quả tổng cộng của mười hai viên đó được tỏ ra là "những ánh sáng và các sự trọn lành" về Ngài là Ðấng mà thầy tế lễ thượng phẩm dòng A-rôn làm hình bóng. So Lê-vi ký 8:8. Dường như kết luận rằng "U-rim và Thu-mim" là thêm vào các viên ngọc của bảng đeo ngực. Dùng U và T quan thiệp với nhau, bằng một lối không tỏ rõ ràng, với sự được quyết chắc ý muốn Ðức Chúa Trời trong các trường hợp đặc biệt (Dân số ký 27:21; Phục truyền luật lệ ký 33:8; I Sa-mu-ên 28:6; E-xơ-ra 2:63).

Hội Thánh KiềnBái's blog© 2013. Được tạo và lưu trữ bởi Bùi Qúy Đôn. Tài liệu có thể được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau.