Ðức Thánh Linh. Saint Esprit.

      



      I. Ðịnh nghĩa.-- Danh hiệu "Linh," hoặc "Thánh Linh Ðức Chúa Trời," hoặc "Ðức Thánh Linh" tìm thấy trong phần rất lớn các sách Kinh Thánh. Nguyên văn Cựu Ước, chữ Hê-bơ-rơ dùng như nhau về Ðức Thánh Linh như chỉ về "Thánh Linh" Ðức Chúa Trời là ruah (trên chữ u có dấu -), có nghĩa là "hơi thở," "gió," hoặc "gió hiu hiu," và chỉ dùng trong sách Hiphil động từ nghĩa là "thở," "thổi," "có chỗ để thở" "rộng rãi" v.v.. Chữ Hy-lạp bao giờ cũng dùng trong Tân Ước về Thánh Linh là pneúma. Trong Tân Ước cũng chép "Thánh Linh của Ðức Chúa Trời" "Thánh Linh của Chúa," "Thánh Linh của Cha" "Thánh Linh của Chúa Jêsus," "Thánh Linh của Ðấng Christ." Lời dùng về Thánh Linh bằng tiếng Hy-lạp là từ động từ pnéo (trên chữ o có dấu -), tức  "thở" "thổi". Tiếng ritus, tức "thần linh."
       II. Luận về Ðức Thánh Linh đời Cựu Ước.-- Ðây là l ối dùng ruah (trên chữ u có dấu -) trong Cựu Ước, từ nguyên nghĩa "gió," hoặc "thở:" 
       (1) Nguyên lý của chính sự sống; theo nghĩa đó chỉ về trật của sanh hoạt lực, như: "Hơi thở tôi bay đi; các ngày tôi hầu hết" (Gióp 17:1; so Các quan xét 15:19; I Sa-mu-ên 30:12). 
       (2) Chỉ về những tình cảm người như giận dữ (Các quan xét 8:3; Châm Ngôn 29:11), ước ao (Ê-sai 26:9), can đảm (Giô-suê 2:11), 
       (3) trí thức (Xuất Ê-díp-tô ký 28:3; Ê-sai 29:24); (4) Tánh nết thường (Thi Thiên 34:18; 51:17; Châm Ngôn 14:29; 16:18; 29:23).
       Thánh Linh quan thiệp với Ðức Chúa Trời.-- Vì hơi thở người là phần vô hình của người và làm đại biểu cho sanh hoạt lực, sự sống và hoạt động của người, nên dễ đổi lấy ý về Ðức Chúa Trời để thử bày tỏ việc hành động cương quyết Ngài đối với người và cõi thiên nhiên. Vậy, Thánh Linh của nhờ nghĩa ruah (trên chữ u có dấu -) , là hơi thở người, vốn chỉ về sự hoạt động và quyền Ðức Chúa Trời (Ê-sai 31:3) như so sánh với sự yếu đuối xác thịt.
       Nay xem xét đến Thánh Linh Ðức Chúa Trời có quan thiệp với chính Ðức Chúa Trời trong Cựu Ước. Các trước giả Kinh Thánh không triết học hóa bản tánh Ðức Chúa Trời của Thánh Linh. Dầu vậy, họ giữ một sự phân biệt rõ ràng giữa thần linh và xác thịt, hoặc một hình thể vật chất nào khác. Lại nữa, thấy trong Cựu Ước, cả hai một là sự đồng nhứt của Ðức Chúa Trời và Thánh Linh Ðức Chúa Trời, và cũng có một sự phân biệt rõ ràng ở giữa. Sự đồng nhứt thấy ở trong Thi Thiên 139:7; tại đó xưng rõ sự vô sở bất tại của Thần Linh, và trong Ê-sai 63:10; Giê-rê-mi 31:33; Ê-xê-chi-ên 36:27. Dầu vậy, trong một số lớn các khúc, Ðức Chúa Trời và Thánh Linh của Ðức Chúa Trời không thể suy tưởng là đồng nhứt được, như trong Sáng thế ký 1:2; 6:3; Nê-hê-mi 9:20; Thi Thiên 51:11; 104:29, v.v.. Lẽ tự nhiên, điều nầy không có ý nói Ðức Chúa Trời và Thánh Linh của Ðức Chúa Trời là hai Ðấng khác nhau trong tư tưởng các trước giả Cựu Ước, song chỉ là Thánh Linh có những việc thuộc chính Ngài khác với Ðức Chúa Trời hoạt động, nhứt là khi công việc đặc biệt, với ý làm trọn mục đích đặc biệt và ý định của Ðức Chúa Trời. Thánh Linh giáng trên mấy cá nhơn để làm trọn những mục đích đặc biệt. Thánh Linh như vậy là Ðức Chúa Trời ngự trong người và thế gian. Như thiên sứ của Ðức Giê-hô-va, hoặc thiên sứ của Giao ước trong mấy chỗ kia chỉ về chính Ðức Giê-hô-va là Ðấng Ngài sai đến, cũng một lẽ ấy, Thánh Linh của Giê-hô-va là cả Giê-hô-va ngự trong và trên người, và cùng một lúc là Ðấng Giê-hô-va sai đến cùng người (Xem tiếp trang 1856).
       Thánh Linh đối với người.-- Ðức Chúa Trời dựng nên trời đất, có "Thần Ðức Chúa Trời vận hành trên mặt nước" (Sáng thế ký 1:2). Hình ảnh mô tả Thánh Linh như một chim đang xòe cánh, ủ ấp (so Phục truyền luật lệ ký 32:11). Tại đây, từ chỗ vực thẳm buổi đầu tiên, Ðức Thánh Linh đem lại trật tự và sự tốt đẹp cùng dẫn dắt những thế lực của thế gian hướng về đích của một vũ trụ có thứ tự. Lại nữa, trong Thi Thiên 104:28-30, Ðức Chúa Trời đã sai Thánh Linh Ngài ra, và các vật hữu hình được có "Chúa sai Thần Chúa ra, chúng nó được dựng nên; Chúa làm cho mặt đất ra mới." Trong Gióp 26:13, sự tốt đẹp của các từng trời cũng do bởi Thánh Linh: "Thần Chúa điểm trang các từng trời." Trong Ê-sai 32:15, sa mạc trở nên một cánh đồng màu mỡ, ấy là kết quả của sự Thánh Linh đổ ra.
       Sau thấy Thánh Linh ban năng lực tự nhiên cho cả phần xác lẫn phần trí. Trong Sáng thế ký 2:7, Ðức Chúa Trời làm căn nguyên sự sống người về phần xác và trí bằng cách "hà sanh khí vào lỗ mũi" người. Trong Dân số ký 16:22, Ðức Chúa Trời là "Chúa của Thần linh mọi xác thịt." Trong Xuất Ê-díp-tô ký 28:3; 31:3; 35:31 chép "sự khôn ngoan, sự thông sáng để làm mọi thứ nghề thợ" là ơn Ðức Chúa Trời ban cho bởi Thần Ngài. Sự sống thân thể là nhờ sự hiện diện của Thần Ðức Chúa Trời (Gióp 33:4); và Ê-li-hu xưng rằng: "Hơi thở của Ðấng Toàn năng ban cho tôi sự sống" (Gióp 33:4). Cũng xem Ê-xê-chi-ên 37:14; 39:29. Vậy, theo Cựu Ước, về mọi phần của sanh mạng người, thân thể, trí và thần linh, đều nhờ sự hoạt động trực tiếp của Thần Ðức Chúa Trời. Trong Sáng thế ký 6:3 chép: "Thần Ngài sẽ chẳng hằng ở trong loài người luôn." Những tài năng lớn của người đều nhờ Thánh Linh mà có, như Giô-sép có tài cai trị nước (Sáng thế ký 41:38), Giô-suê có tài chiến trận (Dân số ký 27:18), bảy mươi trưởng lão cai trị (Dân số ký 11:17). Bết-sa-lê-ên và Ô-hô-li-áp có tài chế tạo (Xuất Ê-díp-tô ký 31:2-6). Còn việc cần yếu hơn nữa là Ðức Thánh Linh giúp người làm điều lành (Nê-hê-mi 9:20; Thi Thiên 51:11; 143:10; Ê-xê-chi-ên 36:27), và phản đổi kẻ bội nghịch (Sáng thế ký 6:3; Nê-hê-mi 9:30; Ê-sai 63:10).
       Ðối với các quan xét và chiến sĩ.-- Y-sơ-ra-ên kêu cầu Ðức Giê-hô-va thì Ngài dấy lên một người giải cứu họ là -t-ni-ên: "Thần của Ðức Giê-hô-va cảm động người, người đoán xét Y-sơ-ra-ên" (Các quan xét 3:10). Ghê-đê-ôn cũng vậy (6:34); "Thần của Ðức Giê-hô-va cảm hóa (nghĩa văn tự: mặc như áo) Ghê-đê-ôn." Trong 11:29: "Thần của Ðức Giê-hô-va cảm động Giép-thê," và 13:25; "Thần của Ðức Giê-hô-va khởi cảm động Sam-sôn," sau trong 14:6: "Cảm động Sam-sôn rất mạnh." Trong I Sa-mu-ên 16:14, thấy: "Thần Ðức Giê-hô-va lìa khỏi Sau-lơ." Trong các trường hợp nầy thấy Thánh Linh ban cho những tài năng, không kể đến tánh nết đạo đức của người nhận. Mục đích là quan thiệp về nước thần quyền không phải về cá nhơn nào, và tỏ ra giao ước giữa Chúa và Y-sơ-ra-ên. Trong mấy chỗ khác Ðức Thánh Linh dùng sức lực trên thân thể một cách trực tiếp hơn (II Các vua 2:16; Ê-xê-chi-ên 2:1,2; 3:12).
       Ðối với các tiên tri.-- Người Do-thái cho chức tiên tri là công hiệu đặc biệt của Ðức Thánh Linh, vì các tiên tri là người được Ðức Thánh Linh khải thị, bèn có thể nói được ý chỉ của Ðức Chúa Trời, hệt như đại biểu của Ngài (Phục truyền luật lệ ký 34:10; A-mốt 3:7; Mi-chê 3:8). Vậy, các tiên tri là người được cảm động bởi Ðức Thánh Linh (Ô-sê 9:7), nên có phép phán: "Ðức Chúa Trời phán như vầy:" Vì sứ mạng mình là trực tiếp từ Thần Ngài (Ê-xê-chi-ên 2:2; 8:3; 11:1,24; 13:3).
       Ðối với dân lựa chọn.-- Ðức Chúa Trời lựa người Y-sơ-ra-ên làm dân Ngài, ơn đặc biệt Ngài ban cho họ tức là Ðức Thánh Linh hằng ở giữa họ vậy (Nê-hê-mi 9:20; Ê-sai 63:11). Ngoài những người vẫn thường thường được xưng là tiên tri, cũng còn các lãnh tụ khác được xưng như vậy, tỉ dụ Áp-ra-ham (Sáng thế ký 20:7), Môi-se (Phục truyền luật lệ ký 18:15), Mi-ri-am (Xuất Ê-díp-tô ký 15:20), và Ðê-bô-ra (Các quan xét 4:4). Vả, Ðức Thánh Linh lại giáng lâm cùng vua Ða-vít nữa (II Sa-mu-ên 23:2; I Sa-mu-ên 16:13).
       Ðối với Ðấng Mê-si.-- Mê-si là Ðấng được đầy dẫy Ðức Thánh Linh cách đặc biệt và chịu Ðức Giê-hô-va "xức dầu" và Ðức Thánh Linh ngự trên Ngài (Ê-sai 11:1-5; 61:1). Cho nên người Do-thái mong rằng khi nước Ðấng Mê-si lập thành, sẽ có Ðức Thánh Linh giáng lâm khắp cả. Bấy giờ, chẳng những tiên tri có Ðức Thánh Linh mà đến cả những người Y-sơ-ra-ên cũng sẽ có nữa (Ê-xê-chi-ên 39:29; Giô-ên 2:28,29; Xa-cha-ri 12:10). Về sau thấy Ðấng Mê-si trở nên xác thịt, và bà Ma-ri chịu thai bởi Ðức Thánh Linh mà sanh ra (Ma-thi-ơ 1:18; Lu-ca 1:35), và trước khi Chúa hành chức vụ cách công khai, thấy Ðức Thánh Linh xuống như chim bò câu đậu trên Ngài (Ma-thi-ơ 3:16; Mác 1:10). Ðức Thánh Linh giúp Ðấng Mê-si làm hoàn thành chức vụ Ngài trên đất (Ma-thi-ơ 4:11; Lu-ca 4:1,14; 11:20; Hê-bơ-rơ 9:14).
       III. Luận về Ðức Thánh Linh đời Tân Ước.-- Chúa Jêsus ở thế gian thường bảo môn đồ chờ đợi Ðức Thánh Linh mà Ðức Chúa Trời hứa cho (Lu-ca 24:49; Công vụ các sứ đồ 1:4,5,8). Ngài phán cùng môn đồ rằng: "Ta lại sẽ nài xin Cha, Ngài sẽ ban cho các ngươi một Ðấng yên ủi khác,... tức là Ðức Thánh Linh mà Cha sẽ nhơn danh ta sai xuống..." (Giăng 14:16,26). Lại phán: "Khi nào Ðấng Yên ủi sẽ đến, là Ðấng bởi Cha sai xuống..." (Giăng 15:26; 16:7), "Ngài dẫn các ngươi vào mọi lẽ thật" (Giăng 16:13). Vì là Thánh Linh của Chúa Cha (I Cô-rinh-tô 2:10-12; II Cô-rinh-tô 1:22; 5:5; Ê-phê-sô 4:30), từ Chúa Cha mà đến (Giăng 15:26). Chúa Cha dùng Ðức Thánh Linh khiến Chúa Jêsus sống lại; Ðức Thánh Linh cũng sẽ khiến cho môn đồ sống lại (Rô-ma 8:11). Thánh Linh của Chúa Cha cũng giúp người được sạch, nên thánh, và được xưng công bình (I Cô-rinh-tô 6:11). Phàm những người được Ðức Thánh Linh của Ðức Chúa Trời dẫn dắt đều có phép gọi Ðức Chúa Trời là Cha (Rô-ma 8:14-16; Ê-phê-sô 2:18). Nhưng Thánh Linh cũng là Thánh Linh của Ðấng Christ (Ga-la-ti 4:6; II Cô-rinh-tô 3:17; Công vụ các sứ đồ 16:7; Phi-líp 1:19; Rô-ma 8:9; I Phi-e-rơ 1:11), sẽ vâng mạng Ðấng Christ mà đến (Giăng 14:26), và làm chứng cho Ðấng Christ (Giăng 15:26; 16:14). Cho nên Thánh Linh mới có thể đưa ơn cứu rỗi của Ðấng Christ vào lòng người (Giăng 14:17,18). Phàm ai hối cải mà chịu lễ báp-têm, cũng được ơn ban của Ðức Thánh Linh (Công vụ các sứ đồ 2:38), và nhờ sự tái sanh bởi Ðức Thánh Linh sẽ được vào nước Ðức Chúa Trời (Giăng 3:5). Vả, Ðức Thánh Linh chẳng những cảm động thôi, lại có thần cách nữa nên có thể dạy dỗ người ta (Giăng 14:26), yên ủi người ta (Công vụ các sứ đồ 9:31), ngăn cấm người ta (Công vụ các sứ đồ 16:6,7), để riêng và sai khiến người (Công vụ các sứ đồ 13:2), và sắp đặt mọi sự (Công vụ các sứ đồ 15:28). Nếu nói dối Ðức Thánh Linh tức nói dối Ðức Chúa Trời (Công vụ các sứ đồ 5:3). Kẻ nào nói phạm đến Ðức Thánh Linh thì tội chẳng được tha đâu (Ma-thi-ơ 12:31; Hê-bơ-rơ 6:4,5,6; 10:29). Thánh Linh đã đến thì sẽ khiến thế gian tự cáo về tội lỗi, về sự công bình và về sự phán xét (Giăng 16:8-11).
       IV. Luận về yếu chỉ Ðức Thánh Linh ở Hội Thánh.-- Ðạo Ðấng Christ luận về Ðức Thánh Linh chẳng những căn cứ ở Kinh Thánh thôi, mà lại từ nơi Hội Thánh hằng được kinh nghiệm và chịu cảm động mà ra nữa.
       a) Ðức Thánh Linh ở Cựu Ước (Thi Thiên 139:7) dầu có quan hệ đặc biệt với người Y-sơ-ra-ên, song ở trong Hội Thánh Ðấng Christ, sự cảm động của Ngài thì khác hẳn ngày xưa. Rất đỗi Giăng nói rằng, trước ngày lễ Ngũ tuần Ðức Thánh Linh còn chưa giáng lâm (Giăng 7:39). Vậy, nên người nào không ở trong Ðấng Christ thì không biết Ðức Thánh Linh. Ngày lễ Ngũ tuần, Ðức Thánh Linh đầy dẫy khắp nhà môn đồ ngồi, các môn đồ đều khởi sự nói các thứ tiếng khác (Công vụ các sứ đồ 2:1-4). Có kẻ không được Thánh Linh thì nhạo báng họ (2:13). Phao-lô nói: Hội Thánh cho sự nói tiên tri và giảng đạo là cần yếu hơn nói các thứ tiếng (I Cô-rinh-tô 12:28-31; 14:1-5). Nhưng khi chịu lễ báp-têm, Ðấng Christ cũng chịu Ðức Thánh Linh ban ơn đầy dẫy (Mác 1:10). Ðức Thánh Linh giáng lâm Hội Thánh, Hội Thánh liền từ trong sự dư dật của Chúa Jêsus nhận lãnh ơn lớn (Giăng 10:10; Ê-phê-sô 3:14-19; 4:13).
       b) Ðấng Christ giáng sanh, Hội Thánh đã biết Ðức Thánh Linh ở trong Ðấng Christ chẳng những là người, mà cũng là Thần nữa (Rô-ma 1:4; II Cô-rinh-tô 8:9; Ga-la-ti 4:4; Phi-líp 2:5-11; Cô-lô-se 2:9). Phe Do-thái của Hội Thánh chẳng tin lẽ đạo đó, nên lần lần lìa bỏ Hội Thánh. Song Phao-lô bền đổ nhờ cậy ơn cứu rỗi của Ðấng Christ, nhờ Ðức Thánh Linh mà được năng lực mới. Vì biết trừ sự tin cậy Ðấng Christ ra, không có phương pháp gì khác có thể khiến người đời và Ðức Chúa Trời hòa thuận lại được (Ga-la-ti 4:5,6; 6:15; II Cô-rinh-tô 3:17,18; 5:19).
       c) Hiệp một với Ðấng Christ.-- Tiên tri đời xưa chỉ nói có lúc thì chịu Thánh Linh cảm động, lúc thì không chịu Ngài cảm động. Duy Hội Thánh vì chịu Ðức Thánh Linh cảm động, nên có thể ở trong Chúa, được trọn lành và hiệp làm một (Giăng 17:23). Vậy, nên có thể nói rằng Hội Thánh có sự giao thông với Ðức Thánh Linh (II Cô-rinh-tô 13:13; Phi-líp 2:1). Xét những điều trong sách Công vụ các sứ đồ toàn là bày tỏ công hiệu của Ðức Thánh Linh, ngay trong các thơ tín cũng hằng tìm kiếm giảng giải về Ðức Thánh Linh cảm động Hội Thánh thể nào.
       d) Ơn ban thuộc linh.-- Hội Thánh tức là thân thể của Chúa Jêsus (Ê-phê-sô 1:23; 2:16-20; 4:16; I Cô-rinh-tô 12:12). Toàn thân thể đều uống chung một Thánh Linh (I Cô-rinh-tô 12:13; Ê-phê-sô 2:18; 4:4). Người ta không có Ðức Thánh Linh cảm động, thì tất không xưng được Chúa Jêsus làm chủ (I Cô-rinh-tô 12:3). Trái quí hơn hết của Ðức Thánh Linh tức là sự yêu thương (I Cô-rinh-tô 12:31; 13:). Vậy, phải nên tìm sự yêu thương, và ước ao ơn ban thuộc linh (I Cô-rinh-tô 14:1). Môn đồ được ơn không riêng một thứ, song tùy theo lượng ban cho của Ðấng Christ (Ê-phê-sô 4:7,11; Rô-ma 12:6,7,8; I Cô-rinh-tô 12:8-11,28). Coi vậy, thì Ðức Thánh Linh tỏ rõ ở trên thân người ta là cốt khiến cho ai nấy đều được ích lợi (I Cô-rinh-tô 12:7, 14-20; Ê-phê-sô 4:16).
       đ) Sự khải thị của Ðức Thánh Linh.-- Trong các ơn ban của Ðức Thánh Linh, có một tài năng là nói tiên tri (I Cô-rinh-tô 12:10,28; Công vụ các sứ đồ 11:27; 13:1; 21:10; I Ti-mô-thê 1:18; 4:14). Tiên tri Cựu Ước xưa có thể tỏ rõ được ý chỉ của Ðức Chúa Trời (Hê-bơ-rơ 1:1). Tiên tri của Tân Ước cũng vậy, vì Kinh Thánh đều do Ðức Chúa Trời khải thị, tức là do Thánh Linh soi dẫn (II Ti-mô-thê 3:16; II Phi-e-rơ 1:21). Sứ đồ đã được đầy dẫy Ðức Thánh Linh, nên các sách Sứ đồ làm ra cũng đều do Ðức Thánh Linh khải thị.
       e) Khi được Ðức Thánh Linh có phép đặt tay (Hê-bơ-rơ 6:2). Nguồn gốc phép nầy là từ Cựu Ước (Dân số ký 8:10,12; 27:18,23; Sáng thế ký 48:14,15). Ðấng Christ chúc phước cho con nít cũng như vậy (Mác 10:16). Sứ đồ đặt tay là tỏ ra Ðức Thánh Linh xức dầu phong người ta làm chức gì (I Ti-mô-thê 4:14; 5:22; II Ti-mô-thê 1:6; Công vụ các sứ đồ 6:6; 8:17; 19:6).
       Thánh Linh quan thiệp với Ðức Chúa Trời.--
       Vả lại, dầu Cựu Ước không chép rõ Ðức Thánh Linh là ngôi thứ ba như Tân Ước, nhưng thấy dọn đường về ý đó, như tỏ ra trong Thi Thiên 139:7; Ê-sai 63:10; 48:16; A-ghê 2:5; Xa-cha-ri 4:6. Thánh Linh bị buồn rầu, mất lòng, .v.v., và như lối khác, thì tỏ ra là một Ngôi vị.
       Trong Cựu Ước có hai chỗ chép đến hai chữ "Thánh Linh" (Thi Thiên 51:11), và "Thần thánh" (Ê-sai 63:10), đều chỉ về Thần Linh Chúa, còn các chỗ khác phần nhiều nói là Thần hoặc Thần Linh.
       Tiến sĩ Scofield chú thích về Ðức Thánh Linh như sau nầy:
       Thi Thiên 51:11.-- Không có tín đồ nào thuộc thời đại ơn điển nầy, biết lời hứa về Ðức Thánh Linh ở với (Giăng 14:16), nên cầu nguyện: "đừng cất khỏi tôi Thánh Linh Chúa" (Ê-phê-sô 4:30); dầu địa vị tín đồ chưa thấy ở đây, song sự từng trải của tín đồ thật có.
       Giăng 14:16.-- Tiếng Hy-lạp Parakletos, "Ðấng được gọi đến bên cạnh giúp đỡ." dịch là "Ðấng cầu thay" (I Giăng 2:1). Ðấng Christ là Paraclet của tín đồ đối với Chúa Cha khi người phạm tội; Ðức Thánh Linh là Paraclet ngự trong tín đồ để giúp đỡ khi họ ngu dốt và yếu đuối, và cầu thay cho (Rô-ma 8:26,27). Xem bài "Ðức Thánh Linh," lẽ đạo Tân Ước (Ma-thi-ơ 1:18; Công vụ các sứ đồ 2:4).
       Ga-la-ti 5:22.-- Tánh của tín đồ Ðấng Christ không phải chỉ là đạo đức hoặc đúng với luật pháp thôi, song là sự có và sự ra chín ơn điển: yêu thương, vui mừng, bình an, -- đức tánh ở trong; nhịn nhục, nhơn từ, hiền lành, -- đức tánh tỏ ra đối với người; trung tín, mềm mại, tiết độ,--đức tánh tỏ ra đối với Ðức Chúa Trời. Xét chung những ơn đó bày tỏ một hình đạo đức của Ðấng Christ, và có thể coi như là lời giải nghĩa của Sứ đồ trong Ga-la-ti 2:20; "Không phải tôi, song Ðấng Christ," và là một định nghĩa cho "trái" của Giăng 15:1-8. Tánh nầy có thể nhờ sự hiệp một thiết yếu của tín đồ với Ðấng Christ (Giăng 15:5; I Cô-rinh-tô 12:12,13), và hoàn toàn là trái của Thánh Linh trong các tín đồ đã dâng mình cho Ngài (Ga-la-ti 5:22,23).
       Công vụ các sứ đồ 2:4.-- Ðức Thánh Linh là một Ngôi vị Ðức Chúa Trời. Xem ở dưới.
       Công vụ các sứ đồ 19:2.-- Không phải là "Từ khi anh em tin" song theo bản Anh sửa lại và lời chua: "Anh em đã nhận Ðức Thánh Linh khi anh em tin chăng?" Phao-lô rõ ràng cảm biết rằng không có sự thuộc linh hoặc quyền phép trong những người xưng mình là tín đồ như vậy. Lời đáp của họ bày tỏ thực sự rằng họ là những người Do-thái nhập đạo, môn đồ của Giăng Báp Tít, ngưỡng trông một Vua hầu đến, không phải là các tín đồ Ðấng Christ đoái trông lại một sự cứu chuộc trọn vẹn, xem Rô-ma 8:9; I Cô-rinh-tô 6:19; Ê-phê-sô 1:13. Lời chua.
       Công vụ các sứ đồ 10:44.-- Câu 44 là một trong những điểm trục của Kinh Thánh. Từ trước đến đây, Tin lành giảng cho người Do-thái thôi, và Ðức Thánh Linh ban cho các người Do-thái tin Chúa là bởi sự trung gian của Sứ đồ. Song nay đã đến trật tự thường của thời đại ơn điển nầy: Ðức Thánh Linh được ban xuống không trì hoãn, không cần trung gian, hoặc điều kiện nào khác hơn là chỉ tin Chúa Jêsus Christ. So Công vụ các sứ đồ 2:4, lời chua I Cô-rinh-tô 6:19.
       Công vụ các sứ đồ 2:4.-- Sự khải thị tuần tự về Ðức Thánh Linh.
       Lu-ca 11:13.-- Thật rõ ràng không một tín đồ nào có lẽ trừ ra Ma-ri ở Bê-tha-ni đã xin Thánh Linh trong đức tin của lời hứa nầy. Ấy là một điều mới và ngạc nhiên cho người Do-thái, trước khi Giô-ên 2:28,29 được ứng nghiệm, thì mọi người có thể nhận lãnh Ðức Thánh Linh. Chỉ Ma-ri trong vòng các môn đồ hiểu được lời lặp đi lặp lại về sự chết và sự sống lại của chính Ngài (Giăng 12:3-7). Ngoài Ma-ri, không một môn đồ nào ngoài Phi-e-rơ, và chỉ mình người xưng trong sự xác tín lớn (Ma-thi-ơ 16:17), tỏ ra một tia sáng của sự trí thức thuộc linh cho đến chừng sau sự sống lại của Ðấng Christ và sự ban Ðức Thánh Linh (Giăng 20:22; Công vụ các sứ đồ 2:1-4). Trở ngược đến lời hứa trong Lu-ca 11:13 là quên lễ Ngũ tuần, và không biết lẽ thật mà nay mỗi tín đồ có Ðức Thánh Linh ngự ở trong (Rô-ma 8:9,15; I Cô-rinh-tô 6:19; Ga-la-ti 4:6; I Giăng 2:20,27). Xem Công vụ các sứ đồ 2:4, lời chua.
       Giô-ên 2:28.-- So Công vụ các sứ đồ 2:17 có một sự giải nghĩa đặc biệt về "Sau đó" (Hê-bơ-rơ: acherith tức "sau rốt," "cuối cùng." "Sau đó" trong Giô-ên 2:28 có nghĩa là "trong những ngày sau rốt" (Hy-lạp: eschatos) và có một sự ứng nghiệm từng phần và liên tiếp trong những "ngày sau rốt," và khởi với sự giáng lâm thứ nhứt của Ðấng Christ (Hê-bơ-rơ 1:2), song sự ứng nghiệm lớn hơn phải chờ "những ngày sau rốt," ứng dụng cho Y-sơ-ra-ên. Xem Công vụ các sứ đồ 2:17, lời chua, cho câu "những ngày sau rốt."
       Xa-cha-ri 10:1.-- So Ô-sê 6:3; Giô-ên 2:23-32; Xa-cha-ri 12:10. Ðây có cả nghĩa về phần vật chất và phần thuộc linh. Mưa như hồi xưa sẽ được lập lại cho Pha-lê-tin, song cũng có một sự đổ Ðức Thánh Linh lớn lao trên cả Y-sơ-ra-ên được lập lại.  Công vụ các sứ đồ 2:4.-- Ðức Thánh Linh quan thiệp với tín đồ. Xem ở dưới.
       Công vụ các sứ đồ 2:4.-- Ðức Thánh Linh quan thiệp với Ðấng Christ.
       Công vụ các sứ đồ 2:4.-- Ðức Thánh Linh quan thiệp với Hội Thánh.
       Rô-ma 8:2.-- Cho tới đây trong Rô-ma, Ðức Thánh Linh chỉ được chép đến một lần (Rô-ma 5:5); trong đoạn nầy nói đến Ngài 19 lần. Sự cứu chuộc bởi huyết và quyền phép (Xuất Ê-díp-tô ký 14:30, lời chua). Rô-ma 3:21-5:11 nói về giá cứu chuộc; Rô-ma 8: về quyền phép cứu chuộc.
       Công vụ các sứ đồ 2:4.-- Tội chống với Thánh Linh.
       Giu-đe 23.-- Ðức Thánh Linh đắc thắng hơn xác thịt. xem bài Xác Thịt.
       Sáng thế ký 24:66.-- Ê-li-ê-se hình bóng về Ðức Thánh Linh, xem bài Ðầy Tớ.
       Công vụ các sứ đồ 2:4.-- Những hình bóng về Ðức Thánh Linh.
       Ma-la-chi 2:15.-- Tóm tắt lẽ đạo Cựu Ước về Ðức Thánh Linh. 
       (1) Ngôi vị và Thần tánh của Ðức Thánh Linh tỏ ra từ các thuộc tánh chỉ về Ngài và từ công việc Ngài. 
       (2) Ðức Thánh Linh được tỏ ra như dự phần công việc sáng tạo và bởi đó vô sở bất năng (Sáng thế ký 1:2; Gióp 26:13; 33:4; Thi Thiên 104:30); và vô sở bất tại (Thi Thiên 139:7), như chiến đấu với người (Sáng thế ký 6:3), và soi sáng (Gióp 32:8); ban cho tài khéo chế tạo (Xuất Ê-díp-tô ký 28:3; 31:3); ban cho sức mạnh thân thể (Các quan xét 14:6,19); tài khéo hành động và khôn ngoan (Các quan xét 3:10; 6:34; 11:29; 13:25); khiến cho có thể nhận và nói ra những sự khải thị của Ngài (Dân số ký 11:25; II Sa-mu-ên 23:2); và xét chung, là ban quyền cho các tôi tớ Ðức Chúa Trời (Thi Thiên 51:12; Giô-ên 2:28; Mi-chê 3:8; Xa-cha-ri 4:6). 
       (3) Người được xưng là thánh (Thi Thiên 51:11), tốt lành (Thi Thiên 143:10); "Thần công bình và thần thiêu đốt" (Ê-sai 4:4), của Ðức Giê-hô-va, của sự khôn ngoan, thông sáng, mưu toan, mạnh sức, hiểu biết và kính sợ Ðức Giê-hô-va (Ê-sai 11:2), và của ơn điển và sự nài xin (Xa-cha-ri 12:10). 
       (4) Trong Cựu Ước, Thánh Linh hành động có quyền cao cả tự do, giáng trên người và cũng trên một vật cầm như Ngài muốn, không có điều kiện tỏ ra (như trong Tân Ước) bởi bằng lòng theo mà người nào có thể nhận Thánh Linh. Sự ngự trong mỗi tín đồ bởi Thánh Linh ở với là một phước lành của Tân Ước, kết quả nhờ sự chết và sự sống lại của Ðấng Christ (Giăng 7:39; 16:7; Công vụ các sứ đồ 2:33; Ga-la-ti 4:1-6). Trong Cựu Ước, có mấy lời nói trước về sự tương lai sẽ có sự đổ Thánh Linh ra trên Y-sơ-ra-ên (Ê-xê-chi-ên 37:14; 39:29), và trên "mọi loài xác thịt" (Giô-ên 2:28,29). Sự trông đợi của Y-sơ-ra-ên bởi đó có hai mặt về sự đến của Ðấng Mê-si Em-ma-nu-ên, và về sự đổ Ðức Thánh Linh, như các tiên tri mô tả.
       Công vụ các sứ đồ 2:4.-- Ðức Thánh Linh. Tân Ước. Tóm tắt (xem Ma-la-chi 2:15, lời chua).
       1. Ðức Thánh Linh được tỏ ra như một Ngôi vị Ðức Chúa Trời. Ấy là được xưng ra rõ ràng (Xem Giăng 14:16,17,26; 15:26; 16:7-15; Ma-thi-ơ 28:19), và mọi nơi tỏ ra.
       2. Sự khải thị quan thiệp về Ngài là tuần tự: 
             a) Trong Cựu Ước (Xem Ma-la-chi 2:15, lời chua), Ngài giáng trên người nào Ngài muốn, dường như không có sự trưng dẫn đến các điều kiện trong họ. 
             b) Trong hồi còn ở thế gian, Ðấng Christ đã dạy các môn đồ (Lu-ca 11:13) rằng họ có thể nhận lãnh Thánh Linh bởi sự cầu nguyện với Chúa Cha. 
             c) Ðến cuối chức vụ, Ngài hứa chính Ngài sẽ cầu nguyện Chúa Cha, và như đáp lại lời cầu xin thì Ðấng yên ủi sẽ đến và ở với (Giăng 14:16,17). 
             d) Vào buổi chiều ngày Chúa sống lại, Ngài đã đến cùng các môn đồ tại nơi phòng cao, và hà hơi trên các môn đồ mà phán: "Hãy nhận lãnh Ðức Thánh Linh" (Giăng 20:22), song dạy họ rằng phải chờ đợi trước khi khởi hành chức cho đến chừng nào Thánh Linh sẽ đến trên họ (Lu-ca 24:49; Công vụ các sứ đồ 1:8). 
             đ) Vào ngày lễ Ngũ tuần, Thánh Linh đến trên toàn thể các tín đồ (Công vụ các sứ đồ 2:1-4). 
             e) Sau ngày Ngũ tuần, chừng nào Tin lành còn chỉ giảng nguyên cho người Do-thái thôi, Thánh Linh được ban xuống cho những người đó bởi sự đặt tay (Công vụ các sứ đồ 8:17; 9:17, v.v.) 
             g) Khi Phi-e-rơ mở cửa của nước cho dân ngoại (Công vụ các sứ đồ 10:), Thánh Linh không trì hoãn, hoặc bởi một điều kiện nào khác hơn đức tin, được ban cho những người tin (Công vụ các sứ đồ 10:44; 11:15-18). Ấy là một thực sự vĩnh viễn cho cả thời đại Hội Thánh. Mỗi tín đồ được sanh bởi Thánh Linh (Giăng 3:3,6; I Giăng 5:1). Ngài ngự ở trong, mà bởi sự hiện diện Ngài khiến thân thể môn đồ trở nên một đền thờ (I Cô-rinh-tô 3:16; Rô-ma 8:9-15; I Cô-rinh-tô 6:19; Ga-la-ti 4:6), và chịu lễ báp-têm bởi Thánh Linh (I Cô-rinh-tô 12:12,13; I Giăng 2:20,27), như vậy, đóng ấn người thuộc Ðức Chúa Trời (Ê-phê-sô 1:13; 4:30).
       3. Tân Ước phân biệt giữa có Ðức Thánh Linh, là thật cho hết thảy tín đồ, và được đầy dẫy Ðức Thánh Linh, là một đặc ân và bổn phận của tín đồ (so Công vụ các sứ đồ 2:4; với 4:29-31; Ê-phê-sô 1:13,14 với 5:18). "Duy một lễ báp-têm, nhiều lần đầy dẫy."
       4. Ðức Thánh Linh có quan thiệp với Ðấng Christ trong sự đầu thai (Ma-thi-ơ 1:18-20; Lu-ca 1:35), lễ báp-têm (Ma-thi-ơ 3:16; Mác 1:10; Lu-ca 3:22; Giăng 1:32,33), bước đi và hầu việc (Lu-ca 11:1,14), sống lại (Rô-ma 8:11), và như lời chứng của Ðấng Christ suốt cả thời đại nầy (Giăng 15:26; 16:8-11,13,14).
       5. Thánh Linh thành lập Hội Thánh (Ma-thi-ơ 16:18; Hê-bơ-rơ 12:23 lời chua), bởi làm phép báp-têm cho hết thảy tín đồ trong thân thể Ðấng Christ (I Cô-rinh-tô 12:12,13), ban các ơn để hầu việc cho mọi chi thể của thân đó (I Cô-rinh-tô 12:7-11,27,30), dẫn dắt các chi thể trong sự hầu việc (Lu-ca 2:27; 4:1; Công vụ các sứ đồ 16:6,7), và chính Ngài là quyền lực của sự hầu việc đó (Công vụ các sứ đồ 1:8; 2:4; I Cô-rinh-tô 2:4).
       6. Thánh Linh ngự ở trong hội các tín đồ họp thành một Hội Thánh địa phương, làm cho họ, theo đoàn thể, trở nên một đền thờ (I Cô-rinh-tô 3:16,17).
       7. Ðấng Christ chỉ ba mặt của sự giao thông riêng của Thánh Linh đối với tín đồ: "ở với," "ở trong," "ở trên" (Giăng 14:17; Lu-ca 24:49; Công vụ các sứ đồ 1:8). "Ở với" chỉ về sự Ðức Chúa Trời đến gần với linh hồn, khiến biết về tội (Giăng 16:9), bày tỏ Ðấng Christ như là mục đích của đức tin (Giăng 16:14), ban đức tin (Ê-phê-sô 2:8), mà làm cho sanh lại (Giăng 3:3-16). "Ở trong" mô tả sự hiện diện ở với của Thánh Linh trong thân thể tín đồ (I Cô-rinh-tô 6:19) để đắc thắng hơn xác thịt (Rô-ma 8:2-4; Ga-la-ti 5:16,17), để tạo nên đức tánh của tín đồ (Ga-la-ti 5:22,23), để giúp đỡ sự yếu đuối (Rô-ma 8:26), để soi dẫn sự cầu nguyện (Ê-phê-sô 6:18), để cho người ta cảm biết đến gần Ðức Chúa Trời (Ê-phê-sô 2:18), để thực hiện sự làm con của tín đồ (Ga-la-ti 4:6), để ứng dụng Kinh Thánh trong sự tinh sạch và nên thánh (Ê-phê-sô 5:26; II Tê-sa-lô-ni-ca 2:13; I Phi-e-rơ 1:2), để yên ủi và cầu thay (Công vụ các sứ đồ 9:31; Rô-ma 8:26), và để bày tỏ Ðấng Christ (Giăng 16:14).
       8. Các tội nghịch cùng Thánh Linh mà các kẻ vô tín phạm là: Phạm thượng (Ma-thi-ơ 12:31), chống trả (Công vụ các sứ đồ 7:51), làm nhục (Hê-bơ-rơ 10:29 dịch là "khinh lờn.") Các tội của tín đồ nghịch cùng Thánh Linh là: làm buồn cho Ngài, vì cho phép sự dữ ở trong lòng hoặc đời sống (Ê-phê-sô 4:30,31), dập tắt Ngài bởi sự không vâng phục (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:19). Thái độ đúng mực đối với Ðức Thánh Linh là nhường cho Ngài cai trị trong sự bước đi và hầu việc, và luôn luôn vui lòng để Ngài "bỏ" điều gì làm phiền Ngài hoặc ngăn trở quyền phép Ngài (Ê-phê-sô 4:31).
       9. Các hình bóng của Ðức Thánh Linh là: 
             (a) dầu (Giăng 3:34; Hê-bơ-rơ 1:9), 
             (b) nước (Giăng 7:38,39), 
             (c) gió (Công vụ các sứ đồ 2:2; Giăng 3:8), 
             (d) lửa (Công vụ các sứ đồ 2:3) 
             (đ) bò câu (Ma-thi-ơ 3:16), 
             (e) ấn tín (Ê-phê-sô 1:13; 4:30), 
             (g) của cầm hoặc lời hứa tự buộc mình (Ê-phê-sô 1:14).

Hội Thánh KiềnBái's blog© 2013. Được tạo và lưu trữ bởi Bùi Qúy Đôn. Tài liệu có thể được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau.