Nếu sự tín ngưỡng và đức tin có khác nhau, thì tín ngưỡng ưng chịu lời chứng, còn đức tin ưng chịu lời chứng hiệp với sự tin cậy. Ðức tin là một nguyên lý hoạt động, là một việc của cả hiểu biết và ý muốn. Sự phân biệt giữa tín ngưỡng và đức tin được tỏ ra ở "hãy tin ta," và "tin đến ta" (Giăng 3:18; Rô-ma 3:26; 9:33, v.v.). Xem bài chua của Scofield, Hê-bơ-rơ 11:39, ở dưới.
I. Ðức tin của Cựu Ước.-- Như "người công bình sống bởi đức tin mình" (Ha-ba-cúc 2:4). Chữ "tin" hoặc có ý là nhờ cậy được, hoặc có ý là tin Ðức Chúa Trời. Cựu Ước có nhiều chỗ luận về tin Ðức Chúa Trời (Sáng thế ký 15:6; Xuất Ê-díp-tô ký 14:31; Dân số ký 14:11; Thi Thiên 78:22 v.v.). Một lời rất cần yếu ở Sáng thế ký 15:6 nói: "Áp-ra-ham tin Ðức Giê-hô-va, thì Ngài kể sự đó là công bình cho người." Tại sao nói là lời rất cần yếu? Vì Phao-lô căn cứ vào đó mà luận về sự xưng công bình bởi đức tin (Rô-ma 4:9,22; Ga-la-ti 3:6 coi thêm Gia-cơ 2:23). Áp-ra-ham là người tin kính trứ danh đời Cựu Ước: tin Ðức Chúa Trời sẽ làm trọn lời hứa (Sáng thế ký 12:2,3). Ðức tin của Áp-ra-ham cũng thuộc đức tin của Tân Ước, nên xưng tín đồ Chúa Jêsus cũng là dòng dõi Áp-ra-ham (Ga-la-ti 3:6,7,8). Thơ Hê-bơ-rơ chép rằng: "Ðức tin là sự biết chắc vững vàng của những điều mình đương trông mong, là bằng cớ của những điều mình chẳng xem thấy. Ấy là nhờ đức tin mà các đấng thuở xưa đã được lời chứng tốt" (Hê-bơ-rơ 11:1,2). Ấy nói người ngày xưa tin chỉ có hy vọng, chớ chưa đạt đến được (Hê-bơ-rơ 11:13). Duy điều giảng luận của Cựu Ước giống với Tân Ước là: đức tin không lìa khỏi sự yêu thương và hy vọng, dầu đều trọng hơn là tình yêu thương. Vậy, Phục truyền luật lệ ký chép rằng: ngươi phải hết lòng, hết ý, hết sức kính mến Giê-hô-va Ðức Chúa Trời ngươi" (Phục truyền luật lệ ký 6:5; Lê-vi ký 19:18; I Cô-rinh-tô 13:13).
II. Ðức tin của Tân Ước, có thể chia làm bốn:
(a) Tin Ðức Chúa Trời.
(b) Tin lời hứa của Ðức Chúa Trời.
(c) Tin Ðấng Christ.
(d) Tin lời nói của Ðấng Christ.
Trong ba sách Tin lành đầu.-- Có giảng nhiều về ý phần (d) nầy. Người nào có đức tin thì Ðấng Christ liền tỏ phép lạ ở trong thân thể người ấy (Mác 5:34; 10:52; Ma-thi-ơ 9:22,29). Ðức tin lớn thì năng lực cũng lớn, như nói: "Hỡi đờn bà kia, ngươi có đức tin lớn; việc phải xảy ra theo ý ngươi muốn!... Con gái người liền được lành" (Ma-thi-ơ 15:28 xem Ma-thi-ơ 8:10; Lu-ca 7:9,50; 17:5). Chúa Jêsus phán rằng: "Hãy có đức tin đến Ðức Chúa Trời." Lại phán: "Mọi điều các ngươi xin trong lúc cầu nguyện, hãy tin đã được, tất điều đó sẽ được ban cho các ngươi" (Mác 11:21-24) Ngài phán cùng Giai-ru rằng: "Ðừng sợ, chỉ tin mà thôi" (Mác 5:36), và nói cho người bị quỉ ám: "Kẻ nào tin thì mọi việc đều được cả" (Mác 9:23). Khi gió bão nổi lên, Ngài phán cùng môn đồ rằng: "Sao các ngươi sợ? Chưa có đức tin sao? (Mác 4:40). Chúa Jêsus phán về đức tin biểu núi cất mình lên, và dời đi có lẽ ở trong hai cảnh ngộ (Mác 11:23; và Ma-thi-ơ 17:20), chớ không phải ở một chỗ (Xem Lu-ca 17:6).
Sách Tin lành Giăng phần nhiều giảng về đức tin được cứu (Giăng 3:15,16,18; 4:41,42,53; 5:44; 6:36,47,64; 9:38; 10:25,26; 11:15; 12:39; 14:29; 16:31; 19:35; 20:31 nói về đức tin, tức tin Chúa Jêsus là Ðấng Christ là Con Ðức Chúa Trời, nó cùng nguồn gốc với đức tin trong sách khác ở Tân Ước: tin Chúa Jêsus như tin Ðức Chúa Trời, đem mình về cùng Ngài, nhờ Ngài cứu rỗi (Giăng 14:1). Môn đồ tin Chúa Jêsus ra từ Ðức Chúa Trời (Giăng 16:30). Có đức tin thì biết ngay rằng Chúa Jêsus và Ðức Chúa Cha là một (Giăng 10:38; 14:10). Người nào tin thì được sự sống đời đời (Giăng 3:16; 6:47). Ðức tin đến bởi sự cảm động của Ðức Chúa Trời, nên có chép "Ví bằng Cha, là Ðấng sai ta, không kéo đến, thì chẳng có ai được đến cùng ta" (Giăng 6:44).
Sách Sứ đồ và thơ tín của Phao-lô giảng luận chữ "tin" cũng đều chỉ về đức tin "được cứu bởi đức tin," nên môn đồ Ðấng Christ được kêu là tín đồ. Bấy giờ, Phao-lô đương tranh luận với đạo Do-thái cũ, nên ông luận về chữ tin, phần nhiều là nhằm chỗ tư tưởng họ mà phát ra. Người Do-thái cho rằng bởi Luật pháp mà được xưng công bình, song đối với Phao-lô, thì bất luận là người Do-thái hay dân ngoại, ai cũng có thể được cứu, nhưng ngoài cách tin Chúa Jêsus mà được xưng công bình, thì không còn phương pháp nào khác (Ga-la-ti 3:7-14). Vậy, nên dầu khéo giữ luật pháp cũng không thể được xưng công bình (Ga-la-ti 2:16; 3:11; Rô-ma 3:20,28).
Lời Chúa Jêsus giảng dạy về đức tin.-- Mục đích là Chúa muốn người ta tin Ngài là đại biểu Ðức Chúa Trời giáng xuống thế gian (Lu-ca 8:12,13; 22:32; Ma-thi-ơ 18:6; Lu-ca 7:50; xem Lu-ca 24:25,45). Trong sách Tin lành Giăng cũng có ý đó nữa, như phán cùng Na-tha-na-ên (Giăng 1:50), cùng Ni-cô-đem (Giăng 3:12) cùng người Do-thái (Giăng 5:24,38; 6:25-40,47; 7:38; 8:24; 10:25,36; 12:44,46). Tin Ngài như tin Ðức Chúa Trời (Giăng 5:25-38; 6:40,45; 8:47; 12:44), ấy là chìa khóa của sự sống đời đời. Chúa Jêsus phán rằng: "Các ngươi tin Ðấng mà Ðức Chúa Trời đã sai đến, ấy đó là công việc Ngài" (Giăng 6:29). Ai không tin Ngài thì sẽ hư mất (Giăng 3:18; 5:38; 6:64; 8:24). Chúa hằng gây nên đức tin của tín đồ, nên trước khi chịu nạn, Ngài cầu nguyện Ðức Chúa Cha, tạ ơn Cha đã khiến cho môn đồ nhận biết và tin Ngài (Giăng 17:8). Sau khi sống lại, Ngài hiện đến cùng Thô-ma, cởi mối ngờ cho người (Giăng 20:29). Công việc của môn đồ là dẫn dắt người ta tin Ðấng Christ (Giăng 17:20,21). Tóm lại, một khi Chúa Jêsus đã đến, ý nghĩa chữ "tin" càng cao, càng sâu nhiệm hơn. Các tác giả sách Tân Ước đều cốt lấy thập tự giá là trung tâm điểm của đức tin.
Tiến sĩ Scofield chú thích về đức tin như sau nầy:
Ma-thi-ơ 12:46.-- Khi bị Y-sơ-ra-ên là "anh em bà con theo phần xác" (Giăng 1:11; so Rô-ma 9:3), của Ngài chối bỏ, Chúa ta cho biết về sự lập một gia đình mới của đức tin, bởi thế, vượt qua những điều thuộc về nòi giống, tiếp nhận "kẻ nào" muốn làm môn đồ Ngài (Câu 49,50, so Giăng 6:28,29).
Rô-ma 3:36.-- "Sự công bình Ngài" ở đây là tánh chắc chắn của Ðức Chúa Trời đối với luật pháp và sự thánh khiết của chính Ngài, trong sự tự do xưng tội nhơn tin Ðấng Christ là công bình; tức là người nào mà Ðấng Christ chịu mọi sự luật pháp đòi thế cho (Rô-ma 10:4).
Lu-ca 7:44.-- Xem Gia-cơ 2:14-26.-- Khi Chúa Jêsus muốn xưng người đờn bà là công bình ở trước mặt Si-môn, Ngài chỉ đến những công việc của bà đó, vì chỉ bởi công việc đó, Si-môn mới thấy chứng cớ của đức tin bà; song khi Ngài truyền người đờn bà "đi cho bình an" thì chỉ đến đức tin, chớ không phải công việc bà. Xem Tít 2:14; 3:4-8. Những công việc tín đồ chẳng bao giờ có thể làm cớ cho người đó được an ổn chắc chắn, vì phải nhờ công việc Ðấng Christ (so Ma-thi-ơ 7:22,23). Xem bài Bình an (Ê-sai 32:17; Giu-đe 1).
Lu-ca 18:8.-- Ðây không chỉ về đức tin của cá nhơn, song về tìn ngưỡng đến cả toàn thể lẽ thật đã được bày tỏ (so Rô-ma 1:5; I Cô-rinh-tô 16:13; II Cô-rinh-tô 13:5; Cô-lô-se 1:23; 2:7; Tít 1:13; Giu-đe 3. Xem bài "Bội đạo," II Tê-sa-lô-ni-ca 2:1-22; Lu-ca 18:8; II Ti-mô-thê 3:1, lời chua).
Hê-bơ-rơ 11:39.-- Thể yếu của đức tin là ở sự nhận lấy điều Ðức Chúa Trời đã tỏ ra, và có thể định nghĩa là sự tin cậy nơi Ðức Chúa Trời của Kinh Thánh và Chúa Jêsus Christ mà Ngài đã sai đến, nhận Ngài làm Ðấng Cứu thế và Chúa, và thúc giục nên vâng phục, yêu thương và làm các việc lành (Giăng 1:12; Gia-cơ 2:14-26). Những công dụng đặc biệt của đức tin nêu lên định nghĩa thứ hai: (1) Ðể được cứu chuộc, đức tin là sự tin cậy cá nhơn trong Ðức Chúa Jêsus Christ trừ ra những công đức riêng người đó, là Ðấng "bị nộp vì tội lỗi chúng ta, và sống lại vì sự xưng công bình của chúng ta" (Rô-ma 4:5; 23:25), (2) Dùng về sự cầu nguyện đức tin là "điều chúng ta dạn dĩ ở trước mặt Chúa, nếu chúng ta theo ý muốn Ngài mà cầu xin việc gì, thì Ngài nghe chúng ta" (I Giăng 5:14,15). (3) Dùng để chỉ về những điều không thấy được mà Kinh Thánh nói đến, đức tin "gắn cho những điều đó thể chất" hầu ta có thể làm theo sự tin quyết rằng thật có (Hê-bơ-rơ 11:1-3). (4) Như một nguyên lý hành động trong đời sống, những công dụng của đức tin được mô tả trong Hê-bơ-rơ 11:1-39.