Vua thứ nhứt của Y-sơ-ra-ên, con của Kích, người chi phái Bên-gia-min. Tiên tri Sa-mu-ên đã già, các con của người bởi cách ăn ở chẳng được như tánh hạnh ngay thẳng của cha, nên không thể cứ tiếp tục công việc tế lễ; và các dân tộc xung quanh lẽ tự nhiên sẵn sàng hành hạ và hà hiếp Y-sơ-ra-ên (I Sa-mu-ên 8:1,3,20; 12:12). Các trưởng lão của Y-sơ-ra-ên hiệp nhau lại đến cùng Sa-mu-ên, và xin người thay đổi cách cai trị, và lập một vua rõ ràng trên họ hầu cho họ giống như các nước khéo tổ chức xung quanh, và có một người có thể dẫn dắt thắng hơn kẻ thù (8:4,5,19,20). Dầu sự tổ chức sau chót khiến dân Hê-bơ-rơ thành một nước với một vua trên đất làm đại diện cho Ðức Giê-hô-va đã được suy gẫm từ lâu (Sáng thế ký 17:6,16; 35:11; Phục truyền luật lệ ký 17:14-20), song tinh thần của dân sự khi xin một vua vào hồi khủng hoảng nầy là vô đạo. Họ thiếu đức tin ở trong Ðức Chúa Trời, không có đức tin đó thì Ðức Giê-hô-va không thể cai trị như là một vua có thần quyền được. Họ xây bỏ đức tin nơi Ðức Chúa Trời vô hình, và tin cậy một vua hữu hình. Bởi Chúa chỉ dẫn, Sa-mu-ên cho dân sự biết rõ điều sẽ phải chịu bởi một vua, song vì cớ họ cứ kêu nài, Sa-mu-ên hứa sẽ làm như điều họ ước ao, và cho họ về.
I. Sau-lơ lên ngôi.-- Chừng vào lúc đó những lừa của Kích, một người Bên-gia-min, đi lạc, thì người sai Sau-lơ, con mình đi kiếm (I Sa-mu-ên 9:3-10). Sau-lơ bây giờ là một thanh niên, có lẽ 35 tuổi, cao hơn hết mọi người Y-sơ-ra-ên từ vai trở lên (9:2). Không tìm thấy lừa sau ba ngày, người sắp sửa thôi và trở về. Dầu vậy, kẻ tôi tớ gợi ý một sự cố gắng chót. Có lẽ những người mà tôi tớ đã hỏi thăm về các lừa, đã nói rằng có một người của Ðức Chúa Trời trong thành lân cận có thể biết tin tức, nên đầy tớ đó khuyên giục Sau-lơ đến cùng người (9:6). Người của Chúa là Sa-mu-ên, là người đã được Ngài mách bảo cho một người Bên-gia-min, và xức dầu cho người làm vua trên Y-sơ-ra-ên. Sau-lơ cùng gia đình tại Ghi-bê-a đã được người ta thuật lại mà biết rõ Sa-mu-ên (I Sa-mu-ên 10:14-16), song Sau-lơ dường như không có gặp đấng tiên tri trước, và không hiểu rằng Sa-mu-ên là người của Ðức Chúa Trời mà dân sự đã nói. Người chỉ tưởng Sa-mu-ên là người thường (9:7), và khi gặp tại nơi cửa thành cũng không nhận biết (18:19). Sa-mu-ên bảo cho Sau-lơ biết rằng lừa đã tìm thấy rồi, thông báo cho người biết sẽ được chọn làm vua, và được đặt lên chỗ tôn trọng tại nơi có việc tế lễ mà mình sắp sửa cử hành. Sớm hôm sau, khi Sau-lơ sắp từ giã thành, tiên tri cầm một ve dầu, đổ trên đầu người, và khi đã hôn người, thì nói: Nầy, Giê-hô-va đã xức dầu cho ngươi làm vua của cơ nghiệp Ngài, và dặn người không được tiết lộ cùng ai, và phải đến Ghinh-ganh đúng giờ và ở lại bảy ngày cho đến chừng chính Sa-mu-ên tới dâng của lễ và dạy dỗ (9:20-10:16). Ấy là phương diện riêng bề trong của sự kêu gọi Sau-lơ.
Sau đó, có sự kêu gọi bề ngoài cách công khai, khi Sa-mu-ên nhóm hiệp dân sự tại Mích-ba (10:17). Sự lựa chọn nhường lại cho Chúa. Khi bỏ thăm Sau-lơ được chọn. Song Sau-lơ đã giấu mình, khi người ta đem người ra, thì người đứng trước, cao hơn cả dân chúng, được hoan nghênh nhiệt liệt. Ðức Chúa Trời đã chọn người hình dung tốt đẹp để được lòng tôn kính và tin cậy của hết thảy Y-sơ-ra-ên, và người đó thuộc chi phái Bên-gia-min, ở trên địa giới giữa Ép-ra-im và Giu-đa, để làm thỏa lòng cả người Nam và Bắc. Sa-mu-ên đã để Ðức Chúa Trời chọn hầu làm vững lòng trung quân của những người mộ đạo. Một nhóm đông người, vâng phục Ðức Chúa Trời theo Sau-lơ về nhà; song có mấy người thuộc "Bê-li-an" rất bất bình, nên Sau-lơ trở lại đời sống riêng cho đến chừng những sự ghen ghét riêng đã được thắng hơn. Sau-lơ tự mình cày cấy đồng ruộng cha mình. Một tháng sau (10:27), thành Gia-be trong Ga-la-át bị vây nghiêm nhặt bởi dân Am-môn. Khi dân sự xin, thì những kẻ vây thành ngạo mạn cho phép miễn chiến 7 ngày đến chừng dân trong thành có thể xin những đồng bào giúp đỡ. Các sứ giả, hoặc mấy người trong bọn họ, đến thành Ghi-bê-a thuật những truyện buồn bã đó. Sau-lơ nghe nói khi ở ngoài đồng về, thần Ðức Chúa Trời cảm động người. Người sai nhóm hiệp dân sự truyền theo mình và Sa-mu-ên để cứu giúp những anh em đang bị nguy khốn. Vậy, thành Gia-be được giải cứu. Dân sự hỏi những người chối không nhận Sau-lơ làm vua ở đâu, rồi họ đem Sau-lơ tới Ghinh-ganh, chỗ gần nhứt thường dâng tế lễ, tại đó người được tôn làm vua, và Sa-mu-ên từ chức quan xét (11:1-12:25).
Sau-lơ trở lại đời sống riêng cho đến chừng những sự ghen ghét riêng đã được thắng hơn. Sau-lơ tự mình cày cấy đồng ruộng cha mình. Một tháng sau, (10:27), thành Gia-be trong Ga-la-át bị vây nghiêm nhặt bởi dân Am-môn. Khi dân sự xin, thì những kẻ vây thành ngạo mạn cho phép miễn chiến 7 ngày đến chừng dân trong thành có thể xin những đồng bào giúp đỡ. Các sứ giả, hoặc mấy người trong bọn họ, đến thành Ghi-bê-a thuật những chuyện buồn bã đó. Sau-lơ nghe nói khi ở ngoài đồng về. Thần Ðức Chúa Trời cảm động người. Người sai nhóm hiệp dân sự truyền theo mình và Sa-mu-ên để cứu giúp những anh em đang bị nguy khốn. Vậy, thành Gia-be được giải cứu. Dân sự hỏi những người chối không nhận Sau-lơ làm vua ở đâu, rồi họ đem Sau-lơ tới Ghinh-ganh, chỗ gần nhứt thường dâng tế lễ, tại đó người được tôn làm vua, và Sa-mu-ên từ chức quan xét (11:1-12:25).
II. Sau-lơ cai trị -- Không biết rõ tuổi của Sau-lơ khi người khởi cai trị, vì bản Hê-bơ-rơ I Sa-mu-ên 13:1 không có để số năm. Số 30 là lấy từ bản Septante. Chắc thế nào Sau-lơ cũng đủ tuổi để có một con trai có thể cầm binh được. Sau-lơ lập một cơ binh nhỏ 3000 người, trong số đó có 2000 ở với mình tại Mích-ba và Bê-tên, và 1000 người ở lại với Giô-na-than tại Ghi-bê-a (13:2). Giô-na-than đánh đồn của người Phi-li-tin tại Ghê-ba (câu 3). Người Phi-li-tin nghe tin đó, lấy làm gớm ghiếc Y-sơ-ra-ên. Người Y-sơ-ra-ên biết sự nguy hiểm, theo lời Sau-lơ truyền nhóm lại tại Ghinh-ganh (3,4), là nơi Sa-mu-ên đã hứa sẽ đến trong việc cần kíp nầy, và cầu xin Chúa giúp (8,11,12; 10:8). Một cơ binh Phi-li-tin xông vào xứ Y-sơ-ra-ên và đóng trại tại Mích-ma. Người Y-sơ-ra-ên bắt sợ Sa-mu-ên cố ý chậm tới, dân sự bắt đầu giải tán và bỏ vua, dường như người Phi-li-tin sắp xông tới Sau-lơ và đạo binh đang giảm bớt như thế (13:8,11,12), cho nên Sau-lơ đến ngày thứ bảy không thể đợi được nữa, trộm phép dâng tế lễ. Song Sa-mu-ên đến, đọc lời rủa sả thứ nhứt, quở trách vua vì đã trái mạnh lệnh của Ðức Chúa Trời (10:8), và tuyên bố rằng Sau-lơ vì cớ sự không vâng lời sẽ không lập được dòng vua, (13:9-14). Sa-mu-ên đi lên thành của Sau-lơ là Ghi-bê-a, là nơi có thể gần vua. Sau-lơ và Giô-na-than đóng trại tại Ghê-ba của Bên-gia-min, còn người Phi-li-tin cắm trại tại Mích-ba. Bởi một công việc anh dũng, Giô-na-than khởi làm cho đồn Phi-li-tin hoảng sợ, sau lan đến cả trại quân và các bọn rải rác trong xứ. Sau-lơ lợi dụng cơ hội đó đắc thắng (13:15-14:46). Vì cớ đó, có hai biến động xảy ra trong đời của Sau-lơ. Một là lần thứ nhứt Sau-lơ tỏ ra sự điên dại trong lời hứa nguyện đến nỗi thiếu điều mất mạng sống của con mình (I Sa-mu-ên 14:24,44). Hai là sự lập bàn thờ thứ nhứt vừa để kỷ niệm sự thắng trận, vừa để chuộc tội bữa tiệc mọi rợ của dân đói khát (14:35). Sự đuổi người Phi-li-tin (dầu chưa hoàn toàn trọn vẹn) lập tức đặt Sau-lơ lên một địa vị cao hơn người nào khác đã cai trị Y-sơ-ra-ên trước (14:52).
Sau đó, Sa-mu-ên chỉ dẫn Sau-lơ khởi chiến tranh mà tuyệt diệt dân A-ma-léc. Sau-lơ chiến trận, song người chừa lại những con tốt nhứt trong bầy vật mà dâng tế lễ cho Ðức Giê-hô-va tại Ghinh-ganh và cũng để cho vua dân đó sống. Bởi cớ tội không vâng lời thứ hai đó, Sau-lơ tỏ ra mình không đáng được tin cậy để làm đồ dùng cho Ðức Giê-hô-va, nhưng muốn xen ý riêng mình vào trong nước Ðức Chúa Trời, nên người bị bỏ không được làm vua nữa (15:1-35). Vì cớ đó, nên Chúa sai Sa-mu-ên đến Bết-lê-hem xức dầu cho Ða-vít làm vua (16:1-13).
Thần của Ðức Giê-hô-va bây giờ lìa khỏi Sau-lơ, và người bắt đầu bị một ác thần khuấy khuất. Người ta kiếm người gảy đờn hay để đánh tan mối buồn điên dại đó, thì Ða-vít được chọn vào việc (14:23). Những tiếng hoan hô tiếp rước người thanh niên, con của Giê-se, khi thắng trận lớn lao hạ sát Gô-li-át trở về, kích thích lòng ghen tương của Sau-lơ đến nỗi khỏi ít lâu, người anh hùng phải trốn tránh, bị đuổi theo cách giận dữ bởi vua thù hằn đó (17:-30:).
Sau hết, sự cuối cùng đến, người Phi-li-tin xông vào xứ Pha-lê-tin, cắm trại tại Su-nem, gần trũng Gít-rê-ên. Sau-lơ theo mà đánh với họ, lập những trụ sở trên các dốc núi Ghinh-bô-a. Những cảm giác buồn bã báo trước số phận mình làm cho Sau-lơ bối rối, nên ban đêm người đi đến gần trại quân người Phi-li-tin, ở Ên-đô-rơ, tại đó có người đờn bà nổi tiếng về quyền chiêu gọi hồn mặc dầu người đã chết rồi, và tại đó, Sau-lơ được biết rằng mình cùng các con trai ngày mai sẽ chết (I Sa-mu-ên 28:1-25).
Ngày hôm sau, chiến trận bắt đầu. Những thiện xạ Phi-li-tin xông đánh các hàng quân Y-sơ-ra-ên. Chúng giết ba con trai của Sau-lơ, gồm cả con trưởng, là Giô-na-than, người không vị kỷ và anh hùng. Chính Sau-lơ bị trọng thương nên Sau-lơ bảo kẻ vác binh khí giết mình. Người trai trẻ không chịu thì vua lầm lỗi đó sấn mình trên gươm và chết. Những người Phi-li-tin thắng trận, thấy xác Sau-lơ, cắt lấy đầu và treo thây người cùng thây các con người lên tường thành Bết-Sê-an, và họ gởi những binh khí người như là của cướp về thành Ách-ta-rốt. Người Gia-be tại Ga-la-át mà Sau-lơ đã cứu trong lúc mới trị vì, biết ơn về sự giải cứu đó, ban đêm đi qua sông Giô-đanh đến Bết-Sê-an, hạ những xác xuống, và chôn cất tử tế: còn Ða-vít than thở về số phận của người được Chúa xức dầu và kẻ yêu dấu mình là Giô-na-than trong một bài ca buồn thảm (31:; I Sa-mu-ên 1:).
Mấy năm sau, Ða-vít lấy tro của Sau-lơ và Giô-na-than chôn tại mộ địa tổ tông ở Xê-la, trong địa phận Bên-gia-min (II Sa-mu-ên 24:14).
Cựu Ước không nói Sau-lơ cai trị bao lâu, song cả Phao-lô và Josèphe cùng nói là 40 năm (Công vụ các sứ đồ 13:21).
III. Sau-lơ với bà bóng tại Ên-đô-rơ. -- Ông già mặc áo tơi tả ra trong cuộc hội kiến giữa bà bóng tại Ên-đô-rơ và Sau-lơ (I Sa-mu-ên 28:3-10) được giải nghĩa bằng ba cách khác nhau. a) Ấy là người thông đồng với bà bóng, khi hiện ra thì bà kêu một tiếng lớn, và nói rằng người đã tìm bà giúp đỡ là Sau-lơ. Tiếng kêu lớn đó chỉ là cách lừa gạt quen làm. Bà biết vua ở bên cạnh mình, và đã dò xét rằng chính là vua bởi hình dung cao lớn, cách cư xử, lời nói, và cách của người theo hầu. b) Hoặc là sự hiện ra của một vị thần, hoàn toàn bất ngờ cho bà, nên bà bật kêu tiếng lớn, vì thật ngạc nhiên. Nếu thật là sự hiện ra bất ngờ, chắc ấy là ma quỉ, như Luther và Calvin tin, như mấy người khác tưởng rằng là mấy hiện tượng kia của thuật phù phép xưa và thuật đồng bóng nay do ở quyền sai khiến của quỉ Sa-tan. c) Hoặc khác nữa là Sa-mu-ên đã hiện ra như Môi-se và Ê-li trên núi hóa hình (I Sử ký 10:13, Septante), và từ hồi Cải chánh Hội Thánh nhiều nhà Tin lành giải nghĩa như vậy. Nền tảng của quan niệm Sa-mu-ên hiện ra là tác giả trưng dẫn về người như là Sa-mu-ên (I Sa-mu-ên 28:14,15,16,20) và những lời người nói được ứng nghiệm.
Kinh Thánh chỉ chép điều gì xảy ra thôi. Ấy đáng chú ý vì người đờn bà đã phạm luật pháp, và cũng bị lên án bởi tôn giáo của Ðức Giê-hô-va. Vả lại, chỉ là thấy sự hiện ra và tả bằng những lời viễn vông: "Ấy là một ông già ở dưới lên, mặc một cái áo tơi." Lời mô tả đó có thể chỉ về bất cứ một ông già nào, song Sau-lơ kết luận ấy là Sa-mu-ên thật đã hiện ra. Những lời mà hình bận áo tơi đó nói về tương lai một cách bạo dạn như là thầy bói hoặc là lời nói trước với sự hiểu biết trọn vẹn. Những lời đó thành sự thật, song được ứng nghiệm một phần cũng bởi chính việc làm có suy xét bởi Sau-lơ. Nếu chính Sa-mu-ên hiện ra, thì chỉ có lần nầy trong Kinh Thánh có chép về linh một thánh đồ trở về đất mà nói chuyện với người, vì về việc Ê-li và Môi-se nói chuyện với Ðấng Christ hóa hình không giống như thế. Vả lại, thật là lạ, vì nếu Ðức Chúa Trời từ chối không trả lời Sau-lơ hoặc bởi chiêm bao hoặc bởi tiên tri, thì tôi tớ Ngài là Sa-mu-ên có nên hiện ra trong cuộc hội kiến mà chính Chúa đã nghiêm cấm, và theo lời bảo của một người nữ cũng bị lên án bởi luật của xứ và luật của Ðức Chúa Trời (Xuất Ê-díp-tô ký 22:18; Lê-vi ký 20:27; Phục truyền luật lệ ký 18:10-14; I Sa-mu-ên 28:3,9; I Sử ký 10:13).