Xác thịt. La chair.

        


      1. Những bắp thịt của một thân động vật, hoặc là người, thú, chim hoặc cá, hoặc đúng hơn, mọi phần mềm mại của các vật đó (Sáng thế ký 40:19; Xuất Ê-díp-tô ký 12:8; 16:8; Lê-vi ký 21:5; Gióp 10:11; Lu-ca 24:39; I Cô-rinh-tô 15:39). Ấy khác hẳn với thần linh (dịch là linh hồn, Gióp 14:22; Ê-sai 10:18), theo tiếng Hê-bơ-rơ; dịch là thần 31:3; dịch là tâm thần, (Ma-thi-ơ 26:41; Cô-lô-se 2:5).
       2. Mọi sanh vật có thịt, người hoặc hạ đẳng động vật nhứt là người (Sáng thế ký 6:13,19; 8:17; Công vụ các sứ đồ 2:17; Rô-ma 3:20; I Cô-rinh-tô 1:29); và có khi trái với Ðức Chúa Trời là Thần (Thi Thiên 56:4; Ê-sai 31:3; 40:6-8; Giô-ên 2:28; Ma-thi-ơ 16:17).
       3. Bổn tánh của người thiếu mất Thần Linh của Ðức Chúa Trời, bị mọi sự ham muốn cai trị và trí phải vâng phục (Rô-ma 7:5; 8:5-7; II Cô-rinh-tô 7:1; Ga-la-ti 5:16-20; II Phi-e-rơ 2:10); như vậy gồm cả bổn tánh của người chưa tái sanh và chưa nên thánh (Rô-ma 8:8,9; so Giăng 3:6).
       Theo đây trích lại phần "xác thịt" từ sách "Psychology of the New Testament" by M. Scott Fletcher, M.A (Oxen).
       Danh từ "xác thịt" là một trong những nơi trung tâm biện luận của thần đạo Kinh Thánh, vì nhờ sự giải nghĩa danh từ đó mà có nhiều kết luận rất quan hệ về thần đạo. Ðể hiểu đúng lẽ đạo về "xác thịt," cần nhứt phải biết lối dùng trong Kinh Thánh. Ngày nay danh từ xác thịt có nhiều ý khác nhau với ý xác thịt dùng trong Kinh Thánh. Như câu thường nói: "thế gian, xác thịt, và ma quỉ," tức thì gợi ý xác thịt chỉ có ý về tánh mê nhục dục hay là tình dục. Nói cách rộng hơn, xác thịt chỉ về những sự ham mê và tư dục của tánh thú vật ở trong người. Dầu Kinh Thánh dùng danh từ xác thịt như thế, song cũng thêm nhiều ý khác nữa. Vậy, rất cần phải phân tích cẩn thận những câu Kinh Thánh dùng danh từ đó; như vậy mới hiểu rõ những ý khác nhau trong Kinh Thánh với ý xác thịt như thường dùng ngày nay.
       Bởi thế, phải nhớ ý nghĩa xác thịt: nhờ ý thông tục thì hẹp quá, theo ý triết lý rộng quá, không hiệp đúng với ý Kinh Thánh. Dầu vậy, cả hai ý hay cảm động học giả Kinh Thánh, cho nên phải cẩn thận kẻo có ý lẫn lộn và sai lầm với Kinh Thánh. Vả lại, trong Tân Ước ý nghĩa xác thịt được mở rộng nhiều: phần nhiều vì sự dạy dỗ về sự từng trải thuộc linh của đời sống tín đồ trong Tân Ước tấn tới và sâu nhiệm hơn; vì ảnh hưởng Cựu Ước, và vì ảnh hưởng sự văn minh Hy-lạp. Cũng phải nhớ nữa: để học đúng lẽ thật đạo Ðấng Christ không nên nhờ Cửa ngăn (Porche: là nơi người Hy-lạp xưa luận về triết lý) hay là Hàn-lâm-viện, song nên nhờ Ðền thờ Chúa, tức sự cầu nguyện giao thông với Chúa bởi Ðức Thánh Linh.
       I. Xác thịt và Thân thể.
       Cựu Ước thường dùng "xác thịt" (Hê-bơ-rơ: basar) chỉ về sự tổ hợp vật chất, trừ ra da, xương, và máu của người và vật (Lê-vi ký 9:11; 13:11; Sáng thế ký 41:2). Vì Ðức Giê-hô-va cho phép lấy xác thịt làm đồ ăn và của lễ dâng cho Ngài, ấy đủ chứng rằng xác thịt không có ý gì dơ bẩn hay xấu xa cả. Trong Tân Ước, danh từ "xác thịt" hay "thịt" (Hy-lạp: sarx) ít khi có ý đó (Giăng 6:51; I Cô-rinh-tô 15:39; Khải Huyền 17:16), song nhiều lần lấy phần đó chỉ về cả thân thể. Bởi vậy. Tân Ước theo lối Cựu Ước. Như Bác sĩ A.B. Davidson viết: "Nói đúng, tiếng Hê-bơ-rơ không có danh từ nào chỉ thân thể. Vậy, khi có vấn đề nào về thân thể thì phải dùng xác thịt... Ấy vì thịt là phần phơi bày rất nhiều, bao phủ xương và máu, nên tự nhiên người Hê-bơ-rơ lấy một phần đó chỉ về cả thân thể của vật gì sống. Theo ý đó danh từ xác thịt chỉ về sanh vật hữu cơ thể: dẻo, nhẵn, và có các chi thể." Cho nên, dầu Tân Ước thật có một danh từ "thân thể" (Hy-lạp: soma), nhưng cứ còn theo lối Cựu Ước mà dùng "xác thịt" khi chỉ có ý về thân thể mà thôi. Như chép về Chúa Jêsus "lấy xác thịt mà ra đời" (I Giăng 4:2), "đã chịu khổ trong xác thịt" (I Phi-e-rơ 4:1), "về phần xác thịt thì Ngài đã chịu chết" (I Phi-e-rơ 3:18), và "xác thịt chẳng thấy sự hư nát" (Công vụ các sứ đồ 2:31). Mấy câu sau nầy cũng tỏ ra có khi Tân Ước dùng "xác thịt" và "thân thể" đồng nghĩa nhau, như Ê-phê-sô 5:28,29 chép: "chồng phải yêu vợ như chính thân mình," và "chẳng hề có người nào ghét chính xác thịt (nguyên văn) mình..." Xem I Cô-rinh-tô 6:16 và II Cô-rinh-tô 4:10,11; I Cô-rinh-tô 5:3 và Cô-lô-se 2:5. Có khi cũng dùng cả danh từ đó để chỉ về cả người bề ngoài (Cô-lô-se 1:22; 2:11).
       Vậy, theo ý mấy câu kể trên, trong Tân Ước nhiều lần dùng xác thịt chỉ về cả thân thể như có thể thấy được. Như thế, xác thịt là một phần của thể yếu người, là phần hèn hạ hơn cả của người. Ấy cũng hiệp với lối dùng trong Cựu Ước, như trong Gióp 14:22 "xác thịt" dùng với "linh hồn" hay "lòng" để chỉ cả người bề trong lẫn bề ngoài. Trong Thi Thiên 84:2 cả ba danh từ đó đều dùng chỉ về cả người. Người Hê-bơ-rơ xưa không hay phân biệt rõ bề ngoài với bề trong như đời Tân Ước. Khác với người Hy-lạp, người Hê-bơ-rơ coi "xác thịt" với "linh hồn" và "lòng" như đều dự phần về sự giao thông thuộc linh với Ðức Chúa Trời (Thi Thiên 43:1).
       Phao-lô cũng theo ý đó khi lấy "thân thể" và "tinh thần" chỉ về hai mặt của bổn tánh người (I Cô-rinh-tô 7:34; 5:3; Cô-lô-se 2:5). Vì Phao-lô, về phần luân lý, hay so sánh "xác thịt" với "thần linh," nên ta phải lạ vì bao nhiêu lần lấy hai danh từ đó hiệp nhau để tỏ sự tổng hợp của hai phần trong và ngoài của người (Rô-ma 2:28,29; I Cô-rinh-tô 5:5), giống như những người chép Tân Ước khác dùng "linh hồn" và "thân thể." Cũng so II Cô-rinh-tô 7:5 với 2:13 thấy Phao-lô lấy "xác thịt" và "lòng" chỉ về cả người; nhưng danh từ "mặt tôi về phần xác" (Cô-lô-se 2:1) với "Ðấng Christ theo xác thịt" (II Cô-rinh-tô 5:17) chỉ về phần người bề ngoài thấy được. "Tôi sống trong xác thịt" (Ga-la-ti 2:20) chỉ về người sống trong đời nay. Tội lỗi hành động trên hai phần người, xác thịt với ý tưởng, và xác thịt với thần linh (II Cô-rinh-tô 7:1).
       Vậy, theo Cựu Ước, trong người hiệp lại xác thịt và linh hồn, hay là xác thịt và lòng; trong các sách Tân Ước, ngoài các thơ Phao-lô và sách Giăng là thân thể và linh hồn, và trong các thơ Phao-lô là xác thịt và thần linh. Ấy tỏ ra theo Kinh Thánh, người có hai phần, song chưa tỏ rõ sự khác nhau giữa "vật chất" và "trí khôn" như ngày nay, vì về hai danh từ nầy hiện tại so sánh giữa vật hữu hình và vô hình, hay giữa vật sống và vật chết. Trái lại, trong Kinh Thánh xác thịt là vật sống có linh hồn hoặc thần linh là sự sống trong thân thể.
       II. Xác thịt và sự liên lạc với nó.
       Từ những cách dùng chữ xác thịt kể trên thì tự nhiên dẫn qua ý xác thịt là môi giới của sự liên lạc bởi dòng dõi, bởi thân thuộc, bởi hôn phối, hoặc bởi quốc gia. Theo tiếng thông tục nay hay dùng chữ huyết để tỏ sự liên lạc nầy đối với gia đình, họ hàng, và tổ quốc. Ta thường nói: "tình máu mủ" hay "dây huyết thống," và nói "huyết đặc hơn nước." Trái lại, Kinh Thánh tỏ rằng xác thịt là dây của sự hiệp một. Ý nầy lập trên nền Sáng thế ký 2:24: "Người nam sẽ dính líu cùng vợ,... và cả hai sẽ nên một thịt." Chúa Jêsus nhờ câu đó để dạy nghĩa vợ chồng không hề tan rã được (Ma-thi-ơ 19:5; Mác 10:8); và Phao-lô lấy đó mà khuyên đừng tà dâm (I Cô-rinh-tô 6:16), và vợ chồng phải yêu nhau (Ê-phê-sô 5:25-31). Từ ý đầu tiên đó, xác thịt là căn bản của sự hiệp một bởi hôn phối, sanh ra ý rộng hơn là gồm lại mọi tình nghĩa tự nhiên. Trừ ra Hê-bơ-rơ 12:9 chép: "Cha về phần xác," thì trong Tân Ước chỉ Phao-lô nhiều lần tỏ ý đó, như khi chép: Ðấng Christ "theo xác thịt thì bởi dòng dõi vua Ða-vít sanh ra" (Rô-ma 1:3); "Áp-ra-ham tổ phụ chúng ta theo xác thịt" (Rô-ma 4:1), người Y-sơ-ra-ên là "anh em bà con tôi theo phần xác" (Rô-ma 9:3), người khác được gọi là "anh em theo xác thịt" (Rô-ma 9:3), và mọi người khác được gọi là "anh em theo xác thịt là người ngoại" (Ê-phê-sô 2:11). Trái lại, đây hiệp một giữa Ðức Chúa Trời và người là bởi sự quan thiệp về luân lý, chớ chẳng phải bởi sự liên lạc về xác thịt (xem Rô-ma 9:8).
       III. Xác thịt và bản tánh người.
       Trong Tân Ước ý thứ ba của danh từ "xác thịt" chỉ cách chung về "bổn tánh người." Như ý chính, xác thịt mở mang đến thân thể, sau đến sự liên lạc, nhứt là huyết thống, cũng vậy tự nhiên mở mang đến cả loài người như khi nói: "mọi xác thịt," và bởi đó gợi ý đến "bổn tánh người." Trong Cựu Ước thấy xác thịt gồm lại mọi sanh vật (Sáng thế ký 7:21). Wendt dạy về câu nầy:... Khi Cựu Ước chép "hết thảy xác thịt... bại hoại" (Sáng thế ký 6:12), thì biết không nói đến xác thịt trên thân thể song nói đến mọi loài xác thịt; và bởi sự khải thị được biết Ðức Chúa Trời đoán phạt, Ðức Giê-hô-va là Cứu Chúa và Ðấng Cứu chuộc (Ê-sai 49:26; so 40:5; Ê-xê-chi-ên 21:4,5), và mọi người phải thờ phượng Ðức Giê-hô-va (Ê-sai 66:23; Thi Thiên 65:2; 145:21). Bởi đó, đủ biết danh từ xác thịt có ý chẳng những chỉ về phần bề ngoài của thân thể, song cũng cách chung chỉ về mọi người sống, gồm lại bổn tánh bề trong của họ nữa.
       Khi chép loài người là "xác thịt" cũng gợi ý so sánh người với Ðức Chúa Trời. Các sách tiên tri Cựu Ước phân biệt rõ loài người là "xác thịt" với Ðức Chúa Trời là "Thần." Khi Ðức Giê-hô-va được gọi là "Thần," không phải cốt chỉ về thể yếu song về quyền phép Ngài. Khi loài người được gọi là "mọi xác thịt" không phải cốt chỉ về người bằng gì, song hay có ý về sự yếu đuối người. Về ý nầy Ê-sai 31:3 là quan hệ: "Người Ai-cập là loài người không phải là Ðức Chúa Trời; những ngựa nó chỉ là xác thịt không phải là thần." Ðây vấn đề của tiên tri không phải là ngựa bằng gì, song có thể làm gì. Vì lúc đó Do-thái có cần được cứu giúp, nên không có ý đồng minh với xứ Ai-cập. Vậy, tiên tri lấy "loài người" và "xác thịt" so sánh "Ðức Chúa Trời" và "Thần" để tỏ rõ xứ Ai-cập không có quyền gì so sánh với quyền năng của Ðức Giê-hô-va. Wendt tóm lại rằng, "Khi loài người so sánh với Ðức Chúa Trời được gọi là xác thịt, đối với việc hành động của Thánh Linh Ngài, thì dễ biết sự phân biệt đó không phải về phần thể chất, song về quyền phép và lối làm việc."
       Trong Tân Ước, "mọi xác thịt" có chép 9 lần chỉ về cả loài người, phần nhiều trích lại từ Cựu Ước như "mọi loài xác thịt sẽ thấy sự cứu của Ðức Chúa Trời" (Lu-ca 3:6), "Ta sẽ đổ Thần ta khắp trên mọi xác thịt" (Công vụ các sứ đồ 2:17), và "mọi xác thịt ví như cỏ" (I Phi-e-rơ 1:24), Ðấng Christ có quyền "cai trị loài xác thịt" (Giăng 17:2). Trong các thơ tín Phao-lô, khi chép: "Chẳng có xác thịt nào" (theo nguyên văn), theo ý mặt trái ấy chỉ về mọi người như dùng trong Rô-ma 3:20; Ga-la-ti 2:16; I Cô-rinh-tô 1:29. Các câu đó đều gợi ý người tự mình bất lực, nên cần phục Chúa để nhờ giúp sức. Xác thịt chẳng những có ý chỉ về người song cũng có ý người phải nhờ Chúa, vì người là xác thịt và là yếu đuối. Bởi đó, Tân Ước chép: "xác thịt anh em là yếu đuối" (Rô-ma 6:19, v.v.).
       Ý xác thịt tự mình yếu đuối và hư đi đó được bày tỏ trong mấy câu khi so sánh xác thịt với Thần, như khi chép về Chúa trong vườn Ghết-sê-ma-nê phán với môn đồ rằng: "Tâm thần thì muốn lắm, mà xác thịt thì yếu đuối" (Ma-thi-ơ 26:41). Lại nữa, khi xét Giăng 3:6 với 1:13, cũng được tỏ ra "xác thịt" từ đất và "Thần Linh" từ Chúa và người "sanh bởi Ðức Chúa Trời" so sánh với người "sanh bởi ý người." Nguyên lý đời sống trí khôn cho được biết những lẽ thật thuộc linh là cao thượng hơn nguyên lý đời sống thân thể trong người, "vì thần linh làm cho sống, xác thịt chẳng ích gì" (Giăng 6:63). Bởi thế ý sai lầm của những người Pha-ri-si mà Chúa Jêsus trách rằng: "Các ngươi xét đoán theo xác thịt" (Giăng 8:15). Cựu Ước chép: "Sanh mạng của mọi xác thịt, ấy là huyết nó" (Lê-vi ký 17:14), song không có chép "thịt và máu" dầu ấy tỏ rõ hơn bổn tánh người. Mỗi lần Phao-lô dùng "thịt và máu" thì gợi ý người thuộc về đất và có hình so với Ðức Chúa Trời là Ðấng thuộc linh vô hình. Vậy Phao-lô quyết rằng "thịt và máu chẳng hưởng nước Ðức Chúa Trời được" (I Cô-rinh-tô 15:50) chớ không phải vì tội, song vì người chỉ là vật tạo thành, không tự mình vào phạm vi thuộc linh được. Phao-lô cũng chép: "Tôi chẳng bàn với thịt và máu" (Ga-la-ti 1:16) tỏ rằng không nhận sứ mạng mình từ người, song bởi sự khải thị từ Chúa. "Chúng ta đánh trận, chẳng phải cùng thịt và huyết" (Ê-phê-sô 6:12) nên cần phải nhờ "gươm của Ðức Thánh Linh" để chống cự với các kẻ thù thuộc linh vô hình.
       Từ các câu Tân Ước chỉ về nhân tánh của Chúa Jêsus, như "Ngôi Lời đã trở nên xác thịt," (Giăng 1:14) Ðấng Christ "theo xác thịt thì bởi dòng dõi vua Ða-vít sanh ra" (Rô-ma 1:3); và Rô-ma 9:5; I Ti-mô-thê 3:16 v.v.; thì đủ biết "xác thịt" với "thịt và máu" vốn không có ý xấu.
       IV. Xác thịt và tội lỗi.
       Những nghĩa về xác thịt kể trên chưa quan thiệp với luân lý. Khi chứng rằng xác thịt là tổ hợp sống của thân thể hoặc thân thể là phần bề ngoài thấy được của người, hoặc là loài người hữu hạn và yếu đuối hoặc là tình nghĩa tự nhiên giữa người ta, ấy không có ý nói xác thịt có tội hay đáng trách về mặt luân lý.
       Các thơ Phao-lô dùng thêm danh từ về tâm lý học nhiều hơn các sách khác trong Kinh Thánh, và có nghĩa sâu nhiệm hơn nữa. Về danh từ xác thịt cũng thế vì có khi có nghĩa luân lý và thần đạo, nên quan thiệp mật thiết với lẽ đạo về tội. Ta phải nhận biết Phao-lô có khi coi xác thịt như là cứ điểm của tội, là phạm vi có tội hoạt động. Như Wendt nói: "Ý định Phao-lô là bày tỏ căn nguyên của tội không phải là từ xác thịt, song quyền của tội trong xác thịt. Ấy được tỏ ra trong Rô-ma 7:, vì đoạn đó mô tả tín đồ sống theo xác thịt, dầu luật pháp đạo đức đã thúc giục lương tâm người về tội mình, song chưa có quyền chống trả với tội lỗi (câu 5-7). "Sống theo xác thịt" mô tả thực sự từng trải đạo đức, và Phao-lô cứ mô tả thực sự đó đối với thời quá khứ khi chép: "Tôi là tánh xác thịt, đã bị bán cho tội lỗi" (câu 14). Tội đã xông vào xác thịt, đã tìm phần yếu của tánh người để chinh phục người. Những tình cảm tội lỗi được tỏ ra là các quyền của tội ác mang sự phá hại và sự chết vào những chi thể của người. Luật pháp, gọi là thuộc linh, bày tỏ hiện diện của kẻ thù đã chiếm lấy phần bề ngoài người, và làm cho người bề trong hiểu biết mình đã bị thất bại (bị bán cho "tội lỗi"), và không có quyền ("tôi có ý muốn làm điều lành, nhưng không có quyền làm điều lành mình muốn"). Bởi vậy, câu ngã lòng xưng rằng: "Tôi biết điều lành chẳng ở trong tôi đâu." Ấy vì kẻ đắc thắng, tức tội lỗi, đã bắt xác thịt "phải làm phu tù cho luật của tội lỗi." Vậy, trong câu 23 nầy thấy rõ ý luân lý về xác thịt là nơi có tội lỗi hành động, và chỉ có phần trí khôn của người được so sánh với xác thịt, vì trí khôn là sở năng phán xét luân lý, song cũng có quyền cứu người khỏi phục tội.
       Trong mấy câu khác, "xác thịt" đặt đối ngang "thần linh," và ấy là sự so sánh lớn của thần đạo Phao-lô. Rô-ma 8:4-13 giải nghĩa rất rõ sự khác nhau giữa "xác thịt" và "thần" (tức Thánh Linh). Ai "sống theo xác thịt thì chăm những sự thuộc về xác thịt." Trí khôn của xác thịt tự mình không thể phục luật Ngài, và là nghịch với Ðức Chúa Trời. Vậy, ai sống theo xác thịt không thể đẹp lòng Ðức Chúa Trời; không thuộc về Chúa Jêsus; vả lại, bị lên án chết. Trái lại, ai sống theo Thánh Linh, chăm những sự thuộc về Thánh Linh, và trái của Thánh Linh là "sự sống" và "bình an." Ai sống theo Thánh Linh, tức người có Thần Ðức Chúa Trời ngự trong lòng, thì không sống theo xác thịt nữa, tức không sống dưới quyền tội lỗi; vả lại, thân thể hay chết của người một ngày kia sẽ lại sống và sống lại, vì bởi Ðức Thánh Linh người thuộc linh làm cho chết những việc làm của thân thể và bởi đó sẽ sống. Người có Thánh Linh Chúa dẫn dắt là người đã trở nên con của Ðức Chúa Trời, và "nhận lấy thần trí của sự làm con nuôi" (câu 15). Ðức Thánh Linh làm chứng cho thần linh người biết là "con" của Ngài, và là "con kế nghiệp" của sự vinh hiển sau. Trong tín đồ đã tỉnh thức song chưa đổi mới như được mở mang trong Rô-ma 7:, thì là trí, trí đoán xét theo đạo đức, phản đối với xác thịt, song bị thua vì không quyền gì. Nhưng mà, ai giao thông với Ðấng Christ, thì tánh xác thịt người đó chẳng những bị phản đối song cũng bị thất bại bởi Thánh Linh, tức có Ðức Thánh Linh của Ðức Chúa Trời hành động ở trong và bởi thần linh người.
       Thơ Ga-la-ti cũng so xác thịt và thần linh với nhau. Trong Ga-la-ti 5:16,17, Phao-lô chia rất rõ người có hai phần đó, và thấy "xác thịt" là một với tánh phạm tội của người, còn Thánh Linh (Thần Linh) là tánh đổi mới bởi sự hành động trực tiếp của Ðức Thánh Linh. Vậy, theo Phao-lô, danh từ xác thịt chỉ có thể có nghĩa là nguyên lý của tội trong người, và là bằng tình dục và tư dục.
       Dầu có nhà thần đạo tưởng rằng ảnh hưởng triết lý Hy-lạp cảm động Phao-lô về lẽ đạo xác thịt, nhưng phải nhớ rằng Phao-lô trước khi trở nên tín đồ là người Pha-ri-si, và phe đó hết sức phản đối với triết lý đó. Xem I Cô-rinh-tô 1:20-31, thấy Phao-lô không chịu sự khôn ngoan người có thể dắt đem người nào tin lẽ thật Chúa, nên "lời nói và sự giảng" của Phao-lô "chẳng phải nhờ sự khôn ngoan, nhưng tại sự tỏ ra Thánh Linh và quyền phép" (I Cô-rinh-tô 2:4). Theo Phao-lô, sự so sánh xác thịt và tinh thần chớ không phải là so sánh thể chất như có hình hoặc vô hình, song nhờ Kinh Thánh thường so sánh giữa người và Ðức Chúa Trời, thuộc đất và trời, tự nhiên và siêu nhiên, tức xác thịt nhờ cõi thiên nhiên và tinh thần nhờ ơn Ðức Chúa Trời ban cho.
       Phao-lô không coi thân thể như là ngục tù của linh hồn, song như là đền hoặc nơi thánh của Thánh Linh (I Cô-rinh-tô 3:16,17; 6:19), và trong thân thể đó, Ðức Thánh Linh ngự và được tỏ ra. Vậy, thân thể có thể trở nên "của lễ sống và thánh, đẹp lòng Ðức Chúa Trời" (Rô-ma 12:1), vì theo đạo Ðấng Christ, "thân thể" là vì Chúa (I Cô-rinh-tô 6:13), và thân thể ta là "chi thể của Ðấng Christ" (I Cô-rinh-tô 6:15). Cho nên, thân thể vốn "sống theo xác thịt, có các tình dục xấu xa bị luật pháp xui khiến, hành động trong chi thể chúng ta và kết quả cho sự chết" (Rô-ma 7:5,23), có thể nhờ người dâng chi thể mình cho Chúa để trở nên "đồ dùng về sự công bình" (Rô-ma 6:13). Chính xác thịt có thể được "sạch khỏi mọi sự dơ bẩn" bởi Ðức Thánh Linh (II Cô-rinh-tô 7:1). Vả lại, thân thể hay chết sẽ được sống lại và biến hóa bởi Ðức Thánh Linh (Rô-ma 8:11), và nhờ Ðấng Christ dự phần trong sự cứu chuộc. Phao-lô rất sớm trong chức vụ mình dạy rằng: Thân thể người mắc tội và chịu phạt tội cũng có thể được cứu chuộc, và khi Ngài tái lâm được dự phần trong vinh quang của sự sống mới trong Ðấng Christ. Vậy, thân thể là một phần tử rất cần thiết của nhân vị người, như Phao-lô cầu xin: "Nguyền xin tâm thần, linh hồn, và thân thể của anh em đều được giữ vẹn ... khi Chúa Jêsus Christ chúng ta đến" (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:23). Phần sau của chức vụ, khi thấy nhiều tín đồ ở trong cõi sự chết, thì có người tự hỏi về sự phục sanh, Sứ đồ dạy về lẽ đạo của "thân thể thuộc linh" (I Cô-rinh-tô 15:44) có thuận hiệp với đời sống mới, nên Sứ đồ dạy rằng, lúc chết "ấy không phải là chính hình thể sẽ sanh ra" (I Cô-rinh-tô 15:37), vả lại, "thịt và máu chẳng hưởng nước Ðức Chúa Trời được" (I Cô-rinh-tô 15:50). Dầu vậy, khi tín đồ được sống lại từ kẻ chết sẽ có một thân thể. Gọi là "thân thể thuộc linh" không phải là mô tả bằng thể chất, vì Sứ đồ không lấy vấn đề về thể chất làm quan hệ. Ðối với Sứ đồ, vấn đề quan hệ nhứt là đời sau đó cần phải thuận hiệp, làm cơ quan của sữ sống thuộc linh. Thể đời nay là thể có linh hồn (Hy-lạp là psuché, tức phần tư dục); thể đời sau là thể có thần linh (tức thuộc linh, Hy-lạp là pneuma). Có nhà thần đạo nói rằng: "Dầu giữa hai thân thể đó có lẽ không có sự liên hệ trực tiếp, song sự thực hữu của thân thể thuộc linh là nhờ sự chết của thân thể có linh hồn. Nhưng mà, có sự giống nhau cốt yếu giữa hai thân thể đó, ấy vì có những sự bày tỏ liên tiếp nhau cùng một nhân vị, dầu ở phạm vi khác nhau.
       Trong II Cô-rinh-tô 4:16, Sứ đồ nói đến sự hư nát "người bề ngoài." Song ý tưởng bị "lõa lồ" lúc chết, tức ý trong đời sau không hề chết chẳng có thân thể, là ý gớm ghiếc cho Phao-lô, nên Sứ đồ dạy rằng: "Chúng ta thật than thở trong thân thể nầy, mà hết sức mong được mặc lấy nhà chúng ta từ trên trời" (II Cô-rinh-tô 5:2). Vậy, sau khi chết, tín đồ có một thân thể không hề chết, là sự ban cho của Ðức Chúa Trời. Phao-lô vẫn dạy rằng nhơn vị đời nay sẽ cứ có trong thân thể đời sau.
       Ta thấy Phao-lô phân biệt giữa tội lỗi và xác thịt. Cả hai dầu quan thiệp chặt chẽ, song phân biệt rõ ràng. Phao-lô thật dạy rõ rằng nguyên lý của tội lỗi là ở trong người, và tội lỗi nhờ xác thịt người làm phạm vi hành động. Song le, dầu nói tội lỗi nhờ sự yếu đuối, hoặc sự hành động và sự ham mê của xác thịt làm dịp tiện, ấy không phải là nói xác thịt tự mình là tội lỗi. Phao-lô cũng không nói tội lỗi có căn nguyên mình trong xác thịt, song chứng rằng theo lịch sử căn nguyên tội lỗi là ở sự không vâng phục đầu nhứt của A-đam (Rô-ma 8:3-9), và tánh nguyên tội lưu truyền lại của người là cơ nghiệp tự nhiên của xác thịt. Khi So sánh A-đam với Ðấng Christ (I Cô-rinh-tô 15:45), sự tương tự không phải giữa người tội lỗi và người thánh khiết, song giữa người thứ nhứt như có linh hồn bởi đất mà ra, và người thứ nhì là "thần ban sự sống" bởi trời mà xuống. Ðó hiệp với ý Phao-lô rằng A-đam vốn không mắc tội lỗi gì (Rô-ma 5:12). Bác sĩ Stevens viết: Phao-lô nói gì về xác thịt là nhờ sự từng trải loài người từ lúc tội lỗi vào thế gian. Sứ đồ không nói loài người vốn mắc tội; trái lại người có ý phạm tội. Song bởi sự tạo thành người có tánh xác thịt, là tánh có những sự ham mê và tình dục sẵn sàng liên lạc với sự ưa muốn hư hoại và ý muốn bất chính.
       Cũng không thể nói rằng phần nhiều tội lỗi quan thiệp với xác thịt là tội tư dục, vì theo Phao-lô, trong mười lăm "việc làm của xác thịt" chép trong Ga-la-ti 5:19-22, chỉ có thể nói đúng là thuộc tư dục; còn các việc còn lại như "ghen ghét, buồn giận, bè đảng, ganh gổ, v.v. không phải thuộc tư dục. Từ tánh xác thịt có sanh ra "sự ghen ghét và tranh cạnh" (I Cô-rinh-tô 3:3). Sứ đồ nhận biết "có sự dơ bẩn phần thuộc linh" (II Cô-rinh-tô 7:1), và chép về ai "sống theo tư dục xác thịt mình, thì làm trọn các sự ham mê của xác thịt về ý tưởng mình" (Ê-phê-sô 2:3). Bởi vậy, không thể công nhận tội lỗi cốt là "tư dục" nhờ thuyết lý coi mọi vật như là tội lỗi. Thật ra, Phao-lô phản đối hết sức với sự dạy dỗ đó của phái Trí-huệ Gnostiques mà Phao-lô trong I Ti-mô-thê 6:20 nói là có "tri thức ngụy xưng là tri thức." Phao-lô chép phái khổ hạnh đó "bởi tánh xác thịt đổi lòng kiêu ngạo vô ích," và cũng khinh dể thân thể vì là tội ác. Phao-lô cũng coi triết lý người Hy-lạp như vậy, vì là "khôn ngoan theo xác thịt" (I Cô-rinh-tô 1:22,26).
       Cuối cùng, Phao-lô chứng quyết về sự vô tội của Ðấng Christ, và sự thực hữu của thân thể Ngài. Phao-lô lấy chính danh từ xác thịt để mô tả nhơn tánh Ngài. Chúa "theo xác thịt sanh ra," và được "tỏ ra trong xác thịt" (Rô-ma 1:3; I Ti-mô-thê 3:16). Về lối Phao-lô dùng xác thịt về mặt luân lý đây, thì bác sĩ Stevens nói: "Khi suy xét xác thịt về mặt siêu hình học (métaphysique), thì không có gì; song suy xét xác thịt về sự từng trải thì có sự tội. Thể chất như có, không phải là tội lỗi; song thân thể, hành động bởi linh hồn có những tình cảm và những sự ham mê là nguồn gốc của sự cám dỗ và nơi ở của tội lỗi." Ấy tỏ rõ lối dùng xác thịt và thần linh của Phao-lô là rộng hơn lối dùng trong các sách Kinh Thánh khác; và bởi đó, tỏ ra người giao thông với Ðấng Christ có thể lên nơi rất cao thượng thuộc linh, và người sống theo xác thịt có thể xuống nơi rất thấp hèn của tội lỗi. I Phi-e-rơ 2:11 hiệp ý với Phao-lô: "Hỡi kẻ rất yêu dấu, tôi khuyên phải kiêng những điều xác thịt ưa thích, là điều chống trả với linh hồn."
       Tiến sĩ Scofield chú thích về xác thịt như sau:
       Rô-ma 7:14.-- So I Cô-rinh-tô 3:1,4. "Xác thịt" là lời của Phao-lô chỉ về bổn tánh của A-đam, và về tín đồ "bước theo" tức là cư xử, dưới quyền tánh xác thịt. "Xác thịt" là lời vẫn dùng riêng cho người chưa được đổi mới (I Cô-rinh-tô 2:14), như "thuộc linh" chỉ người đã đổi mới bước theo "Thánh Linh" (I Cô-rinh-tô 3:1; Ga-la-ti 6:1). Xem bài Phao-lô, phần Scofield, Rô-ma 7:15.
       Giu-đe 23.-- Tóm tắt: "Xác thịt," theo nghĩa luân lý, là người hoàn toàn tự nhiên hoặc chưa tái sanh, tâm thần, linh hồn và thân thể, như tập trung trên bản ngã, hướng về tội, và chống trả Ðức Chúa Trời (Rô-ma 7:18). Người tái sanh không phải "ở trong (phạm vi) xác thịt, song trong (phạm vi của) Thánh Linh" (Rô-ma 8:9). Song xác thịt còn ở trong người tái sanh đó, và người đó có thể, tùy theo sự lựa chọn, "bước theo xác thịt," hoặc "theo Thánh Linh" (I Cô-rinh-tô 3:1-4; Ga-la-ti 5:16,17). Trong trường hợp thứ nhứt, người là tín đồ "xác thịt," trong trường hợp thứ hai là tín đồ "thuộc linh," Sự đắc thắng hơn xác thịt sẽ là sự từng trải thông thường của tín đồ bước theo Thánh Linh (Rô-ma 8:2,4; Ga-la-ti 5:16,17).

Hội Thánh KiềnBái's blog© 2013. Được tạo và lưu trữ bởi Bùi Qúy Đôn. Tài liệu có thể được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau.