I. Con thứ chín của Gia-cốp, và là con thứ năm sanh bởi Lê-a (Sáng thế ký 30:14-18; 35:23). Khi người đòi đến Ai-cập thì có bốn con trai tên là: Thô-la, Phu-va, Gióp và Sim-rôn (Sáng thế ký 46:13; Xuất Ê-díp-tô ký 1:3). Lúc Gia-cốp gần qua đời, xem thấu tánh nết người, mô tả Y-sa-ca là con cháu như một con lừa rừng, nằm nghỉ giữa chuồng, chịu gánh nặng những điều sưu dịch của các chủ ngoại bang, miễn là cho mình được ở trong đất đai đẹp đẽ (Sáng thế ký 49:14,15).
Sau, dòng dõi bốn con Y-sa-ca chia làm bốn họ (Dân số ký 26:23,24; I Sử ký 7:1-5). Quan trưởng của Y-sa-ca buổi đầu lưu lạc trong đồng vắng là Na-tha-na-ên, con của Xu-a (Dân số ký 1:8; 2:5; 7:18; 10:15), và phần sau là Pha-ti-ên, con trai A-xan, (34:26). Hai năm sau khi ra khỏi xứ Ai-cập, lần tu bộ thứ nhứt, những trai tráng có thể ra trận được, bấy giờ chi phái Y-sa-ca được 54.400 người (Dân số ký 1:29). Khi đi trận họ thuộc dưới ngọn cờ của chi phái họ, và đi trước phụ vào đội tiền phong thuộc trại Giu-đa (Dân số ký 2:5-9). Lần thứ nhì đếm được 64.500 người (26:25); còn trong đời Ða-vít số là 87.000 (I Sử ký 7:5). Di-ganh, con trai Giô-sép, là người do thám của chi phái đó cử ra (Dân số ký 13:7). Người Y-sa-ca ở giữa những người đứng trên núi Ga-ri-xim chúc phước cho dân sự (Phục truyền luật lệ ký 27:12). Phần đất họ được làm sản nghiệp là nửa trung độ phía Bắc xứ Ca-na-an: Ðông giáp sông Giô-đanh, Tây giáp Ma-na-se, Bắc giáp Sa-bu-lôn, và Nép-ta-li, cộng 16 thành với các làng xung quanh (Giô-suê 19:17-22). Trước khi Môi-se qua đời, có chúc phước cho chi phái Y-sa-ca sẽ được sống cách vui vẻ và yên tịnh, rằng: "Hãy hớn hở trong các trại mình," (Phục truyền luật lệ ký 33:18). Trong họ Y-sa-ca có người tên là Thô-la làm quan xét thứ sáu trong 23 năm (Các quan xét 10:1,2). Sau khi chia nước, họ Y-sa-ca có người tên gọi Ba-ê-sa giết vua Y-sơ-ra-ên là Na-đáp và diệt luôn cả nhà vua rồi cướp ngôi, trị vì 24 năm (I Các vua 15:27-29,33). Các quan trưởng của Y-sa-ca có mắt chính trị tinh tường để biết thời giờ thích hợp để xây bỏ Sau-lơ mà nhận Ða-vít làm vua trên cả Y-sơ-ra-ên (I Sử ký 12:32). Chừng vào thời đó, Ôm-ri, con của Mi-ca-ên, làm trưởng chi phái (27:16). Nhiều người Y-sa-ca dầu thuộc nước phía Bắc song đến dự lễ Vượt qua của Ê-xê-chi-ên (II Sử ký 30:18). Trong sự hiện thấy sách Khải Huyền, có 12.000 người thuộc chi phái Y-sa-ca được đóng ấn (Khải Huyền 7:7). Ấy là con số thường.
Ðịa giới của Y-sa-ca chạy qua hoặc gần những nơi như: Gít-rê-ên, Su-nem, En-ga-nim, A-na-cha-rát, núi Tha-bô và Bết-Sê-mết (Giô-suê 19:17-23) dầu có thành trong chỗ đó của người Ma-na-se giữ (17:10,11) và các thành khác của người Lê-vi dòng Ghẹt-sôn (21:6,28,29; I Sử ký 6:62-72). Chi phái Y-sa-ca chiếm một phần lớn đồng bằng Gít-rê-ên hoặc Esdraelon, gồm lại miền đồng bằng thấp và phì nhiêu của Ki-sôn. Tánh cách của đất đai, lẫn với các đặc sắc của chi phái cắt nghĩa tại sao dân Y-sa-ca, hiệp với lời tiên tri của Gia-cốp, sẵn sàng mà làm tôi mọi. Họ có thể mất nhiều, và sống trên phần đất tiện lợi cho sự hoạt động chiến xa bên quân địch, còn chi phái ở trên núi không thể bị hãm đánh dễ dàng như vậy. Dân sự của Y-sa-ca không phải là nhát sợ quá đỗi, khi ra chiến trận với Si-sê-ra, được tỏ ra bởi lời khen của Ðê-bô-ra (Các quan xét 5:15).
II. Người Lê-vi, được cử làm kẻ giữ cửa trong đời Ða-vít (I Sử ký 26:5).