CHỨNG ĐẠO


Chứng Đạo
Tác giả: Viện Thần Học Việt Nam
Mục Sư Tô Văn Út.
PHẦN THỨ NHẤT: THÁNH KINH DẠY VỀ CHỨNG ĐẠO

Chương I - CỰU ƯỚC DẠY VỀ CHỨNG ĐẠO
1.-Các từ và thành ngữ diễn đạt về chứng đạo trong Cựu Ước
2.-Ý niệm về chứng đạo trong Cựu Ước
1/ CÁC TỪ VÀ THÀNH NGỮ DIỄN ĐẠT CHỨNG ĐẠO
Trong Cựu Ước có nhiều từ và thành ngữ diễn đạt về chứng đạo. Ở Exe  33:7-9 ta đọc được những lời này:
“Hỡi con người, ta đã lập ngươi đặng làm kẻ canh giữ cho nhà Y-sơ-ra-ên; nên hãy nghe lời từ miệng ta, và thay ta răn bảo trước cho chúng nó. Khi ta phán cùng kẻ dữ rằng: Hỡi kẻ dữ, mầy chắc chết! Nếu ngươi không răn bảo để cho kẻ dữ xây bỏ đường lối xấu của nó, thì kẻ dữ ấy sẽ chết trong sự gian ác mình; nhưng ta sẽ đòi máu nó nơi tay ngươi. Nếu trái lại, ngươi đãrăn bảo kẻ dữ đặng xây bỏ đường lối xấu của nó mà nó không xây bỏ, thì nó sẽ chết trong sự gian ác nó, còn ngươi giải cứu mạng sống mình. ”
Tiên tri Ê-xê-chi-ên được dạy phải răn bảo kẻ dữ. Động từ “răn bảo” trong nguyên văn Hy-bá nghĩa là “dẫn đạo, khuyên răn, chỉ dẫn”. Từ liệu “răn bảo” bày tỏ về việc chứng đạo, đưa dẫn tội nhân đến sự hối cải qua sứ điệp của Đức Chúa Trời.
Thành ngữ khác trong Cựu Ước diễn đạt về chứng đạo: “đặng giảng tin lành cho kẻ khiêm nhường” (Es 61:1). Nguyên văn là “mang tin tức”, “công bố tin mừng: Giảng sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời”. Từ ngữ này cũng tìm thấy trong Thi 96:2, “từng ngày hãy truyền ra sự cứu rỗi của Ngài”.
Ch 11:30 cho ta thấy thêm một thành ngữ diễn đạt về chứng đạo, “người khôn ngoan có tài được linh hồn người ta.” Từ liệu “có tài được” theo nghĩa đen là “lấy”, mang theo với mình “lấy ra”, “lấy đi, mang đi”. Từ liệu này nói lên sự chinh phục hoặc chiếm lấy linh hồn người ta. Việc chứng đạo vì vậy đã bày tỏ qua việc “được linh hồn”, hay sự hối cải của người chưa được cứu.
2/ Ý NIỆM VỀ CHỨNG ĐẠO TRONG CỰU ƯỚC
Cùng với các từ và thành ngữ diễn đạt việc chứng đạo, ta cũng thấy ý niệm về chứng đạo được tỏ bày trong hầu hết các sách của Cựu Ước.
Sáng thế ký chương 1 biểu lộ kế họach chứng đạo toàn cầu của Đức Chúa Trời qua người nam và người nữ đầu tiên. Ngài phán với họ: “Hãy sanh sản, thêm nhiều, làm cho đầy dẫy đất” (SaSt 1:23). Về sau Đức Chúa Trời lập lại lời đó cho Nô-ê. “Hãy sanh sản, thêm nhiều, làm cho đầy dẫy trên mặt đất” (9:1).
Tiếp theo Đức Chúa Trời chọn Áp-ra-ham và dòng dõi người để lập thành quốc gia Y-sơ-ra-ên. Ngài phán cùng Áp-ra-ham: “Các chi tộc nơi thế gian sẽ nhờ người mà được phước” (1:23). Kế họach chứng đạo toàn cầu tiếp tục trong thời đại tộc trưởng với lời hứa cho Y-sác:
“Ta sẽ thêm dòng dõi ngươi nhiều như sao trên trời, sẽ cho họ các xứ này; hết thảy dân thế gian đều sẽ nhờ dòng dõi ngươi mà được phước ” (26:4).
Với lời hứa cho Gia-cốp:
“Dòng dõi ngươi sẽ đông như cát bụi trên mặt đất, tràn ra đến đông tây nam bắc, và các chi họ thế gian sẽ nhờ ngươi và dòng dõi ngươi mà được phước ” (28:14).
Qua thời đại Môi-se, kế họach chứng đạo toàn cầu vẫn không gián đoạn. Khi Môi-se dẫn dân Y-sơ-ra-ên ra khỏi Ai-cập, có một số đông khách kiều ngụ giữa họ, được phép gia nhập vào hội chúng Y-sơ-ra-ên (XuXh 12:38). Rồi người Y-sơ-ra-ên làm chứng cho dân ngoại và dạy họ giữ lễ Vượt-qua (Dan Ds 9:14), dạy họ biết riêng ngày nghỉ đặng làm nên ngày Thánh (XuXh 20:10), dạy dâng của lễ thiêu (LeLv 17:8). Thiên Chúa cũng chỉ dẫn tuyển dân Ngài làm chứng qua nếp sống đạo:
“Khi kẻ khách nào kiều ngụ trong xứ các ngươi, thì chớ hà hiếp người. Kẻ khách kiều ngụ giữa các ngươi sẽ kể như kẻ đã sanh đẻ giữa các ngươi: hãy thương yêu người như mình, vì các ngươi đã làm khách kiều ngụ trong xứ Ê-díp-tô ” (19:33, 34).
Lúc Môi-se đến cùng Đức Chúa Trời ở trên núi, Ngài lập giao ước cùng ông và phán rằng:
“Vậy, bây giờ, nếu các ngươi vâng lời ta và giữ sự giao ước ta, thì trong muôn dân, các ngươi sẽ thuộc riêng về ta. Các ngươi sẽ thành một nước thầy tế lễ, cùng một dân tộc Thánh cho ta ” (XuXh 19:5-6).
Sách Ru-tơ làm nổi bật kế họach chứng đạo toàn cầu của Đức Chúa Trời. Ru tơ, một quả phụ Mô-áp, đã làm cho mẹ chồng cảm động qua những lời chân thành này:
“Xin chớ nài tôi phân rẽ mẹ: vì mẹ đi đâu, tôi sẽ theo đó; mẹ ở nơi nào, tôi sẽ ở nơi đó. Dân sự của mẹ, tức là dân sự của tôi: Đức Chúa Trời của mẹ, tức là Đức Chúa Trời của tôi; mẹ thác nơi nào tôi muốn thác và được chôn nơi đó ” (Ru R 1:16-17).
Khi Na-ô-mi và Ru-tơ về đến Bết-lê-hem, “cả thành đều cảm động” (1:19). Ru-tơ - người ngoại bang - được nhập vào thành viên chính thức trong hội chúng Y-sơ-ra-ên. Về sau, Ru-tơ trở thành tổ mẫu của vua Đa-vít (4:21-22) và Chúa Giê-xu (Mat Mt 1:5).
Đến thời đại Đa-vít, nhiều Thi thiên được sáng tác bày tỏ kế họach chứng đạo toàn cầu của Đức Chúa Trời. Đa-vít đã nói trong Thi Tv 86:9 “Hết thảy các dân mà Chúa đã dựng nên sẽ đến thờ lạy trước mặt Chúa, và tôn vinh danh Chúa. Và, bốn phương thế gian sẽ nhớ và trở lại cùng Đức Giê-hô-và; các họ hàng muôn dân sẽ thờ lạy trước mặt Ngài” (Thi Tv 22:27).
Vua Sa-lô-môn, trong khi cầu nguyện cung hiến đền thờ, cũng nói lên kế họach chứng đạo toàn cầu của Đức Chúa Trời, “để cho muôn dân của thế gian nhận biết danh Chúa, kính sợ Chúa, y như dân Y-sơ-ra-ên của Ngài, và cho biết rằng danh Chúa xưng ra trên đền này mà tôi đã xây cất” (IVua 1V 8:43).
“Vả lại, về người ngoại bang là người chẳng thuộc về dân Y-sơ-ra-ên của Chúa, nhưng vì danh lớn Chúa, vì cánh tay quyền năng giơ thẳng ra của Ngài, họ sẽ từ xứ xa đi đến hướng về đền này mà cầu nguyện, thì xin Chúa từ trên trời, là nơi ngự của Chúa, hãy dủ nghe, và làm theo mọi đều người ngoại bang ấy cầu xin Chúa: hầu cho muôn dân trên đất nhận biết danh Chúa, kính sợ Ngài như dây Y-sơ-ra-ên của Chúa, và biết rằng cái đền này mà tôi đã xây cất, được gọi bằng danh Chúa ” (IISu 2Sb 6:32, 33).
Trong Cựu Ước, có lẽ thời đại tiên tri, bày tỏ ý niệm về chứng đạo nhiều nhất và rõ ràng nhất. Ngay cả trong các sứ điệp dành riêng cho dân Y-sơ-ra-ên, ta cũng nhận ra kế họach chứng đạo toàn cầu của Đức Chúa Trời. Trước hết, qua tiên tri Ê-sai, Đức Chúa Trời công bố kế họach chứng đạo của Ngài.
“Ngoài ta chẳng có Đức Chúa Trời nào khác! Chẳng có Đức Chúa Trời nào khác là công bình và là Cứu Chúa ngoài ta. Hỡi các ngươi hết thảy ở các nơi đầu cùng đất, hãy nhìn xem ta và được cứu! Vì ngoài ta là Đức Chúa Trời, chẳng có Chúa nào khác ” (EsIs 45:21, 22).
Đức Giê-hô-va phán những lời này qua Ê-sai:
“Các người dân ngoại về cùng Đức Giê-hô-va, đặng hầu việc Ngài, đặng yêu mến danh Đức Giê-hô-va, đặng làm tôi tớ Ngài; tức là hết thảy những kẻ giữ ngày Sa-bát cho khỏi làm ô uế, và cầm vững lời giao ước ta, thì ta sẽ đem họ lên trên núi Thánh ta, làm cho họ vui mừng trong nhà cầu nguyện ta. Của lễ thiêu và hi sinh họ dâng trên bàn thờ ta, sẽ được nhận lấy; vì nhà ta sẽ gọi là nhà cầu nguyện cho mọi dân tộc ” (56:6, 7).
Tiên tri Giê-rê-mi rao truyền kế họach chứng đạo của Đức Chúa Trời cho dân Y-sơ-ra-ên: “Trong thời đó người ta sẽ gọi Giê-ru-sa-lem là ngôi của Đức Giê-hô-va, và hết thảy các nước đều nhóm về Giê-ru-sa-lem, về danh Đức Giê-hô-va” (Gie Gr 3:17).
Tiên tri Ha-ba-cúc dự ngôn về kế họach chứng đạo toàn cầu của Đức Chúa Trời: “Vì sự nhận biết vinh quang Đức Giê-hô-va sẽ đầy dẫy khắp đất như nước đầy tràn bờ biển” (HaKb 2:14).
Tiên tri Ma-la-chi bày tỏ kế họach chứng đạo toàn cầu của Đức Chúa Trời: “Vì từ nơi mặt trời mọc cho đến nơi mặt trời lặn, danh ta sẽ lớn giữa các dân ngoại. Trong khắp mọi nơi, người ta sẽ dâng hương của lễ Thánh sạch cho danh ta; vì danh ta sẽ lớn giữa các dân ngoại, Đức Giê-hô-va vạn quân phán vậy” (MaMl 1:11).
Đức Giê-hô-va phán bảo Giô-na thực thi kế họach chứng đạo của Ngài: “Người khá chờ dậy! Hãy đi đến thành lớn Ni-ni-ve, và rao cho nó lời của ta đã dạy cho ngươi”. Tiên tri Giô-na đi vào thành rao giảng sứ điệp Đức Chúa Trời và “dân thành Ni-ni-ve tin Đức Chúa Trời” (Gion Gn 3:2, 5).
Đa-ni-ên cũng áp dụng kế họach chứng đạo toàn cầu của Đức Chúa Trời tại đất khách quê người. Nhà tiên tri làm chứng cho các quan, cho các vua, cho mọi người. Kết quả khiến cho vua Nê-bu-cát-nết-sa truyền cho các dân tộc, các nước, các thứ tiếng ở khắp mặt đất phải ngợi khen Đức Chúa Trời rất cao: “Ôi Những dấu lạ của Ngài lớn lao là dường nào! Những sự lạ của Ngài mạnh sức là dường nào! Nước Ngài là nước còn mãi mãi, và quyền thế Ngài từ đời nọ đến đời kia” (DaDn 4:3).
Các từ và thành ngữ trong Cựu Ước đã diễn đạt rõ ràng ý niệm về chứng đạo và tỏ ra rằng Đức Chúa Trời mong muốn con dân Ngài công bố sứ điệp cứu rỗi của Ngài cho thế nhân. Kế họach chứng đạo cho muôn dân trên đất nước tỏ bày qua các sách Ngũ kinh, sách Lịch sử, Thi-thiên và các sách Tiên tri. Dân của Đức Chúa Trời ngày xưa đã “răn bảo” “giảng tin lành cho kẻ khiêm nhường”, “truyền ra sự cứu rỗi của Ngài”, và “được linh hồn người ta”. Ngày nay Đức Chúa Trời cũng mong muốn con dân Ngài trở thành những chứng nhân để công bố sứ điệp cứu rỗi của Ngài cho thế gian hư mất. Mong ước chúng ta sẽ không bỏ qua đặc quyền và trách nhiệm là chứng nhân cho Đấng đã yêu thương và cứu rỗi chúng ta, để bắt đầu từ đây đời sống chúng ta sẽ trở thành nguồn phước cho muôn dân trên đất, đặc biệt cho dân tộc Việt Nam thân yêu của chúng ta.
Chương II- TÂN ƯỚC DẠY VỀ CHỨNG ĐẠO
1.-Các từ và thành ngữ ngữ diễn đạt về chứng đạo trong Tân Ước
2.-Ý niệm về chứng đạo trong Tân Ước
1. CÁC TỪ VÀ THÀNH NGỮ DIỄN ĐẠT VỀ CHỨNG ĐẠO
Trong Tân Ước có nhiều từ và thành ngữ được dùng để nói đến việc chứng đạo. Một hôm, Chúa Cứu Thế Giê-xu đang đi ven bờ biển Ga-li-lê, gặp hai anh em Si-môn Phi-e-rơ và Anh-rê đang thả lưới đánh cá. Chúa gọi: “Các ngươi hãy theo ta, ta sẽ cho các ngươi nên tay đánh lưới người” (Mat Mt 4:19). Họ bèn bỏ cả lưới chài, đi theo Ngài, Chúa Cứu Thế Giê-xu đi khắp xứ Ga-li-lê, “dạy dỗ trong các nhà hội, giảng tin lành của nước Đức Chúa Trời” (Mat Mt 4:23).
Văn mạch của câu Thánh Kinh trên cho thấy cách dùng của từ liệu “tay đánh lưới người”, và nói lên rằng Chúa Cứu Thế Giê-xu muốn những người này phụ giúp Ngài trong việc công bố Phúc Âm cho nhân dân.
Ở 28:19, Chúa Cứu Thế Giê-xu phán cùng các môn đệ: “Vậy, hãy đi khiến muôn dân trở nên môn đồ ta, làm báp têm cho họ nhơn danh Cha, Con, và Thánh Linh”. Từ liệu “khiến trở nên môn đồ” là một chữ rất thông dụng trong Tân Ước và xuất hiện 250 lần. Cách dùng của từ liệu nói lên trách nhiệm cá nhân của môn đệ Chúa Cứu Thế Giê-xu trong sự công bố Phúc Âm cho tất cả các dân tộc. Chữ này diễn đạt rõ ràng về việc chứng đạo.
Chúa Cứu Thế Giê-xu trong ngày được rước lên trời, đã phán cùng các môn đệ: “Nhưng khi Đức Thánh Linh giáng trên các ngươi, thì các ngơi sẽ nhận lấy quyền phép và làm chứng về ta tại thành Giê-ru-sa-lem, cả xứ Giu-đêâ, xứ Sa-ma-ri, cho đến cùng trái đất” (Công Vụ 1:8). Từ liệu “chứng tá của ta” được dùng 168 lần trong Tân Ước. Bác sĩ Lu-ca dùng từ liệu này để nói lên việc phối hợp của sự làm chứng về các sự kiện và sự làm chứng trong ý nghĩa của việc xưng nhận Phúc Âm. Lu-ca trình bày cách dùng đặc biệt này trong sách Công-vụ các sứ-đồ và LuLc 24:48, “Các ngươi làm chứng về việc đó”. Những sự kiện Lu-ca nói đến là sự kiện lịch sử về Chúa Cứu Thế Giê-xu, đặc biệt là sự sống lại của Ngài.
Một từ ngữ khác được dùng trong Tân Ước để diễn đạt về việc chứng đạo là “giảng Tin lành”. Từ liệu này được tìm thấy 127 lần trong Tân Ước. Nó có nghĩa là “công bố tin mừng, chỉ dẫn (con người) về những điều có liên quan đến sự cứu rỗi Cơ Đốc”.
2. Ý NIỆM VỀ CHỨNG ĐẠO TRONG TÂN ƯỚC
Cùng với các từ và thành ngữ diễn đạt cho việc chứng đạo, ta cũng thấy ý niệm về chứng đạo được biểu lộ trong các sách của Tân Ước.
Phúc Âm Ma-thi-ơ
Sách này bắt đầu với lời rao giảng Phúc Âm: “Hãy ăn năn tội lỗi, quay về với Thượng Đế, vì Nước Trời gần đến!”. Chương bốn cho ta thấy việc Chúa Cứu Thế Giê-xu kêu gọi các môn đệ đầu tiên. Chương chín tường thuật rằng khi đi qua thành Ca-bê-na-um, Chúa Cứu Thế Giê-xu thấy một người tên Ma-thi-ơ đang làm việc tại sở thu thuế. Chúa gọi: “Con hãy theo Ta!” Ma-thi-ơ liền đứng dậy theo Ngài.
“Chúa Giê-xu từ đó đi qua”. Đây là những chữ rất quan trọng, luôn được nhắc đến trong suốt những năm chức vụ của Chúa Cứu Thế. Những chữ đó cũng nói lên rằng Chúa Cứu Thế Giê-xu luôn tận dụng cơ hội để chứng đạo. Câu 9 ghi lại mấy chữ đáng chú ý: “Ngài thấy một người”. Chúa Cứu Thế Giê-xu nhìn thấy mọi người quanh Ngài hoặc thấy cả một đám đông. Đường phố vào thời Tân Ước chật hẹp và đông đúc người qua lại. Ở đó có một người, một nhân viên thu thuế, đang làm việc cho chính quyền La-Mã. Ông thuộc về giai cấp bị xã hội ruồng bỏ. Trước khi chinh phục người, Chúa Cứu Thế Giê-xu đã thấy người.
Chương mười bày tỏ Đấng chinh phục linh hồn tội nhân, chẳng những đã động lòng thương xót trước đoàn dân đông, mà còn “sai phái” mười hai môn đệ đi ra truyền giảng Phúc Âm. Chương mười một cho thấy sau khi dặn bảo mười hai môn đệ xong, Chúa Cứu Thế Giê-xu đi vào các thành phố miền đó giảng dạy. Chương cuối của sách Ma-thi-ơ đã ghi chép mạng lịnh trọng yếu của Chúa Cứu Thế: “Tất cả uy quyền trên trời dưới đất đều về tay ta. Vậy, các con hãy đi dìu dắt tất cả cá dân tộc làm môn đệ ta, làm báp têm cho họ nhân danh Cha, Con, và Thánh Linh, và dạy họ vâng giữ mọi mệnh lệnh ta! Chắc chắn ta ở với các con luôn luôn, từ nay cho đến ngày tận thế!” (Mat Mt 28:18-20).
Phúc Âm Mác
Sách này mở đầu với câu chuyện Lê-vi theo Chúa. Chương sáu ghi chép việc Chúa gọi mười hai sứ-đồ, sai đi từng đôi truyền giảng Phúc Âm, khuyến giục mọi người ăn năn tội lỗi.
Phần cuối của sách Mác cũng ghi chép mạng lịnh trọng yếu của Chúa Cứu Thế: “Hãy đi khắp thế giới, công bố Phúc Âm cho cả nhân loại. Ai tin và chịu báp têm sẽ được cứu, còn ai không tin sẽ bị kết tội” (Mac Mc 16:15 BDY)
Phúc Âm Lu-ca
Trong sách Lu-ca, Chúa Cứu Thế phán cùng các môn đệ: “Từ nay trở đi, ngươi sẽ trở nên tay đánh lưới người ”. Sau đó, Chúa chọn thêm bảy mươi môn đệ sai từng đôi đi truyền bá Phúc Âm.
Các ngụ ngôn “Tiệc Lớn”, “Chiên Thất lạc”, “Đồng bạc mất”, và “Người con lưu lạc trở về” cũng diễn đạt việc chứng đạo. Khi các người Biệt lâïp chế giễu Chúa, Ngài khuyến cáo họ về sự ăn năn qua ngụ ngôn “Người giàu và La-xa-rơ”. Lúc đó một nhà lãnh đạo Do Thái hỏi Chúa. “Tôi phải làm gì để được sống vĩnh viễn? ” Khi nghe Chúa trả lời là bán hết tài sản lấy tiền phân phát cho người nghèo, ông buồn rũ rượi vì tài sản quá nhiều.
Kế đó, Chúa Giê-xu đi ngang qua thành phố Giê-ri-cô kêu gọi Xa-chê. Ngài đến thăm ông tại nhà và dìu dắt cả gia đình tin nhận Ngài. Phần cuối của sách Lu-ca thuật lại việc một tên cướp tin Chúa trong giờ hấp hối trên thập tự giá.
Phúc Âm Giăng
Sách này trước hết ghi chép về công việc truyền bá Phúc Âm của Giăng Báp-tít. Kế đó, khi thấy Chúa Cứu Thế Giê-xu đi ngang qua, Giăng đã giới thiệu Chúa cho các môn đệ, lập tức Anh-rê và một môn đệ khác theo Chúa. Anh-rê đưa anh mình là Si-môn Phi-e-rơ đến tin Chúa. Sáng hôm sau, Chúa Cứu Thế Giê-xu đi lên xứ Ga-li-lê làm chứng cho Phi-líp. Phi-líp làm chứng cho Na-tha-na-ên và mời bạn đến gặp Chúa. Khi Ngài ở Giê-ru-sa-lem dự lễ Vượt qua, nhiều người tin Chúa, vì thấy các phép lạ Ngài làm.
Chương ba của sách Giăng thuật lại việc Chúa Cứu Thế Giê-xu chứng đạo cho giáo sư Ni-cô-đem. Sau đó, Chúa và các môn đệ qua xứ Ga-li-lê. Theo lộ trình, Chúa phải đi ngang qua xứ Sa-ma-ri. Gần đến thành Si-kha, Chúa dừng chân bên giếng Gia-cốp. Nơi đây Chúa làm chứng cho thiếu phụ Sa-ma-ri. Sau khi tin Chúa, thiếu phụ bỏ vò nước bên giếng, chạy vào thành phố, hăng say nói về Chúa cho mọi người. Dân chúng kéo nhau đến gặp Chúa.
Sau đó, Chúa giảng cho các môn đệ về cánh đồng truyền giáo:
“Các con nói còn bốn tháng nữa mới đến mùa gặt nhưng các con cứ phóng rộng tầm mắt xem khắp cánh đồng! Lúa đã chín vàng, sẵn chờ gặt hái. Thợ gặt được thưởng công để đưa nhiều linh hồn vào cõi sống vĩnh viễn, nên người gieo kẻ gặt đều vui mừng. Thật đúng với câu:
“Người này gieo, kẻ khác gặt ”. Ta sai các con gặt hái ở những cánh đồng các con chưa gieo trồng; người khác đã gieo, nay các con gặt hái ” (GiGa 4:35-38).
Hai ngày sau, Chúa lên đường về xứ Ga-li-lê. Chúa lại vào làng Ca-na, là nơi Ngài đã biến nước thành rượu. Một viên chức có con trai đau nặng gần chết, nghe tin Chúa Cứu Thế Giê-xu đã từ Giu-đêâ về Ga-li-lê, vội vã đến năn nỉ Chúa xuống thành Ca-bê-na-um chữa bệnh cho con. Chúa đáp: “Ông đi về đi! Con ông lành bệnh rồi!” Ông tin lời Chúa nên con ông đã được chữa lành. Ông và cả gia đình đều tin Chúa Cứu Thế.
Đến giữa kỳ lễ Lều tạm, Chúa Cứu Thế Giê-xu xuất hiện trong đền thờ và bắt đầu giảng dạy. Ngày chót trong kỳ lễ là ngày long trọng nhất, Chúa Cứu Thế Giê-xu đứng lên, lớn tiếng kêu gọi: “Người nào khát hãy đến với tôi mà uống. Người nào tin tôi, các mạch nước hằng sống sẽ tuôn trào không dứt trong lòng”. Nghe Chúa kêu gọi, trong dân chúng có nhiều người nhìn nhận Ngài là nhà tiên tri. Có người quả quyết: “Đây là Chúa Cứu Thế!” Nhưng một số người khác thắc mắc: “Chúa Cứu Thế sao quê quán ở Ga-li-lê? Dân chúng chia rẽ nhau vì Chúa. Có mấy người định bắt Chúa nhưng không ai đụng đến Ngài được.”
Chương chín tường thuật việc Chúa chữa lành cho người mù từ lúc sơ sinh. Qua phép lạ đó, người mù tin Ngài là Chúa Cứu Thế. Chúa giảng giải cho các thầy Biệt lập về người chăn từ ái trong chương mười. Ngài nhấn mạnh: “Ta là người chăn từ ái. Người chăn từ ái sẵn lòng hy sinh tính mạng vì đàn chiên”.
Chúa vượt sông Giô-đanh đến ngụ tại nơi Giăng làm báp têm khi trước. Nhiều người đi theo Chúa và nhìn nhận: “Dù Giăng (Báp-tít) không làm phép lạ, nhưng mọi điều Giăng nói về Ngài đều đúng cả. Tại đây có nhiều người tin Ngài là Chúa Cứu Thế.”
Ở làng Bê-tha-ni, nhiều người Do Thái đến thăm chị em Ma-ri, chứng kiến phép lạ Chúa kêu La-xa-rơ từ kẻ chết sống lại liền tin Ngài. Sứ điệp chót của Chúa Cứu Thế Giê-xu cho dân Do Thái cũng là sứ điệp về Phúc Âm cứu rỗi. Dù Chúa đã làm bao nhiêu phép lạ trước mắt, dân Do Thái vẫn không tin Ngài. Tuy nhiên, có nhiều người trong giới lãnh đạo Do Thái tin Chúa Giê-xu không dám công nhận, vì sợ phái Biệt lập khai trừ.
Sách Công-Vụ Các Sứ-Đồ
Sách này mở đầu với mạng lịnh: “Nhưng khi Thánh Linh giáng trên các con, các con sẽ nhận được quyền năng làm chứng cho ta tại Giê-ru-sa-lem, cả xứ Giu-đê, xứ Sa-ma-ri, và khắp thế giới”. Biến cố quan trọng kế tiếp là Phi-e-rơ đứng ra giảng giải Phúc Âm, có ba ngàn người tin Chúa. Tất cả các tín hữu đều sống gần nhau và góp tài sản làm của chung. Hằng ngày nhóm họp tại Đền thờ, rồi về nhà bẻ bánh tưởng niệm Chúa. Mỗi ngày Chúa cứ tăng thêm số người được cứu.
Chương ba thuật việc Phi-e-rơ và Giăng công bố Phúc Âm. Chương năm cho biết có đông người tin Chúa vì thấy các sứ-đồ làm nhiều phép lạ và việc kỳ diệu giữa nhân dân. Chương sáu kể lại việc Ê-tiên bị bắt, bị thảm sát vì công bố Phúc Âm. Lúc ấy Hội Thánh tại Giê-ru-sa-lem bị khủng bố dữ dội. Trừ các sứ-đồ, tất cả tín hữu đều đi tản mác các nơi trong xứ Giu-đêâ và Sa-ma-ri, đi đâu cũng truyền bá Phúc Âm. Phi-líp đến thành Sa-ma-ri truyền giảng về Chúa Cứu Thế và thực hiện nhiều phép lạ. Các sứ-đồ tại Giê-ru-sa-lem nghe tin xứ Sa-ma-ri đã tiếp nhận Đạo Chúa, liền sai Phi-e-rơ và Giăng đến thăm. Tới nơi hai ông cầu nguyện cho tín hữu Sa-ma-ri được nhận lãnh Thánh Linh. Sau khi làm chứng và công bố Lời Chúa. Phi-e-rơ và Giăng trở về Giê-ru-sa-lem. Trên đường về, họ truyền bá Phúc Âm tại nhiều làng mạc Sa-ma-ri.
Chương chín cho biết Sau-lơ vẫn tiếp tục đe dọa giết hại các tín đồ của Chúa. Sau khi khủng bố Hội Thánh ở Giê-ru-sa-lem, ông lên đường đi Đa-mách để lùng bắt những tín đồ trốn tránh ở đó. Dọc đường Chúa hiện ra cùng Sau-lơ và ông tin Chúa. Sau-lơ ở lại Đa-mách, kế đó đến Giê-ru-sa-lem nhân Danh Chúa truyền giảng Phúc Âm cách dạn dĩ. Ông tranh luận với nhóm người Do Thái theo văn hóa Hy-lạp, nên họ tìm cách giết ông. Anh em tín hữu được tin ấy, liền đem ông xuống hải cảng Sê-sa-rê, rồi đưa đi Tạt-sơ. Mấy năm sau, Ba-na-ba đưa ông đến truyền bá Phúc Âm ở An-ti-ốt.
Chương mười cho thấy Phúc Âm lan truyền đến các dân ngoại. Cọt-nây là người ngoại bang đầu tiên tin Chúa. Phi-e-rơ tiếp nhận Cọt-nây vào Hội Thánh mà không đòi ông phải chịu cắt bì. Qua đến chương mười một thì có rất đông người ngoại gia nhập Hội Thánh An-ti-ốt. Từ đó An-ti-ốt trở thành tổng hành dinh cho công cuộc truyền giáo của Phao-lô.
Chương mười hai và mười ba ghi chép hành trình truyền giáo thứ nhất của Phao-lô. Ông đi qua xứ Ga-la-ti, ghé các thành An-ti-ốt, Y-cô-ni, Lít-trơ, Đẹt-bơ, rồi trở về An-ti-ốt.
Chương mười lăm đến mười tám nói về hành trình truyền giáo thứ hai của Phao-lô. Ông đi qua xứ Hy-lạp, ghé các thành Phi-líp, Tê-sa-lô-ni-ca, Bê-rê, A-thên, Cô-rinh-tô, rồi trở về Giê-ru-sa-lem và An-ti-ốt.
Chương mười tám đến hai mươi ghi chép vòng truyền giáo thứ ba của Phao-lô. Ông ghé thăm Ê-phê-sô và đi qua xứ Hy-lạp.
Các chương cuối của sách Công-vụ các sứ-đồ cho biết Phao-lô đi Giê-ru-sa-lem đem theo số tiền lớn. Tại Sê-sa-rê, ông là tù nhân trong dinh quan Thống Đốc. Tại La-mã, ông vẫn là tù nhân, Phao-lô công bố Phúc Âm rất nhiều năm. Trong thời gian ấy, ông dắt đem vô số người đến cùng Chúa Cứu Thế và thành lập Hội Thánh ở phần nhiều đô thị trọng yếu.
Kane cho rằng ý niệm về chứng đạo trong Tân Ước bao gồm hai khía cạnh: phép lạ và mệnh lệnh. Ông viết: “Phép lạ là công việc của Đức Chúa Trời và mệnh lệnh là công việc của loài người”.
Phép lạ bao hàm sự nhập thể, sự chết và sự sống lại của Ngài. Chúa Cứu Thế Giê-xu đã thực hiện phần của Ngài. Bây giờ các môn đệ phải thực hiện phần của họ. Phần của Chúa Cứu Thế Giê-xu là cung cấp Phúc Âm, phần của họ là công bố Phúc Âm. Các môn đệ nhận biết rằng sự cuối cùng của phép lạ là sự bắt đầu của mệnh lệnh. Chúa Cứu Thế Giê-xu đã thăng thiên, nhưng Thánh linh đã đến, và trong quyền năng Ngài họ được trang bị để đem Phúc Âm khắp thế gian, Kane tuyên bố:
Tân Ước- qua lời khuyên răn và gương mẫu--đã dạy rằng mệnh lệnh truyền bá Phúc Âm và khiến muôn dân trở nên môn đồ đã được ban cho Hội Thánh, và chỉ Hội Thánh mới có thể đảm đương và hoàn thành mệnh lệnh đó.
Packer xác nhận:
Cũng tương tự như vậy, chính chúng ta có trách nhiệm công bố Phúc Âm. Mạng lịnh của Chúa Cứu Thế Giê-xu cho các môn đệ Ngài “Hãy đi khiến muôn dân trở nên môn đồ ta. ..” (Mat Mt 28:19 BNC) đã được truyền phán cho họ trong tư cách đại diện: đây là mạng lịnh của Christ, không chỉ dành riêng cho các sứ-đồ mà còn chung cho cả Hội Thánh. Chứng đạo là trách nhiệm không thể nhượng lại của mỗi cộng đồng Cơ Đốc và mỗi Cơ Đốc nhân Chúng ta tất cả đều được lệnh hiến dâng đời mình để rao truyền Phúc Âm, và sử dụng hết tài trí cùng tinh thần gan dạ để mang Phúc Âm khắp thế gian.


PHẦN THỨ NHÌ- THẦN HỌC VỀ CHỨNG ĐẠO
Chương I- CHỨNG ĐẠO LÀ GÌ?
1.-Đặc tính thật của chứng đạo
2.-Những quan niệm khác nhau về chứng đạo
Chứng đạo là “Trình bày về Chúa Giê-xu trong quyền năng của Thánh Linh hầu con người có thể đến đặt lòng tin cậy nơi Ngài, tiếp nhận Ngài làm Cứu Chúa và phục sự Ngài như là Vua của mình trong sự thông công với Hội Thánh Ngài” Schelling cho rằng: “Chứng đạo là công bố tin mừng về Chúa Cứu Thế Giê-xu qua lời nói và hành động, với mục đích chinh phục một sự đáp ứng tích cực.” Sweazey nói: “Chứng đạo là sự rao giảng bằng mọi cách có thể được, để dẫn đưa người ta đến đức tin trong Đấng Christ và trở nên thuộc viên của Hội Thánh Ngài.”
Tuy nhiên, ta cần xét qua vài từ liệu trong Thánh Kinh để hiểu đặc tính thật của việc chứng đạo như được bày tỏ trong Tân Ước.
1. ĐẶC TÍNH THẬT CỦA VIỆC CHỨNG ĐẠO
“Thuyết Phục, Làm Cho Tin, Hoặc Khuyên Dỗ” (peitho). Từ liệu này có nghĩa là “cố gắng để thúc đẩy một người chấp nhận một hành động hay thái độ đặc biệt.” Dưới đây là cách dùng từ liệu này.
“Hễ đến ngày Sa-bát, thì Phao-lô giảng luận trong nhà hội, khuyên dỗ người Giu-đa và người Gờ-réc ” (Công Vụ 18:4).
“Phao-lô vào nhà hội, và trong ba tháng giảng luận một cách dạn dĩ ở đó: giải bày những điều về nước Đức Chúa Trời mà khuyên dỗ các kẻ nghe mình ” (19:8).
“Các ngươi lại thấy và nghe nói, không những tại thành Ê-phê-sô thôi, gần suốt hết cõi A-si nữa, rằng tên Phao-lô này đã khuyên dỗ và trở lòng nhiều người, mà nói rằng các thần bởi tay người ta làm ra chẳng phải là Chúa ” (19:26).
“Vua Ạc-ríp-ba phán cùng Phao-lô rằng: Thiếu chút nữa ngươi khuyên ta trở nên tín đồ Đấng Christ ” (Công Vụ 26:28).
“Họ đã hẹn ngày với người, bèn đến thăm tại nhà trọ rất đông; từ buổi sáng đến chiều, người cứ làm chứng và giảng giải với họ về nước Đức Chúa Trời. Lấy luật pháp Môi-se và các Đấng tiên tri mà gắng sức khuyên bảo họ về Đức Chúa Giê-xu ” (28:23).
“Vậy chúng tôi biết Chúa đáng kính sợ, nên tìm cách làm cho người ta đều tin; Đức Chúa Trời biết chúng tôi, và tôi mong anh em cũng biết chúng tôi trong lương tâm mình ” (IICo 2Cr 5:11).
“Ép Mời” (anagkazo). Từ liệu này có nghĩa là “bắt phải, hoặc ép mời do quyền lực hay sự thuyết phục.”
“Chủ nhà lại biểu rằng: Hãy ra ngoài đường và dọc hàng rào, gặp ai thì ép mời vào, cho được đầy nhà ta ” (LuLc 14:23).
Đây là ngụ ngôn về Nước Nghìn Năm. Người được dự tiệc cũng được vào Nước Trời. Được vào Nước Trời bao hàm sự cứu rỗi. Bạn để ý Chúa muốn đầy tớ Ngài ép mời họ đến.
“Hoán cải” (epistrepho). Từ liệu này có nghĩa là “xây khỏi, hoặc khiến cho ai trở về”.
“Ta cũng sẽ giải cứu ngươi khỏi dân này và người Ngoại-bang mà ta sai ngươi đến để mở mắt họ, khiến họ xây khỏi tối tăm mà hướng về sự sáng, khỏi quyền bính của Sa-tan mà hướng về Đức Chúa Trời, hầu cho họ nhận được sự tha tội và cơ nghiệp trong vòng những kẻ được nên Thánh bởi đức tin đến ta ” (Công Vụ 26:17-18 NBC).
Phao-lô nói mục đích của việc Đức Chúa Trời sai ông đến là để khiến cho người ta trở về cùng Ngài. Theo LuLc 1:16-17, đây cũng là lý do tại sao Đức Chúa Trời sai Con Ngài đến thế gian.
“Thuyết phục, Xúi giục ” (anapeitho )
“...Người Giu-da đồng lòng nổi lên nghịch cùng Phao-lô và kéo người đến tòa án, mà nói rằng: Người này xui dân thờ Đức Chúa Trời một cách trái luật pháp ” (Công Vụ 18:13).
2. NHỮNG QUAN NIỆM KHÁC NHAU VỀ CHỨNG ĐẠO
“Chứng đạo” đã từng là một khẩu hiệu chính yếu trong đời sống người tín hữu Tin Lành Việt Nam. Tuy nhiên, những người Cơ Đốc hiểu từ liệu này không giống nhau.
Chứng Đạo Là Sự Hiện Diện Của Cơ Đốc Nhân
Đối với một số người, chứng đạo là “sự hiện diện của Cơ Đốc nhân”. Điều đó có nghĩa là các tín hữu sống giữa đồng bào mình và các chủng tộc khác để thiết lập mối quan hệ với họ qua những việc lành và sự cứu giúp, nhưng không bao giờ chia sẻ niềm tin do việc nói cho họ biết Đức Chúa Trời thương yêu họ (GiGa 3:16); hoặc tỏ bày cho họ thấy tội lỗi làm cho con người xa cách Đức Chúa Trời và trở nên thù nghịch cùng Ngài (Ro-ma 5:10), và Đức Chúa Trời đòi hỏi mọi người phải hối cải, phải tin Chúa Giê-xu để được tha tội (Công Vụ 2:21, 38; 4:12).
Chứng Đạo Là Công Bố Sứ Điệp Phúc Âm
Một số người khác quan niệm rằng chứng đạo là công bố sứ điệp Phúc Âm cho mọi người, chỉ bấy nhiêu mà thôi. Họ căn cứ trên lời Chúa: “Hãy đi khắp thế gian giảng Tin Lành cho mọi người. Ai tin và chịu phép báp têm, sẽ được rỗi; nhưng ai chẳng tin sẽ bị đoán phạt ” (Mac Mc 16:15, 16). Các tín hữu này nhấn mạnh ở những chữ “cho mọi người”. Họ quan niệm rằng công việc của mình là gieo hạt giống Phúc Âm qua vô tuyến truyền hình, truyền thanh, sách vở, báo chí và truyền đạo đơn cho mọi người. Một khi người ta được nghe Phúc Âm qua các hình thức này là đã hoàn tất việc chứng đạo, chẳng cần biết người ta có quan tâm hoặc đáp ứng hay không.
Chứng Đạo Là Trình Bày Phúc Âm Và Khuyên Mời Tội Nhân Đặt Đức Tin Nơi Chúa Cứu Thế.
Nhóm người sau cùng thì không thoả mãn với việc “chinh phục tội nhân do sự hiện diện,” hoặc không dừng lại qua việc “chinh phục tội nhân do sự công bố Phúc Âm.” Đối với những người này, chứng đạo là đưa dẫn một người nam hoặc một người nữ đến mối liên hệ mới với Chúa Cứu Thế -một kinh nghiệm hóan cải. Thiếu những yếu tố này thì chưa phải là chứng đạo.
Phần lớn tín hữu Tin Lành Việt Nam áp dụng loại thứ nhất và thứ hai trong việc chứng đạo. Theo văn hóa Việt tộc, chứng đạo theo hai lối trên là bày tỏ sự kính trọng đối với người khác. Dân Việt luôn tỏ ra khiêm tốn trước mặt người giỏi, người khá hơn mình và vì vậy rất khó để đứng ra khuyên mời người khác tin Chúa. Tuy nhiên, nếu muốn có kết quả trong việc chinh phục linh hồn người Việt cho Chúa Cứu Thế, các tín hữu phải tin tưởng và áp dụng loại thứ ba. Ta phải hăng hái đi ra đem người khác đến với Chúa Cứu Thế và nhất quyết đặt mục tiêu rõ ràng cho việc chinh phục linh hồn tội nhân, đặc biệt cho dân Việt, là người đang tìm kiếm sự bình an nội tâm và đang chờ đợi lời giải đáp về ý nghĩa của cuộc sống.
Vậy nếu bạn muốn làm chứng nhân cho Chúa, xin nhớ định nghĩa này: Chứng đạo là trình bày Phúc Âm và khuyên mời tội nhân đặt đức tin nơi Chúa Cứu Thế.
Chương II- TẠI SAO CHỨNG ĐẠO?
1.-Kế họach cứu chuộc của Đức Chúa Trời.
2.-Tình yêu Đức Chúa Trời cảm thúc
3.-Yêu thương người lân cận
4.-Vâng theo mạng lịnh trọng yếu của Chúa Cứu Thế
5.-Sự vinh quang của Đức Chúa Trời
Một số tín hữu đi chứng đạo vì sợ tội. Họ nghe vị Mục sư quản nhiệm nói rằng nếu không chứng đạo, họ sẽ bị mất phần thưởng trên thiên đàng nên họ đi chứng đạo. Chứng đạo vì sợ tội là cớ tích thuộc mức độ thấp nhất.
Một số người khác đi chứng đạo vì phải theo những chương trình của Hội Thánh. Nếu họ không đi làm chứng, mọi người sẽ cho họ không thiêng liêng. Nhưng nếu họ tham gia chương trình của Hội Thánh để đi làm chứng và mời nhiều khách đến dự lễ thờ phượng, họ sẽ là tín hữu sốt sắng. Họ sẽ được nhiều người khen ngợi và... biết đâu sẽ được đề cử vào Ban Chấp Sự hoặc Ban Điều Hành!
Người khác nữa đi chứng đạo vì áp lực bạn hữu. Bạn mình đi làm chứng còn mình ngồi nhà coi sao được. Huống chi ta sẽ được tiếng khen nếu dắt đưa được người khác đến với Chúa, đặc biệt là lúc ta tường trình việc chứng đạo. Mọi người sẽ khen ngợi, cảm phục và kính trọng ta biết dường bao! Tuy nhiên, nếu bạn đi chứng đạo vì cớ tích này thì sẽ không lâu bền. Bởi lẽ khi bạn thoát khỏi áp lực đó, bạn sẽ không còn muốn làm một chứng nhân cho Chúa nữa.
Các cớ tích trên không ra từ Thánh Kinh và vì vậy nó không đem lại lợi ích hoặc phước hạnh gì cho bạn và người khác. Trong khi đó có nhiều cớ tích chính đáng thúc đẩy người Cơ Đốc đi truyền bá Phúc Âm. Các tín hữu đầu tiên đã nhận biết điều ấy và được thúc đẩy đi làm chứng vì những cớ tích đó. Green cho rằng: “Trong hai thế kỷ đầu, dường như có ba cớ tích chính yếu thúc đẩy các Cơ Đốc nhân đi chứng đạo: để bày tỏ lòng tri ân, tinh thần trách nhiệm và sự quan tâm.” Thánh Kinh cũng cho thấy có nhiều cớ tích quan trọng thúc đẩy ta truyền bá Phúc Âm.
1. KẾ HỌACH CỨU CHUỘC CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI
Động cơ thúc đẩy ta chứng đạo là vì Đức Chúa Trời đã bày tỏ cho con người kế họach cứu chuộc do tình thương qua Chúa Cứu Thế Giê-xu. “Vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian; đến nỗi đã ban Con một của Ngài, hầu cho hễ ai tin Con ấy không bị hư mất mà được sự sống đời đời” (GiGa 3:16).
Lời Đức Chúa Trời cho biết rằng mọi người cần được cứu khỏi tội lỗi và án phạt của tội lỗi. Nhưng con người không thể tự cứu lấy mình (Ro-ma 1:18-20; 3:10-26; 6:23; Eph Ep 2:1-9). Việc giải cứu khỏi tội lỗi và sự chết chỉ được thực hiện qua Chúa Cứu Thế Giê-xu. Bởi lẽ “chẳng có sự cứu rỗi trong đấng nào khác; vì ở dưới trời, chẳng có danh nào khác ban cho loài người, để chúng ta phải nhờ đó mà được cứu ” (Công Vụ 4:12). Chúa Cứu Thế Giê-xu là “đường đi, lẽ thật, và sự sống” chẳng bởi Ngài thì không ai được đến cùng Đức Chúa Cha (GiGa 14:6). Chỉ do đức tin nơi sự chết và sống lại của Chúa Cứu Thế mà ta được tha thứ tội và được sự sống vĩnh cữu (Ro-ma 3:22-26; 6:23; Eph Ep 1:7; IGi1Ga 5:10-13; Tit Tt 3:4-7).
2. TÌNH YÊU CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI CẢM THÚC
Thánh Kinh bày tỏ do cớ tích tình yêu mà chứng đạo viên Giê-xu đã động lòng thương xót người hư mất.
“Ngài đang đi, có một người chạy lại, quì trước mặt Ngài, mà hỏi rằng: Thưa Thầy nhơn lành, tôi phải làm chi cho được hưởng sự sống đời đời? Đức Chúa Giê-xu phán rằng: Sao ngươi gọi ta là nhơn lành? Chỉ có một Đấng nhơn lành, là Đức Chúa Trời. Người biết các điều răn: Đừng phạm tội tà dâm; đừng giết người; đừng trộm cướp; đừng làm chứng dối; đừng làm gian; hãy hiếu kính cha mẹ. Người thưa rằng: Lạy Thầy, tôi đã giữ mọi điều đó từ khi còn nhỏ. Đức Chúa Giê-xu ngó người mà yêu, nên phán rằng: Ngươi còn thiếu một điều. Hãy đi, bán hết gia tài mình, đem bố thí cho kẻ nghèo khổ, chắc sẽ được của báu ở trên trời, rồi hãy đến mà theo ta ” (Mac Mc 10:17-21).
Về sau Phao-lô viết: “Vì tình yêu thương của Đấng Christ cảm động chúng tôi” (IICo 2Cr 5:14). Từ liệu “cảm động” là một chữ rất hay đã được dùng nhiều lần trong Tân Ước. Tình yêu Chúa Cứu Thế thúc ép Phao-lô, đến nỗi ông thấy như bị tình yêu này bao quanh và vây lấy, rồi nó cảm thúc ông đi chứng đạo. Chúa Cứu Thế đã yêu thương và chết thay cho ta. Tình yêu diệu kỳ này cảm động và ràng buộc ta lại với Ngài, đến nỗi ta muốn hiến dâng đời sống phục vụ Ngài.
Trong sự phục vụ Chúa, không có công việc nào quan trọng hơn việc truyền bá Phúc Âm. Thánh Kinh Tân Ước có nhiều lần nhấn mạnh rằng cớ tích thúc đẩy các Cơ Đốc nhân đi chứng đạo là vì tình yêu của Đức Chúa Trời trong Chúa Cứu Thế cảm thúc họ.
Vì yêu Đức Chúa Trời và Chúa Cứu Thế Giê-xu mà các Cơ Đốc nhân kiên gan, bền chí khi đi chứng đạo; dù gặp thời hay không, họ vẫn giảng đạo, cố khuyên.
“Ngài dùng thí dụ mà giảng nhiều điều cùng họ. Ngài phán như vầy: Có người gieo giống đi ra đặng gieo. Khi đương gieo, một phần giống rơi dọc đường, chim bay xuống và ăn. Một phần khác rơi nhằm chỗ đất đá sỏi, chỉ có ít đất thịt, bị lấp không sâu, liền mọc lên; song khi mặt trời mọc lên, thì bị đốt, và vì không có rễ, nên phải héo. Một phần khác rơi nhằm bụi gai, gai mọc rậm lên, phải ngẹt ngòi. Một phần khác nữa rơi nhằm chỗ đất tốt, thì sanh trái; hoặc một hột ra được một trăm, hoặc một hột sáu chục, hoặc một hột ba chục ” (Mat Mt 13:3-8).
Vì yêu Đức Chúa Trời và Chúa Cứu Thế Giê-xu mà các tín hữu có thể đứng vững trước sự bắt bớ trong khi đi làm chứng.
“Vậy, các sứ-đồ từ tòa công luận ra, đều hớn hở về mình đã được kể là xứng đáng chịu nhục vì danh Đức Chúa Giê-xu ” (Công Vụ 5:41).
Vì yêu Đức Chúa Trời và Chúa Cứu Thế Giê-xu mà người Cơ Đốc mạnh dạn đi truyền bá Phúc Âm, để dù ai ở nơi nào mỗi khi nghe danh Chúa Cứu Thế, đều tuyên xưng Ngài là Chúa Tể vũ trụ và tôn vinh Thượng Đế là Cha.
“Và mọi lưỡi thảy đều xưng Giê-xu Christ là Chúa, mà tôn vinh Đức Chúa Trời là Đức Chúa Cha ” (Phi Pl 2:11).
3. YÊU THƯƠNG NGƯỜI LÂN CẬN
Thánh Kinh Tân Cựu Ước đều đề cập đến cớ tích quan trọng này trong việc chứng đạo. Chúa Giê-xu dạy trong điều răn lớn nhất: “Ngươi hãy yêu kẻ lân cận như mình” (Mat Mt 22:37-39). Trong LuLc 10:29-39, Chúa Cứu Thế Giê-xu, qua ngụ ngôn “Người Sa-ma-ri nhân từ”, đã cho biết tất cả người đồng loại là kẻ lân cận của ta, không phân biệt văn hóa, địa dư và tín ngưỡng.
Nhưng thầy dạy luật muốn tự bào chữa, nên hỏi lại: Ai là người lân cận tôi? Để trả lời, Chúa Giê-xu kể chuyện này: Một người Do Thái đi từ Giê-ru-sa-lem xuống Giê-ri-cô, giữa đường bị cướp. Chúng lột hết quần áo, tiền bạc, đánh đập tàn nhẫn rỗi bỏ nằm dở sống dở chết bên vệ đường. Tình cờ, một thầy tế lễ đi ngang qua, thấy nạn nhân liền tránh sang bên kia đường, đi luôn. Một thầy phó tế đi qua trông thấy, cũng bỏ đi. Đến lượt một người Sa-ma-ri qua đường nhìn thấy nạn nhân thì động lòng trắc ẩn, nên lại gần, lấy thuốc thoa bóp và băng bó các vết thương, rồi đỡ nạn nhân lên lưng lừa mình chở đến quán trọ cấp cứu. Hôm sau, người ấy trao cho chủ quán một số tiền bảo lo săn sóc nạn nhân và dặn: Nếu còn thiếu, khi trở về tôi sẽ trả thêm. Vậy trong ba người đó, ai là người lân cận với kẻ bị cướp? Thầy dạy luật đáp: Người đã cứu giúp nạn nhân. Chúa dạy: Ông hãy thi hành đúng như thế.
Phao-lô bày tỏ sự quan tâm mình đối với đồng bào ruột thịt Do Thái và mong ước dân tộc mình được sự cứu rỗi. Tình yêu đó ngày một nhiều hơn qua việc chân thành bộc bạch là ông sẵn lòng chịu Chúa Cứu Thế khai trừ và bị khổ hình vĩnh viễn miễn là cứu vớt được người đồng chủng mình.
“Tôi nói thật trong Đấng Christ, tôi không nói dối, lương tâm tôi làm chứng cho tôi bởi Đức Thánh Linh: tôi buồn bực lắm, lòng tôi hằng đau đớn. Bởi tôi ước ao có thể chính mình bị dứt bỏ, lìa khỏi Christ, vì anh em bà con tôi theo phần xác ” (Ro-ma 9:1-3). “Hỡi anh em, sự ước ao trong lòng tôi và lời tôi vì dân vì dân Y-sơ-ra-ên cầu nguyện cùng Đức Chúa Trời, ấy là cho họ được cứu ” (Ro-ma 10:1).
Tình yêu thương người lân cận của Phao-lô không dừng lại tại đó mà còn đến với tất cả người đồng loại.
“Tôi có bổn phận nặng nề với các dân tộc, thông minh lẫn dã man, tri thức lẫn thất học. Vì thế, tôi thiết tha mong ước đi La-mã truyền giảng Phúc Âm của Thượng Đế cho anh em ” (1:14, 15BDY).
Chúng ta đã hằng ao ước và luôn cầu xin Đức Chúa Trời cứu dân tôïc Việt Nam thân yêu, thì chúng ta phải mang Phúc Âm đến cho họ. Giống như Phao-lô, ta phải yêu thương dân tộc mình, buồn rầu và đau xót đêm ngày vì cớ họ. Ta phải “sẵn lòng chịu Chúa Cứu Thế khai trừ và bị khổ hình vĩnh viễn, miễn là cứu vớt được anh em đồng bào ruột thịt” (9:2, 3 BDY). Tại hải ngoại có gần hai triệu người Việt đang bị hư mất và “sống xa cách Chúa Cứu Thế ... không hy vọng, không Thượng Đế” (Eph Ep 2:12 BDY). Nhu cầu lớn nhất của họ là biết đến tình yêu thương của Đức Chúa Trời và được hướng dẫn đến sự cứu rỗi trong Chúa Cứu Thế. Đây là trách nhiệm và đặc quyền của người Việt Cơ Đốc.
4. VÂNG THEO MẠNG LỊNH TRỌNG YẾU CỦA CHÚA CỨU THẾ
Sau khi hoàn tất kế hoạch cứu chuộc nhân loại, Chúa Cứu Thế truyền bảo các môn đệ:
“Vậy, hãy đi dạy dỗ muôn dân, hãy nhơn danh Đức Cha, Đức Con, và Đức Thánh Linh mà làm phép báp têm cho họ, và dạy họ giữ hết cả mọi điều mà ta đã truyền cho các ngươi. Và này, ta thường ở cùng các ngươi luôn cho đến ngày tận thế ” (Mat Mt 28:19, 20).
“Hãy đi khắp thế gian, giảng Tin lành cho mọi người. Ai tin và chịu phép báp têm, sẽ được cứu rỗi; nhưng ai chẳng tin, sẽ bị đoán phạt ” (Mac Mc 16:15, 16).
“Các ngươi làm chứng về mọi việc đó; ta đây, ta sẽ ban cho các ngươi điều Cha ta đã hứa, còn về phần các ngươi, hãy đợi trong thành cho đến khi được mặc lấy quyền phép từ trên cao ” (LuLc 24:44-49).
“Ngài lại phán cùng môn đồ rằng: Bình an cho các ngươi! Cha đã sai ta thể nào, ta cũng sai các ngươi thể ấy” (GiGa 20:21).
“Nhưng khi Đức Thánh Linh giáng trên các ngươi, thì các ngươi sẽ nhận lấy quyền phép, và làm chứng về ta tại thành Giê-ru-sa-lem, cả xứ Giu-đêâ, xứ Sa-ma-ri, cho đến cùng trái đất ” (Công Vụ 1:8).
Theo mạng lịnh của Chúa Cứu Thế, sự truyền bá Phúc Âm là một diễn tiến không ngừng đến khi nào sứ mạng được hoàn tất trọn vẹn “... cho đến cùng trái đất”_nghĩa là mọi người trên đất đều được nghe Phúc Âm. Như thế công cuộc truyền bá Phúc Âm là một chương trình dài hạn, đặt trên bình diện rộng lớn cho “cả thế giới”, đòi hỏi Cơ Đốc nhân ở mọi thời đại cứ tiếp tục đến khi Chúa Cứu Thế trở lại thế gian.
Hiện nay dân số trên thế giới ước lượng hơn năm tỉ, trong đó khoảng một tỉ người thuộc Cơ Đốc giáo. Như vậy còn hơn bốn tỉ người cần nghe Phúc Âm. Thêm vào đó trên thế giới mỗi năm có hàng triệu hài nhi chào đời. Đây là một thách thức lớn cho người Cơ Đốc trong công tác đem ơn cứu rỗi của Chúa Cứu Thế cho thế giới mà dân số mỗi ngày một gia tăng.
Ta phải khẩn cấp đi ra nói cho mọi người biết “ai tin Con, thì được sống đời đời; ai không chịu tin Con, thì chẳng thấy sự sống đâu, nhưng cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời vẫn ở trên người đó ” (GiGa 3:36). Trong tình yêu Thiên Chúa, ta phải mạnh dạn đi ra mang Phúc Âm đến cho con người hư mất trước khi quá trễ.
5. SỰ VINH QUANG CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI
Sự vinh quang của Đức Chúa Trời là cớ tích khác được tìm thấy trong Tân Ước thúc đẩy ta đi chứng đạo. Mặc dù Chúa Giê-xu động lòng thương xót muốn cứu vớt con người, song động cơ quan trọng cảm thúc Ngài đi ra là sự vinh quang của Đức Chúa Cha. Các sách Phúc Âm cho ta thấy mục đích chính yếu trong mọi công việc của Chúa Giê-xu là làm theo ý chỉ Đức Chúa Cha và tôn vinh Cha trên đất. Chúa nói, “Hỡi Đức Chúa Trời, này tôi đến-trong sách có chép về tôi-Tôi đến để làm theo ý muốn Chúa” (HeDt 10:7). Và rằng “Tôi luôn làm đẹp lòng Ngài” (GiGa 8:29 BDY). Khi sắp tình nguyện bước lên thập tự giá. Chúa Giê-xu đã tổng kết chức vụ Ngài bằng những lời này: “Con đã tôn vinh Cha trên đất, làm xong công việc Cha giao cho làm” (17:4).
Phao-lô cũng bị thúc đẩy bởi cớ tích trên trong việc truyền bá Phúc Âm. Ông nói với các tín hữu tại Tê-sa-lô-ni-ca: “Hỡi anh em, hãy cầu nguyện cho chúng tôi, hầu cho đạo Chúa được đồn ra và được sáng danh,” để cho “mọi lưỡi thảy đều xưng Giê-xu Christ là Chúa, mà tôn vinh Đức Chúa Trời, là Đức Chúa Cha” (IITe 2Tx 3:1; Phi Pl 2:11).
Chương III- TỘI LỖI LÀ GÌ?
1.-Thần học minh giải về tội lỗi
2.-Thánh Kinh minh giải về tội lỗi
3.-Áp dụng vào việc chứng đạo
Kinh nghiệm sống dạy ta biết, không chuyện gì có thể làm ta xúc động cho đến khi ta chú ý đến nó. Và khi ta quan tâm đến một điều gì đó, là vì điều ấy có liên hệ đến nhu cầu, hoặc tình cảm của ta. Bạn có thể nghe hàng chục lần trên máy vô tuyến truyền hình về lời kêu gọi đóng góp cho các nhà chuyên môn để họ nghiên cứu chống lại bệnh “Cơ Thể Mất Sức Tự Kháng” (bệnh “Aids”), song bạn không để nó vào tai. Tuy nhiên, khi ta biết bạn hữu hoặc người thân mắc bệnh ấy, ta sẽ không còn làm ngơ trước lời kêu gọi đó. Tại sao? Vì nó có liên quan đến người nhà của ta, hoặc nói khác đi, nó có quan hệ đến nhu cầu của ta.
Cũng thế, người ta sẽ không bao giờ đặt niềm tin nơi Chúa Giê-xu cho đến khi họ thấy có nhu cầu. Nhiều Cơ Đốc nhân đã thực thi bí quyết này và lạm dụng nó. Nếu thấy ai sống cô đơn, họ sẽ khuyên người ấy nên đặt đức tin nơi Chúa Cứu Thế vì Ngài là người bạn thân thiết. Nếu biết ai đang có người thân qua đời, họ sẽ mời gọi người ấy đặt đức tin nơi Chúa Cứu Thế vì Ngài có thể mang đến sự an ủi. Nếu thấy gia đình nào đang đổ vỡ, họ sẽ cố gắng thuyết phục những người ấy đặt niềm tin nơi Chúa Cứu Thế vì Ngài là Đấng thiết lập hôn nhân và có thể ban cho hạnh phúc.
Các việc làm trên có đúng không? Dĩ nhiên là đúng. Tuy nhiên, có hai điều bạn cần để ý: (1) Thánh Kinh không dạy ta làm chứng theo lối đó, (2) Nó khiến người ta hiểu sai về Phúc Âm. Do đó, nếu đây không phải là động cơ thúc đẩy chính đáng khiến người ta đặt niềm tin nơi Chúa Cứu Thế, vậy như thế nào mới là đúng đắn? Khi một người nhận thức được rằng chỉ có phương cách duy nhất để được tha tội là đặt niềm tin nơi Chúa Cứu Thế, thì đó mới là động cơ chính đáng theo lời Thánh Kinh dạy. Câu hỏi đặt ra ở đây: Tội lỗi là gì?
1. THẦN HỌC MINH GIẢI VỀ TỘI LỖI
Ta nên phân biệt sự khác nhau của ý nghĩa thần học và ý nghĩa Thánh Kinh về tội lỗi. Ý nghĩa thần học nhắm vào sự tương quan giữa sự dạy dỗ của Lời Chúa và kinh nghiệm; trong khi ý nghĩa Thánh Kinh dựa vào cách dùng từ ngữ.
Vậy nếu ta hiểu theo nghĩa thần học, thì tội lỗi là bất cứ điều gì trong một tạo vật có lý trí mà không biểu lộ bản chất Thánh khiết của Đức Chúa Trời.
2. THÁNH KINH MINH GIẢI VỀ TỘI LỖI
Cựu Ước
Trong chuyên văn Hy-bá của Cựu Ước, Thánh Linh thườøng dùng nhiều chữ khác nhau để tỏ ra quan niệm của tội lỗi rất rõ rệt.
1. Tội là phản loạn (pasha ) cùng Đức Giê-hô-va
Ngài đã lập giao ước với dân sự Ngài. Tội là sự chống lại với giao ước đó. Trong bản văn Việt Ngữ, từ liệu pasha được dịch ra nhiều cách:
“Xin Chúa ở trên trời, tức nơi Chúa ngự, hãy dủ nghe lời cầu nguyện nài xin của họ, và binh vực quyền lợi của họ; tha cho dân Chúa tội lỗi và các sự trái mạng mà họ đã phạm cùng Ngài ” (IVua 1V 8:50).
“Vì tôi nhận biết các sự vi phạm tôi, tội lỗi hằng trước mặt tôi ” (Thi Tv 51:3).
2. Tội là sai trật mục đích (chatta’ah ) của Đức Chúa Trời
Chữ này gồm cả ý nghĩa tẻ tách, xây bỏ mục đích của Đức Chúa Trời. Nó không những chỉ về sự phạm tội, mà còn chỉ về địa vị hư họai, bản tánh gian ác của tâm trí do tội lỗi mà ra.
“Tôi đã phạm tội cùng Chúa, chỉ cùng một mình Chúa thôi, và làm điều ác trước mặt Chúa ” (Thi Tv 51:4).
“Chúng nó sanh sản nhiều ra bao nhiêu, thì chúng nó phạm tội nghịch cùng ta bấy nhiêu ” (OsHs 4:7).
3. Tội là vặn cong (avah ) điều ngay thẳng.
Chữ này không tả ra chính việc phạm tội, nhưng tả ra chính việc đặc tánh của việc ấy là cong quẹo, quanh co, gian tà và bại họai.
“Người nói cùng vua rằng; Cầu xin chúa tôi chớ kể tội ác cho tôi và đừng nhớ đến sự gian tà mà kẻ tôi tớ vua đã phạm trong ngày vua chúa tôi đi ra khỏi Giê-ru-sa-lem ” (IISa 2Sm 19:19).
“Nếu trong xứ mà họ bị dẫn đến làm phu tù, họ suy nghĩ lại, ăn năn, và cầu khẩn Chúa, mà rằng: Chúng tôi có phạm tội, làm điều gian ác và cư xử cách dữ tợn ” (IISu 2Sb 6:37).
4. Tội là sự cứng lòng (chazaq ).
Chữ này nghiã là “cứng lòng, cố chấp”.
“Đức Giê-hô-va phán cùng Môi-se rằng: Khi trở về xứ Ê-díp-tô, hãy cẩn thận về các dấu lạ của ta đã giao nơi tay ngươi mà làm trước mặt Pha-ra-ôn: nhưng ta sẽ khiến người cứng lòng chẳng cho dân sự đi ” (XuXh 4:21).
5. Tội là lừa dối (ma’al ) Đức Chúa Trời
Nghĩa đen của chữ này là “che đậy” còn nghĩa bóng là phạm tội rồi che đậy tội ấy, cốt ý là lừa dối Đức Chúa Trời.
“Nhưng theo cách người ta, chúng nó đã phạm lời giao ước, và ở đó chúng nó đã phỉnh dối ta ” (OsHs 6:7).
Còn ít nhất ba chữ căn bản khác minh giải về tội lỗi. Dân Y-sơ-ra-ên có thể phạm tội qua nhiều cách, mỗi cách được diễn đạt bằng một chữ khác nhau. Đồng thời, ta cũng nên biết rằng dưới ánh sáng của Cựu Ước thì “không có người chẳng phạm tội ” (IVua 1V 8:46). “Không ai có thể nói: Ta đã luyện sạch lòng mình, ta đã trong sạch tội ta rồi ” (ChCn 20:9). Và “Chẳng có người công bình ở trên đất làm điều thiện, mà không hề phạm tội ” (TrGv 7:20).
Tân Ước
Có rất nhiều từ ngữ trong Tân Ước diễn đạt về tội lỗi. Tuy nhiên, ta chỉ xét qua bốn chữ chính yếu dưới đây:
1. Tội lỗi (hamartia )
Chữ này có nghĩa là “thiếu hụt tiêu chuẩn”. Nó đồng nghĩa với chữ chatta’ah trong Cựu Ước, và được dùng nhiều hơn hết trong Tân Ước-275lần-để nói về tội lỗi. Tội là không biểu lộ tiêu chuẩn, vì chính Ngài là tiêu chuẩn. Nói cách khác, bất cứ điều gì trái ngược với Đức Chúa Trời là tội.
“Vì mọi người đều đã phạm tội, thiếu mất sự vinh hiển của Đức Chúa Trời ” (Roma 3:23).
2. Vi phạm (paraptoma )
Nghĩa đen của chữ này là “trợt chân”, “vấp ngã” trong chỗ mình đáng nên đứng vững. Giống như một người đang đi trên đường, đột nhiên trợt chân té vào hầm và bị đau đớn. Cũng vậy, mỗi khi tội nhân trái ý Đức Chúa Trời thì vấp ngã, sa vào tội lỗi và bị thiệt hại.
“Tôi lại hỏi rằng: Có phải dân Y-sơ-ra-ên vấp chơn dường ấy hầu cho té xuống chăng? Chẳng hề như vậy ” (Ro-ma 11:11).
3. Phạm pháp (parabasis )
Chữ này có nghĩa là “vượt quá”. Tân Ước dùng chữ này để tỏ ra tội của kẻ phạm mạng lịnh Đức Chúa Trời.
“Vì pháp luật sanh ra sự giận; song đâu không có luật pháp, thì đó cũng không có sự phạm luật pháp ” (Ro-ma 4:15).
4. Bất pháp (anomos )
Tân Ước dùng chữ này để minh giải chân tánh của tội phản loạn. Nghĩa đen là “trái luật”, “không có luật pháp”.
“Vì người công bình này (ông Lót ) ở giữa họ, mỗi ngày nghe thấy việc trái phép của họ, bèn cảm biết đau xót trong lòng công bình mình ” (IPhi 1Pr 2:8)
3. ÁP DỤNG VÀO VIỆC CHỨNG ĐẠO
Xác Minh Rằng Mọi Người Đều Phạm Tội
1. Cho người chưa từng đến nhà thờ
Những người này không biết nhiều về Cơ Đốc Giáo, ta cần giúp họ hiểu về thân vị của Đức Chúa Trời. Nói cho họ biết bản chất của Đức Chúa Trời chẳng những là Thánh khiết và công bình, mà còn toàn năng và toàn tri. Con người là tội nhân trước một Đức Chúa Trời Thánh khiết (Công Vụ 17:1-34).
2. Cho người mộ đạo
Những người này rất quen thuộc với lời Thánh Kinh dạy về Đức Chúa Trời, vì thế ta nên dùng luật Thánh Kinh để tỏ cho họ biết mọi người đều đã phạm tội. Ta nói rằng “người nào giữ toàn bộ luật pháp nhưng chỉ phạm một điều là coi như đã phạm tất cả” (Gia Gc 2:10 BDY).
3. Cho người vô đạo (người hay chống đối)
Ta khuyếân cáo họ và... đi khỏi đó! Theo Giu-đe những người này “cứ sống mãi cuộc đời gian ác, làm nhơ nhuốc thân thể, khinh bỉ mọi uy quyền... hễ điều gì không hiểu cũng đem ra nhạo cười chế giễu hết... để rồi hủy họai linh hồn mình. Thật khốn cho họ! Họ đã đi con đường sa đoạ của Ca-in, vì ham lợi mà theo vết xe đổ của Ba-la-am, và phản nghịch như Cô-rê để rồi bị tiêu diệt” (Giu Gd 1:7-8 BDY). Ta nên khuyên răn họ và rời xa họ.
Xác Minh Rằng Tội Lỗi Đã bị Xét Đoán
Án phạt của tội lỗi là sự chết. Thánh Kinh thường dùng chữ “chết” (“thanatos”) theo ba cách:
1. Sự chết thể xác
Sự chết này là một phần của tội lỗi bị trừng phạt. Nếu không có tội lỗi, thì chẳng có sự chết của thể xác. Thánh Kinh chép, khi con người đầu tiên phạm tội tại vườn E-đen, thì họ nghe một lời phán kinh khiếp này: “Vì ngươi là bụi, ngươi sẽ trở về bụi” (SaSt 3:19). Từ đó đến nay, sự chết đã ngự trị ở thế gian. Thánh Phao-lô khẳng định rằng sự chết của thể xác là sự đoán phạt của Đức Chúa Trời đối với tội lỗi (Ro-ma 8:10, 11).
2. Sự chết thuộc linh
Chết thuộc linh không phải là sự tắt nghỉ, mà là linh hồn bị phân rẽ với Đức Chúa Trời, chẳng còn được giao thông với Ngài. Do tội lỗi của A-đam, tất cả mọi người đều bị án chết này. Hết thảy đều “chết vì lầm lỗi và tội ác mình” và “tự nhiên làm con của sự thạnh nộ” (Eph Ep 2:1, 3). Tâm trí con người “hư họai, lòng họ vô cùng đen tối, xa cách hẳn sự sống của Thượng Đế, tâm hồn họ đóng kín, không thể nhận biết Ngài” (Eph Ep 4:17, 19 BDY). Chỉ do sự ăn năn tội, sự tái sanh bởi quyền năng Thánh Linh mới có thể cứu linh hồn “vượt khỏi sự chết mà đến sự sống”.
3. Sự chết đời đời
Chết đời đời là sự xa cách Đức Chúa Trời mãi mãi, sự tiêu diệt vĩnh viễn của linh hồn. “Chúa sẽ báo ứng những người không muốn biết Thượng Đế và khước từ Phúc Âm của Chúa Giê-xu chúng ta. Họ sẽ bị hình phạt đời đời trong địa ngục, vĩnh viễn xa cách mặt Chúa, không còn thấy vinh quang và quyền năng Ngài” (IITe 2Tx 1:8, 9 BDY).
Thánh Kinh cũng coi sự chết đời đời là sự chết thứ hai: “Những người được dự phần trong cuộc sống lại thứ nhất thật hạnh phúc và Thánh thiện biết bao! Vì sự chết thứ hai chẳng có quyền gì trên họ. ” (KhKh 20:6 DBY). “Còn những kẻ hèn nhát, vô tín, hư hỏng, sát nhân, gian dâm, tà thuật, thờ thần tượng và dối trá, đều phải vào hồ lửa diêm sinh. Đó là chết lần thứ hai ” (21:8 BDY).
Chương IV- PHÚC ÂM LÀ GÌ?
1.-Ý nghĩa từ liệu Phúc Âm
2.-Sự biểu lộ của Phúc Âm
3.-Giải nghĩa Phúc Âm
Khi bạn nghe những nhà truyền đạo giảng Thánh Kinh hoặc khi đọc các sách truyền đạo đơn, có lẽ bạn sẽ nhận thấy nghĩa của chữ “Phúc Âm” không giống nhau. Phúc Âm là “sự ăn năn tội” và “mời Chúa Cứu Thế vào đời sống”. Phúc Âm là “thừa nhận Chúa Cứu Thế là con đường duy nhất” và “đầu phục Ngài”. Sau đó bạn sẽ được dạy là phải bước đi trên đường hẹp và chịu Thánh lễ báp têm để được nhận vào đại gia đình Cơ Đốc.
Nếu bạn muốn trở thành chứng nhân của Chúa Cứu Thế, bạn phải biết rõ Phúc Âm là gì, nhiên hậu bạn mới có thể chia sẻ Phúc Âm cho người khác.
1. Ý NGHĨA TỪ LIỆU PHÚC ÂM
Từ liệu “Phúc Âm” xuất hiện 77 lần trong Tân Ước với nhiều nghĩa khác nhau: nghĩa thông thường, nghĩa chịu ảnh hưởng của văn hóa và nghĩa cứu thục.
Nghĩa Thông Thường
“Phúc Âm” hiểu theo nghĩa này là “tin mừng”. Đây là ý nghĩa rất thông dụng vào thời Chúa Cứu Thế. Bạn được điểm “A” trong bài khảo thí là “tin mừng”. Bạn thi đỗ là “tin mừng” vv... Phúc Âm có nghĩa đơn giản là “tin mừng”. Thánh Kinh đã dùng nó nhiều lần với nghĩa đó.
“Thiên sứ đáp: Tôi là Gáp-ri-ên, thường đứng trước mặt Thượng Đế. Chính Ngài sai tôi đến báo tin mừng cho ông ” (LuLc 1:19 BDY).
“Thiên sứ liền trấn an: Đừng sợ, tôi đến báo cho các anh một tin mừng. Tin này sẽ đem lại niềm vui lớn cho mọi người ” (2:10 BDY).
Nghĩa Chịu Ảnh Hưởng Của Văn Hóa
Theo văn hóa Hy-lạp, dân chúng sùng bái hoàng đế như thần Thánh. Các thông điệp, chiếu chỉ của hoàng đế hay những việc làm nào có liên quan đến hòa bình đều được mang nhãn hiệu “tin mừng”. Bất luận biến cố nào xảy ra với lời hứa đem lại hòa bình cho thế giới, đều được gọi là “tin mừng”. Chúa Cứu Thế Giê-xu truyền giảng Phúc Âm của Thượng Đế với mục đích mang lại bình an và hạnh phúc cho dân chúng, nên cũng được gọi là “Tin mừng”.
Nghĩa Cứu Thục
Nghĩa này có quan hệ đến sự giải cứu thuộc linh và liên quan đến chúng ta. Phao-lô dùng từ liệu “Phúc Âm” theo nghĩa này. Ta có thể tóm tắt như vầy: Phúc Âm là Tin mừng về Thân vị và Công vụ của Chúa Cứu Thế.
2. SỰ BIỂU LỘ CỦA PHÚC ÂM
Phao-lô bày tỏ Phúc Âm mà ông đã rao giảng: “Thưa anh em, tôi xin nhắc lại Phúc Âm tôi đã công bố; anh em đã tin nhận và đứng vững cho đến ngày nay. Nhờ Phúc Âm đó, anh em được cứu rỗi, nếu cứ giữ vững đức tin trừ phi anh em không thực lòng” (ICo1Cr 15:1-2 BDY). Phao-lô định rõ Phúc Âm qua các bước sau:
- Tôi công bố Phúc Âm cho anh em
- Anh em đã tin nhận Phúc Âm
- Anh em đứng vững trong Phúc Âm
- Nhờ Phúc Âm anh em được cứu rỗi
Các ý trên có thể tóm tắt như vầy: Tôi công bố Phúc Âm để nhờ đó anh em được cứu rỗi.
3. GIẢI NGHĨA PHÚC ÂM
I.Cô-rinh-tô 15:3-8 là lời giải nghĩa Phúc Âm đầy đủ và đúng đắn nhất: “Trước hết, tôi truyền lại cho anh em những chân lý tôi đã tin nhận: Chúa Cứu Thế chịu chết vì tội chúng ta theo lời Thánh Kinh. Chúa được mai táng, qua ngày thứ ba Ngài sống lại theo lời Thánh Kinh. Chúa hiện ra cho Phi-e-rơ, rồi cho các sứ-đồ. Ngài lại hiện ra cho hơn 500 anh em xem thấy cùng một lúc, phần đông vẫn còn sống, nhưng một vài người đã qua đời. Sau đó Chúa hiện ra cho Gia-cơ, rồi cho tất cả các sứ-đồ. Sau hết, Ngài cũng hiện ra cho tôi, như một hài nhi sinh non”.
CHÚA CỨU THẾ CHỊU CHẾT
Phúc Âm không chỉ là Chúa Cứu Thế chịu chết, vì như vậy chẳng có tin mừng trong đó. Tin mừng là Chúa Cứu Thế chịu chết vì tội chúng ta.
Vì tội chúng ta
Ta không cần phải làm gì để trả giá cho tội lỗi, Chúa Cứu Thế đã chịu chết và trả xong nợ tội cho ta.
Theo lời Thánh Kinh
Thực sự này làm nổi bật lẽ thật đã được công bố. Sự chết của Chúa Cứu Thế trên thập tự giá không phải tình cờ, ngẫu nhiên, bèn là sự ứng nghiệm lời Thánh Kinh Cựu Ước.
Chúa Được Mai Táng
Đây là bằng cớ Chúa Cứu Thế đã chết thật
CHÚA CỨU THẾ SỐNG LẠI
Sự sống lại là giấy biên nhận có dấu ấn của Đức Chúa Trời chứng rằng sự chết của Chúa Cứu Thế đã đủ.
Qua ngày thứ Ba
Theo lời Kinh Thánh
Sự sống lại của Chúa Cứu Thế đã làm ứng nghiệm Thánh Kinh Cựu Ước
Chúa hiện ra
Đây là chứng cớ Ngài đã sống lại
- Yếu tố thứ nhất của Phúc Âm: Chúa Cứu Thế chịu chết vì tội lỗi chúng ta.
- Yếu tố thứ hai của Phúc Âm: Chúa Cứu Thế đã từ kẻ chết sống lại.
Chương V- ĂN NĂN LÀ GÌ?
1.-Lịch sử của từ liệu “ăn năn”
2.-Mối liên hệ giữa ăn năn và đức tin
Giăng Báp-tít, khi bắt đầu chức vụ trong đồng vắng Giu-de, đã rao giảng: “Các ngươi phải ăn năn, vì nước thiên đàng đã đến gần” (Mat Mt 3:2) Chúa Cứu Thế Giê-xu, lúc khởi đầu chức vụ công khai trên đất, đã tuyên giảng: “Các ngươi hãy ăn năn, vì nước Thiên đàng đã đến gần” (4:17). Phi-e-rơ, trong ngày lễ Ngũ tuần, đã đứng lên giảng giải: “Hãy ăn năn, ai nấy phải nhơn danh Giê-xu Christ chịu phép báp têm, để tội mình được tha, rồi sẽ nhận lãnh sự ban tứ là Thánh Linh” (Công Vụ 2:38 BNC).
Ngày nay nếu bạn nghe các chương trình phát thanh hoặc xem các buổi truyền giảng trên vô tuyến truyền hình, bạn cũng thấy các nhà truyền đạo luôn rao giảng về lẽ cần của sự ăn năn. “Quý vị phải ăn năn để được cứu rỗi”. “Quý vị cần khóc lóc cho tội lỗi mình, đồng thời ăn năn và đặt đức tin nơi Chúa Cứu Thế để được cứu rỗi”.
Ta được nghe nói nhiều về sự ăn năn, và cũng biết lẽ đạo ăn năn rất quan trọng. Nhưng ăn năn là gì? Có nhiều sự lầm lẫn về phương diện lịch sử của các chữ được phiên dịch là “ăn năn” trong các bản Kinh Thánh Anh và Việt ngữ. Vậy, trước hết ta cần xét qua lịch sử của từ liệu này.
1. LỊCH SỬ CỦA TỪ LIỆU “ĂN NĂN
Thời Cựu Ước
Chữ “sub”, được dùng vào thời Cựu Ước, nghĩa là “quay lại hoặc trở lại cùng Đức Chúa Trời” bao hàm một sự thay đổi ý chí. Trong khi chữ “nàham” dịch là “ăn năn” bao hàm ý niệm buồn rầu.
Giai đoạn năm 100 Trước Chúa Cứu Thế (Giai Đoạn Bản Bảy Mươi-LXX)
Trong thời kỳ này, bản Bảy Mươi (LXX)-bản dịch Kinh Thánh từ tiếng Hy-bá ra tiếng Hy-lạp-dùng chữ “metanoeòøø’ với nghĩa đen là “cảm thấy đau buồn”.
Thời Tân Ước
Qua giai đoạn này chữ “metanoeòøø” đã biến nghĩa thành “thay đổi thái độ”, chớ không còn là “cảm thấy đau buồn”.
Giai đoạn Bản Dịch Kinh Thánh La-tinh
Trong thời kỳ này, các dịch giả thay vì chọn chữ “metanoeòøø” với nghĩa của thời Tân Ước “thay đổi thái độ”, họ lại chọn chữ “metanoeòøø” với nghĩa của bản Bảy Mươi “cảm thấy đau buồn”. Vì thế, các vị ấy dịch chữ “ăn năn” là “hành xác để hối lỗi”.
Thời Kỳ Các Bản Dịch Kinh Thánh Anh và Việt Ngữ
Trong giai đoạn này, các bản dịch Kinh Thánh Anh và Việt Ngữ lại dựa vào bản La-tinh để chọn và dịch chữ “ăn năn” với nghĩa “cảm thấy đau buồn”. Chữ “metanoeòø” được dịch là “cảm thấy đau buồn”, thì chưa lột hết được nghĩa của nó. Khi bạn đọc Thánh Kinh, ngoại trừ năm lần không kể, còn lại tất cả thì phải hiểu chữ “ăn năn” là “thay đổi thái độ” hoặc “đổi ý”.
Điều quan trọng kế tiếp, trong thời Tân Ước có hai chữ Hy-lạp khác nhau được dịch là “ăn năn”. Chữ “metanoeòø”-thay đổi thái độ, và “metamelomai-cảm thấy đau buồn”. “Cảm thấy đau buồn” không giống như “thay đổi thái độ”. Ta có thể “cảm thấy đau buồn” về tội lỗi mình nhưng vẫn không có ý định từ bỏ phạm tội. Đó không phải là ăn năn. Ăn năn là hành động do đó một người nhận biết tội lỗi mình, xưng nó ra với Đức Chúa Trời và xây khỏi tội lỗi ấy (thay đổi thái độ khác hoặc đổi ý).
Dưới đây là những tội nhân chỉ cảm thấy đau buồn về tội lỗi mình chứ không ăn năn:
1. Pha-ra-ôn: Khi Pha-ra-ôn cứng lòng không cho tuyển dân Đức Chúa Trời ra khỏi xứ nô lệ Ai-cập để đến đất hứa Ca-na-an thì Ngài giáng tại họa xuống. Pha-ra-ôn run sợ và trong hãi hùng đã thốt ra: “Trẫm đã phạm tội” nhưng không hề ăn năn (XuXh 9:27).
2. Ba-la-am: Trong Dan Ds 22:34, Ba-la-am đã thưa cùng thiên sứ của Đức Giê-hô-va: “Tôi có phạm tội.” Song sự đau buồn nông cạn như thế không ích lợi gì cả.
3. A-can: Giô-suê chương 7 ghi chép lời A-can nói với Giô-suê: “Phải, tôi đã phạm tội cùng Giê-hô-va Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên” nhưng không hề ăn năn.
4. Sau-lơ: Sa-mu-ên nhìn thấy Sau-lơ phạm tội và bảo cho vua biết rằng sẽ chẳng được làm vua nữa. Sau-lơ bèn nói: “Tôi có phạm tội,” song chẳng bày tỏ sự ăn năn.
5. Giu-đa Ích-ca-ri-ốt: Sau khi nộp Thầy mình cho thầy tế lễ và các trưởng lão. Giu-đa cảm thấy hối tiếc về việc làm mình, và nói “Tôi đã phạm tội vì nộp huyết vô tội.” Ông không hề ăn năn.
Và đây là những tội nhân đã bày tỏ sự ăn năn thật:
1. Đa-vít: Đa-vít đã phạm tội tà dâm và giết người. Sau đó ông xưng tội, than khóc cầu xin sự tha thứ và ăn năn. Từ đó Đa-vít không bao giờ tái phạm. Ông đã thật lòng ăn năn.
2. Đứa con phóng đãng: Ngụ ngôn này cho thấy sự đổi ý. Ta hãy nghe lời xưng tội của người con này: “Cha ơi, con đã phạm tội với Trời và với cha” (LuLc 15:21). Đứa con phóng đãng đã sống hư hỏng. Khi anh nhâïn thức điều ấy, anh hạ mình trong tro bụi và sẵn sàng quay về cùng cha mình. Nói cách khác, người ấy còn đổi ý về địa vị mình nên quyết định đứng dậy trở về nhà cha.
3. Phi-e-rơ: LuLc 22:54-62 ghi chép việc Phi-e-rơ chối Chúa ba lần. Nhưng khi được Chúa thức tỉnh, ông bước ra ngoài khóc lóc đắng cay, cầu xin sự tha thứ và ăn năn. Về sau, Phi-e-rơ không hề tái phạm tội ấy.
2. MỐI LIÊN HỆ GIỮA ĂN NĂN VÀ ĐỨC TIN
Sự ăn năn đối với Đức Chúa Trời và đức tin đến Chúa Giê-xu cần phải đi đôi với nhau. Công Vụ 20:21 bày tỏ mối liên hệ đó: “Tôi kêu gọi cả người Do Thái lẫn Hy-lạp ăn năn quay về Thượng Đế và tin cậy Chúa Cứu Thế Giê-xu là Chúa chúng ta.”
Calvin cho rằng ăn năn và đức tin là hai hành động không thể tách rời nhau, tuy nhiên chúng có sự khác biệt về ý nghĩa.
Hastings, khi bàn về mối liên quan giữa đức tin và ăn năn, đã nói: “Chúng là vòng xích không thể tách rời được... đức tin thuộc về phía tích cực, và ăn năn thuộc về phía tiêu cực”.
Thiessen tuyên bố: “... sự ăn năn thật không bao tách rời khỏi đức tin... đức tin thật không bao giờ thiếu sự ăn năn. Cả hai ràng buộc nhau đến độ không thể chia lìa”.
Strong viết: “... đức tin không thể tách rời với sự ăn năn cũng như sự ăn năn không thể tách rời với đức tin” .
Loài người chẳng khác gì đứa con phóng đãng đã bỏ nhà cha mẹ mà đi phương xa sống đời hư hỏng. Khi người con tỉnh ngộ, nói rằng: “Ta sẽ đứng dậy trở về cùng cha” (LuLc 15:11-24). Hành động đó chứng tỏ người con tin nơi cha có sự tha thứ và sự cứu rỗi mới dám quyết định như vậy. Cũng thế, khi tội nhân cảm biết Chúa Cứu Thế có quyền cứu rỗi mình, mới dám quyết định đến cùng Chúa, đặt đức tin nơi Ngài, cầu khẩn Ngài thương xót mà cứu vớt mình.
Tóm lại, khi ta nói về sự ăn năn để được cứu rỗi, ta phải hiểu đó là một sự thay đổi thái độ đối với tội lỗi và đối với Đức Chúa Trời. Khi một người nói rằng muốn tin nhận Chúa Cứu Thế Giê-xu, nhưng không chịu từ bỏ tội lỗi, thì đó không phải là sự ăn năn, và người ấy không thể được cứu rỗi.
Chương VI- ĐỨC TIN LÀ GÌ?
1.-Ý nghĩa từ liệu “đức tin”
2.-Các yếu tố của đức tin
3.-Phân loại đức tin
Bạn có bao giờ làm chứng cho một người nào đó, mà người ấy tỏ ra biết nhiều sự việc và đồng ý với mọi điều bạn nói, song bạn không cảm thấy người đó đã được cứu? Trong tận nơi sâu thẳm của linh hồn, bạn sợ cho số phận đời đời của người ấy. Bạn càng làm chứng cho người đó nhiều chừng nào, bạn càng cảm thấy dường như người ấy chưa được cứu. Tuy nhiên, bạn không thể khẳng định cách chính xác tại sao bạn có cảm nghĩ như thế.
Nếu điều đó đã từng xảy ra cho bạn trong lúc chứng đạo, hy vọng bài này sẽ là lời giải đáp cho bạn.
1. Ý NGHĨA TỪ LIỆU “ĐỨC TIN”
Từ liệu “pisteuo” của tiếng Hy-lạp được dịch là “tin cậy”. Chữ ấy có nghĩa là “tùy thuộc vào”, “dựa vào”, hoặc “tin cậy vào”. Một người đã được cứu là người đặt sự tin cậy vào Chúa Cứu Thế Giê-xu chớ không phải vào chính mình, gia đình, Hội Thánh hoặc vào việc làm.
Bạn có bao giờ nhìn thấy những người nhảy dù chưa? Họ đứng trên chiếc máy bay cho nó cất cánh khỏi mặt đất và họ... nhảy dù xuống! Những người này tin rằng chiếc dù sẽ cứu mình. Họ tin cậy đến độ biết rằng nếu chiếc dù không mở ra, họ sẽ chết. Đó là ví dụ về đức tin theo Thánh Kinh. Con người để được cứu rỗi, phải tin cậy Chúa Cứu Thế và chỉ tin một mình Ngài thôi.
2. CÁC YẾU TỐ CỦA ĐỨC TIN
Berkhof cho rằng đức tin có ba yếu tố. Thiessen cũng đồng ý như thế. Ba yếu tố đó là: Trí năng, cảm tình và ý chí.
Yếu Tố Quan Hệ Với Trí Năng
Cách dùng từ liệu “đức tin” của Tân Ước bao hàm sự nhận biết. Trước khi có đức tin thật, tội nhân phải nhận biết:
1. Chúa Cứu Thế là Con Thượng Đế
“Đức Chúa Giê-xu đã làm trước mặt môn đồ Ngài nhiều phép lạ khác nữa mà không có chép trong sách này. Nhưng các việc này đã chép, để cho các ngươi tin rằng Đức Chúa Giê-xu là Đấng Christ, tức là con Đức Chúa Trời, và để khi các ngươi tin, thì nhờ danh Ngài mà được sự sống ” (GiGa 20:30-31).
2. Sự trở thành người, mang thân thể phàm nhân của Chúa Cứu Thế
“Anh em thân yêu, đừng vội tin những người tự cho mình được thần linh cảm ứng, trước hết phải thử xem có thật không. Vì hiện nay nhiều nơi đã có giáo sư giả xuất hiện. Muốn biết điều họ giảng dạy có thật do Thánh Linh cảm ứng không, chỉ cần xem nó có phù hợp với giáo lý Chúa Cứu Thế Giê-xu, Con Thượng Đế, đã trở thành người, mang thân thể phàm nhân hay không. Nếu có, đó là do Thượng Đế. Nếu không, lời giảng dạy họ không do Thượng Đế, nhưng do thần linh Kẻ Phản Chúa, như anh em đã nghe nó xuất hiện. Hiện nay, tinh thần phản Chúa đã biểu lộ trên thế giới ” (IGi1Ga 4:1-3 BDY).
3. Sự chết của Chúa Cứu Thế
“Thượng Đế đã cho Chúa Giê-xu hi sinh chuộc tội chúng ta, những người tin cậy huyết Ngài. Việc cứu chuộc này chứng tỏ đức công chính của Thượng Đế đối với loài người trong quá khứ và hiện tại. Trong quá khứ, Ngài nhẫn nhục bỏ qua tội lỗi. Trong hiện tại, người tin Chúa Giê-xu được Ngài tha tội và nhìn nhận là công chính ” (Ro-ma 3:25-26 BDY).
4. Sự sống lại của Chúa Cứu Thế
“Nếu miệng anh em xưng nhận Giê-xu là Chúa, và lòng anh em tin Thượng Đế đã khiến Ngài sống lại thì anh em được cứu rỗi ” (Ro-ma 10:9 BDY).
Đây là bốn lẽ đạo quan trọng mà tội nhân cần biết, trước khi người có thể được cứu rỗi. Nếu ai chối bỏ một trong các lẽ thật này thì không thể được cứu. Giả dụ có người nói rằng: “Tôi muốn tin Chúa Giê-xu, song tôi nghĩ Ngài chỉ là một vĩ nhân” thì người đó không thể được cứu rỗi. Ni-cô-đem trước khi đầu phục Chúa, đã có đức tin ấy, vì người nói cùng Chúa: “Thưa Thầy, chúng tôi biết Thầy là Giáo Sư Thượng Đế sai xuống, vì nếu Thượng Đế không cộng tác, chẳng ai thực hiện nổi những phép lạ Thầy đã làm” (GiGa 3:1 BDY).
Yếu Tố Quan Hệ Với Tình Cảm
Yếu tố quan hệ với tình cảm này sẽ khiến tội nhân cảm xúc rằng, linh hồn mình đang ở trong địa vị hư mất, tự mình chẳng có thể cứu được. Và khi người nghe Phúc Âm của Chúa Cứu Thế, lòng cảm động tin rằng Chúa Cứu Thế có đủ quyền cứu linh hồn mình khỏi địa vị hư mất. Tuy nhiên, đức tin người ấy dừng tại đó. Đời sống người chẳng kết được nhiều quả, vì người chưa thật tiếp nhận Chúa Giê-xu làm Cứu Chúa mình. Thánh Kinh nói về người có đức tin bất toàn đó như vầy:
“Hạt giống rơi nơi lớp đất mỏng phủ trên đá tượng trưng cho người nghe Đạo, vội vui mừng tiếp nhận, nhưng quá hời hợt, mầm sống không vào sâu trong lòng. Khi bị họan nạn, khủng bố vì Phúc Âm, họ vội buông tay đầu hàng ” (Mat Mt 13:20-21 BDY).
Yếu Tố Quan Hệ Với Ý Chí
Khi tội nhân đã hiểu biết Phúc Âm cứu rỗi, đã cảm xúc Chúa Cứu Thế có quyền cứu vớt linh hồn mình, và bây giờ người phải công nhận Chúa Giê-xu làm Cứu Chúa thì mới được cứu rỗi. Thánh Kinh quả quyết rằng:
“Tất cả những người tiếp nhận Chúa đều được quyền làm con cái Thượng Đế -tiếp nhận Chúa là đặt niềm tin nơi Chúa ” (GiGa 1:12 BDY).
“Nhưng các việc này đã chép, để cho các ngươi tin rằng Đức Chúa Giê-xu là Đấng Christ, tức là Con Đức Chúa Trời (trí năng tin phục Ngài ), và để khi các ngươi tin, nhờ danh Ngài mà được sự sống (lòng công nhận Ngài )” (20:31).
3. PHÂN LOẠI ĐỨC TIN
Đức Tin Lịch Sử
Đức tin lịch sử là loại đức tin của vua Ạc-ríp-ba. Phao-lô xác quyết vua tin các tiên tri: “Tâu vua Ạc-ríp-ba, vua có tin các đấng tiên tri chăng? Tôi biết thật vua tin đó!” (Công Vụ 26:28). Tuy nhiên, không có chứng cớ nào cho thấy vua Ạc-ríp-ba là một Cơ Đốc Nhân. Thật ra nếu có, chỉ là bằng chứng ngược lại mà thôi.
Đức Tin Phép Lạ
Đức tin phép là là tin rằng Thượng Đế có thể làm phép lạ qua người nào đó.
Đức Tin Tạm Thời
Đức Tin Tạm Thời là đức tin chóng tàn vì không đặt nơi Chúa Cứu Thế. Phù thủy Si-môn là tiêu biểu cho loại đức tin đó. Si-môn xin theo Đạo, chịu báp têm song chỉ thời gian ngắn, Si-môn đã bộc lộ lòng gian tà, và vì vậy ông không phải là một Cơ Đốc nhân (8:9-24).
Đức Tin Để Được Cứu
Đây là loại đức tin bao gồm ba yếu tố: trí năng, cảm tình và ý chí mà ta đã đề cập ở phần đầu. Ba ngàn người tin Chúa trong ngày lễ Ngũ tuần và số người tin Chúa tăng lên đến năm ngàn sau khi nghe Phi-e-rơ giảng giải, là tiêu biểu cho loại đức tin để được cứu này.
Ngoài ra, sách Công-vụ các sứ-đồ còn ghi nhận nhiều trường hợp của cá nhân hoặc nhóm người, đã có loại đức tin này:
1. Dân Sa-ma-ri: “Nhưng khi nghe Phi-lip giảng giải về Chúa Cứu Thế Giê-xu và Nước Trời, dân Sa-ma-ri cả năm lẫn nữ đều tin Chúa và chịu báp-têm” (8:12 BDY).
2. Dân thành Giốp-bê: Khi Phi-e-rơ cầu nguyện cho Ta-bi-tha sống lại, thì “việc đó đồn ra khắp thành Giốp-bê; nên có nhiều người tin theo Chúa” (9:42).
3. Tổng trấn Sê-giút Phau-lút: “Thấy việc phi thường (việc phù thủy giả Ba-Giê-xu bị Chúa ra tay phạt mù), tổng trấn liền tin Chúa và ngạc nhiên về Đạo Chúa” (Công Vụ 13:12 BDY).
4. Nhiều người tại thành An-ti-ốt xứ Bi-si-đi: “Người bản xứ nghe xong đều vui mừng ca tụng Phúc Âm. Những người sẵn sàng tiếp nhận sự sống vĩnh viễn đều tin Chúa” (13:48 BDY).
5. Các tín hữu của Hội Thánh đầu tiên: “Hai sứ-đồ tuyển chọn một số trưởng lão ở mỗi Hội Thánh, rồi nhịn ăn, cầu nguyện và ủy thác họ cho Chúa, là Đấng họ đã tin” (14:23 BDY).
6. Cả gia đình người giám ngục: “Hai ông (Phao-lô và Si-la) giảng giải Đạo Chúa cho giám ngục và mọi người trong nhà. Ngay đêm ấy, giám ngục... tin Chúa và chịu phép báp têm với cả gia đình” (16:33 BDY).
7. Dân thành Bê-rê: “Người Bê-rê ...vui lòng nghe Đạo Chúa, hằng ngày nghiên cứu Thánh Kinh để kiểm chứng lời giảng của Phao-lô và Si-la. Nhờ đó nhiều người tin Chúa, gồm những phụ nữ quý phái Hi-lạp, phía nam giới cũng đông” (17:11-12 BDY).
8. Dân thành A-thên: Một nhóm người theo ông Phao-lô và tin Chúa, “trong số có Đê-ni, thẩm phán Tối cao Pháp viện, bà Đa-ma-ri cùng nhiều người khác” (17:30 BDY).
9. Người Cô-rinh-tô: “Bấy giờ Cơ-rít-bu, chủ nhà hội với cả nhà minh đều tin Chúa: lại có nhiều người Cô-rin-tô từng nghe Phao-lô giảng, cũng tin và chịu phép báp têm” (18:8).
10. Nhóm môn đồ của Giăng tại Ê-phê-sô: Những người này chỉ nhận báp-têm của Giăng Báp-tít, nhưng chưa đặt niềm tin nơi Chúa Cứu Thế Giê-xu, cho nên Phao-lô giải thích, và giúp họ đặt niềm tin nơi Chúa Cứu Thế: “Báp têm của Giăng chỉ về sự ăn năn tội lỗi. Giăng đã dạy cho nhân dân tin Đấng đến sau mình, tức là tin Chúa Giê-xu. họ liền chịu báp têm nhân danh Chúa Giê-xu” (19:1-7 BDY).

Chương VII- SỰ CỨU RỖI LÀ GÌ?
1.-Cứu rỗi là được giải thoát khỏi tội lỗi
2.-Cứu rỗi là được tái sinh
3.-Cứu rỗi là được sở hữu sự sống đời đời
Từ liệu “sự cứu rỗi” được dùng trong Thánh Kinh để chỉ về công việc của Đức Chúa Trời làm thay cho loài người”. Khi chữ này được biểu lộ trong Tân Ước thì nó biểu lộ tất cả hoặc một phần công tác của Đức Chúa Trời. Lúc chữ này được dùng để chỉ về toàn thể công trình cứu chuộc của Đức Chúa Trời, nó nói lên sự biến đổi toàn diện từ tình trạng hư mất của con người đến tình trạng vinh hiển sau cùng Chúa ban cho con người. Công trình cứu rỗi toàn vẹn này bao gồm các công tác của Đức Chúa Trời như: sự phục hòa, sự chuộc tội, sự tha thứ, sự xưng công nghĩa, sự thế mạng, sự tái sanh, sự nhận làm con, sự nên Thánh, sự cứu chuộc và sự vinh hiển. Thánh Kinh đã đề cập đến hai trạng thái tương phản giữa tình trạng hư mất và được cứu của con người:
“Đừng quên rằng trước kia anh em là người nước ngoài, bị người Do Thái coi là vô đạo, ô uế, vì họ tự cho là Thánh sạch. Kỳ thực lòng họ vẫn ô uế, dù thân họ chịu Thánh lễ cắt bì, một nghi lễ do tay người thực hiện. Đừng quên rằng thuở ấy anh em sống xa cách Chúa Cứu Thế, đối nghịch với đoàn thể con dân của Thượng Đế, không được Thượng Đế hứa hẹn bảo đảm gì cả. Giữa cuộc đời, anh em sống không hy vọng, không Thượng Đế ” (Eph Ep 2:11-12 BDY).
“Hãy xem Chúa Cha yêu chúng ta biết bao, Ngài cho chúng ta được mang danh “con cái Chúa ”, và chúng ta đích thực là con cái Ngài! Nhưng người đời không biết chúng ta là con cái Chúa vì họ không biết Ngài. Anh em thân yêu, hiện nay chúng ta là con cái Thượng Đế. Mặc dù chưa biết hết tương lai nhưng chúng ta biết chắc khi Chúa trở lại, chúng ta sẽ giống như Ngài vì chúng ta sẽ thấy chính Ngài ” (IGi1Ga 3:1-2 BDY).
Ngoài những giáo lý có quan hệ đến các phương diện khác nhau của sự cứu rỗi ở trên, còn ba ý nghĩa quan trọng ta cần biết.
1. CỨU RỖI LÀ ĐƯỢC GIẢI THOÁT KHỎI TỘI LỖI
Mục đích của Đức Chúa Trời trong sự cứu rỗi con người là Ngài chẳng những chỉ giải phóng con người được tự do khỏi án phạt tội lỗi, mà còn tiêu diệt tội lỗi trong đời sống con người.
“Vả, các con biết Đức Chúa Giê-xu Christ đã hiện ra để cất tội lỗi đi, và biết trong Ngài không có tội lỗi ” (3:5).
“Vì tội lỗi không cai trị trên anh em đâu; bởi anh em chẳng thuộc dưới luật pháp, mà thuộc dưới ân điển ” (Ro-ma 6:14).
“Vậy, anh em đã được buông tha khỏi tội lỗi, trở nên tôi mọi của sự công bình rồi ” (Ro-ma 6:18).
“Vì luật pháp của Thánh Linh sự sống đã nhờ Đức Chúa Giê-xu Christ buông tha tôi khỏi luật pháp của sự tội và sự chết ” (Ro-ma 8:2).
“Vậy, nếu Con buông tha các ngươi, các ngươi sẽ thật được tự do ” (GiGa 8:36).
“Nhưng, nếu chúng ta đi trong sự sáng cũng như chính mình Ngài ở trong sự sáng, thì chúng ta giao thông cùng nhau; và huyết của Đức Chúa Giê-xu con Ngài, làm sạch mọi tội chúng ta ” (IGi1Ga 1:7).
“Chúa đã hy sinh cứu ta khỏi mọi tội lỗi, luyện lọc ta thành dân tộc riêng của Ngài để ta sốt sắng làm việc thiện ” (Tít 2:14; BDY).
2. CỨU RỖI LÀ ĐƯỢC TÁI SANH
Khi Đức Chúa Trời cứu chuộc con người, Ngài chẳng những giải thoát linh hồn ra khỏi án phạt và quyền năng của tội lỗi mà còn tạo dựng con người thành “tạo vật mới” qua biến động của sự sanh lại hoặc sự tái sanh.
“Vậy, nếu ai ở trong Đấng Christ, thì nấy là người dựng nên mới: những sự cũ đã qua đi, nầy mọi sự đều trở nên mới ” (IICo 2Cr 5:17).
“Đức Chúa Giê-xu cất tiếng đáp rằng: Quả thật, quả thật, ta nói cùng ngươi, nếu một người chẳng nhờ nước và Thánh Linh mà sanh, thì không được vào nước Đức Chúa Trời. Hễ chi sanh bởi xác thịt là xác thịt; hễ chi sanh bởi Thánh Linh là thần. Chớ lấy làm lạ về điều ta đã nói với ngươi: Các ngươi phải sanh lại ” (GiGa 3:5-7).
“Anh em được laị sanh, chẳng phải bởi giống hay hư nát, nhưng bởi giống chẳng hay hư nát, là bởi lời hằng sống và bền vững của Đức Chúa Trời ” (IPhi 1Pr 1:23)
Do sự tái sanh, ta được sống đời mới, Đức Chúa Trời trở thành Cha chúng ta và chúng ta được gọi là con cái Đức Chúa Trời.
“Hãy xem Đức Chúa Cha đã tỏ cho chúng ta sự yêu thương dường nào, mà cho chúng ta được xưng là con cái Đức Chúa Trời: và chúng ta thật là con cái Ngài. Ấy là vì đó mà thế gian chẳng biết chúng ta, vì họ chẳng từng biết Ngài ” (IGi1Ga 3:1).
Với sự sanh lại, ta được sở hữu bản tính mới. Ta đã được “sáng tạo trong Đấng Christ”.
“Vì chúng ta là việc Ngài làm ra, đã được dựng nên trong Đức Chúa Giê-xu Christ để làm việc lành mà Đức Chúa Trời đã sắm sẵn trước cho chúng ta làm theo ” (Eph Ep 2:10).
“Vì điều cần yếu chẳng phải sự chịu cắt bì, hay là sự chẳng chịu cắt bì, bèn là trở nên người mới ” (GaGl 6:15).
3. CỨU RỖI LÀ ĐƯỢC SỰ SỐNG ĐỜI ĐỜI
Ta được chính Đức Chúa Trời sanh thành, chứ không sanh ra theo huyết thống, hay theo tính ý loài người, vì vậy ta được sở hữu sự sống đời đời-sự sống của Đức Chúa Trời.
“Anh em được tái sinh, không phải do sự sống dễ hư họai của tổ tiên truyền lại, nhưng do Lời Sống bất diệt của Thượng Đế ” (IPhi 1Pr 1:23 BDY).
“Cũng với quyền năng ấy, Ngài đã ban cho chúng ta mọi phúc lành quý báu kỳ diệu mà Ngài đã hứa; giải thoát chúng ta khỏi mọi dục vọng, băng họai đang ngự trị khắp nơi, và cho chúng ta được có cùng bản tính với Ngài ” (IIPhi 2Pr 1:4 BDY).
“Vậy Đức Chúa Giê-xu đáp rằng: Ta là đường đi, lẽ thật, và sự sống; chẳng bởi ta thì không ai được đến cùng Cha ” (GiGa 14:6).
“Ai tin Con, thì được sự sống đời đời; ai không chịu tin Con, thì chẳng thấy sự sống đâu, nhưng cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời vẫn ở trên người đó ” (3:33).
“Quả thật, quả thật, ta nói cùng các ngươi, ai nghe lời ta mà tin Đấng đã sai ta, thì được sự sống đời đời, và không đến sự phán xét, song vượt khỏi sự chết mà đến sự sống ” (5:24).
“Quả thật, quả thật, ta nói cùng các ngươi, hễ ai tin được sự sống đời đời ” (6:47).


PHẦN THỨ BA. –
TÍN NGƯỠNG CỦA DÂN VIỆT TRONG SỰ CHỨNG ĐẠO
Chương I - THỜ CÚNG TỔ TIÊN
1.-Ý niệm về sự chết
2.-Ý niệm về cuộc sống hiện tại
3.-Ý niệm về đời sau
4.-Ý niệm về năng quyền
5.-Ý niệm về sự cứu rỗi
6.-Ý niệm về sự hiếu kính cha mẹ, ông bà
7.-Ý niệm về việc liên lạc với người chết
Người tín hữu Việt Nam đều đồng ý rằng mối cản trở lớn nhất cho dân Việt trong sự tiếp nhận Phúc Âm là vấn đề thờ cúng tổ tiên. Vì thế điều quan trọng hàng đầu cho các Hội Thánh Cơ Đốc Việt Nam là tìm cách giải thích việc thờ cúng này. Nhiều người Việt không muốn trở thành Cơ Đốc nhân vì sợ rằng họ không còn được phép thờ cúng cha mẹ, ông bà.
Theo phong tục Việt Nam, việc thờ cúng tổ tiên rất là quan trọng. Người Việt tin rằng:
Chết chưa phải là chết hẳn, thể xác tuy chết nhưng linh hồn vẫn còn và hằng lui tới gia đình. Thể xác tiêu tan nhưng linh hồn bất diệt.
Tục ta lại tin rằng dương sao âm vậy, người sống cần gì, sống làm sao thì người chết cũng như vậy và cũng có một cuộc “sống” ở cõi âm như cuộc sống của người trên dương thế, nói khác đi, người chết cũng cần ăn uống tiêu pha, nhà ở như người sống. Tin như vậy, việc cúng lễ là cần thiết, và việc thờ phụng tổ tiên không thể không có được.
Tục cũng lại tin rằng vong hồn các người khuất thường luôn ngự trên bàn thờ để gần gủi con cháu trong công việc hằng ngày và giúp đỡ con cháu trong những trường hợp cần thiết.
Dân Việt thường cúng bái tổ tiên vào các ngày lễ lớn như tết Nguyên Đán (ngày đầu năm Âm Lịch), tết Thanh Minh (Ngày thượng tuần tháng ba), tết Đoan Ngọ (mùng năm tháng năm), tết Trung Nguyên (rằm tháng bảy), tết Trung Thu (rằm tháng tám)... Ngoài ra, con cháu tin ở sự phù hộ và sự hiện diện của tổ tiên quanh mình nên bất cứ một việc lớn nhỏ gì xảy ra, liên quan tới gia đình, gia trưởng đều có lễ cáo gia tiên như: vợ sinh con; con đầy cử; đầy tháng; đầy năm; con cái bắt đầu đi học; con cái sửa soạn đi thi; con cái thi đỗ; gả chồng cho con gái, dựng vợ cho con trai; xây dựng nhà mới.
1. Ý NIỆM VỀ SỰ CHẾT
Sự chết thể xác, theo quan niệm của dân Việt và của các trước giả Kinh Thánh, là việc không thể tránh được. Tuy nhiên, ý niệm về sự chết của dân Việt khác với ý niệm về sự chết trong Thánh Kinh. Sự chết theo Thánh Kinh là sự mở đầu cho việc đánh mất tất cả mối liên hệ trên đất và cắt đứt mọi sự giao tiếp với người sống. Đó không phải là sự chuyển tiếp vào vũ trụ thần linh, cũng không phải là phương tiện để người chết có thể biến nên thánh thần. Thánh Kinh quả quyết rằng sự chết là sự phân rẽ quan trọng cuối cùng giữa con người và Đấng Tạo Hóa do tội lỗi gây ra. Theo quan điểm Thánh Kinh, sự chết là điều đi ngược lại ý chỉ của Đức Chúa Trời, Đấng ban cho sự sống. Nó là hiện thân của kẻ thù cuối cùng bị Chúa Phục Sinh hủy diệt. Sự chết thống trị nhân loại vì “mọi người đều đã phạm tội” (Ro-ma 3:23). Thánh Kinh không chỉ vén màn bí mật về căn nguyên của sự chết, mà còn báo trước về sự chấm dứt của sự chết. Sự phục sinh của Chúa Cứu Thế Giê-xu đã chiến thắng sự chết và trong thời đại hầu đến sẽ “không có sự chết, kêu ca, hay là đau đớn nữa; vì những sự thứ nhất đã qua rồi” (KhKh 21:4).
2. Ý NIỆM VỀ CUỘC SỐNG HIỆN TẠI
Không giống như quan niệm của triết gia Hy-lạp, dân Việt không cho rằng thân xác là một gánh nặng phải tống khứ. Mặc dù dân Việt tin rằng sự chết là lối vào vũ trụ thần linh, thì cũng không có nghĩa là sự chết có thể giải phóng con người khỏi các xiềng xích của thân xác. Thật ra thân xác là môi trường mà qua đó con người có thể vui hưởng cuộc sống hiện tại. Con người là một sinh vật lịch sử và thực sự này làm cho cuộc sống hiện tại càng trở nên quý giá. Vì thế ta không ngạc nhiên khi thấy dân Việt cầu xin tổ tiên đã khuất, ban cho con cháu có được một thể xác khỏe mạnh.
Tuy nhiên, Thánh Kinh lại quan niệm khác hơn. Con người chỉ có thể vui hưởng cuộc sống hiện tại trong Chúa Cứu Thế Giê-xu mà thôi. Đối với Cơ Đốc nhân cuộc sống hiện tại không những là quý báu vì những điều họ có thể vui hưởng trong thế giới này, mà còn vì họ có thể thông công với Chúa Cứu Thế Giê-xu. Sự kiện quan trọng hơn nữa là con người chỉ có thể tìm thấy ý nghĩa thật của cuộc đời qua mối liên hệ với Đức Chúa Trời hằng sống.
3. Ý NIỆM VỀ ĐỜI SAU
Dân Việt tin rằng chết không phải là hết. Chết chẳng phải là kết thúc sự hiện hữu của con người. Có sự sống bên kia cõi chết. Tuy nhiên quan niệm về đời sau của Thánh Kinh không giống với quan niệm của dân Việt. Thánh Kinh dạy rằng trong ngày cuối cùng những người chết trong Chúa Cứu Thế sẽ được sống lại để vào sự sống bất diệt. Còn những người không tin sẽ sống lại để đi vào sự hư mất đời đời.
4. Ý NIỆM VỀ NĂNG QUYỀN
Dân Việt tin rằng tổ tiên đã khuất có quyền năng trên người sống. Họ có thể bảo vệ con cháu khỏi mọi tật bệnh và có thể ban cho con cháu được sống lâu và sống phước hạnh. Tuy nhiên có vấn đề khó khăn tại đây. Tổ tiên đã quá cố có thể chận đứng sự chết không? Tổ tiên có thể làm cho con cháu từ kẻ chết sống lại chăng? Tổ tiên đã khuất không thể thực hiện được những việc đó vì chính họ cũng đã bị sự chết thống trị. Ta nên nhớ rằng tổ tiên đã quá cố chỉ là người, và trải qua sinh, lão, bệnh, tử như mọi người khác. Tổ tiên không thể tự giải cứu chính mình, cũng không thể tránh được sự chết thì làm sao họ có thể che chở, bảo vệ con cháu? Thực ra niềm tin về một người sau khi chết sẽ có được năng quyền mới, là niềm tin không đặt nền tảng trên Thánh Kinh. Đức Chúa Trời không bao giờ ban cho tổ tiên đã khuất quyền năng để ban phước hoặc giáng họa trên người sống.
Ngoài ra niềm tin nơi người chết có thể cứu giúp người sống là hành động phủ nhận quyền tể trị, xử đoán cả kẻ chết lẫn người sống của Chúa Cứu Thế. “Đấng Christ đã chết và sống lại, ấy là để làm Chúa kẻ chết và người sống” (Ro-ma 14:9). Chúa Cứu Thế cầm quyền tể trị trên hai vương quốc của kẻ chết và người sống vì Ngài đã trải qua sự chết, đắc thắng thần chết và đã sống lại khải hoàn như là Chúa của sự sống.
“Vả, những chữ “Ngài đã lên” có nghĩa gì, há chẳng phải là Ngài cũng đã xuống trong các miền thấp ở dưới đất sao? Đấng đã xuống tức là Đấng đã lên trên hết các từng trời, để làm cho đầy dẫy mọi sự ” (Eph Ep 4:9-10).
“Thượng Đế là Nguồn Sống, nên Con Ngài cũng là Nguồn Sống. Thượng Đế đã giao quyền xét xử loài người cho Con, vì Con Thượng Đế chịu làm Con người. Các ông đừng ngạc nhiên. Sắp đến giờ mọi người chết nằm dưới mộ sẽ nghe tiếng gọi của Con Thượng Đế, và bước ra khỏi mộ. Người làm điều thiện sống lại để được sống mãi còn người làm ác sống lại để chịu hình phạt ” (GiGa 5:26-29 BDY).
Vì Chúa Cứu Thế là Đấng sống, Ngài đã chết, nhưng nay Ngài sống đời đời, giữ chìa khóa cõi chết và Âm phủ, nên ta không thể tin rằng người đã khuất có quyền ban phước hoặc giáng họa trên người sống. “Tôi nói thế có nghĩa gì? Thần tượng và của cúng thần tượng (qua nghi thức thờ cúng tổ tiên) chẳng có giá trị gì, nhưng những lễ vật đó cũng cho ác quỉ chứ không phải dành cho Thượng Đế” (ICo1Cr 10:19-20 BDY).
5. Ý NIỆM VỀ SỰ CỨU RỖI
Niềm tin về sự cứu rỗi trong Thánh Kinh khác với niềm tin của dân Việt qua sự thờ cúng tổ tiên. Dân Việt tin rằng nhờ việc thờ cúng tổ tiên mà người đã khuất sẽ sớm được vào miền cực lạc. Khi con cháu thiết lập những nghi lễ thờ cúng tổ tiên, thì người quá cố sẽ hưởng được nhiều công trạng. Đáp lại tổ tiên đã khuất sẽ che chở cho con cháu.
Tuy nhiên, Thánh Kinh không chấp nhận việc làm này. Sự cứu rỗi không phải do công trạng, nhờ việc làm của con người: nhưng là do ân phúc, bởi đức tin nơi Chúa Cứu Thế Giê-xu. “Anh em được cứu nhờ ân phúc của Thượng Đế, do đức tin nơi Chúa Cứu Thế. Sự cứu rỗi là tặng phẩm của Thượng Đế chứ không do anh em tự tạo” (Eph Ep 2:8 BDY). Sau sự chết là sự phán xét đang chờ đợi người đã quá cố, vì “theo như đã định cho loài người phải chết một lần, rồi chịu phán xét” (Hê-bê-rơ 9:27;). Và số phận đời đời của linh hồn người đã khuất, đã được định xong, căn cứ vào sự đáp ứng của người trước Phúc Âm cứu rỗi lúc còn tại thế.
“Chúa sẽ thưởng phạt tùy theo công việc của mỗi người. Người nào bền lòng vâng phục Chúa, tìm kiếm vinh quang, danh dự và những giá trị vĩnh cửu, sẽ được sự sống đời đời. Còn người nào vị kỷ, chối bỏ chân lý, đi theo đường gian tà, sẽ bị hình phạt; Thượng Đế sẽ trút cơn giận của Ngài trên họ. Tai ương, thống khổ sẽ giáng trên mọi kẻ làm ác, dù người Do Thái hay nước ngoài. Nhưng vinh quang, danh dự, bình an dành sẵn cho người vâng phục Thượng Đế, không phân biệt chủng tộc vì Thượng Đế không thiên vị ai ” (Ro-ma 2:6-11 BDY).
Do đó, thờ phụng tổ tiên đã khuất không đem lại lợi ích cho họ và cho con cháu còn sống. Con cháu không làm gì được cho người đã quá cố, và người đã khuất cũng không thể che chở, bảo vệ cho con cháu còn sống. Thánh Kinh chép: “Sự yêu, sự ghét, sự ganh gỗ của họ thảy đều tiêu mất từ lâu; họ chẳng hề có phần nào về mọi điều làm ra dưới mặt trời” (TrGv 9:6).
6. Ý NIỆM VỀ SỰ HIẾU KÍNH CHA MẸ, ÔNG BÀ
Dân Việt rất trọng lễ và trọng lễ thì ân nghĩa giữ phần quan trọng. Tổ tiên sinh ra ông bà, ông bà sinh ra cha mẹ, cha mẹ sinh ra mình. Người con hiếu thảo phải biết ơn nghĩa sinh thành của cha mẹ và thảo hiếu với ông bà tổ tiên. Dân Việt cho rằng một người con thảo hiếu là người phải thờ cúng tổ tiên đã quá cố qua nhang đèn, bàn thờ, giỗ kỵ. Thánh Kinh cũng dạy Cơ Đốc nhân phải hiếu thảo cha mẹ:
“Hãy hiếu kính cha mẹ ngươi, hầu cho ngươi được sống lâu trên đất mà Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi ban cho ” (XuXh 20:12).
“Hỡi kẻ làm con cái, hãy vâng phục cha mẹ mình trong Chúa vì điều đó là phải lắm. Hãy tôn kính cha mẹ ngươi (ấy là điều răn thứ nhất có lời hứa nối theo ), hầu cho ngươi được phước và sống lâu trên đất ” (Eph Ep 6:1-3).
Tuy nhiên, cách thức người Cơ Đốc bày tỏ lòng hiếu kính không giống như những hình thức thông thường của nhiều người, nghĩa là không bàn thờ, không nhang đèn. Vì Thánh Kinh dạy sự chân thật từ tấm lòng quan trọng hơn những hình thức của lễ bên ngoài (Thi Tv 51:16-17; GiGa 4:23-24). Hơn nữa, Thánh Kinh dạy rõ rằng tổ tiên đã khuất không còn có những nhu cầu thể xác như người sống.
Người sống ít ra cũng còn biết mình sẽ chết, nhưng người chết còn biết gì nữa đâu, cả trí nhớ cũng chẳng còn. Tất cả những việc họ làm khi còn sống, dù là do yêu, ghét, đố kỵ... đều đi vào hư vô từ lâu, chẳng gì còn lại cho họ trên đời (TrGv 9:5-6).
“Chúa Giê-xu đáp: Các ông lầm lẫn vì không hiểu Thánh Kinh, cũng chẳng hiểu quyền năng Thượng Đế. Khi sống lại, không ai còn cưới vợ lấy chồng nữa, mọi người đều giống như thiên sứ ” (Mat Mt 22:29-31 BDY).
Người chết không có nhu cầu, và vì vậy ta không cần chu cấp thực phẩm hay các phương tiện sinh sống khác. Người con thảo hiếu, theo lời Chúa dạy, là người thật lòng yêu thương cha mẹ, tôn kính tổ tiên bằng cách lúc cha mẹ còn sống thì lo phụng dưỡng và làm vui lòng đấng sinh thành. Lúc cha mẹ, ông bà không còn tại thế thì phải ăn ở sao cho đúng lời người dạy bảo và giữ danh thơm tiếng tốt cho người đã khuất.
7. Ý NIỆM VỀ VIỆC LIÊN LẠC VỚI NGƯỜI CHẾT
Theo Thánh Kinh, tổ tiên đã quá cố không thể trở lại cùng người sống qua bất cứ hình thức nào. Trong Cựu Ước, người chết được giữ nơi phần mộ và nơi âm phủ (sheol) là nơi không thể trở lại trần gian. Từ liệu sheol (âm phủ) chỉ nơi kẻ chết ở để chờ đợi sự sống lại. Từ liệu này cũng đồng nghĩa với chữ “hades” trong Tân Ước. Tuy nhiên, chữ “hades” có ý rõ ràng hơn vì nó chỉ hai nơi riêng biệt: phía trên gọi là “Ba-ra-đi” dành cho người công bình; phía dưới dành cho kẻ ác phải ở trong tình trạng khổ sở để chờ đợi sự phán xét cuối cùng. Có một vực sâu ngăn cách giữa hai nơi này, như được bày tỏ trong LuLc 16:19-31. Đó là tình trạng trước khi Chúa thăng thiên; nhưng sau khi Ngài thăng thiên thì Ba-ra-đi được dời đến tầng trời thứ ba (Eph Ep 4:8-10; IICo 2Cr 12:1-4; LuLc 23:43). Như thế người chết bị cắt đứt mọi liên lạc với cộng đồng nhân loại cũng như chấm dứt tất cả sự phục vụ Chúa. Họ không thể kêu cầu Đức Chúa Trời và chẳng thể ngợi khen Ngài. Họ không còn có thể chia sẻ bất cứ điều gì dưới ánh mặt trời. Gióp nói: “...bây giờ tôi sẽ nằm trong bụi đất, Chúa sẽ kiếm tìm tôi, song tôi không còn nữa” (Giop G 7:21) (Gióp không phải định nghĩa sự chết, bèn là nói lên sự xung đột giữa bản thân với vấn đề sự chết).
Tân Ước dạy rõ là người chết vẫn tiếp tục tồn tại sau khi chết. Tuy nhiên, Tân Ước không cho biết hết về tính chất xác thực sự tồn tại của người chết. Thánh Kinh không nói là có những nhịp cầu liên lạc giữa người đã quá cố và người sống. Bởi vì tổ tiên đã khuất không có phần trong cuộc đời người sống, nên họ không thể ban phước hoặc làm hại người sống. Điều ta cần nhớ là câu chuyện về người giàu có và La-xa-rơ nên giải nghĩa cho đúng mục đích của nó và không thể dùng câu chuyện đó để chứng minh cho tình trạng có thể liên lạc giữa kẻ đã quá cố và người sống. Mục đích của câu chuyện này dạy ta nên vâng theo lòng ước muốn của tổ tiên. LuLc 16:19-31 bày tỏ rằng tổ tiên mong muốn con cháu tiếp nhận Chúa Cứu Thế để khi chết khỏi phải xuống nơi khổ hình.
Người giàu thưa: “Vậy xin tổ làm ơn sai Lã-xa đến nhà cha con, cảnh cáo hăm anh em con, để khi chết họ khỏi phải xuống nơi khổ hình này’. Áp-ra-ham giải thích: “Đã có Thánh Kinh luôn luôn cảnh cáo họ”ï Người giàu nài nỉ: “Thưa tổ, không được đâu! Nếu có người chết sống lại cảnh cáo, họ mới ăn năn”. Nhưng Áp-ra-ham nghiêm nghị: “Nếu họ không tin lời Thánh Kinh, dù có người chết sống lại họ cũng chẳng tin” (LuLc 19:27-31 BDY).
Tuy nhiên, có hai phân đoạn Thánh Kinh-một trong Cựu Ước và một trong Tân Ước-nói đến sự liên lạc với người chết. Phân đoạn quen thuộc trong ISa1Sm 28:1-25, ghi chép về việc Sau-lơ liên lạc với Sa-mu-ên. Ba sách Phúc Âm Ma-thi-ơ, Mác và Lu-ca cũng tường thuật việc Chúa Giê-xu chuyện trò với Môi-se và Ê-li (Mat Mt 17:1-13; Mac Mc 9:2-8; LuLc 9:28-36). Đây không phải là những ngụ ngôn, nhưng là các bài tường thuật về cuộc nói chuyện của Chúa Giê-xu với các nhân vật nổi tiếng thời Cựu Ước. Ta có thể giải thích đây là những trường hợp ngoại lệ, dù vậy ta vẫn không thể phủ nhận tính chất lịch sử của chúng. Tuy thế, ta cũng không thể dùng chúng để minh chứng cho việc liên lạc với người chết. Thánh Kinh nghiêm cấm về việc này và cho đó là hành động gớm ghiếc.
“Ở giữa ngươi chớ nên có ai đem con trai hay con gái mình ngang qua lửa, chớ nên có thầy bói, hoặc kẻ hay xem sao mà bói, thầy phù thủy, thầy pháp, kẻ hay dùng ếm chú, người đi hỏi đồng cốt, kẻ thuật số hay là kẻ đi cầu vong; vì Đức Giê-hô-va lấy làm gớm ghiếc kẻ làm các việc ấy và vì các sự gớm ghiếc ấy nên Giê-hô-va và Đức Chúa Trời ngươi đuổi các dân tộc đó khỏi trước mặt ngươi ” (PhuDnl 18:10-12).
“Nếu có ai bảo các ngươi: Hãy cầu hỏi đồng bóng và thầy bói, là kẻ nói ríu rít líu lo, thì hãy đáp rằng: Một dân tộc há chẳng nên cầu hỏi Đức Chúa Trời mình sao? Há lại vì người sống mà hỏi kẻ chết sao? ” (EsIs 8:19).
Trong cuộc sống hằng ngày, người Việt có thể kể lại nhiều trường hợp họ đã gặp gỡ hoặc nói chuyện với tổ tiên đã quá cố. Vì thế, câu hỏi được đặt ra: Những người đã khuất này là ai? Theo truyền thống, người ta tin rằng đây là những ác thần mạo nhận danh nghĩa người đã quá cố để lường gạt người sống. Moreau đã nói:
Cho những ai muốn “nói chuyện” với những người thân hoặc bà con đã khuất, thì không có gì đảm bảo rằng các linh hồn đó sẽ hiện ra. Duy có điều ta biết chắc là những hành động đó sẽ tạo cơ hội cho sự lừa gạt của Sa-tan hơn là sự mặc khải thuộc linh thực sự.
Đức Chúa Trời nghiêm cấm người sống liên lạc với kẻ đã quá cố, cho dù trong thực tế họ không làm được điều đó.
Trong lúc nhiều người tìm đến những người đã khuất để nhờ sự phù hộ, thì Cơ Đốc nhân nhất quyết không làm điều ấy. Thay vào đó, ta tìm đến Đấng đã từ cõi chết sống lại và hiện nay đang ngồi bên hữu Đức Chúa Cha cầu thay cho chúng ta. Ngài cũng là vị quan án trong ngày phán xét, là ngày mà hết thảy mọi người, gồm cả ông bà, cha mẹ ứng hầu trước mặt Chúa.
Ngoài việc giải thích cho thân hữu về vấn đề thờ cúng tổ tiên, chứng đạo viên cũng phải có chương trình dạy đạo cho tân tín hữu. Ta nên nhớ rằng cho dù người Việt đã tiếp nhận Phúc Âm và được cứu, họ vẫn còn bị ảnh hưởng bởi truyền thống thờ kính tổ tiên. Vì thế:
Thứ nhất, chứng đạo viên nên dạy cho tân tín hữu về Đức Chúa Trời. Có một Đức Chúa Trời thật. “Đức Chúa Trời chẳng phải trời, chẳng phải đất, chẳng phải lý, chẳng phải khí, chẳng phải tánh, chẳng phải người, chẳng phải vật, chẳng phải quỉ thần, bèn là Đấng chủ tể dựng nên trời đất, muôn vật và loài người. Ngài làm Chúa của muôn dân, vua của muôn vua, không đầu tiên, không cuối cùng, trọn tài, trọn trí, trọn lành, chí tôn, không ái sánh kịp” Ngài yêu thương, che chở con cái Ngài bằng quyền năng siêu nhiên. Con người không phải sợ hãi vì Đức Chúa Trời đang cầm quyền tể trị. Ta dạy họ cách thờ phượng Chúa. “Thờ lạy Đức Chúa Trời không cần phải xây đền đài, trổ tượng, vì Ngài ở khắp mọi nơi; không cần phải dùng hi sinh, lễ vật và hương đèn, vì Ngài rất giàu có... Ngài chỉ thích người ta lấy tâm thần mà thờ lạy Chúa, bất luận chỗ nào, lúc nào cũng được cả... Đến Chúa Nhật đi vào nhà thờ, nhóm họp với anh chị em tín hữu, trước thờ phượng Chúa, sau nghe Mục sư giảng dạy, tỉnh thức, yên ủi, lại hát ngợi khen và cầu nguyện.” Ta cũng dạy họ là có sự khác biệt rõ rệt giữa Đức Chúa Trời và loài người. Đức Chúa Trời là Đấng Sáng tạo, còn loài người là tạo vật Ngài. Con người không bao giờ trở thành thần linh, và cũng không được phép thờ phượng Đức Chúa Trời qua các hình tượng như A-rôn và dân Do Thái đã làm:
“A-rôn đáp rằng: Hãy lột những vòng vàng đeo nơi tai vợ, con trai và con gái các ngươi, rồi đem lại cho ta. Hết thảy đều lột vòng vàng nơi tai mình mà đem lại cho A-rôn; người nhận lấy nơi tay họ, và dùng đục làm thành một con bò đúc. Dân chúng nói rằng: Hỡi Y-sơ-ra-ên! Nầy là các thần của ngươi đã đem ngươi ra khỏi xứ Ê-díp-tô ” (XuXh 32:2-5).
Cơn giận của Đức Chúa Trời cháy phừng chống nghịch người thờ hình tượng:
“Sa-ma-ri hỡi, thần tượng bò con vàng của ngươi bị Ta dứt bỏ. Cơn phẫn nộ Ta cháy phừng chống nghịch các ngươi. Cho đến bao giờ các ngươi mới được tinh luyện trong Y-sơ-ra-ên ” (OsHs 8:5 BDY).
Thứ hai, chứng đạo viên nên dạy cho tân tín hữu về sự chết, người chết, và sự sống đời đời. Ta phải biết quan điểm của cả người Việt lẫn người Cơ Đốc về ý niệm của sự chết để hướng dẫn tân tín hữu. Đặc tính và ý nghĩa của sự chết là gì? Sự chết là kẻ thù, là kết quả của tội lỗi; song đối với người Cơ Đốc, ý nghĩa đó đã thay đổi-người Cơ Đốc không còn sợ nọc độc của sự chết, Cơ Đốc nhân cũng trải qua sự chết, vì vốn mang huyết khí của A-đam; tuy nhiên có sự khác biệt giữa người tin Chúa và không tin Chúa khi bước qua cánh cửa của sự chết.
Người tin Chúa: theo Thánh Kinh, người tin Chúa không bị sự đoán xét trong đời này và đời sau (GiGa 5:24), khi chết người sẽ được bước vào cõi sống đời đời, và thân thể sẽ sống lại trong ngày Chúa tái lâm. Vì thế sự chết đối với Cơ Đốc nhân chỉ là giấc ngủ, là phương tiện để bước vào sự sống vĩnh viễn (ITe1Tx 4:13-18).
Người không tin Chúa: ngày từ trong cõi đời này người đã bị đoán xét rồi, và sẽ chịu Chúa phán xét sau khi qua đời để vào sự chết đời đời (GiGa 3:18; KhKh 21:8).
Thứ ba, chứng đạo viên nên dạy cho tân tín hữu về sự sống lại của kẻ chết. Theo sự bày tỏ của Thánh, có hai sự sống lại.
Sự sống lại của kẻ tin: kẻ tin, hay người công chính sẽ được sống lại để vào sự sống bất diệt. Đây là sự sống vô cùng vinh hiển, so với thân thể trước khi sống lại. Phao-lô diễn tả:
“Chết là thân thể hư nát, nhưng sống lại là thân thể không hư nát. Chết lúc bệnh tật già nua, nhưng sống lại đầy vinh quang rực rỡ. Khi chết rất yếu ớt, nhưng sống lại thật mạnh mẽ. Chết là thân thể xương thịt, nhưng sống lại là thân thể thần linh. Vì đã có thân thể xương thịt, tất nhiên cũng có thân thể thần linh. Thánh Kinh chép: Người thứ nhất là A-đam có sự sống. Còn Chúa Cứu Thế là thần linh ban sự sống. Chúng ta có thân thể bằng xương thịt trước, sau đó Thượng Đế ban cho chúng ta thân thể thần linh, A-đam ra từ cát bụi và thuộc về đất, còn Chúa Cứu Thế đến từ trời. Mọi người trần gian đều có thân thể bằng cát bụi như A-đam, nhưng người thuộc về Chúa Cứu Thế sẽ có thân thể thần linh giống như Ngài ” (ICo1Cr 15:42-49 BDY).
Sự sống lại của kẻ chẳng tin: Kẻ chẳng tin, hay kẻ ác sẽ sống lại để chịu xét đoán trước tòa án chung thẩm và đi vào sự chết đời đời, còn gọi là sự chết thứ hai. Sứ-đồ Giăng được Chúa cho biết trước về việc xét xử đó:
“Tôi thấy những người đã chết, cả lớn và nhỏ đều đứng trước ngai. Các cuốn sách đều mở ra, kể cả Sách sự Sống. Người chết được xét xử tùy theo công việc thiện ác họ làm mà các sách đó đã ghi. Biển trao trả các thi hài nằm trong biển. Tử vong và Âm phủ cũng trao nộp người chết chúng giam cầm. Mỗi người bị xét xử tùy theo công việc mình đã làm. Tử vong và Âm phủ bị quăng xuống hồ lửa. Vào hồ lửa là lần chết thứ hai. Người nào không có tên trong Sách sự Sống phải bị quăng xuống hồ lửa ” (KhKh 20:12-15 BDY).
Tiên tri Đa-niên bày tỏ sự khác biệt giữa sự sống lại của người công chính và kẻ ác như sau:
“Nhiều kẻ ngủ trong bụi đất sẽ thức dậy, kẻ thì được sống đời đời, kẻ thì chịu tủi hổ, miệt thị đời đời. Những người khôn sáng- tức là những người biết Chúa sẽ chiếu sáng như bầu trời giữa trưa và những ai dìu dắt những người về cùng Chúa sẽ rực rỡ như các ngôi sao cho đến đời đời mãi mãi ” (DaDn 12:2-3 BDY).
Chương 2- NHO GIÁO
1.-Nguồn gốc
2.-Ý niệm về cõi đời đời
3.-Ý niệm về con người
4.-Ý niệm về sự cứu rỗi
5.-Ý niệm về đạo hiếu
“Nho giáo” (còn gọi là Khổng giáo) là một trong tam giáo đã được dân Việt sùng tín từ thời Bắc thuộc, nghĩa là gần hai ngàn năm nay, đã du nhập vào Việt Nam cùng với sự đô hộ của người Trung Hoa và cũng đã có những thời kỳ toàn thịnh”.
1. NGUỒN GỐC
Nho giáo được lưu truyền đã lâu. Bắt đầu vua Phục-Hy chế ra bát quái gồm tám quẻ Càn, Khảm, Cấn, Chấn, Tôn, Ly, Khôn và Đoài: vua Hạ-Vũ dựng ra cửu trùng tức là chín phép trị dân, đã là gốc triết học của Nho giáo. “Điền, mô, huấn, cáo là những lời khuyên răn của Đại-Vũ, Cao-Dao, Y-Doãn, Phó-Duyệt, đã là gốc luân lý học của nho giáo. Nghiêu, Thuấn đặt ra điển hình, Châu-công chế ra lễ nhạc, đã là gốc chính trị học của nho giáo” Đến đời Xuân Thu Khổng-Tử góp nhặt các lời lẽ, văn chương, tư tưởng của tiền nhân để thuật lại cách mạch lạc, hệ thống. Từ đó Nho giáo ra đời.
Khổng-Tử-cũng gọi tôn kính là Khổng-Phu-Tử, là Vạn-thế Sư-biểu-người làng Xương Bình, nước Lỗ, nay thuộc Sơn Đông, bắc Trung Hoa. Tên huý của Khổng-Tử là Khâu, và tự là Trọng-Ni. Thân mẫu là Nhan-thị; thân phụ là Khổng-Thúc-Lương làm quan nước Lỗ. Lúc nhỏ Khổng-Tử thích chơi những đồ dùng trong nghi lễ cúng tế như đèn, nến... Năm 19 tuổi, lập gia đình và được bổ dụng làm Ủy-lại, chuyên coi việc lúa thóc của chính phủ. Sau đó lãnh chức Tư-chức-lại, chuyên coi việc nuôi bò, dê để dùng cho việc cúng tế.
Năm 22 tuổi, Khổng tử nổi tiếng là người tài giỏi. Năm 51 tuổi, vua nước Lỗ nghe tiếng Khổng-tử nên bổ nhiệm người làm quan Trung-đô-tử (tương đương Thị-trưởng ngày nay). Theo truyền thuyết, ông cầm quyền thì cả kinh thành đua nhau lương thiện: của rơi ngoài đường không mất mà được trả lại cho chủ. Kế sau người được thăng lên chức Đại-tư-khấu (Bộ-trưởng Tư-pháp). Năm 56 tuổi, được vua nước Lỗ thăng lên chức Nhiếp-tướng-sự (Thủ-tướng), nhưng chỉ ít lâu sau, Khổng-tử thấy nhà vua đam mê sắc dục, trễ nải việc triều chính, ông can ngăn không được liền bỏ ra đi chu du các nước. Khổng-Tử tới Vệ, sang Tần, qua Tống rồi đến Sở trong vòng 14 năm không được trọng dụng. Sau đó, Khổng-Tử trở về quê dạy học, viết sách cho đến ngày từ trần, thọ 73 tuổi.
Tất cả căn bản của Nho giáo có thể tra cứu trong Tứ-thư và Ngũ-kinh. Tứ Thư gồm bốn cuốn sách: (1) Đại-Học: là sách dạy về đạo đức của người quân tử; (2) Trung-Dung: là những lời của Khổng-Tử do học trò truyền lại, rồi sau cháu người là Tử-Tư chép thành sách, gồm 33 chương; (3) Luận-Ngữ: là sách chép các lời Khổng-Tử khuyên dạy học trò, hoặc những câu chuyện Khổng-Tử nói với người đương thời về nhiều vấn đề như: luân lý, triết lý, chính trị, học thuật; (4) Mạnh-Tử: là sách do Mạnh-Tử viết ra gồm 7 thiên, bàn về các vấn đề luân lý, chính trị và kinh tế.
Ngũ-Kinh gồm năm cuốn sách(1) Kinh Thi: vốn là những bài ca dao ở thôn quê và nhạc chương ở nơi triều miếu của Trung Hoa về đời thượng cổ: (2) Kinh Thư: do Khổng-Tử sưu tập, trong đó chép về phép tắc, mưu bàn, kế sách, lời dạy dỗ, lời truyền bảo, lời răn tướng sĩ, và mệnh lệnh của các vua tôi Trung Hoa từ đời Nghiêu, Thuấn đến đời Đông Chu (2357-771 TC); (3) Kinh Dịch: là sách giải thích về lẽ biến hóa của trời đất và muôn vật; (4) Lễ-ký: là sách chép các lễ nghi trong gia tộc, hương đảng và triều đình; (5) Xuân-Thu: nguyên là sử ký nước Lỗ, do Khổng-Tử làm lại, chép các công việc từ năm đầu đời Lỗ Ân Công đến năm 15 đời Lỗ Ai Công (772-481 TC).
Tứ-thư và Ngũ-Kinh vừa là Thánh Kinh của các môn đồ đạo Nho vừa là những tác phẩm triết học tối cổ của Trung Hoa. Và triết học Nho là nền tảng triết học chính yếu ở Đông phương.
2. Ý NIỆM VỀ CÕI ĐỜI ĐỜI
Khổng-Tử nhắm mục đích tái lập kỷ cương, thuần hóa phong tục, xây dựng lại con người, nên xem nhẹ “Hình Nhi Thượng” là phần chuyên chú về cõi siêu nhiên, mà chú trọng vào “Hình Nhi Hạ” là phần đi vào nhân sinh xã hội. Ông là người theo thuyết bất khả tri (thuyết chủ trương con người không thể hiểu nổi những cái tuyệt đối như có Thượng Đế không, có linh hồn bất tử không, ai sinh ra loài người...) vì Khổng-Tử đề cập rất ít về thần linh và cõi đời sau.
Trong Cổ-học Tinh-Hoa có kể lại: Ngày kia thầy Tử-Cống hỏi đức Khổng-Tử:
Người chết còn có biết gì nữa hay không?
Đức Khổng-Tử đáp:
“Nếu ta nói quả quyết người chết rồi còn có thể biết được, thì ta sợ những con cháu hiếu thảo liều thân để chết theo cha mẹ, ông bà. Còn nếu ta nói quả quyết người chết rồi không thể biết được, thì ta lại e những con cháu bất hiếu bỏ xác cha mẹ, ông bà mà không chôn. Ngươi muốn hiểu người chết có biết hay không biết, thì hãy thong thả đợi đến lúc chết rồi sẽ biết ”.
Theo sự giải thích của Nguyễn-văn-Ngọc và Trần-Lê-Nhân, thì câu kết luận của Khổng-Tử: “Ngươi muốn hiểu người chết có biết hay không biết, thì hãy thong thả đợi đến lúc chết rồi sẽ biết”, chính là một câu từ chối trả lời khéo của Khổng-Tử. Bởi lẽ học thuyết của Khổng-Tử chỉ hướng về sự tai nghe mắt thấy, hằng ngày thường làm chớ không bao giờ dạy đến cõi đời sau. Cho nên, lần kia để trả lời cho một câu hỏi tương tự, Khổng-Tử đã nói: “Cái sống còn chưa biết, làm sao biết được cái chết”
Nhiều thế kỷ sau khi Khổng-Tử qua đời, các môn đệ ông mới bàn đến cõi đời sau. Khi dạy về cõi đời đời, Nho giáo có đề cập đến Trời (Heaven) hoặc Thượng Đế (Shang Ti). Trời là “Đấng Tối Cao chỉ huy mọi vật trong vũ trụ” Trời có thể hiểu rõ người và có thể gây ra sự mất mát cho người qua việc cho phép thần chết cướp mất những người thân. Người có thể phạm tội với Trời. Vì vậy người quân tử cần tìm biết về “Thiên Đạo” (“Way of Heaven”) và thông hiểu “Thiên Mệnh” (“The Will of Heaven” hoặc “Heavenly Fate”). Chữ Thiên Mệnh trong Luận ngữ có ba ý nghĩa:
Nghĩa thứ nhất tỏ một thái độ thuần triết của những người tin rằng trong vũ trụ có một luật biến hóa nào đó có thể tìm hiểu được và nên rán tìm hiểu, để xử sự theo nó, đừng trái nó. Nghĩa thứ nhì và nghĩa thứ ba đều cho rằng trong đời có những điều không thể hiểu được, có khi vô lý nữa: chỉ khác là nghĩa thứ nhì trỏ một thái độ tích cực, làm hết sức mình rồi kết quả ra sao cũng mặc; còn nghĩa thứ ba trỏ một thái độ tiêu cực, hoàn toàn để cho hoàn cảnh chi phối, chẳng cần làm gì cả.
Ý niệm về Thiên Mệnh được dân Việt khắp nơi đón nhận, và đã đưa vào các tác phẩm văn chương như: Đoạn Trường Tân Thanh, Chinh Phụ Ngâm, Cung Oán Ngâm Khúc, Lục Vân Tiên v.v...
3. Ý NIỆM VỀ CON NGƯỜI
Nho giáo xây dựng học thuyết trên chữ nhân. Có thể nói nhân là xuất phát điểm của hệ thống tư tưởng Khổng học. Nhân, theo gốc chữ Hán gồm có chữ nhân là người và chữ nhị là hai. Vậy nhân là sự tương quan giữa người với người trong xã hội. Tương quan giữa vua tôi gọi là Quân Thần, giữa vợ chồng gọi là Phu Phụ, giữa cha con gọi là Phụ Tử. Ba tương quan đó là Tam Cương. Muốn tạo không khí thanh bình, tín cẩn, hòa ái trong cuộc sống hằng ngày, Nho giáo nêu cao năm đức tính trong Ngũ Thường. Với căn bản luân lý này con người phải gắng tu thân, tề gia, trị quốc và bình thiên hạ. Còn đàn bà thì phải biết Tam Tòng và Tứ Đức.
Nho giáo quan niệm rằng con người sinh ra với bản tính toàn thiện (nhân chi sơ, tính bản thiện). Con người phải sống theo bản tính toàn thiện ấy để tập lấy nhân đức. Sở dĩ con người không đi tới chỗ toàn thiện chỉ vì không chịu tập nhân đức. Các Thánh nhân, các nhà đạo đức chỉ hơn người ở chỗ biết giữ lấy bản năng toàn thiện của con người.
4. Ý NIỆM VỀ CỨU RỖI
Nho giáo chú trọng đến việc con người sống trong thế giới này, vì vậy sự cứu rỗi đặt trọng tâm trên các nguyên tắc đạo đức của Khổng-Tử cùng một số lễ nghi mà con người phải vâng giữ. Nho giáo cho rằng con người sinh ra với một bản thể toàn thiện nên có thể tự làm nên sự cứu rỗi cho mình. Về sau, Nho giáo dạy rằng tâm trí con người có thể được đổi mới qua sự học hỏi, giáo dục và sửa mình. Khó khăn nhất là bước đầu tiên phải tu sửa bản thân cho tâm lành, trí cao. Muốn vậy, đối với chính mình phải “giữ lòng cho ngay thẳng, ý cho thành khẩn” (“chánh tâm, thành ý”). Đối với tha nhân “không có thành kiến với bất cứ ai, chẳng nên quan niệm rằng việc đời sẽ diễn tiến đúng như mình dự liệu, gặp ý kiến bất đồng đừng khăng khăng tự cho là đúng, và trong khi tiếp xử với người, phải quên cá nhân mình đi” (“vô ý, vô tất, vô cố, vô ngã”). Sống trong bất cứ môi trường nào, người quân tử cũng phải “hòa nhã khiêm cung với tất cả mọi người, nhưng tuyệt nhiên không a dua theo ai” (“quân tử hòa nhi bất đồng, tiểu nhân đồng nhi bất hòa”).
Khổng-Tử cũng lấy Ngũ Thường gồm Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín giáo hóa con người:
1. Nhân: nhân hậu, độ lượng bác ái. Nhân là yêu thương tha nhân như bản thân mình. “Thương người như thể thương thân” (“ái nhân như kỷ”).
2. Nghĩa: là lòng biết ơn cảm tạ, báo đáp đền bù cho các ân nhân của mình. Nghĩa còn là thi ân cho các người cần đến mình.
3. Lễ: là lễ phép kính trên nhường dưới. “Tiên học lễ hậu học văn”. Lễ với cha mẹ, với người lớn tuổi, với cấp trên, với chủ nhà. Lễ ở mọi nơi, Lễ cả khi bị làm phiền “dĩ hòa vi quí”.
4. Trí: Những gì cần biết thì phải biết. Biết sống sao cho hợp Đạo Tam Tài (Thiên, Địa, Nhân). Biết coi nhẹ Danh Lợi Thú.
5. Tín: tin tưởng cậy nhờ được, đã nói thì làm, đã hứa thì giữ, đã nhận công tác thì chu toàn, không lật lọng tráo trở.
Do việc giữ các nguyên tắc trên, Nho giáo tìm kiếm một xã hội nhân loại toàn hảo và một bản thể con người trọn lành. Các nguyên tắc sống trên có thể tóm lại trong câu này: Hễ điều gì mình không muốn kẻ khác làm cho mình, thì cũng đừng làm điều đó cho kẻ khác.
Cho dù học thuyết Nho giáo rất tốt song nó cũng là một sự ngăn trở lớn cho việc truyền bá Phúc Âm. Các nhà nho học và những người trí thức cho rằng đạo của Khổng-Tử là trọn lành và họ lấy đó làm tiêu chuẩn đạo đức cho mình. Họ khước từ Phúc Âm vì cho rằng đạo học của Khổng-Tử đã quá đủ và không cần thiết phải nghĩ đến đạo mới hay giáo lý mới.
Dĩ nhiên ta biết họ lầm lẫn vì không ai có thể làm lành lánh dữ đủ để có thể tự cứu mình khỏi tội. Thánh Kinh quả quyết:
“Chẳng một người nào công chính, dù chỉ một người thôi… chẳng một ai làm lành, dù một người cũng không ” (Ro-ma 3:10, 12 BDY)
Và:
“Ấy là nhờ ân điển bởi đức tin mà anh em được cứu, điều đó không phải đến từ anh em, bèn là sự ban cho của Đức Chúa Trời. Ấy chẳng phải bởi việc làm đâu, hầu cho không ai khoe mình ” (Eph Ep 2:8-9).
Họ có thể sẽ chỉ ra vài Cơ Đốc nhân không có đời sống tốt đẹp để so sánh với những người chưa tin khác hoặc với chính họ. Lúc ấy ta nên mời gọi họ hãy nhìn xem Chúa Cứu Thế, tuy nhiên thường là rất khó khi có nhiều người Cơ Đốc không sống giống như Chúa.
5. Ý NIỆM VỀ ĐẠO HIẾU
Khổng-Tử dạy chỉ người con trai mới được thừa kế việc hương hỏa, vì thế dân Việt tin rằng không sinh được con trai là bất hiếu. Không có con trai thừa kế để thực hiện việc thờ cúng tổ tiên là một điều bất hạnh. Hoặc nếu có con trai, các bậc cha mẹ cũng không muốn con mình trở thành Cơ Đốc nhân, vì sợ con cái không cúng bái.
Để khắc phục ngăn trở này, người Cơ Đốc phải bày tỏ sự hiếu kính trong nếp sống hằng ngày hầu tránh sự hiểu lầm trên. Tiến sĩ Chow Lien-Hwa, giáo sư Chủng viện Thần học tại Đài Loan, trong một bài viết về “Sự Đáp Ứng của Cơ Đốc Nhân Đối Với Việc Hiếu Kính Trong Văn Học Cổ Điển Trung Quốc” đã nói rằng, ngoại trừ các nghi lễ cúng bái, thì không gì sai cho người Cơ Đốc khi thực hành truyền thống hiếu kính tổ tiên. Chow đề nghị nên gọi là “hiếu kính tổ tiên” thay cho “thờ kính tổ tiên” vì người Cơ Đốc không thể thờ phượng một người nào hoặc thần nào khác ngoài Thiên Chúa.
Ông gợi ý thêm rằng để được kết quả trong việc truyền bá Phúc Âm, người Cơ Đốc nên tránh phê bình hoặc chỉ trích truyền thống cũ, thay vào đó là giải thích cho người chưa tin hiểu về cách thức bày tỏ lòng hiếu thảo theo Thánh Kinh. Chow dựa vào hai tác phẩm cổ điển Trung Quốc: Lòng Thảo Hiếu Của Con Cái và Luận Ngữ (của Nho giáo), mà viết rằng:
“Đạo hiếu là trọng tâm của Nho giáo. Đạo hiếu thúc đẩy dân chúng kính trọng cha mẹ và đó cũng là nền tảng đạo đức của người Trung Hoa… Việc khẩn yếu của người Cơ Đốc ở Đông phương là chớ nên phê phán các truyền thống cũ, nhưng hãy để cho dân chúng thực hành việc tưởng nhớ tổ tiên, song tránh các hình thức thờ phượng và cúng bái. ”
Liang cũng đồng quan điểm trên khi nói rằng: “Chúng ta đã chỉ trích, chê bai quá nhiều đối với việc thờ cúng tổ tiê, cho nên người Cơ Đốc bị hiểu lầm là không hiếu kính ông bà, cha mẹ và điều đó đã ngăn trở người khác tiếp nhận Phúc Âm.” Liang kêu gọi các tín hữu nên có thái độ tích cực để cho cả người Cơ Đốc lẫn người chưa tin đều nhận thấy răng đức tin Cơ Đốc không phải là bỏ ông bỏ bà. Ông nhấn mạnh rằng ta nên chinh phục người hư mất bằng nếp sống đạo hơn là đoán xét, thay thế hơn là phá đỗ. Liang giải thích:
Hai yếu tố căn bản cần thiết để thực hiện việc này là: Dạy lời Chúa cho họ và khéo léo hướng dẫn họ thay đổi cách thức bày tỏ lòng hiếu kính. Dạy lời Chúa sẽ khiến cho mọi người có thể đến với Đức Chúa Trời, nhận được sự sống sung mãn nơi Ngài để có thể thực hiện việc thay đổi. Tiếp đến ta sẽ chứng minh lòng hiếu kính qua lối sống đạo... thảo hiếu với cha mẹ lúc còn sống bằng cách phụng dưỡng chu đáo, và tổ chức lễ an táng trọng thể cho cha mẹ khi qua đời... thường là do vị Mục Sư cử hành lễ. Ta có thể đặt trước quan tài những vòng hoa và bức hình rọi lớn của người đã quá cố. Sau đây là các thể thức tưởng nhớ cha mẹ, ông bà đã khuất. (1) Treo lên tường ở giữa nhà những câu Thánh Kinh hoặc Mười Điều Luật hay bức hình Chúa Giê-xu để thay cho bàn thờ tổ tiên và các thần khác. (2) Treo bức ảnh người đã quá cố ở một nơi dễ nhìn thấy. (3) Hằng năm tổ chức tại nhà lễ kỷ niệm ngày ông bà, cha mẹ qua đời và mời vị Mục sư làm chủ tọa buỗi lễ. (4) Đi thăm và dọn sạch cỏ ở ngôi mộ vào ngày Thanh Minh nhưng không cúng bái và đốt giấy vàng bạc. (5) Giữ tình thông công với bà con chưa tin Chúa và bày tỏ cho họ thấy ta không bao giờ quên ông bà, cha mẹ đã khuất... Ngoài ra, người Cơ Đốc còn có thể dành riêng một quyển Thánh Kinh đặc biệt, gọi là Quyển Thánh Kinh của Gia Tộc, và ghi tên của ông bà, cha mẹ vào các trang đầu bỏ trống. Hoặc hằng năm nên tổ chức một ngày gọi là Ngày của Tổ Tiên tại nhà thờ hay nghĩa trang.
Chương III- LÃO GIÁO
1.-Nguồn gốc
2.-Ý niệm về “Đạo” trong Lão giáo
3.-Ý niệm về sự cứu rỗi
Lão giáo cũng là một trong tam giáo đã du nhập vào Việt Nam từ thời Bắc thuộc và được nhiều người tin tưởng. Lão giáo bành trướng mạnh vào các đời vua Đinh Tiên Hoàng, Lý Anh Tôn. Đến đời nhà Lê trở về sau, vẫn còn nhiều người tin theo đạo Lão dù chẳng thịnh đạt như Nho giáo và Phật giáo. Không kể đến phương diện tín ngưỡng, Lão giáo ảnh hưởng hầu hết vào thi ca Việt Nam. Trong tập thơ của Nguyễn Bỉnh Khiêm và trong tập hát nói của Nguyễn Công Trứ, những bài vịnh cảnh nhàn đều chịu ảnh hưởng của đạo Lão. Ngày nay Lão giáo tại Việt Nam đã biến thể thành lối thuật số, đạo phù thủy, với đủ thứ dị đoan và mê tín.
1. NGUỒN GỐC
Lão-Tử là người sáng lập ra Lão giáo. Lão-Tử chỉ là một tiếng để tả ông, chứ không phải là tên, và có nghĩa là “ông thầy già”. Khác với hai vị giáo chủ của Nho giáo và Phật giáo, lai lịch Lão-Tử thiếu hẳn sử liệu chính xác. Các học giả Trung Hoa, Nhật Bản và cả Âu-Mỹ từ trước đến nay khi nói đến thân thế và sách vở của Lão-Tử, cũng chỉ bàn theo giả thuyết chớ không ai biết đích xác lai lịch của Lão-Tử.
Theo truyền thuyết được đa số học giả Trung Hoa chấp nhận (trong số đó có Tư-Mã-Thiên, một sử gia đầu tiên của Trung Quốc vào thế kỷ I trước Công Nguyên về đời nhà Hán), thì Lão-Tử họ là Lý, tên là Nhĩ, tự là Bá Dương, thụy là Đam. Ông gốc người nước Sở, huyện Khổ, làng Lệ, thôn Khúc Nhẫn, thuộc tỉnh Hồ Nam ngày nay. Lão-Tử ra đời trước Khổng-Tử chừng 20 năm, sống từ năm 510-490 trước Công nguyên, đồng thời với Heraclitus (540-480 TC) và Pythagoras (580-500 TC) của Hy-lạp.
Lão-Tử nổi tiếng về đạo cao đức trọng nên được nhà Châu mời giữ chức Thủ-Tàng-Thất, chuyên lo giữ công văn. Làm quan nhiều năm, ông chán ngán về tư cách đê tiện của các chính khách, quyết tâm rời Trung Quốc, đi tìm một nơi hẻo lánh, xa xôi để ẩn dật. Khi ông tới cửa ải Hàm cốc, Doãn Hỉ, viên quan giữ ải, ra đón chào và nói: “Ông sắp đi ẩn, vậy xin ông vì tôi mà để lại một sách. Lão-Tử cảm lời, viết một cuốn trên năm ngàn chữ, gồm hai phàn về Đạo và Đức gọi là Đạo Đức Kinh. Đây là một cuốn sách thuộc về Tâm-linh Đạo-học, hướng đạo cho những người theo con đường Huyền-học và siêu thoát. Viết xong, ông bỏ đi về phía Tây (Cam Túc) rồi biệt tích luôn.
2. Ý NIỆM VỀ “ĐẠO” TRONG LÃO GIÁO
Lão-Tử cho rằng vũ trụ bắt nguồn từ Đạo mà ra. Đạo là nguyên lý tuyệt đối của vũ trụ đã có từ trước khi khai thiên lập địa, không sinh, không diệt, không tăng, không giảm. Đạo sinh Một, Một sinh Hai, Hai sinh Ba, Ba sinh ra vạn vật (Đạo sinh Nhất, Nhất sinh Nhị, Nhị sinh Tam, Tam sinh Vạn vật).
Đạo là một nguyên lý rất huyền diệu do đấy mà sinh ra trời đất và vạn vật. Đạo vốn là đơn nhất sinh ra âm dương; âm dương sinh ra trời, đất và khí; trời, đất và khí sinh ra muôn vật, muôn vật sinh ra khắp cả thế gian, rồi lại quay trở về Đạo. Trở về Đạo, rồi lại hóa ra vạn vật, cứ đi đi về về mãi thế, tức là cái cuộc biến cải sống chết ở đời, mà là cái cuộc tuần hoàn theo lẽ tự nhiên.
Đạo là một nguyên lý hoàn toàn siêu hình và bất khả tư nghị. Người ta không thể định danh nó, không thể phân chia nó, nghĩa là không thể dùng lý trí mà hiểu, muốn hiểu ta phải dùng tâm mà thôi. Lão-tử quan niệm rằng khi ta định cho Sự-Vật một cái tên là ta tự làm cho ta xa lìa với cái “chân diện mục” của chúng: “Đạo mà nói ra được, không còn phải là Đạo thường nữa; Danh mà gọi tên ra được, không còn phải là Danh thường nữa” (“Đạo khả đạo phi thường đạo, Danh khả danh phi thường danh”).
Về sau các triết gia Hy-lạp cũng đã phát huy quan niệm về Đạo. Zeno (335-263 TC) đã dung hòa chủ trương của Socrates gọi Đạo là nguyên lý của con người trong khi Heralitus chủ trương Đạo là trật tự của vũ trụ. Plato (427-347 TC) và Aristotle (384-322 TC) quan niệm Đạo là một kiến thức tuyệt đối.
Thánh Kinh cũng viết về Đạo: “Ban đầu có Đạo, Đạo ở cùng Đức Chúa Trời, và Đạo là Đức Chúa Trời” (GiGa 1:1 Bản Nhận Chánh). Nhưng Đạo của Thánh Kinh khác với Đạo của Đông phương và của triết học Hy-lạp. Đạo của Thánh Kinh không phải là nguyên lý tuyệt đối của vũ trụ, hoặc nguyên lý của con người, hoặc trật tự của vũ trụ, hoặc kiến thức tuyệt đối. Đạo ấy là Thượng Đế Ngôi Hai sáng tạo vạn vật và vũ trụ: “Muôn vật bởi Ngài làm nên, chẳng vật chi đã làm nên mà không bởi Ngài” (1:3). Đạo đã xuống đời, mang hình hài thể xác con người để hy sinh mạng sống cứu chuộc nhân loại: “Đạo đã trở nên xác thịt, đóng trại giữa chúng ta...” (1:14 Bản Nhuận Chánh). Con người chỉ có thể biết Thượng Đế và được cứu rỗi là nhờ Đạo, tức là Chúa Cứu Thế Giê-xu.
3. Ý NIỆM VỀ SỰ CỨU RỖI
Lão Giáo dựa vào khả năng con người để thực hiện sự cứu rỗi. Có ba giai đoạn con người phải trải qua: (1) phải tập đời sống giản dị, tự nhiên, ít tư riêng và ít tham dục (“Kiến tố, bão phác” và “thiểu tư, quả dục”). Đây mới chỉ là bước đầu để dứt bỏ cái “ta” nhân tạo nhiều giả dối để trở về cái “ta” đồng nhất với đạo, nghĩa là cố gắng đạt đến chỗ “thanh tỉnh” và “vô vi” (2) giai đoạn “Ngộ đạo”, (3) cuối cùng đạt tới trạng thái “huyền động”, nghĩa là đến lúc mọi vật đều hòa đồng với nhau thành một, không còn thấy riêng tư, phân biệt nữa. Khi đã đạt tới chỗ Huyền Động là lúc tâm hồn được yên tĩnh và khoan khoái vô cực. Đó là sự nhẹ nhàng lâng lâng khác thưòng, chỉ có thể diễn tả bằng hai chữ “thoát tục”.
Sau này người ta cho rằng theo Lão giáo tức là đi tu tiên để học luyện những “quyền phép lạ lùng thần tiên” hầu được trường sanh bất tử, bay bổng lên tiên.
Chương IV- PHẬT GIÁO
1.-Nguồn gốc
2.-Ý niệm về Thượng Đế
3.-Ý niệm về con người
4.-Ý niệm về sự cứu rỗi
Phật giáo khởi thủy ở Ấn Độ, truyền đi khắp xứ lân cận do hai đường bộ và thủy. Về đường bộ thì qua miền Trung-Á như Mông Cổ, Tây Tạng và Trung Hoa; rồi từ Trung Hoa qua Cao Ly và Nhật Bản. Về đường thủy thì qua Tích Lan truyền sang Nam Dương. Nước Việt ở giữa hai con đường ấy, và do sự ghé lại của những thương gia Ấn Độ, đã mang hạt giống bồ đề trồng trên đất Giao Chỉ ngay từ đầu kỷ nguyên Tây lịch. Nhưng đó chỉ là việc khởi đầu. Đến cuối thế kỷ thứ II (189) và đầu thế kỷ III, Phật giáo mới thực sự du nhập Việt Nam do ba đạo sĩ Thiên Trúc và một vị sư Trung Hoa truyền sang.
Phật Giáo rất thịnh đạt và được coi như quốc giáo ở triều đại nhà Lý và nhà Trần. Triều đình đặt chức quốc sư, mở khoa thi Tam giáo (Nho, Phật, Lão). Nhiều vị vua đã đi tu sau khi thoái vị và chùa chiền dựng nên trong nước rất nhiều. Từ đời Hậu Lê trở về sau, Phật giáo bị phái Nho công kích, và triều đình cũng không quan tâm tới, do đó đạo Phật mỗi ngày một suy, lâu dần thành một tôn giáo của dân chúng, không có tổ chức, hệ thống gì nữa, các tăng ni phần nhiều là ít học bày ra các mối dị đoan, các lễ nghi phiền phức, còn giáo lý cao siêu của nhà Phật ít người hiểu đến.
Mãi đến năm 1931, hội Nam Kỳ nghiên Cứu Phật Học mới được thành lập tại Sàigòn. Đây là một hội Phật học đầu tiên xuất hiện với mục đích phục hưng Phật giáo. Kế đó, năm 1932 hội An Nam Phật Học ra đời ở Trung Việt, và năm 1934, hội Phật giáo Bắc Kỳ được thành lập ở Bắc Việt. Năm 1938, Phật Học Đường đầu tiên mở cửa để đào tạo tăng ni.
Năm 1955, Phật giáo toàn quốc thành lập hội Phật giáo Thống Nhất. Đây là một bước tiến quan trọng của Phật giáo Việt Nam, vì đạo Phật tuy du nhập vào Việt Nam hai mươi thế kỷ, nhưng chỉ chính thức được thống nhất vào năm ấy.
Từ năm 1920-1960 là thời kỳ Phật giáo hưng thịnh, và các tổ chức bắt đầu có quy củ, lại có thêm nhiều tổ chức Phật tử: Thanh niên, sinh viên, học sinh...
Năm 1960-1963, Phật giáo bị đàn áp, nhiều Phật tử đã tranh đấu và đã hy sinh. Sau đó, các hội và các phái Phật giáo đã đoàn kết thành hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất. Sau năm 1975, Phật giáo cũng bị bắt bớ như nhiều tôn giáo khác tại Việt Nam. Hiện nay, Phật giáo là tôn giáo lớn nhất Á Đông.
1. NGUỒN GỐC
Người sáng lập ra Phật Giáo là Siddhartha (Tất Đạt Đa), họ Gautama (Cổ-Đàm), thuộc dòng Thích Ca - Kinh sách nhà Phật hay gọi người bằng những tên khác nhau như: Tathagata (Như-Lai), Bhagavat (Thế-Tôn), và nhất là Buddha (Phật). Người sinh năm 563 trước Công Nguyên, tại xứ Nepal. Lớn lên trong cảnh trưởng giả, Thích Ca thấy đời là bể khổ, và con người là sinh lão bệnh tử, nên đến 29 tuổi (có sách nói 19 tuổi), người quyết định đi tu. Suốt 6 năm tu khổ hạnh trong rừng không kết quả gì, người đến gốc cây bồ đề tịnh tọa, rồi tự thệ nguyện: “Nếu ta ngồi đây mà không tìm ra đạo lý nhiệm mầu, không tìm ra lẽ huyền bí của vũ trụ vạn pháp thì dù thịt nát, xương tan, ta cũng quyết không rời bỏ chỗ này.
Sau 49 ngày ngồi suy tư thì Thích Ca giác ngộ và thành Phật. Năm ấy người 35 tuổi. Từ đó Thích Ca đi khắp nơi giảng thuyết về phép diệt khổ. Sau 45 năm thuyết giáo, người được 80 tuổi và biết sắp từ trần, nên hội họp các môn đệ tại rừng Sa La để giảng giải lần chót. Các lời giáo huấn cuối cùng đó được gọi là Kinh Đại Bát Niết Bàn. Nói xong Kinh ấy một ngày một đêm thì viên tịch. Thi thể người được hoả táng với tất cả danh dự dành cho hàng đế vương và các hoàng thân, các kỳ hào chia nhau hài cốt của người để đặt vào trong các linh miếu.
Phật giáo có rất nhiều kinh sách, nhưng chỉ có 5 bộ kinh là do đức Phật dạy dỗ: Kinh Hoa Nghiêm, Kinh Chuyển Pháp Luận, Vô Ngã Tướng, Kinh “Tất Cả Bị Thiêu Hủy” và Kinh Đại Bát Niết Bàn. Tuy nhiên toàn bộ kinh sách Phật giáo được đúc kết thành ba bộ kinh gọi là Tam Tạng Kinh. (1) Kinh Tạng: gồm những điều chính yếu do đức Phật thuyết về “Giáo, Lý, Hành, Quả” để hướng dẫn người học đạo (“Giáo: những lời dạy của đức Phật là Như Phật (chân lý); Lý: lý giải chân lý; Hành: thực hành phương pháp thực hiện chân lý; Quả:thể hiện chân lý”). (2) Luật Tạng: là kinh bao gồm các luật: đừng làm các việc ác, gắng làm những việc lành. Thánh sạch trong ý nghĩa, lời nói và hành động (3) Luận Tạng: là những bài thuyết giáo do các Bồ Tát, Tỳ Kheo trứ thuật và ghi chú những giáo lý mầu nhiệm trong hai bộ trên.
Giáo lý Phật giáo rất nhiêu khê, song tựu trung có ba điều căn bản
Tứ Thánh Đế
Tứ Thánh Đế là “bốn cái chân lý huyền diệu mà ta có thể gọi là tất cả tinh hoa của Phật Giáo nguyên thủy. Đây là con đường đưa loài người đến chỗ diệt khổ. Tứ Thánh Đế gồm:
Khổ Đế: là nói về cái khổ của con người. Sinh là khổ, bệnh là khổ, lão là khổ, rầu rĩ, than khóc, táng tâm chí, thất vọng là khổ.
Tập Đế: là lấy Thập Nhị Nhân Duyên mà tìm ra cái căn do bởi đâu mà kết tập thành khổ.
Diệt Đế: là theo lần Nhị Thập Nhân Duyên mà dứt từ ngọn cho tới gốc rễ cái khổ. Người càng diệt nhiều càng đắc đạo cao.
Đạo Đế: là các con đường phải theo để được giải thoát. Những con đường đó gọi là Bát Chánh Đạo, tức là tám con đường diệt khổ.
Vũ Trụ Quan
Tứ Thánh Đế là tinh hoa của giáo lý nhà Phật, còn luận về vũ trụ thì vay mượn của Ấn Độ giáo. Vũ trụ này do nghiệp mà ra. Thế giới vô biên, chúng sinh vô hạn lượng nhưng tất cả đều do “nghiệp” biến hiện. Ngoài thuyết nghiệp còn có thuyết Sắc và Không. Sắc là những hình thể của sự vật mà ngũ quan cảm biết được. Không là trạng thái vô thể, vô sắc, vô âm nên chẳng thể dùng giác quan mà suy tưởng. Dưới nhãn quan Phật học, “vũ trụ vạn hữu không ngoài định đề Sắc, Không, nó tiếp nối nhau như luật nhân duyên, nhân quả và luôn luôn biến chuyển, nếu bất động thì vạn vật sẽ tự diệt.
Nghiệp Báo Luân Hồi
Trung tâm đạo Phật là thuyết về luân hồi, nghĩa là vạn vật đã vào vòng sinh tử để cứ sống đi chết lại mãi mãi, không bao giờ cùng, cũng như cái bánh xe đã quay thì càng quay càng nhanh, không bao giờ dừng... Theo thuyết ấy, đã có sinh ra tất phải chết đi, đã chết đi tất phải sinh lại, sinh tử, tử sinh, vô cùng, vô hạn, hết đời nọ đến kiếp kia, hết kiếp này đến đời khác, gọi là luân hồi. Song những đời đời kiếp kiếp ấy, tử tử sinh sinh ấy, là làm nhân quả lẫn cho nhau, không phải là vô bằng vô cứ. Các việc hiện xảy ra ở đời này là sự thưởng hay sự phạt những việc đã xảy ra trong kiếp trước, và là nguyên nhân mầm mống những việc sẽ xảy ra về kiếp sau. Đạo Phật gọi phép báo ứng ấy là nghiệp báo, Phạn tự gọi là Karma, Nghĩa chữ nghiệp báo là vừa chỉ cái việc làm, vừa chỉ cái kết quả việc ấy về sau này.
Nói cho dễ hiểu, ta sống đời này đây, nhưng ta đã sống kiếp trước rồi. Do kiếp trước của ta mà ta có kiếp này. Bởi vì theo thuyết luân hồi thì người ta sống kiếp này, lại hóa ra kiếp khác. Mỗi một kiếp của ta là đã đeo theo cái nghiệp của ta đã gây ra khi ta sống ở kiếp trước. Cái nghiệp là một công lệ chung của tạo hóa. Vạn vật không có vật nào tránh khỏi dù là thần Thánh cũng vậy. Chỉ có khi nào thành Phật rồi là đã phá được “vô minh” thì cái nghiệp ấy không có mầm mà sinh nảy ra được, là tự nó phải chết. Còn các vật ở trong vô minh, thì vật nào cũng có nghiệp. Người làm điều lành, điều phải thì có cái nghiệp tốt để báo ứng cho điều lành, điều phải. Người làm điều ác, điều dở thì có cái nghiệp xấu để báo ứng cho điều ác, điều dở. Xấu hay tốt, dữ hay lành là tự mình làm ra, rồi tự mình được hưởng hay phải chịu lấy, chứ không có ai làm cho mình tránh được cái nghiệp của mình đã gây ra. Như thế, nghiệp là cái đạo báo ứng tự nhiên chí công.
2. Ý NIỆM VỀ THƯỢNG ĐẾ
Đức Phật phủ nhận sự hiện hữu của Đấng Tạo Hóa. Người không bao giờ nói đến Thượng Đế, chẳng dạy Phật tử cầu Thượng Đế. Toàn bộ Tam Tự Kinh của Phật giáo tuyệt đối không đề cập đến một sự hiện hữu nào của Đấng Tạo Hóa. Tuy nhiên khi khảo cứu về Tạo Hóa, ta thấy đức Phật có đề cập đến Đấng Chí Cao, nhưng Ngài chính là Đấng đã tạo nên những con người dâm ô độc ác, vì vậy Đấng Chí Cao còn độc ác hơn cả loài người. Cho nên Đấng Chí Cao của Phật giáo không giống như Đấng Chí Cao của Do Thái giáo hoặc của Cơ Đốc giáo mà Ngài chính là Brahma của Ấn Độ giáo và đạo Bà-la-môn.
Đức Phật cũng không tin có thần linh. Người cho rằng: “Thật là điên khùng mới nghĩ rằng một người khác có thể làm cho ta sung sướng hoặc cực khổ ”. Đức Phật cũng phủ nhâïn thiên đàng, hỏa ngục, cũng không tin sự thưởng thiện phạt ác, vì con người bệnh và chết là do luật sinh hóa tự nhiên chứ chẳng do ý một vị thần linh nào cả. Thần học của Ngài là một thứ thần học vô thần, mà tâm lý học của Ngài cũng là một thứ tâm lý học vô linh hồn. Ngài tuyệt nhiên không chấp nhận thuyết linh hồn và ngay đến con người cũng không có linh hồn. Tuy nhiên về giáo lý Phật giáo thì lại tin có sự thưởng thiện phạt ác, có thiên đàng, hoả ngục, song các nơi ấy là những chặng xứng hiệp với nhân quả con người đã gieo trong sinh tử, tử sinh. Còn niết bàn thì dành cho ai đã thoát được vòng luân hồi đó.
3. Ý NIỆM VỀ CON NGƯỜI
Đạo Phật lấy “con người làm cứu cánh và đối tượng chính để phục vụ và triển khai, bằng cách dạy cho con người thoát mọi ràng buộc khổ đau mê tối của nhiên giới, siêu giới và tâm giới; đồng thời đặt con người trước trách nhiệm của chính cuộc đời mình: cuộc đời này hoặc dở là do con người “tự tác tự thụ”. Đức Phật dạy: Mọi người đều là những vị Phật trong tương lai, vì mọi người đều có Phật tính và có khả năng thành phật. Con người chỉ cần làm hiển lộ được Phật tính (chân lý) ấy, tức sẽ thành Phật.
Phật giáo cho rằng “con người là một trong các sinh động vật, có những đặc tính khác với các loài động vật, như có tình cảm rộng sáng, tư tưởng linh họat, hành động quả cảm. Cho nên, mặc dù con người cũng mang trong mình bao thú tính = dục vọng, lầm lỡ, tội ác... nhưng nếu xét theo khả năng và giá trị đặc biệt của nó thì trong tất cả các loài, con người có đủ điều kiện trở thành ưu việt.”
4. Ý NIỆM VỀ SỰ CỨU RỖI
Đức Phật Thích Ca nhận thấy cuộc đời là bể khổ mà người ta bị trầm luân trong đó. Sự khổ ấy không phải là một kiếp này phải chịu mà hết kiếp sang kiếp khác, cứ sinh tử, tử sinh mãi mãi mà chịu nỗi khổ ấy không bao giờ thôi. Cái nghiệp ra chịu kiếp này là cái quả của công việc ta về kiếp trước mà những công việc ta về kiếp này lại là cái nhân của nghiệp ta về kiếp sau. Thế là ta phải cứ chịu nghiệp báo ấy mãi mãi.
Nguyên nhân sự khổ là gì? Chính là lòng tham muốn của người ta: tham sống, tham sướng, tham mạnh.
Vậy muốn diệt khổ, thì phải tiêu trừ lòng ham muốn. Muốn thế, phải dốc chí tu hành, chánh tâm theo đạo để cắt đứt những cái nhân duyên nó ràng buộc mình ở trần thế. Khi đã diệt được cái khổ rồi, tức là được giải thoát, thì ra khỏi vòng luân hồi, nghiệp báo, không sinh, không tử nữa mà tới cõi niết bàn.
Để đạt tới sự giải thoát, con người phải trải qua Tứ Thánh Đế: Khổ, Tập Diệt và Đạo Đế. Sau đó đi vào Bát Chánh Đạo, tức là 8 con đường để tu cho thành chánh quả: (1) Chính Kiến: là thấy rõ, biết rõ chân lý, không để cho cái tà kiến che lấp sự sáng suốt của mình, khiến cho sự tin tưởng của mình không sai lầm. (2) Chính Tư Duy: là lập chí theo chân lý mà suy nghĩ cho đến chỗ giác ngộ được đạo chính. (3) Chính ngữ: là nói những điều đúng chân lý, không nói những điều gian tà, giả dối. (4) Chính Nghiệp: là làm những việc ngay chính công bình, không làm những việc tàn bạo gian ác. (5) Chính mệnh: là sống theo con đường công chính, không tham lợi lộc mà bỏ những điều nhân nghĩa. (6) Chính Tinh Tiến: là cố gắng học tập, tu luyện cho đến Đạo, giữ tâm trí cho ngay chính sáng suốt đừng để những điều tham, sân si và những tà kiến, vọng tưởng làm cho ta đi lầm đường lạc lối. (7) Chính Niệm: là đem ý niệm của mình chú vào đạo lý chân chính, không tưởng nhớ đến những điều bạo ngược gian ác. (8) Chính Định: là định cái tâm trí của mình vào đạo lý chân chính, không ai để cái gì lay chuyển được. Nếu theo tám con đường chính ấy mà tự trị lấy mình, tự giác ngộ lấy mình thì sẽ tới cõi Niết bàn.
Vấn đề căn bản trong Phật giáo là sự đau khổ; còn trong Cơ Đốc giáo là tội lỗi.
Sự cứu rỗi theo Phật giáo là giải thoát khỏi khổ đau; còn theo Cơ Đốc giáo là giải phóng khỏi tội lỗi và phục hòa với Đức Chúa Trời.
Đức Phật nói: “Ta đã tìm được con đường và bây giờ ta chỉ cho ngươi con đường đó”; còn Chúa Cứu Thế Giê-xu tuyên bố: “Ta là con đường ”.
Phật giáo đặt trọng tâm vào khả năng con người-nhu cầu ảnh hưởng-trong khi Cơ Đốc giáo đặt trọng tâm vào Đức Chúa Trời-mục đích và sự cung ứng của Ngài.
Động lực giải thoát trong Phật giáo là sức tu của mỗi người. Ai dũng mạnh, có tâm lực cương kiện, người ấy tu được chính quả. Ai yếu đuối thì cứ phải chịu muôn kiếp trầm luân trong bể khổ. Như thế, người bình dân thật khó mà đạt tới sự giải thoát vì người chẳng bao giờ thực hiện nổi đường tu ấy.
Quan niệm về sự cứu rỗi của Phật giáo là do việc làm, song việc làm ấy ít ai thể hiện được. Trong khi đó, Cơ Đốc Giáo tin rằng con người được cứu là nhờ ân phúc Thượng Đế, do đức tin nơi Chúa Cứu Thế Giê-xu. Đây là một tặng phẩm của Thượng Đế, chứ không do kết quả của công đức con người vì con người không thể tự cứu mình. Thánh Kinh chép: “Vả, ấy là nhờ ân điển, bởi đức tin mà anh em được cứu, điều đó không phải đến từ anh em, bèn là sự ban cho của Đức Chúa Trời. Ấy chẳng phải bởi việc làm đâu, hầu cho không ai khoe mình” (Eph Ep 2:8-9).
Chương V- MUỐN CHỨNG ĐẠO CHO DÂN VIỆT
1.-Chấp nhận bối cảnh tôn giáo sẵn có của dân Việt
2.-Khởi đầu từ một nhu cầu
3.-Cởi mở ngay thật
4.-Tránh tranh biện
5.-Sử dụng từ ngữ thích hợp với bối cảnh tôn giáo của Việt tộc.
Để có thể chứng đạo hữu hiệu cho dân Việt, ta nên để ý các nguyên tắc quan trọng như sau:
1. CHẤP NHẬN BỐI CẢNH TÔN GIÁO SẴN CÓ CỦA DÂN VIỆT
Nguyên tắc quan trọng để bắt đầu việc làm chứng cho người khác tôn giáo là chấp nhận cả con người lẫn bối cảnh tôn giáo của họ. Ta thừa nhận rằng mỗi người có quyền suy nghĩ, cảm xúc, nhìn sự vật theo cách riêng của mình. Mỗi người đều có quyền tự do tín ngưỡng. Sự kính trọng đó sẽ giúp cho việc đối thoại thêm thân mật và hiệu quả.
Một trong những lầm lẫn trong quá khứ của việc truyền bá Phúc Âm cho người Việt là thiếu sự chấp nhận họ. Chứng đạo viên tiếp xúc với họ trong cương vị của một Thánh nhân nói chuyện với một tội nhân. Thái độ ấy không phải là thái độ của ngưòi Cơ Đốc. Chúa Giê-xu và các môn đệ không làm chứng theo cách đó. Thánh Kinh chép Chúa Giê-xu, mặc dù là người Do Thái, đã ngồi bên giếng chờ thiếu phụ Sa-ma-ri và xin nước uống. Ngài đến chuyện trò và sống hòa mình với viên thu thuế Lê-vi. Ngài cứu giúp người đàn bà bị bắt quả tang phạm tội tà dâm. Nhà truyền giảng Phi-líp cũng chẳng ngần ngại chấp nhận thái giám Ê-thi-ô-bi.
2. KHỞI ĐẦU TỪ MỘT NHU CẦU
Mỗi người đều có nhu cầu hoặc nan đề riêng, chứng đạo viên phải biết và đáp ứng nhu cầu nầy. Hai môn đệ trên trường Em-ma-út đã bối rối trước vấn đề: sự chết và sự sống lại của Chúa Giê-xu. Vì thế, Chúa khởi đầu từ nhu cầu của họ để truyền đạt sứ điệp thuộc linh mà họ cần phải biết.
Người Việt theo đạo Nho, đạo Lão, đạo Phật cũng có nan đề thuộc linh. Nan đề của họ là làm sao để tránh tội, diệt khổ hầu đạt đến sự giải thoát. Họ đang ép xác ngày đêm để mong diệt được tham, sân si hầu giữ tâm trí cho ngay chính sáng suốt.
Đây là nhu cầu của người Việt cần được giúp đỡ.
Tín ngưỡng của dân Việt còn có nan đề khác: tội nhân không có sự cứu rỗi, và thần của họ không giúp được họ về nan đề đó. “Đường giải thoát của Phật giáo chỉ có một, ai ai cũng buộc phải qua con đường đó... Đây là một định luật vô tri giác, không cảm tình. Ai tới được thì đến Niết Bàn. Ai chưa tới được thì cứ ở trong luân hồi muôn kiếp. Đường tu trọn vẹn của Đức Phật chỉ có thể giúp người khác nhận thấy đường tu cho chính mình, nhưng không có công nghiệp gì vào đường tu kẻ khác. Ai riêng phần nấy. Công nghiệp của đức Phật cũng chỉ giúp cho chính mình Ngài.” Trong khi đó Phúc Âm là tin mừng cho Chúa Cứu Thế, Đấng đã đến để tìm kiếm tội nhân, rồi chết thay cho người có tội và ban sự cứu rỗi cho họ.
3. CỞI MỞ NGAY THẬT
Có một luật quan trọng nhất mà ta phải theo khi làm chứng về Chúa cho người khác. Theo nó thì việc gì cũng hóa dễ, trở ngại gì cũng thắng được, ta sẽ có vô số người lắng nghe tin mừng cứu rỗi, sẽ đưa dẫn nhiều linh hồn về cho Chúa. Nếu làm trái luật đó tức thì nỗi khó khăn sẽ hiện ra. Luật đó là: Cởi mở ngay thật khi giao tiếp với ngưòi khác. Bạn muốn những người bạn gặp gỡ đồng ý với bạn? Bạn muốn người Việt tiếp nhận sứ điệp Phúc Âm? Hãy cởi mở ngay thật trong lúc làm chứng về Chúa.
4. TRÁNH TRANH BIỆN
Tiến sĩ James Kennedy đã giảng giải về việc tranh biện: “Khuynh hướng tự nhiên của chúng ta khi gặp chống đối là trực thị đương đầu và đánh hạ chúng hoặc là chạy trốn. Vì Phúc lợi vĩnh viễn của thân hữu, bạn phải kiềm chế khuynh hướng này. Chúng tôi xin nói: Đừng Bao Giờ Tranh Luận.
Trong quyển How to Win Friends and Influence People, Dale Carnegie đã kể lại ông học được bài học quý báu này: “Trong một bữa tiệc, ông khách ngồi bên tay mặt tôi quả quyết rằng câu ‘Có một vị thần nắm vận mạng của ta, ta cưỡng lại không được’ là ở trong Thánh Kinh. Ông ta lầm. Tôi biết vậy. Tôi chắc chắn vậy, không còn ngờ vực gì nữa. Cho nên để tỏ sự hơn người của tôi, sự quan trọng của tôi, tôi tự nhận việc cải chính. Mà có ai cầu tôi cải chính đâu! Tôi bảo ông ta rằng câu đó của thi hào Shakespear. Ông ta không chịu nhận mình lầm, cãi! “Sao? Câu đó mà của Shakespear sao? Không thể được; Thậm vô lý! Rõ ràng trong Thánh Kinh mà! Tôi biết”.
Ngồi bên trái tôi là ông Grammond, bạn cũ của tôi: ông này đã nhiều năm nghiên cứu Shakespear. Cho nên chúng tôi quay lại cùng xin ông Grammond phân giải xem ai phải ai trái. Ông Grammond đá mạnh vào chân tôi ở dưới bàn làm hiệu rồi tuyên bố: “Anh Dale lầm rồi: Ông nói đúng. Câu đó ở trong Thánh Kinh”.
Khi đi về, ông Grammond trả lời: “Dĩ nhiên, nó ở trong Kịch Hamlet, hồi I, màn II. Nhưng, này anh, chúng ta là khách trong một cuộc họp vui vẻ, tại sao muốn chứng minh rằng ông ấy lầm? Có phải làm như vậy mà người ta có thiện cảm với mình đâu? Sao không để ông ta giữ thể diện một chút? Ông ta không hỏi ý kiến của anh mà. Tại sao quả quyết tranh biện với ông ấy? Đừng gây với ai hết.”
Sau nhiều kinh nghiệm, Carnegie nhận thấy rằng: “Trong các cuộc tranh biện không ai thắng hết. Thực vậy, vì nếu bạn thua... thì là thua rồi. Mà nếu bạn thắng thì... bạn cũng thua nữa. Tại sao ư? Thì đây! Ví dụ bạn thắng đối thủ của bạn một cách rực rỡ và tỏ cho người đó thấy rằng y là một thằng ngu. Phải, rồi sao nữa? Bạn đã làm thương tổn lòng tự ái, lòng kiêu căng của người ta. Người ta tức giận lắm vì đã thua bạn. Rồi thì: Kẻ nào bắt buộc nghe ai; luôn luôn vẫn giữ ý sai của mình. Bạn biết điều đó chứ?”
Áp dụng vào việc chứng đạo, ta rút ra được bài học này: muốn đưa dẫn người khác đến với Chúa ta không bao giờ được tranh biện.
5. SỬ DỤNG TỪ NGỮ THÍCH HỢP VỚI BỐI CẢNH TÔN GIÁO CỦA VIỆT TỘC.
Khi trình bày Phúc Âm cho những người khác tôn giáo, ta có thể sử dụng danh từ Thánh Kinh và thần học, tuy nhiên phải biết chắc người nghe hiểu đúng điều ta muốn nói. Ta phải trình bày các từ ngữ và cả sứ điệp Phúc Âm theo bối cảnh tôn giáo và văn hóa của người nghe.
Đối với các bậc trưởng lão và phụ huynh là những người nhiều năm thờ cúng tổ tiên, ta phải sử dụng từ ngữ cho thích hợp trong lúc chứng đạo. Khi nghe các danh xưng như “Đấng Christ”, “Chúa Giê-xu”, hoặc “Cơ Đốc giáo”, họ liền cho rằng đó là “đạo bỏ ông bà”, “một vị thần ngoại quốc”, hoặc “một tôn giáo ngoại lai”. Vì thế để tránh những ngộ nhận đó, người Cơ Đốc thay vì sử dụng danh xưng “Đức Chúa Trời”, nên đổi lại “Thượng Đế”, “Cha”, hoặc “Thiên Phụ”.
Người Việt hiểu chữ “tội lỗi” là chỉ về sự phạm lớn như giết người, cướp của, hoặc phản bội. Với quan niệm đó nếu ta không giải nghĩa rõ ràng, hầu hết người Việt đều cho là họ vô tội và không cần sự cứu rỗi.
Ngoài ra ta phải phân biệt Đấng Tạo Hóa không phải là Đức Phật.
Tội ác chẳng phải là nhân quả báo ứng xấu, hoặc sự thiếu hiểu biết, hay sự vô ý.
Thánh Kinh không phải chỉ là cuốn sách dạy về đạo đức. Niết bàn chẳng phải là thiên đàng.
“Đạo” trong Lão giáo không phải là “Đạo” trong Thánh Kinh (“Đạo đã trở nên xác thịt”- GiGa 1:14BNC).
PHẦN THỨ TƯ-
VĂN HÓA CỦA DÂN VIỆT TRONG SỰ CHỨNG ĐẠO
Chương 1- CÁC ĐẶC TÍNH VĂN HÓA ĐỘC ĐÁO CỦA DÂN VIỆT
1.-Sự gắn bó đối với tôn giáo
2.-Tính cần cù
Để có thể làm chứng hữu hiệu cho dân Việt, ta phải biết rõ các yếu tố văn hóa, tuy rất độc đáo song có thể làm ngăn trở họ tiếp nhận Chúa.
1. SỰ GẮN BÓ ĐỐI VỚI TÔN GIÁO
Phần lớn người Việt hải ngoại là người theo Phật giáo hoặc Khổng giáo. Trong lúc vượt biên bằng đường biển, đường bộ hoặc được đi chính thức từ Việt Nam tới Hoa Kỳ, nhiều người tin rằng Đức Phật hoặc một vị thần nào đó đã che chở và giữ gìn họ khỏi mọi hiểm nguy. Vì vậy cho nên họ đã hứa nguyện trung thành với Đức Phật hay một vị thần nào đó. Bằng chứng là ta thấy có nhiều bàn thờ, miếu thờ được dựng tại nhà hoặc ở các tiệm ăn do người Việt làm chủ.
Bởi thế, ta nên kiên nhẫn và không nên mong đợi kết quả tức thì trong việc truyền bá Phúc Âm. Người Việt vì gắn bó với tôn giáo mình, nên lúc nghe Phúc Âm họ ít khi tiếp nhận ngay lần đầu. Họ viện dẫn nhiều lý do:
Đạo Nào Cũng Tốt
Khi gặp trường hợp trên ta nên hỏi thân hữu xem họ hiểu đạo hoặc tôn giáo là gì. Sau khi họ trả lời, ta sẽ làm sáng tỏ bằng cách nói rằng: Nếu một người hiếu đạo là sự cố gắng của con người để được thánh thiện và đạo đức; hoặc đạo là sự ráng sức của con người để có thể liên lạc với Thượng Đế, thì Cơ Đốc Giáo không phải là một tôn giáo. Cơ Đốc giáo là Đấng Christ, và Đấng Christ là Thượng Đế Ngôi Hai mang lấy hình hài thể xác con người. Ngài là “con đường, Chân lý và Nguồn sống”. Nếu không nhờ Ngài, chẳng ai được đến với Đức Chúa Cha.
Cơ Đốc Giáo Là Đạo Của Tây Phương
Đây là sự ngộ nhận trải qua rất nhiều năm. Chúa Cứu Thế Giê-xu là một người Do Thái. Các tín hữu đầu tiên cũng là người Do Thái, và người Do Thái không phải là người Tây phương. Họ thuộc về Trung Đông.
Tin Chúa Sẽ Không Còn Được Thờ Cúng Tổ Tiên
Hiếu kính là việc làm đáng khen ngợi. Thánh Kinh cũng dạy ta phải tôn kính ông bà, cha mẹ lúc còn sống (XuXh 20:12). Bất cứ sự thảo hiếu nào ta có thể làm được, thì nên thực thi lúc ông bà, cha mẹ còn tại thế.
Theo truyền thống, dân Việt thờ cúng tổ tiên. Nó được bắt đầu như hành động tưởng nhớ, để con cháu không quên cội nguồn. Về sau, người ta thêm vào sự thờ phượng và cúng bái. Tuy nhiên, truyền thống trên không phải là dấu hiệu duy nhất của lòng hiếu thảo. Để trở nên người con thảo hiếu, ta phải lo lắng, chăm sóc ông bà, cha mẹ lúc còn tại thế. Khi họ từ giả cõi đời, ta nhớ lời ông bà, cha mẹ dạy để sống không làm ô danh họ.
Tổ tiên không có quyền ban phước hay giáng họa. Họ không phải là thần bèn là người cũng giống như mọi người nam người nữ khác, và vì vậy ta chỉ kính chớ không nên thờ. Duy có Thượng Đế của Thánh Kinh mới đáng cho mọi người ngợi khen và thờ phượng, bởi lẽ chỉ mình Ngài mới có quyền ban phước cho con người.
2. TÍNH CẦN CÙ
Người Việt có tiếng là siêng năng, chịu khó. Bản tính của dân Việt là cần cù. Tại Việt Nam, đồng bào ta cũng đã làm việc chăm chỉ. Họ kiên trì chịu đựng biết bao gian khổ giữa biển cả, trong rừng sâu, tại trại tỵ nạn... cho đếân khi được định cư ở Hoa kỳ và nhiều quốc gia khác. Nơi đất khách quê người họ cũng kiên cường khắc phục mọi khó khăn để nói ngôn ngữ mới, hội nhập vào môi trường xa lạ, và học một nghề thích hợp để đi làm nuôi sống gia đình.
Ta nên hiểu rằng với những bận rộn đó thật khó cho họ có thể đi đến nhà thờ hoặc tham dự các sinh họat của Hội Thánh. Nhiều người Việt đã mở cơ xưởng, tiệm ăn hoặc nhiều hình thức buôn bán nhỏ khác. Họ làm việc rất nhiều giờ, kể cả những ngày cuối tuần. Ở hải ngoại lâu năm chừng nào, họ càng bận rộn nhiều chừng nấy.
Do đó ta nên biết để cảm thông, đồng thời tìm kiếm và bắt lấy cứ dịp tiện có thể được để đến với họ. Khi biết người đồng hương có tin vui, ta đến chia sẽ niềm vui với họ. Lúc nghe biết họ có chuyện buồn, bệnh tật, hoặc tang chế, ta có thể nhân cơ hội đó bày tỏ mối cảm thông chân thành với họ. Người Cơ Đốc giao tiếp với tình yêu thương thành thật đó sẽ mở được nhiều cánh cửa để chia sẽ Phúc Âm cứu rỗi của Đức Chúa Trời.
Đối với người mới định cư, ta có nhiều cơ hội hơn khi họ cần ta giúp đi thông dịch, tìm việc làm, kiếm chỗ thích hợp. Những người này biết rằng họ có thể tới nhà thờ để được giúp đỡ và họ thường đến với Hội Thánh. Ta phải gieo hạt giống Phúc Âm cho họ trong thời gian này, tuy nhiên chớ mong mõi kết quả mau chóng. Ta nên kiên nhẫn chờ đợi nhiều tháng, nhiều năm để hạt giống Phúc Âm có đủ thời gian sinh bông kết trái. Kinh nghiệm cho thấy có những người đã trở lại với Hội Thánh sau nhiều năm vắng bóng. Một số khác đã quay về, khi Hội Thánh giúp gia đình họ qua các lễ cưới hoặc lễ an táng.
Chương II- NIỀM TIN NƠI THƯỢNG ĐẾ CỦA VĂN HÓA VIỆT TỘC
1.-Qua tục ngữ, ca dao
2.-Qua thi văn
Trải gần 5.000 năm qua, niềm tin nơi Thượng Đế của dân Việt là một niềm tin bất biến. Dân Việt tin rằng trước tất cả mọi sự, đã có ông Trời. Trời là bậc quyền phép vô song ở trên cao. Từ thái cổ, lúc còn sống trong các bộ lạc Giao Chỉ, ngôn ngữ Việt đã có những câu vần được xếp đặt để ghi nhớ và lưu truyền kinh nghiệm sống, thì niềm tin vào Thượng Đế cũng đã được bộc lộ qua nhiều hình thức như tục ngữ, ca dao và thi phú.
1. SỬ DỤNG TỤC NGỮ, CA DAO TRONG LÚC TRUYỀN BÁ PHÚC ÂM
Hầu hết các bậc cha mẹ Việt Nam đều quen thuộc câu này, “Sanh con chớ không sanh lòng”. Dựa vào câu trên ta có thể giảng giải về sự khác nhau của thể xác và tâm linh. Đồng thời ta làm chứng về Thượng Đế là Đấng tạo dựng con người gồm cả thể xác và linh hồn hầu con người thể hiểu được kế họach cứu rỗi của Ngài.
Để giải thích về sự thực hữu của Đức Chúa Trời, ta bảo họ cứ nhìn vũ trụ, vạn vật thì biết
Non kia ai đắp mà cao
Sông kia biển nọ, ai đào mà sâu?
Và lúc nhìn vũ trụ, nhìn thiên nhiên rồi lại nhìn chính bản thân, mới biết chính mình cũng do Thượng Đế sinh ra, do Trời tạo dựng.
Trời sinh ra đã làm người
Hay ăn hay nói hay cười hay chơi.
Một khi đã suy biết có Trời, thì tôn thờ Trời và cầu nguyện cùng Ngài. Niềm tin này ăn sâu vào lòng từng người, đến nỗi ông bà ru cháu, cha mẹ ru con, anh chị em ru em cũng nhắc đến niềm tin đó: niềm tin ở Trời thương xót, che chở cho:
Lạy Trời mưa xuống
Lấy nước tôi uống
Lấy ruộng tôi cày
Lấy bát cơm đầy
Lấy khúc cá to.
Và một khi mưa nắng phải thì, người ta sẽ vui vẻ cần cù làm lụng, không quản đầu tắt mặt tối dãi nắng dầm mưa:
Nhờ Trời mưa thuận gió hòa
Nào cày nào cấy trẻ già đua nhau.
Người Việt rất biết ơn, kể lể:
Nhờ Trời Hạ kế sang Đông
Làm nghề cày cấy vun trồng tốt tươi
Vụ năm cho đến vụ mười.
Người bình dân Việt can đảm chấp nhận đời sống, vì tin có Trời che chở cho:
Trời có mắt (Hoàng thiên hữu nhãn).
Xưa nay người Việt Nam vẫn coi Trời là Đấng Tạo Hóa đầy quyền phép an bài mọi sự. Hơn thế, họ còn thấy nơi Ngài là một người Cha rất gần con người, vừa quyền phép vừa nhân hậu, lại vừa công bằng.
Trời nào có phụ ai đâu
Hay làm thì giàu có chí thì nên
Người bình dân Việt nam tin rằng Trời còn lo cho họ nhiều hơn nữa:
Trời cho hơn lo làm
2. SỬ DỤNG THI VĂN TRONG LÚC TRUYỀN BÁ PHÚC ÂM
Niềm tin vào Thượng Đế chẳng những chỉ thấy nơi giới bình dân ít học, mà còn ở các nhà thơ tên tuổi. Ta hãy nghe Hàn Mạc Tử thì thầm
Tôi van lơn thầm nguyện Chúa Giê-xu
Ban ơn xuống cho mùa xuân hôn phối.
Xin tha thứ những câu thơ tội lỗi
Của bàn tay thi sĩ kẻ lên trăng
Trong bao đêm xao xuyến vũng sông Hằng
Và đây là lời nguyện đầy nước mắt của thi sĩ Huy Cận. Sau những ngày đi hoang đã nhận ra rằng tất cả chỉ là ảo ảnh, duy có Thượng Đế mới là hạnh phúc thật của mình:
Hỡi Thượng Đế tôi cúi đầu trả lại
Linh hồn tôi đã một kiếp đi hoang
Sầu đã chín xin người thôi hãy hái
Nhận tôi đi dù địa ngục thiên đường.
Dân Việt có một tâm hồn tin tưởng Đức Chúa Trời, muốn Ngài có mặt trong mọi biến cố quan trọng của cuộc đời. Tuy nhiên, niềm tin ấy hầu hết chỉ là tin có Thượng Đế, có một Đấng Thiêng Liêng. Đức tin đó tốt nhưng chưa đủ. Vì thế ta phải giảng giải thêm rằng đức tin để được cứu rỗi chẳng những là “tin có Chúa ngự trên cao” mà con phải nhận Thượng Đế làm Chúa, làm Chủ đời mình, theo như lời Thánh Kinh chép: “Nhưng hễ ai đã nhận Ngài, thì Ngài ban cho quyền phép trở nên con cái Đức Chúa Trời, là ban cho những kẻ tin danh Ngài” (GiGa 1:12). Động từ nhận trong câu Thánh Kinh trên bao hàm việc: Chấp nhận có Thượng Đế, và chính Ngài đã sáng tạo cũng như đang bảo tồn muôn vật; tin rằng Thượng Đế thương yêu con người, mặc dù con người là tội nhân, chẳng thể làm được điều lành, không phương giải thoát khỏi quyền lực của tội lỗi, cũng chẳng thể nhờ một người nào đó ở đời này giải cứu cho mình được; tin rằng Chúa Cứu Thế Giê-xu đã vào đời, mang hình hài thể xác con người để thay thế nhân loại mà chịu chết và cuối cùng là tin rằng Chúa Cứu Thế đã từ kẻ chế sống lại, có quyền ban cho nhân loại sự sống mới để giải thoát con người khỏi quyền lực của tội lỗi.
Tâm tình của dân Việt rất gắn bó đối với Thượng Đế, vì họ luôn muốn tôn vinh và thờ phượng Ngài. Tuy nhiên quan niệm về Thượng Đế về niềm tin tưởng vào Trời của họ chưa đủ để được cứu rỗi. Ta cần giải thích thêm và dìu dắt họ đến với Chúa Cứu Thế.

 PHẦN THỨ TƯ- NĂM
VĂN HÓA CỦA DÂN VIỆT TRONG SỰ CHỨNG ĐẠO
& NHỮNG NGUYÊN TẮC CHỨNG ĐẠO

Chương 1- CÁC ĐẶC TÍNH VĂN HÓA ĐỘC ĐÁO CỦA DÂN VIỆT
1.-Sự gắn bó đối với tôn giáo
2.-Tính cần cù
Để có thể làm chứng hữu hiệu cho dân Việt, ta phải biết rõ các yếu tố văn hóa, tuy rất độc đáo song có thể làm ngăn trở họ tiếp nhận Chúa.
1. SỰ GẮN BÓ ĐỐI VỚI TÔN GIÁO
Phần lớn người Việt hải ngoại là người theo Phật giáo hoặc Khổng giáo. Trong lúc vượt biên bằng đường biển, đường bộ hoặc được đi chính thức từ Việt Nam tới Hoa Kỳ, nhiều người tin rằng Đức Phật hoặc một vị thần nào đó đã che chở và giữ gìn họ khỏi mọi hiểm nguy. Vì vậy cho nên họ đã hứa nguyện trung thành với Đức Phật hay một vị thần nào đó. Bằng chứng là ta thấy có nhiều bàn thờ, miếu thờ được dựng tại nhà hoặc ở các tiệm ăn do người Việt làm chủ.
Bởi thế, ta nên kiên nhẫn và không nên mong đợi kết quả tức thì trong việc truyền bá Phúc Âm. Người Việt vì gắn bó với tôn giáo mình, nên lúc nghe Phúc Âm họ ít khi tiếp nhận ngay lần đầu. Họ viện dẫn nhiều lý do:
Đạo Nào Cũng Tốt
Khi gặp trường hợp trên ta nên hỏi thân hữu xem họ hiểu đạo hoặc tôn giáo là gì. Sau khi họ trả lời, ta sẽ làm sáng tỏ bằng cách nói rằng: Nếu một người hiếu đạo là sự cố gắng của con người để được thánh thiện và đạo đức; hoặc đạo là sự ráng sức của con người để có thể liên lạc với Thượng Đế, thì Cơ Đốc Giáo không phải là một tôn giáo. Cơ Đốc giáo là Đấng Christ, và Đấng Christ là Thượng Đế Ngôi Hai mang lấy hình hài thể xác con người. Ngài là “con đường, Chân lý và Nguồn sống”. Nếu không nhờ Ngài, chẳng ai được đến với Đức Chúa Cha.
Cơ Đốc Giáo Là Đạo Của Tây Phương
Đây là sự ngộ nhận trải qua rất nhiều năm. Chúa Cứu Thế Giê-xu là một người Do Thái. Các tín hữu đầu tiên cũng là người Do Thái, và người Do Thái không phải là người Tây phương. Họ thuộc về Trung Đông.
Tin Chúa Sẽ Không Còn Được Thờ Cúng Tổ Tiên
Hiếu kính là việc làm đáng khen ngợi. Thánh Kinh cũng dạy ta phải tôn kính ông bà, cha mẹ lúc còn sống (XuXh 20:12). Bất cứ sự thảo hiếu nào ta có thể làm được, thì nên thực thi lúc ông bà, cha mẹ còn tại thế.
Theo truyền thống, dân Việt thờ cúng tổ tiên. Nó được bắt đầu như hành động tưởng nhớ, để con cháu không quên cội nguồn. Về sau, người ta thêm vào sự thờ phượng và cúng bái. Tuy nhiên, truyền thống trên không phải là dấu hiệu duy nhất của lòng hiếu thảo. Để trở nên người con thảo hiếu, ta phải lo lắng, chăm sóc ông bà, cha mẹ lúc còn tại thế. Khi họ từ giả cõi đời, ta nhớ lời ông bà, cha mẹ dạy để sống không làm ô danh họ.
Tổ tiên không có quyền ban phước hay giáng họa. Họ không phải là thần bèn là người cũng giống như mọi người nam người nữ khác, và vì vậy ta chỉ kính chớ không nên thờ. Duy có Thượng Đế của Thánh Kinh mới đáng cho mọi người ngợi khen và thờ phượng, bởi lẽ chỉ mình Ngài mới có quyền ban phước cho con người.
2. TÍNH CẦN CÙ
Người Việt có tiếng là siêng năng, chịu khó. Bản tính của dân Việt là cần cù. Tại Việt Nam, đồng bào ta cũng đã làm việc chăm chỉ. Họ kiên trì chịu đựng biết bao gian khổ giữa biển cả, trong rừng sâu, tại trại tỵ nạn... cho đếân khi được định cư ở Hoa kỳ và nhiều quốc gia khác. Nơi đất khách quê người họ cũng kiên cường khắc phục mọi khó khăn để nói ngôn ngữ mới, hội nhập vào môi trường xa lạ, và học một nghề thích hợp để đi làm nuôi sống gia đình.
Ta nên hiểu rằng với những bận rộn đó thật khó cho họ có thể đi đến nhà thờ hoặc tham dự các sinh họat của Hội Thánh. Nhiều người Việt đã mở cơ xưởng, tiệm ăn hoặc nhiều hình thức buôn bán nhỏ khác. Họ làm việc rất nhiều giờ, kể cả những ngày cuối tuần. Ở hải ngoại lâu năm chừng nào, họ càng bận rộn nhiều chừng nấy.
Do đó ta nên biết để cảm thông, đồng thời tìm kiếm và bắt lấy cứ dịp tiện có thể được để đến với họ. Khi biết người đồng hương có tin vui, ta đến chia sẽ niềm vui với họ. Lúc nghe biết họ có chuyện buồn, bệnh tật, hoặc tang chế, ta có thể nhân cơ hội đó bày tỏ mối cảm thông chân thành với họ. Người Cơ Đốc giao tiếp với tình yêu thương thành thật đó sẽ mở được nhiều cánh cửa để chia sẽ Phúc Âm cứu rỗi của Đức Chúa Trời.
Đối với người mới định cư, ta có nhiều cơ hội hơn khi họ cần ta giúp đi thông dịch, tìm việc làm, kiếm chỗ thích hợp. Những người này biết rằng họ có thể tới nhà thờ để được giúp đỡ và họ thường đến với Hội Thánh. Ta phải gieo hạt giống Phúc Âm cho họ trong thời gian này, tuy nhiên chớ mong mõi kết quả mau chóng. Ta nên kiên nhẫn chờ đợi nhiều tháng, nhiều năm để hạt giống Phúc Âm có đủ thời gian sinh bông kết trái. Kinh nghiệm cho thấy có những người đã trở lại với Hội Thánh sau nhiều năm vắng bóng. Một số khác đã quay về, khi Hội Thánh giúp gia đình họ qua các lễ cưới hoặc lễ an táng.
Chương II- NIỀM TIN NƠI THƯỢNG ĐẾ CỦA VĂN HÓA VIỆT TỘC
1.-Qua tục ngữ, ca dao
2.-Qua thi văn
Trải gần 5.000 năm qua, niềm tin nơi Thượng Đế của dân Việt là một niềm tin bất biến. Dân Việt tin rằng trước tất cả mọi sự, đã có ông Trời. Trời là bậc quyền phép vô song ở trên cao. Từ thái cổ, lúc còn sống trong các bộ lạc Giao Chỉ, ngôn ngữ Việt đã có những câu vần được xếp đặt để ghi nhớ và lưu truyền kinh nghiệm sống, thì niềm tin vào Thượng Đế cũng đã được bộc lộ qua nhiều hình thức như tục ngữ, ca dao và thi phú.
1. SỬ DỤNG TỤC NGỮ, CA DAO TRONG LÚC TRUYỀN BÁ PHÚC ÂM
Hầu hết các bậc cha mẹ Việt Nam đều quen thuộc câu này, “Sanh con chớ không sanh lòng”. Dựa vào câu trên ta có thể giảng giải về sự khác nhau của thể xác và tâm linh. Đồng thời ta làm chứng về Thượng Đế là Đấng tạo dựng con người gồm cả thể xác và linh hồn hầu con người thể hiểu được kế họach cứu rỗi của Ngài.
Để giải thích về sự thực hữu của Đức Chúa Trời, ta bảo họ cứ nhìn vũ trụ, vạn vật thì biết
Non kia ai đắp mà cao
Sông kia biển nọ, ai đào mà sâu?
Và lúc nhìn vũ trụ, nhìn thiên nhiên rồi lại nhìn chính bản thân, mới biết chính mình cũng do Thượng Đế sinh ra, do Trời tạo dựng.
Trời sinh ra đã làm người
Hay ăn hay nói hay cười hay chơi.
Một khi đã suy biết có Trời, thì tôn thờ Trời và cầu nguyện cùng Ngài. Niềm tin này ăn sâu vào lòng từng người, đến nỗi ông bà ru cháu, cha mẹ ru con, anh chị em ru em cũng nhắc đến niềm tin đó: niềm tin ở Trời thương xót, che chở cho:
Lạy Trời mưa xuống
Lấy nước tôi uống
Lấy ruộng tôi cày
Lấy bát cơm đầy
Lấy khúc cá to.
Và một khi mưa nắng phải thì, người ta sẽ vui vẻ cần cù làm lụng, không quản đầu tắt mặt tối dãi nắng dầm mưa:
Nhờ Trời mưa thuận gió hòa
Nào cày nào cấy trẻ già đua nhau.
Người Việt rất biết ơn, kể lể:
Nhờ Trời Hạ kế sang Đông
Làm nghề cày cấy vun trồng tốt tươi
Vụ năm cho đến vụ mười.
Người bình dân Việt can đảm chấp nhận đời sống, vì tin có Trời che chở cho:
Trời có mắt (Hoàng thiên hữu nhãn).
Xưa nay người Việt Nam vẫn coi Trời là Đấng Tạo Hóa đầy quyền phép an bài mọi sự. Hơn thế, họ còn thấy nơi Ngài là một người Cha rất gần con người, vừa quyền phép vừa nhân hậu, lại vừa công bằng.
Trời nào có phụ ai đâu
Hay làm thì giàu có chí thì nên
Người bình dân Việt nam tin rằng Trời còn lo cho họ nhiều hơn nữa:
Trời cho hơn lo làm
2. SỬ DỤNG THI VĂN TRONG LÚC TRUYỀN BÁ PHÚC ÂM
Niềm tin vào Thượng Đế chẳng những chỉ thấy nơi giới bình dân ít học, mà còn ở các nhà thơ tên tuổi. Ta hãy nghe Hàn Mạc Tử thì thầm
Tôi van lơn thầm nguyện Chúa Giê-xu
Ban ơn xuống cho mùa xuân hôn phối.
Xin tha thứ những câu thơ tội lỗi
Của bàn tay thi sĩ kẻ lên trăng
Trong bao đêm xao xuyến vũng sông Hằng
Và đây là lời nguyện đầy nước mắt của thi sĩ Huy Cận. Sau những ngày đi hoang đã nhận ra rằng tất cả chỉ là ảo ảnh, duy có Thượng Đế mới là hạnh phúc thật của mình:
Hỡi Thượng Đế tôi cúi đầu trả lại
Linh hồn tôi đã một kiếp đi hoang
Sầu đã chín xin người thôi hãy hái
Nhận tôi đi dù địa ngục thiên đường.
Dân Việt có một tâm hồn tin tưởng Đức Chúa Trời, muốn Ngài có mặt trong mọi biến cố quan trọng của cuộc đời. Tuy nhiên, niềm tin ấy hầu hết chỉ là tin có Thượng Đế, có một Đấng Thiêng Liêng. Đức tin đó tốt nhưng chưa đủ. Vì thế ta phải giảng giải thêm rằng đức tin để được cứu rỗi chẳng những là “tin có Chúa ngự trên cao” mà con phải nhận Thượng Đế làm Chúa, làm Chủ đời mình, theo như lời Thánh Kinh chép: “Nhưng hễ ai đã nhận Ngài, thì Ngài ban cho quyền phép trở nên con cái Đức Chúa Trời, là ban cho những kẻ tin danh Ngài” (GiGa 1:12). Động từ nhận trong câu Thánh Kinh trên bao hàm việc: Chấp nhận có Thượng Đế, và chính Ngài đã sáng tạo cũng như đang bảo tồn muôn vật; tin rằng Thượng Đế thương yêu con người, mặc dù con người là tội nhân, chẳng thể làm được điều lành, không phương giải thoát khỏi quyền lực của tội lỗi, cũng chẳng thể nhờ một người nào đó ở đời này giải cứu cho mình được; tin rằng Chúa Cứu Thế Giê-xu đã vào đời, mang hình hài thể xác con người để thay thế nhân loại mà chịu chết và cuối cùng là tin rằng Chúa Cứu Thế đã từ kẻ chế sống lại, có quyền ban cho nhân loại sự sống mới để giải thoát con người khỏi quyền lực của tội lỗi.
Tâm tình của dân Việt rất gắn bó đối với Thượng Đế, vì họ luôn muốn tôn vinh và thờ phượng Ngài. Tuy nhiên quan niệm về Thượng Đế về niềm tin tưởng vào Trời của họ chưa đủ để được cứu rỗi. Ta cần giải thích thêm và dìu dắt họ đến với Chúa Cứu Thế.


PHẦN THỨ NĂM:
NHỮNG NGUYÊN TẮC CHỨNG ĐẠO
Chương I- ĐỂ THÀNH CÔNG TRONG VIỆC CHỨNG ĐẠO
1.-Chứng đạo viên phải biết chắc đã được cứu rỗi
2.-Chứng đạo viên phải thông biết Kinh Thánh
3.-Chứng đạo viên phải có lòng yêu thương người hư mất
4.-Chứng đạo viên phải là người cầu nguyện
Qua các sách Phúc Âm và sách Công-vụ các sứ-đồ, ta biết mục đích của Thiên Chúa ngay lúc bắt đầu thời đại ân điển là mỗi người Cơ Đốc phải trở nên một chứng nhân kết quả. Khi Chúa Cứu Thế chọn các môn đệ, Ngài chọn với một mục đích duy nhất là huấn luyện họ thành những tay đánh lưới người: “Các con hãy theo ta! Ta sẽ đào luyện các con thành người cứu vớt đồng loại” (Mat Mt 4:1-25 BDY). Chẳng những Chúa muốn mỗi Cơ Đốc nhân đều trở nên người truyền bá Phúc Âm, mà còn muốn họ là người Truyền bá Phúc Âm kết quả: “Ta hứa quả quyết với các con, ai tin ta sẽ làm những việc ta làm, lại làm việc lớn hơn nữa...” (GiGa 14:12 BDY).
Để trở thành người truyền bá Phúc Âm có kết quả, ta phải đáp ứng một số điều kiện cần thiết và quan trọng sau đây:
1. CHỨNG ĐẠO VIÊN PHẢI BIẾT CHẮC MÌNH ĐÃ ĐƯỢC CỨU RỖI
Nếu ta còn nghi ngờ về sự cứu rỗi của chính mình, ta không thể đi ra giúp người khác về con đường cứu rỗi. Nếu ta sắp bị chết đuối, ta không thể giúp cho người đang chết chìm. Chỉ khi nào chân ta đứng vững trên vầng đá, ta mới có thể đưa tay cứu giúp người khác. Cũng vậy, chứng đạo viên trước hết phải kinh nghiệm sự cứu rỗi trong Chúa Cứu Thế, nhiên hậu mới có thể chia sẽ từng trải đó cho người khác.
Việc chứng đạo phải được bắt đầu từ tấm lòng nóng cháy do Thánh Linh thúc đẩy. Vì thế, người truyền bá Phúc Âm phải là một tạo vật mới trong Chúa Cứu Thế (IICo 2Cr 5:17). Người phải biết chắc mình được sự sống vĩnh viễn và đã “vượt khỏi sự chết mà đến sự sống” (GiGa 5:24). Sự biết chắc này phải được biểu lộ qua lòng, trí và thái độ của chứng đạo viên trong lúc làm chứng cho người khác.
Vậy mỗi chứng đạo viên phải biết chắc sự thật này: “... nếu một người chẳng sanh lại, thì không thể thấy được nước Đức Chúa Trời” và cũng không thể đi ra chứng đạo.
2. CHỨNG ĐẠO VIÊN PHẢI BIẾT KINH THÁNH
Kinh nghiệm cho thấy, Đức Chúa Trời chỉ đại dụng những chứng đạo viên thông hiểu Thánh Kinh cho việc truyền bá Phúc Âm. Vì “đức tin đến bởi sự người ta nghe, mà người ta nghe, là khi lời của Đấng Christ được rao giảng” (Ro-ma 10:17). Chứng đạo viên được truyền lệnh “hãy giảng đạo (lời Chúa)” (IITi 2Tm 4:2). Chứng nhân phải là người “vừa đi vừa khóc đem hạt giống (của lời Đức Chúa Trời) ra rải” (Thi Tv 126:6; LuLc 8:11).
Loài người “được tái sinh không phải do sự sống dễ hư hoại của tổ tiên truyền lại, nhưng do Lời Sống bất diệt của Thượng Đế” (IPhi 1Pr 1:23 BDY). Chứng đạo viên, giống như A-bô-lô, phải là người “uyên bác Thánh Kinh” (Công Vụ 18:24 BDY). Hoặc giống như Phao-lô, chỉ biết “giảng luận Thánh Kinh, giải thích và minh chứng Chúa Cứu Thế phải chịu thống khổ, chịu chết và sống lại” (Công Vụ 17:2-3 BDY).
Chứng đạo viên chẳng những phải thông biết Kinh Thánh mà còn phải tin vào quyền năng của lời Đức Chúa Trời. Ngày xưa, khi Sa-ra tỏ thái độ cười cợt không tin lời Đức Chúa Trời, Ngài đã quở trách: “Há có điều chi Đức Giê-hô-va không làm được chăng?” (SaSt 18:14). Vậy để trở thành chứng nhân kết quả, ta phải tin vào quyền năng của lời Đức Chúa Trời. Nếu người hư mất là kẻ phạm trọng tội, ta hãy đọc cho người nghe Lời Kinh Thánh này:
“Đây là lời trung thực, đáng được mọi người tin nhận: Chúa Cứu Thế Giê-xu đã xuống trần gian để cứu vớt người tội lỗi. Trong những người được cứu, ta nặng tội nhất” (ITi1Tm 1:15 BDY).
Nếu người hư mất là kẻ sát nhân, hãy dùng Lời Thánh Kinh an ủi người:
“Đức Giê-hô-va phán: Bây giờ hãy đến, cho chúng ta biện luận cùng nhau. Dầu tội các ngươi như hồng điều, sẽ trở nên trắng như tuyết; dầu đỏ như son, sẽ trở nên trắng như lông chiên ” (EsIs 1:18).
Nếu là người bị ruồng bỏ và bị khai trừ, hãy đọc cho người nghe Lời Thánh Kinh này:
“Ta đến trần gian để tìm và cứu nhưng người lầm lạc ” (LuLc 19:10).
“Lời Thượng Đế sống động và đầy năng lực, sắc hơn gươm hai lưỡi, mổ xẻ hồn linh, xương tủy, phân tích tư tưởng và ước vọng trong lòng ” (HeDt 4:12 BDY). Vậy chứng đạo viên phải cầm gươm Thánh Linh là Lời Thượng Đế mới có thể “dắt đem nhiều người về sự công bình” (DaDn 12:3).
3. CHỨNG ĐẠO VIÊN PHẢI CÓ LÒNG YÊU THƯƠNG LINH HỒN HƯ MẤT
Có người đã nói: “Một người có thể là y sĩ đại tài mà không cần yêu thương bệnh nhân, có thể trở thành luật sư nổi tiếng mà không cần yêu thương thân chủ, có thể là một thương gia thành công mà không cần yêu thương khách hàng. Tuy nhiên, người đó không thể trở thành một chứng nhân kết quả nếu không có lòng yêu thương linh hồn hư mất”.
Chúa Cứu Thế Giê-xu là người truyền bá Phúc Âm kết quả, vì Ngài có lòng yêu thương vô hạn đối với người hư mất.
“Thấy nhân dân đông đảo, Chúa động lòng thương xót vì họ yếu đuối khốn khổ, tản lạc bơ vơ chẳng khác đàn chiên không có người chăn. Chúa bảo các môn đệ: Mùa gặt thật trúng, song thợ gặt quá ít. ” (Mat Mt 9:36, 37 BDY).
Ngài đã khóc cho thành Giê-ru-sa-lem (LuLc 19:41), Ngài than thở vì thành Giê-ru-sa-lem đã khước từ cơ hội Đức Chúa Trời dành cho mình:
“Giê-ru-sa-lem! Giê-ru-sa-lem! Thủ đô đã giết các nhà tiên tri, và ném đá sát hại các sứ giả của Thượng Đế! Đã bao lần ta muốn tập hợp các con như gà mẹ túc con về ấp ủ dưới cánh, nhưng chẳng ai nghe ” (Mat Mt 23:37 BDY).
Chúa Giê-xu là chứng đạo viên gương mẫu. Ngài quan tâm từng người và nhiều người. Ngài đã động lòng thương xót đối với các người thu thuế như Xa-chê và Ma-thi-ơ, với thiếu phụ Sa-ma-ri, với đoàn dân đông. Ngài đến để “tìm và cứu kẻ bị hư mất”, Ngài đã bày tỏ tình yêu thương và mang sự cứu rỗi đến cho cả tên cướp hấp hối trên thập tự giá.
Nhà lãnh tụ Môi-se cũng động lòng thương xót dân sự:
“Vậy, Môi-se trở lên Đức Giê-hô-va mà thưa rằng: Ôi! dân sự này có phạm một tội trọng, làm cho mình các thần bằng vàng; nhưng bây giờ xin Chúa tha tội cho họ! Bằng không hãy xoá tên tôi khỏi sách Ngài đã chép đi ” (XuXh 32:31, 32).
Tiên tri Giê-rê-mi đã than khóc cho tội lỗi Y-sơ-ra-ên:
“Ôi! ước gì đầâu tôi là suối nước, mắt tôi là nguồn luỵ! hầu cho tôi vì những kẻ bị giết của con gái dân ta mà khóc suốt ngày đêm ” (Gie Gr 9:1).
Phao-lô luôn thương yêu người hư mất:
“Tôi nói thật trong Đấng Christ, tôi không nói dối, lương tâm tôi làm chứng cho tôi bởi Đức Thánh Linh: tôi buồn bực lắm, lòng tôi hằng đau đớn. Bởi tôi ước ao có thể chính mình bị dứt bỏ, lìa khỏi Đấng Christ, vì anh em bà con tôi theo phần xác ” (Ro-ma 9:1-3).
Ông đã nói những lời chân thành này cho các trưởng lão Ê-phê-sô:
“Vậy anh em phải đề cao cảnh giác; đừng quên tôi đã đổ nhiều nước mắt khuyên bảo mọi người, ngày cũng như đêm. ..” (Công Vụ 20:31 DBY).
Các tín hữu đầu tiên cũng động lòng trắc ẩn đối với người hư mất. Phi-e-rơ và Giăng đã bày tỏ thái độ đó cho người què tại cửa Đẹp. Phi-líp đi đến quốc gia “thù nghịch” để truyền bá Phúc Âm cho người Sa-ma-ri (8:4-8). Phao-lô và Si-la chia sẻ Phúc Âm cứu rỗi cho người giám ngục.
Henry Martin đã kêu lớn: “Tôi muốn được đốt cháy lên vì cớ Đấng Christ!”
John Knox cầu xin: “Lạy Chúa, xin cho con xứ Ái-nhĩ-lan. Bằng không xin Chúa cho con qua đời”.
John Welch tuyên bố: “Tôi mệt lã vì đã đuổi theo linh hồn kẻ bị hư mất”.
4. CHỨNG ĐẠO VIÊN PHẢI LÀ NGƯỜI CẦU NGUYỆN
Một người Cơ Đốc không cầu nguyện là người Cơ Đốc không có quyền năng, vì bị cắt đứt với Nguồn của sức mạnh và sự khôn ngoan. Biết bao lần ta đã không nhớ lời này: “Anh em không được điều mình mong muốn vì anh em không cầu xin Chúa” (Gia Gc 4:2DBY). Chứng đạo viên sẽ không chinh phục được linh hồn tội nhân nếu thiếu sự cầu nguyện.
Ta có thể cầu nguyện cho được am hiểu lời Đức Chúa Trời: “Xin Chúa mở mắt tôi, để tôi thấy sự lạ lùng trong luật pháp của Chúa” (Thi Tv 19:18).
Cầu nguyện cho được biết ai là người ta sẽ làm chứng, như Thánh Linh đã nói với Phi-líp: “Con tiến lên! Đuổi cho kịp xe đó” (Công Vụ 8:29 BDY).
Cầu nguyện cho Chúa Thánh Linh nhắc ta nhớ những câu gốc thích hợp trong lúc làm chứng. Chúa Cứu Thế Giê-xu đã hứa: “Nhưng Đấng An ủi là Thánh Linh mà Cha nhân danh ta sai đến, sẽ dạy dỗ các con mọi điều, nhắc các con nhớ mọi lời ta đã nói” (GiGa 14:26 BDY). Cầu xin Đức Chúa Trời ban quyền năng cho sứ điệp Phúc Âm. Có quá nhiều việc ta làm một cách máy móc và không đạt hiệu quả vì thiếu sự cầu nguyện. Do đó ta chẳng những xin Thánh Linh hướng dẫn ta sử dụng đúng lời Đức Chúa Trời, mà cùng lúc cũng cầu xin Đức Chúa Trời ban quyền năng trên sứ điệp Phúc Âm ta trình bày.
Sau cùng ta cầu nguyện cho tân tín hữu. Công việc truyền bá Phúc Âm không chấm dứt ở lúc thân hữu tiếp nhận Chúa, mà vẫn còn tiếp tục qua sự chăm sóc và cầu nguyện cho họ. Một trong những công tác chính yếu trong chức vụ của Phao-lô là cầu nguyện không thôi cho những người ông dìu dắt về với Chúa. Chứng đạo viên cũng phải là người như thế.
Chúa Cứu Thế Giê-xu đã sai chúng ta “đến các dân tộc ấy để mở mắt họ, dìu dắt họ từ tối tăm qua sáng láng, từ quyền lực Sa-tan quay về Thượng Đế” (Công Vụ 26:18). Ta không thể chu toàn việc Chúa giao nếu không nhờ sự cầu nguyện.
Chương II- VAI TRÒ CỦA THÁNH LINH TRONG VIỆC CHỨNG ĐẠO
1.-Lời hứa ban Thánh Linh
2.-Sự đầy dẫy Thánh Linh
3.-Sự hướng dẫn của Thánh Linh
4.-Bí quyết đầy dẫy Thánh Linh
Không có Thánh Linh và quyền năng Ngài thì không thể thực hiện công tác truyền bá Phúc Âm. Thánh Linh chẳng những được gọi là Đấng An ủi của Cơ Đốc nhân, mà còn là Đấng cáo trách tội lỗi để dắt đưa tội nhân đến với Chúa Cứu Thế.
1. LỜI HỨA BAN THÁNH LINH
Thánh Kinh Cựu Ước đã nhiều lần dự ngôn về lời hứa ban Thánh Linh:
“Ta sẽ đổ Thần ta trên dòng dõi người, và phước lành ta trên những kẻ ra từ người ” (EsIs 44:3).
“Ta sẽ không che mặt khỏi chúng nó nữa, vì ta sẽ đổ Thần ta trên nhà Y-sơ-ra-ên. Chúa Giê-hô-va phán vậy ” (Exe Ed 39:29).
“Sau đó, ta sẽ đổ thần ta trên cả loài xác thịt; con trai và con gái các ngươi sẽ nói tiên tri; những người già cả các ngươi sẽ thấy chiêm bao, những kẻ trai trẻ các ngươi sẽ xem sự hiện thấy. Trong những ngày đó, dầu những đầy tớ trai và đầy tớ gái, ta cũng đổ Thần ta lên ” (Gio Ge 2:28-29).
“Ta sẽ đổ thần của ơn phước và của sự nài xin ra trên nhà Đa-vít ” (XaDr 12:10).
2. SỰ ĐẦY DẪY THÁNH LINH
Giăng Báp-tít, người dọn đường cho Chúa Cứu Thế Giê-xu “được đầy dẫy Thánh Linh từ khi còn trong lòng mẹ” (LuLc 1:15) nên chức vụ người rất được kết quả.
Chúa Cứu Thế Giê-xu, cũng nhờ được đầy dẫy Thánh Linh, đã hoàn tất công trình cứu chuộc cho nhân loại. Trước khi xuống thế làm người. Thánh Kinh đã viết rằng:
“Thần của Đức Giê-hô-va sẽ ngự trên Ngài, tức là thần khôn ngoan và thông sáng, thàn mưu toan và mạnh sức, thần hiểu biết và kính sợ Đức Giê-hô-va ” (EsIs 11:2)
“Ta sẽ đặt Thần ta trên ngươi, người sẽ tỏ ra sự công bình cho các dân ngoại ” (42:1)
“Thần của Chúa Giê-hô-va ngự trên ta; vì Đức Giê-hô-va đã xức dầu cho ta, đặng giảng tin lành cho kẻ khiêm nhường ” (61:1)
Khi đúng kỳ hạn, Đức Chúa Trời sai Con Ngài xuống thế gian, do một người nữ sinh ra, nhưng không sinh ra theo huyết thống hay tình ý, bèn là do Thánh Linh.
“Sự giáng sinh của Chúa Cứu Thế Giê-xu diễn tiến như sau: cô Ma-ri đã đính hôn với Giô-sép, nhưng khi còn là trinh nữ, nàng chịu thai do Thánh Linh ” (Mat Mt 1:18 BDY)
“Thiên sứ đáp: Thánh Linh sẽ giáng trên cô, quyền năng Thượng Đế sẽ bao phủ cô, nên Con Thánh sinh ra sẽ được gọi là Con Thượng Đế ” (LuLc 1:35 BDY)
Khi Chúa Cứu Thế Giê-xu chịu báp têm, Thánh Linh giáng xuống đậu trên vai Ngài như chim bồ câu (Mat Mt 3:16). Sau đó Thánh Linh đưa Chúa vào sa mạc xứ Giu-đêâ cho quỉ Sa-tan cám dỗ (4:1). Chúa về xứ Ga-li-lê, đầy quyền năng Thánh Linh (LuLc 4:14), Ngài nhờ Thánh Linh để đuổi quỉ (Mat Mt 12:28). Chúa Cứu Thế đã nhờ Thánh Linh hiến dâng thân Ngài làm Sinh tế hoàn toàn cho Đức Chúa Trời (HeDt 9:14), và Ngài đã sống lại do quyền năng Thánh Linh (Ro-ma 8:11).
Chúa Cứu Thế Giê-xu hoàn thành sự cứu rỗi cho nhân loại do quyền năng Thánh Linh, ta cũng phải nhờ quyền năng Thánh Linh để công bố Phúc Âm cứu rỗi. Trước khi về trời, Chúa Cứu Thế đã cho các môn đệ biết:
“... Ta đi là ích lợi cho các con, vì nếu ta không đi, Đấng An Ủi sẽ không đến với các con. Khi ta đi, ta sẽ sai Ngài đến. Khi Ngài đến, Ngài sẽ chứng tỏ cho nhân loại biết họ lầm lạc trong tội lỗi, dìu dắt họ trở về đường công chính và giúp họ hiểu công lý của Thượng Đế. Họ lầm lạc trong tội lỗi vì không chịu tin ta. Họ trở về đường công chính vì ta dành sự công chính của ta cho họ khi ta về cùng Cha, dù lúc ấy họ không thấy mặt ta nữa. Họ hiểu được công lý của Thượng Đế khi Quỉ Vương bị hình phạt, còn họ được thoát khỏi ” (GiGa 16:7-11 BDY).
Do việc Chúa Cứu Thế Giê-xu trở về cùng Đức Chúa Cha mà Thánh Linh được ban xuống, chẳng những để làm Đấng An ủi của Cơ Đốc nhân, mà còn để cáo trách thế gian về tội lỗi, sự công bình, và sự phán xét.
Trong ngày Chúa Cứu Thế thăng thiên, Ngài dạy các môn đệ đừng vội ra khỏi thành Giê-ru-sa-lem, nhưng phải ở lại chờ đợi điều Cha đã hứa, để được mặc lấy quyền năng Thánh Linh.
“Nhưng khi Thánh Linh giáng trên các con, các con sẽ nhận được quyền năng làm chứng cho ta tại Giê-ru-sa-lem, cả xứ Giu-đêâ, xứ Sa-ma-ri, và khắp thế giới ” (Công Vụ 1:8 BDY).
Công tác truyền bá Phúc Âm được thực thi theo thứ tự này: Giê-ru-sa-lem và Giu-đêâ được nghe Phúc Âm trước nhất. Kế đến Thánh Linh cho phép cơn bắt bớ xảy ra và các tín hữu di tản khắp nơi. Phi-lip mang Phúc Âm đến cho người Sa-ma-ri, Phao-lô đem Phúc Âm khắp thế giới.
Các môn đệ vâng lời Chúa họp mặt đông đủ trong ngày lễ Ngũ Tuần. Thánh Linh được ban xuống và tất cả đều đầy dẫy Thánh Linh, bắt đầu nói những ngoại ngữ tùy theo ân tứ Thánn Linh.
Do quyền năng Thánh Linh có nhiều việc lạ lùng xảy ra. Phi-e-rơ, người đã từ chối Chúa ngày trước, bây giờ đứng lên công bố Phúc Âm. Qua quyền năng Thánh Linh, Phi-e-rơ giảng giải về sự chết và sống lại của Chúa Cứu Thế. Người nghe cảm động sâu xa, lòng họ bị cáo trách về tội lỗi mình, liền hỏi: “Chúng tôi phải làm chi?” Phi-e-rơ đáp: “Anh em phải hối cải, mỗi người phải nhân danh Chúa Giê-xu chịu báp têm để được tha tội.” Kết quả trong ngày đó “có độ ba ngàn người tin Chúa.”
Lần khác, Hội Thánh họp lại đồng lòng cầu nguyện. Khi đã cầu nguyện, Thánh Linh lần nữa thăm viếng họ, “nơi nhóm rúng động”-lễ Ngũ tuần thứ hai, và họ đi ra công bố Phúc Âm cách dạn dĩ (4:31). Nỗi lo sợ trước đây của các môn đệ đã tan biến, họ bỏ ngoài tai lời đe doạ của kẻ thù. Quyền năng nào đem lại sự thay đổi đó? Quyền năng Thánh Linh.
Khi lựa chọn các ủy viên cứu tế, Hội Thánh đầu tiên đã chọn những người được đầy dẫy Thánh Linh để ủy thác việc bàn tiệc cho họ. Nhờ vậy “Đạo Chúa phát triển mạnh. Số tín hữu tại Giê-ru-sa-lem càng ngày càng gia tăng đông đảo. Cũng có nhiều thầy tế lễ theo Đạo nữa” (6:7 BDY).
Ê-tiên-một trong bảy người được chọn-đầy dẫy Thánh Linh, làm nhiều việc kỳ diệu và phép lạ vĩ đại giữa nhân dân. Ông can đảm giảng một bài khiến cho các cấp lãnh đạo Do Thái vô cùng giận dữ. Họ nghiến răng như muốn ăn tươi nuốt sống Ê-tiên. Nhưng Ê-tiên đầy dẫy Thánh Linh ngước mặt nhìn lên trời, rồi tiếp tục giảng giải Phúc Âm. Họ gào thét, bịt tai cùng xông vào bắt Ê-tiên.
Phi-líp-một người khác trong bảy người được chọn-đầy dẫy Thánh Linh truyền giảng về Chúa Cứu Thế. Dân chúng đồng lòng lắng tai nghe ông giảng dạy, vì thấy các phép lạ ông thực hiện. Nhiều ác quỉ kêu la khi bị trục xuất. Nhiều người tê liệt, què quặt đều được chữa lành. Phi-líp cũng vâng theo sự hướng dẫn của Thánh Linh đi vào sa mạc làm chứng cho thái giám Ê-thi-ô-bi.
Sau khi gặp Chúa Cứu Thế trên đường Đa-mách, Phao-lô được đầy dẫy Thánh Linh. Đời sống người thay đổi và đến các hội trường làm chứng “Giê-xu là Chúa Cứu Thế, Con Thượng Đế!” (9:20 BDY).
Ba-na-ba là người đạo đức, đầy dẫy Thánh Linh và đức tin. “Ông dìu dắt nhiều người đến với Chúa” (11:24).
3. SỰ HƯỚNG DẪN CỦA THÁNH LINH
David Watson, trong quyển Tôi Tin Nơi Việc Chứng Đạo, đã nói về sự hướng dẫn của Thánh Linh cho việc truyền bá Phúc Âm. Theo Watson, Thánh Linh thường hướng dẫn con cái Ngài qua ba cách.
Sự Hướng Dẫn Tự Nhiên
Khi Phao-lô đến Tê-sa-lô-ni-ca, “người vào nhà hội theo thói quen mình” (17:2). Liên tiếp trong ba tuần lễ, Phao-lô giảng luận Thánh Kinh, giải thích và minh chứng Chúa Cứu Thế phải chịu thống khổ, chịu chết và sống lại (17:2-3 BDY). Do việc lên đền thờ cầu nguyện hằng ngày, Phi-e-rơ và Giăng chữa lành người què tại cửa Đẹp, kết quả có thêm 2.000 người tin Chúa. Số tín hữu tăng lên đến 5.000 (3:1-4:4). Các ví dụ trên bày tỏ sự hướng dẫn tự nhiên của Thánh Linh qua các công tác phục vụ Chúa thường ngày của chúng ta.
Sự Hướng Dẫn Qua Các Biểu Quyết Chung
Mặc dù Phao-lô và Phi-e-rơ đã thấy các khải tượng: Phúc Âm cũng được công bố cho người Do Thái lẫn ngoại bang, song hai ông vẫn tường trình lên các nhà lãnh đạo tại Giê-ru-sa-lem. Các sứ-đồ và trưởng lão họp hội nghị để cứu xét việc ấy. Họ lắng nghe Phi-e-rơ, Phao-lô và Ba-na-ba báo cáo những phép lạ và việc diệu kỳ Chúa đã dùng họ thực hiện giữa các dân tộc nước ngoài. Nghe tường trình xong, họ thảo luận, cầu nguyện rồi quyết định. Sau hội nghị đó, ai nấy tin chắc những gì đã biểu quyết đều là do Thánh Linh hướng dẫn.
Sự Hướng Dẫn Đặc Biệt
Như trường hợp Thánh Linh hướng dẫn Phi-líp vào sa-mạc để làm chứng cho thái giám Ê-thi-ô-bi. Như việc Chúa gọi A-na-nia qua một khải tượng, ban cho ông sự hiểu biết, khôn ngoan, đức tin và quyền năng để đặt tay trên mình Sau-lơ cho sáng mắt lại (9:10-19). Như việc Thánh Linh hướng dẫn Phi-e-rơ đến làm chứng cho cả nhà Cọt-nây. Công-vụ các sứ-đồ chương 13 cho thấy Hội Thánh đang thờ phượng Chúa và nhịn ăn, Thánh Linh bảo: “Hãy dành riêng Ba-na-ba và Sau-lơ cho Ta. để làm công việc ta ấn định. Sau khi nhịn ăn cầu nguyện, Hội Thánh đặt tay và tiễn hai ông lên đường” (13:2, 3 BDY). Chương 16 bày tỏ. “Thánh Linh không cho (đoàn truyền giáo của Phao-lô) giảng đạo ở Tiểu Á trong thời gian ấy” (16:6). Khi đến My-si, họ định vào xứ Bi-thi-ni “nhưng Thánh Linh của Chúa Giê-xu không cho phép” (16:7). Đêm ấy Phao-lô thầy khải tượng: “Một người Ma-xê-đoan đứng trước mặt ông van nài: xin đến xứ Ma-xê-đoan cứu giúp chúng tôi!” Bác sĩ Lu-ca viết: “Được khải tượng ấy, chúng tôi cách đi Ma-xê-đoan ngay, vì tin chắc Thượng Đế bảo chúng tôi truyền giảng Phúc Âm tại đó” (16:10DBY).
4. BÍ QUYẾT ĐƯỢC ĐẦY DẪY THÁNH LINH
Trước hết ta phải ăn năn mọi tội lỗi, vì được đầy dẫy Thánh Linh nghĩa là được Thánh Linh hướng dẫn mọi khía cạnh của đời sống. Ta không thể được Thánh Linh đầy dẫy nếu không để Ngài điều khiển mọi sự.
Thứ hai, ta phải vâng theo sự hướng dẫn của Đức Chúa Trời, Phao-lô viết trong IICo 2Cr 5:7-9, người đầy dẫy Thánh Linh dầu gặp khó khăn, vẫn muốn vâng lời Đức Chúa Trời.
Chúng ta sống nhờ đức tin chớ không nhờ mắt thấy. Chúng ta đầy tin tưởng, muốn rời bỏ thân xác này, để về nhà trên trời với Chúa là tốt hơn. Dù còn trong thân thể hay ra khỏi, chúng ta vẫn cố gắng làm vui lòng Chúa.
Bất cứ khi nào họ trả giá cho đức tin mình, thì quyền năng Thánh Linh hành động giữa họ.
Thứ ba, ta phải khao khát được đầy dẫy Thánh Linh. GiGa 7:37-39 ghi chép lời kêu gọi của Chúa Cứu Thế Giê-xu:
“Ngày chót trong kỳ lễ là ngày long trọng nhất. Chúa Giê-xu đứng lên, lớn tiếng kêu gọi: Người nào khát hãy đến với tôi mà uống. Người nào tin tôi, các mạch nước hằng sống sẽ tuôn trào không dứt trong lòng, đúng như Thánh Kinh đã chép. (Chúa ngụ ý nói về Thánh Linh mà người nào tin Ngài sẽ tiếp nhận vào lòng. Lúc ấy Thánh Linh chưa giáng xuống vì Chúa Giê-xu chưa được quang vinh )”.
Tóm lại, ta biết một người được đầy dẫy Thánh Linh, đời sống sẽ được mặc lấy quyền năng và được Ngài hướng dẫn để làm nhiều việc kỳ diệu cho Đức Chúa Trời. Hơn bao giờ hết, chứng đạo viên ngày nay trước tiên cần được Thánh Linh đầy dẫy, nhiên hậu mới có thể “đi khắp thế gian, công bố Phúc Âm cho cả nhân loại” (Mac Mc 16:15 BDY).
 PHẦN THỨ SÁU-
THỰC HÀNH CHỨNG ĐẠO

Chương I- TRÌNH BÀY PHÚC ÂM
1.-Tuyển chọn phương pháp chứng đạo
2.-Căn bản Phúc Âm
Khi trình bày Phúc Âm, ngoài các yếu tố về văn hóa, phong tục và xã hội, người truyền bá Phúc Âm cũng nên biết thêm rằng theo tập quán Việt tộc, tuổi trung niên và cao niên ít bộc lộ sự xúc động, cảm nghĩ hoặc ý kiến mình trước công chúng. Trong khi đó, giới trẻ do việc tiếp xúc rất sớm với nền văn hóa Âu Mỹ nên dễ bày tỏ tình cảm trước mặt mọi người. Kinh nghiệm cho biết, người Việt, đặc biệt là người cao tuổi, thường trì hoãn trong việc tin nhận Chúa. Chỉ sau khi được nghe Phúc Âm nhiều lần và những thắc mắc được giải đáp thoả đáng, họ mới đi đến quyết định sau cùng là tiếp nhận Chúa Cứu Thế. Thực sự này nhắc người truyền bá Phúc Âm nên kiên nhẫn trong lúc chứng đạo, và phải sẵn sàng trả lời các câu hỏi trước khi thân hữu đi đến quyết định tiếp nhận Chúa.

1. TUYỂN CHỌN PHƯƠNG PHÁP CHỨNG ĐẠO
Có nhiều phương pháp để trình bày Phúc Âm, tuy nhiên không có phương pháp nào được kể là toàn hảo. Nó luôn có ưu và khuyếât điểm. Điều quan trọng không phải là tìm kiếm một phương pháp hoàn toàn, bèn là chọn một phương pháp thích hợp cho mình và nhờ quyền năng Thánh Linh để đi ra. Trước khi chọn một phương pháp cho riêng mình, ta nên trả lời các câu hỏi sau:
Thứ nhất, phương pháp này có đặt nền tảng trên Lời Đức Chúa Trời không? Điều đó có nghĩa là ta nên xét xem nội dung của bài làm chứng có đúng với các câu Thánh Kinh đã được trưng dẫn không? Có nhiều phương pháp cũng dùng Thánh Kinh làm nền tảng, song vì bất kể văn mạch nên đã gán ép các câu gốc vào những điều Thánh Kinh không có nói. Sứ điệp Phúc Âm được ban cho ta qua Lời Đức Chúa Trời. Vậy “chúng tôi chẳng rao giảng chính mình chúng tôi, nhưng rao giảng Đức Chúa Giê-xu Christ, tức là Chúa” (IICo 2Cr 5:4).
Thứ hai, phương pháp này có đặt trọng tâm vào Chúa Cứu Thế Giê-xu chăng? Thánh Kinh bày tỏ Chúa Cứu Thế Giê-xu là trung tâm của sự cứu rỗi. Ngoài Ngài không ai có quyền năng giải cứu con người. Phi-e-rơ tuyên bố: “Chẳng có sự cứu rỗi trong đấng nào khác, vì ở dưới trời, chẳng có danh nào khác ban cho loài người, để chúng ta phải nhờ đó mà được cứu” (Công Vụ 4:12). Chúa Giê-xu là Phúc Âm, là Tin mừng. Ngài phán: “Ta là con đường, Chân lý và Nguồn sống. Nếu không nhờ ta, không ai được đến với Cha” (GiGa 14:6 BDY).
Thứ ba, phương pháp này có dễ nhớ không? Ta xét xem tài liệu có đơn giản nhưng đồng thời trình bày Phúc Âm cách đầy đủ chăng? Có nhiều phương pháp rất dài và khó nhớ; ngược lại cũng có nhiều phương pháp quá đơn giản, sơ sài, không giải thích đủ về Phúc Âm cứu rỗi.
Thứ tư, phương pháp này có dễ huấn luyện lại cho người khác không? Có gì khó chăng nếu ta đem những điều đã học huấn luyện lại cho các tín hữu trong Hội Thánh? Học viên phải dành bao nhiêu thì giờ, bao nhiêu tuần, tháng để hoàn tất? Tài liệu có dễ tìm cho việc huấn luyện chăng?
Thứ năm, hiệu quả của phương pháp này ra sao? Nếu đã theo đúng phương pháp để làm chứng cho thân hữu, họ sẽ tin Chúa không? Phương pháp này có cần nhiều thị cụ như hình ảnh, truyền đạo đơn, Thánh Kinh, các loại sách chứng đạo nhỏ... chăng? Nếu không có sẵn các thứ đó, phương pháp này có đạt được hiệu quả chăng?
2. CĂN BẢN PHÚC ÂM
Nhiều chứng đạo viên đã nêu thắc mắc này: Trước khi một thân hữu có thể trở thành Cơ Đốc nhân, lẽ thật căn bản tối thiểu về Phúc Âm người cần biết là gì? Câu hỏi trên rất khó trả lời vì Thánh Kinh không cho biết mức tối thiểu. Tuy nhiên, muốn dìu dắt một tội nhân trở thành Cơ Đốc nhân, ta phải hướng dẫn cho người đó hiểu biết ít nhất bốn lẽ thật quan trọng này:
Trước hết, mục đích của Đức Chúa Trời. Thiên Chúa là Đấng Sáng tạo muôn loài. Ngài yêu thương con người và có mục đích kỳ diệu cho đời sống con người (SaSt 1:12; GiGa 3:16).
Kế đến, nhu cầu của con người. Đức Chúa Trời dựng nên con người để thông công với Ngài. Nhưng loài người đã phản nghịch và khước từ Đức Chúa Trời (Ro-ma 3:23; EsIs 53:6). Kết quả của hành động đó là án phạt sự chết đời đời (Ro-ma 6:23).
Tiếp theo, sự cung cấp của Chúa Cứu Thế. Mặc dù con người phản nghịch, song Đức Chúa Trời vẫn yêu thương họ. Ngài đã ban Con Một của Ngài chịu chết thay cho nhân loại.
Sau cùng, sự đáp ứng của con người. Đức Chúa Trời đòi hỏi con người công nhận mình là tội nhân đáng chết mất để ăn năn, xây bỏ tội lỗi và hầu việc Ngài; đồng thời tin cậy Chúa Giê-xu làm Cứu Chúa và bước theo Ngài như là Chủ của mình (Công Vụ 2:38; GiGa 1:12).
Chương II- PHƯƠNG PHÁP CHỨNG ĐẠO CỦA C.S. LOVETT
1.- Ro-ma 3:23
2.- 6:23
3.- GiGa 1:12
4.- KhKh 3:20
5.-Nhận định về phương pháp chứng đạo của Lovett
Phương pháp chứng đạo này còn gọi là “phương pháp tấn công” do C.S. Lovett khởi xướng.
Phương pháp tấn công dựa trên sự thành tín của Thánh Linh. Ngài là Đấng làm cho việc chinh phục linh hồn trở nên dễ dàng.
Phương pháp này đặt Chúa Cứu Thế Giê-xu làm trọng tâm và nhanh chóng hướng dẫn thân hữu đến với Chúa Cứu Thế. Để thực hành nó, ta sẽ bắt dầu với ba câu hỏi.
Thứ nhất, “Bạn có thích thú với những sự việc thuộc linh không?” Tác dụng tâm lý của câu hỏi này cho thấy rất ít người trả lời là không thích thú.
Thứ hai, “Có bao giờ bạn nghĩ sẽ trở thành một Cơ Đốc nhân không?” Câu hỏi này sẽ gợi ý cho thân hữu suy nghĩ đến điều, mà có thể từ trước tới giờ, họ chưa bao giờ nghĩ qua. Đồng thời cũng nhắc rằng họ là người chưa được cứu.
Thứ ba, “Giả sử có ai hỏi bạn ‘Cơ Đốc nhân là thế nào’ bạn sẽ trả lời ra sao?” Câu hỏi này bao gồm sức mạnh tâm lý tuyệt hay, song không gây khó chịu cho thân hữu.
Sau khi hỏi các câu trên, chứng đạo viên sẽ lấy Tân Ước ra, xin phép đọc bốn câu Thánh Kinh, và giải thích cho thân hữu biết Cơ Đốc nhân là người thế nào.
1. Ro-ma 3:23
“Vì mọi người đều phạm tội, không còn phản chiếu vinh quang Thượng Đế. ”
Chứng đạo viên lúc ấy nên để cuốn Thánh Kinh trước mặt thân hữu, và nói rằng đây là cuộc thảo luận giữa họ với Thượng Đế. Khi chứng đạo viên nêu ra câu hỏi: Một người phải phạm bao nhiêu tội mới trở thành là tội nhân, thì chứng đạo viên đưa một ngón tay lên. Ngón tay đó gợi ý cho thân hữu trả lời, “Tôi nghĩ, chỉ cần phạm một tội thôi.”
2. 6:23
“Vì tiền công của tội lỗi là sự chết; nhưng tặng phẩm của Thượng Đế là đời sống vĩnh viễn trong Chúa Cứu Thế Giê-xu, Chúa chúng ta. ”
Câu này cho thân hữu biết rằng vì tội lỗi con người đã phạm nên phải chịu lấy hậu quả là sự chết. Chứng đạo viên giải thích về giá phải trả cho tội lỗi, đồng thời giới thiệu Chúa Cứu Thế Giê-xu là Đấng trả nợ tội và ban cho ta quà tặng sự sống vĩnh viễn.
3. GiGia 1:12
“Tuy nhiên, tất cả những người tiếp nhận Chúa, đều được quyền làm con cái Thượng Đế tiếp nhận Chúa là đặt niềm tin nơi Chúa. ”
Tại đây, Thượng Đế phán rằng chúng ta cần tiếp nhận Chúa Cứu Thế Giê-xu để được trở nên con cái Ngài.
4. KhKh 3:20
“Này, Ta đứng bên ngoài gõ cửa, nếu ai nghe tiếng Ta mà mở cửa ra, Ta sẽ vào. ..”
Điều nhấn mạnh ở đây là mở cửa lòng. Chứng đạo viên nhắc cho thân hữu rằng Chúa đang hiện diện trong phòng này và chuẩn bị cầu nguyện nếu thân hữu đồng ý mời Chúa Cứu Thế Giê-xu bước vào đời sống.
Trong trường hợp thân hữu chưa sẵn sàng tiếp nhận Chúa, Lovett nói là phải cố thúc bách họ quyết định. Bạn mời thân hữu cúi đầu xuống và đặt tay bạn trên vai thân hữu sẽ “tạo nên sự thúc bách tâm lý cực kỳ quan trọng.”
Sau khi cầu nguyện, bạn bảo đảm với thân hữu về sự cứu rỗi vừa mới tiếp nhận, và mời thân hữu cầu nguyện tạ ơn. Chứng đạo viên biếu cho thân hữu các sách nhỏ và ghi tên người vào danh sách chăm sóc.
5. NHẬN ĐỊNH VỀ PHƯƠNG PHÁP CHỨNG ĐẠO CỦA LOVETT
Phương pháp chứng đạo của C.S.Lovett có một số lợi điểm. Trước hết là nó dễ ghi nhớ: chỉ có ba câu hỏi và bốn câu Thánh Kinh. Tài liệu này giản dị đi kèm với những ví dụ rất hữu ích. Ta chỉ dành một đêm nghiên cứu là có thể đi ra trình bày Phúc Âm. Lovett cũng cung cấp sách huấn luyện gồm sáu bài học trong lớp. Sách này đã được phác thảo cách trình bày để các Mục sư hoặc huấn luyện viên có thể dạy học cho học viên trong sáu tuần.
Tuy nhiên, phương pháp trên cũng có nhiều điểm yếu: Lovett quá thiên về các thủ đoạn tâm lý. Phương pháp này chưa hướng dẫn đủ để thân hữu cầu nguyện tin Chúa. Thân hữu cần hiểu thêm những gì đã xảy ra. Các câu Thánh Kinh được dùng cũng quá đơn giản: chỉ có bốn câu cho cả bài làm chứng. Phương pháp này chú trọng nhiều vào lời của chứng đạo viên nói, hơn là Thánh Kinh nói.
Một thiếu sót khác cũng quan hệ không kém là lẽ đạo ăn năn. Thân hữu không được giải thích về tầm quan trọng của việc xây bỏ đường lối cũ. Lovett có đề cập đến lẽ cần của sự ăn năn, nhưng ông cho rằng khi thân hữu trở lại cùng Chúa, tự nhiên sẽ ăn năn. Phương pháp này có mục đích tốt song cách thực hành cần được cải tiến thêm. Chứng đạo viên không nhất thiết phải dùng sự thúc bách tâm lý trong việc truyền bá Phúc Âm.
Chương III- KẾ HỌACH CỨU RỖI QUA NHỮNG CÂU THÁNH KINH
1.- GiGa 3:16 (Thượng Đế là tình yêu)
2.- Ro-ma 3:23 (Tội lỗi là vấn đề nan giải)
3.- 6:23 ( Tội lỗi phải bị hình phạt)
4.- 5:8 (Chúa Cứu Thế đã gánh lấy án phạt tội lỗi)
5.- Công Vụ 4:12 (Chỉ có Chúa Cứu Thế ban ơn cứu rỗi)
6.- KhKh 3:20 (Chúa Cứu Thế đang chờ đợi bạn tiếp nhận Ngài)
7.- GiGa 1:12 (Bạn phải tiếp nhận Chúa Cứu Thế cách cá nhân)
8.-Nhận định về phương pháp “Kế Họach Cứu Rỗi Qua Những Câu Thánh Kinh”
Phương pháp này sử dụng 7 câu Thánh Kinh để làm thành dàn bài về kế họach cứu rỗi của Thượng Đế. Mỗi câu Thánh Kinh bày tỏ một chủ đề.
Để thực hành phương pháp chứng đạo trên, ta mở đầu bằng cuộc chuyện trò về các vấn đề trong đời sống hằng ngày; sau đó chuyển qua vấn đề thuộc linh hay tôn giáo. Ta có thể chuyển tiếp với các câu hỏi như: “Có bao nhiều nhà thờ trong khu vực bạn ở?” hoặc “Bạn thích chương trình nào nhất trên đài truyền hình?” Câu hỏi kế tiếp, “Bạn có bao giờ xem chương trình tôn giáo lần nào trên truyền hình chưa?” để cho thân hữu trả lời.
Sau đó ta nói tiếp: “Con người có rất nhiều quan điểm và niềâm tin, trong số đó có một vài quan điểm thật thích thú. Giả định có ai hỏi bạn ‘Thế nào là một Cơ Đốc nhân?’ bạn sẽ trả lời ra sao?” Câu hỏi trên giúp ta biết được người ấy đã tin Chúa hay chưa. Khi biết họ chưa tin Chúa, ta sẽ nói tiếp: “Thật là thích thú khi nhiều người có cùng niềm tin giống nhau. Nếu bạn cho một ít thì giờ, tôi muốn chia sẻ với bạn niềm tin của tôi. Niềm tin ấy đặt nền tảng trên lời của Thượng Đế là Thánh Kinh. Tôi đã chọn ra 7 câu để nói cho bạn biết về kế họach cứu rỗi diệu kỳ của Thượng Đế dành cho bạn và tôi. Kế họach đó bắt đầu với tình thương yêu của Thượng Đế.” Rồi hỏi, “Tôi có thể chia sẻ tin mừng ấy cho bạn chứ?” Khi thân hữu đồng ý, ta sẽ nói: “Câu Thánh Kinh đầu tiên tỏ bày cho chúng ta biết Thượng Đế là tình yêu.” Chứng đạo viên trưng dẫn GiGa 3:16. Rồi chứng đạo viên giải thích ý nghĩa câu đó bằng lời của chính mình. Sau đó qua câu thứ hai, “Nhưng tội lỗi là vấn đề nan giải” và cứ tiếp tục như thế cho đến hết dàn bài 7 câu. Dưới đây là dàn bài vắn tắt:
1. THƯỢNG ĐẾ LÀ TÌNH YÊU (3:16)
“Vì Thượng Đế yêu thương nhân loại đến nỗi hy sinh Con Một của Ngài, để tất cả những người tin nhận Con Thượng Đế đều không bị hư vong nhưng được sự sống vĩnh viễn. ”
Thượng Đế yêu thương chúng ta và dựng nên chúng ta như là những đối tượng của tình yêu Ngài. Thượng Đế là thần linh (4:24) nên tạo dựng con người có phần tâm linh để con người được sự tương giao thuộc linh với Ngài (SaSt 1:26-28; 2:7). Thượng Đế chẳng những ban cho chúng ta sự sống sung mãn mà còn ban cho sự sống vĩnh viễn.
2. TỘI LỖI LÀ VẤN ĐỀ NAN GIẢI (Ro-ma 3:23)
“Vì mọi người đều phạm tội, không còn phản chiếu vinh quang Thượng Đế. ”
Chúng ta là tội nhân do bản tính, do sự chọn lựa và do thói quen. Vì A-đam, tội lỗi đã xâm nhập thế gian. Thánh Kinh chép: “Chẳng có một người nào công chính, dù chỉ một người thôi. Chẳng có ai hiểu biết Thượng Đế, không ai tìm kiếm Ngài. Mọi người đều trở mặt, đi vào đường lầm lạc. Chẳng một ai làm lành, dù một người cũng không” (3:10-12; 5:12). Do “sự gian ác các ngươi làm xa cách mình với Đức Chúa Trời; và tội lỗi các ngươi đã che khuất mặt Ngài khỏi các ngươi, đến nỗi Ngài không nghe các ngươi nữa” (EsIs 59:2).
3. TỘI LỖI PHẢI BỊ HÌNH PHẠT (Ro-ma 6:23)
“Vì tiền công của tội lỗi là sự chết. ..”
Bản tính công bình và Thánh khiết của Thượng Đế đòi hỏi Ngài phải hình phạt tội lỗi (SaSt 2:17; Exe Ed 18:4). Chúng ta phạm tội với Thượng Đế do lòng cứng cõi và sự không vâng phục, và đã “chết vì lầm lỗi và tội ác mình” (Eph Ep 2:1). Nếu cứ tiếp tục sống trong tội lỗi “sẽ bị hình phạt đời đời trong địa ngục” (IITe 2Tx 1:9).
4. CỨU THẾ ĐÃ GÁNH LẤY ÁN PHẠT TỘI LỖI (Ro-ma 5:8)
“Nhưng Thượng Đế đã chứng tỏ tình yêu thương Ngài đối với chúng ta, khi Chúa Cứu Thế chịu chết thay chúng ta là người tội lỗi. ”
Con người không giải quyết được vấn đề tội lỗi, cũng chẳng thể nhờ công đức để được hòa thuận với Thượng Đế (Tit Tt 3:5-7; Eph Ep 2:8, 9). Tuy nhiên Thượng Đế thi thố lòng yêu thương cách đặc biệt: khi chúng ta còn đang sống trong tội lỗi, Chúa Cứu Thế theo đúng kỳ hẹn đã chết vì chúng ta. Nhờ ân phúc dồi dào đó, chúng ta được cứu chuộc và tha tội. Chúa Cứu Thế cũng đã từ kẻ chết sống lại để chứng tỏ Ngài có quyền cứu rỗi chúng ta, đồng thời ban cho người tin Ngài quyền năng đắc thắng tội lỗi và sự chết (Eph Ep 1:7; IICo 2Cr 5:21; CoCl 1:13-14; IPhi 1Pr 2:24, 25).
5. CHỈ CÓ CHÚA CỨU THẾ BAN ƠN CỨU RỖI (Công Vụ 4:12)
“Ngoài Chúa Cứu Thế Giê-xu không ai có quyền năng cứu rỗi con người, vì dưới bầu trời này, chúng ta không thể kêu cầu danh nào khác để được cứu rỗi. ”
Đức tin để được cứu là đức tin nơi Chúa Cứu Thế Giê-xu. Ngài là con đường, Chân lý và Nguồn sống (GiGa 14:6). Nếu không nhờ Ngài không ai được đến với Đức Chúa Cha. Vậy chúng ta được cứu nhờ ân phúc Thượng Đế, do đức tin nơi Chúa Cứu Thế. Đây là một tặng phẩm của Thượng Đế, chứ không phải là kết quả của công đức chúng ta.
6. CHÚA CỨU THẾ ĐANG CHỜ BẠN TIẾP NHẬN NGÀI (KhKh 3:20)
“Này, Ta đứng bên ngoài gõ cửa, nếu ai nghe tiếng Ta mà mở cửa ra, Ta sẽ vào. ..”
Chúa Cứu Thế đang đứng ngoài cửa lòng bạn. Ngài chờ bạn ăn năn và mời Ngài bước vào để làm Chúa và Chủ của đời bạn.
7. BẠN PHẢI TIẾP NHẬN CHÚA CỨU THẾ CÁCH CÁ NHÂN (GiGa 1:12)
“Tuy nhiên, tất cả những người tiếp nhận Chúa đều được quyền làm con cái Thượng Đế tiếp nhận Chúa là đặt niềm tin nơi Chúa. ”
Tiếp nhận Chúa Cứu Thế vào đời sống như là Chúa và Chủ của mình, nghĩa là đặt đức tin và niềm cậy trông duy nhất vào Ngài để được cứu rỗi. Khi ấy bạn sẽ được “sanh lại”, được “sanh bởi Thánh Linh” vào gia đình Thượng Đế. Bạn sẽ trở thành con người mới và được phục hòa với Thượng Đế (IICo 2Cr 5:17, 18). Đồng thời bạn nhận được chứng cớ của sự cứu rỗi-chứng ấy tức là Thượng Đế đã ban sự sống đời đời cho chúng ta (IGi1Ga 5:11-13).
Sau hết là giờ quyết định. Nếu thân hữu bằng lòng tiếp nhận Chúa, chứng đạo viên sẽ hướng dẫn người cầu nguyện tín thác. Chứng đạo viên sẽ cầu nguyện trước, rồi mời thân hữu lặp lại từng câu ngắn. Sau lời cầu nguyện, ta hoan nghênh họ vào đại gia đình của Chúa Cứu Thế. Đồng thời mời họ đọc một trong ba câu Thánh Kinh này: GiGa 5:24; 6:47 hoặc IGi1Ga 5:11-13 kèm theo lời giải thích để bảo đảm cho họ biết đã được cứu rỗi.
Dưới đây là phần khải đạo ngắn, trích từ tập sách nhan đề “Khải Đạo Tân Tín Hữu”
Sự Quyết Định Cá Nhân
Bạn có thể nói chuyện với Thượng Đế ngay lúc này về sự cứu rỗi của bạn qua sự cầu nguyện. Hãy thưa với Ngài rằng bạn biết mình là một tội nhân cần được sự tha thứ, nói với Ngài rằng bạn tin Chúa Cứu Thế Giê-xu đã chết thay để trả án phạt cho tội lỗi của bạn. Cũng hãy thưa với Ngài rằng bạn ăn năn tội lỗi và muốn mời Ngài bước vào đời sống để làm Chúa và Chủ.
Nếu đây là sự quyết định của bạn, xin bạn lặp lại theo tôi lời cầu nguyện ấy.
Lời Cầu Nguyện Tín Thác
“Lạy Cha, con biết con là một tội nhân cần được sự tha thứ; con tin rằng Chúa Cứu Thế Giê-xu đã chịu chết thay, để trả án phạt cho tội lỗi của con. Con ăn năn và xây bỏ tội lỗi. Giờ này con mời Ngài bước vào đời sống để làm Cứu Chúa của cá nhân con. Nhờ ân phúc của Thượng Đế, con muốn bước theo và vâng phục Ngài như là Chủ của cuộc đời con”.
Khải đạo tân tín hữu
Thánh Kinh tuyên bố: “Tất cả những người kêu cầu Danh Chúa đều được cứu rỗi” (Ro-ma 10:13 BDY). Ngay lúc tiếp nhận Chúa, bạn nhận được những điều kỳ diệu sau đây: Chúa Cứu Thế Giê-xu bước vào đời sống bạn (KhKh 3:20; CoCl 1:27); tội lỗi bạn được tha thứ (1:14); bạn trở nên con cái Thượng Đế (GiGa 1:12) bạn được thừa hưởng cơ nghiệp phước hạnh của Thượng Đế (Ro-ma 8:16, 17) bạn được sự sống đời đòi (GiGa 3:16; 5:24; 6:47; 5:12, 13).
Đừng tin cậy nơi cảm giác, vì nó sẽ thay đổi; nhưng hãy tin cậy Thượng Đế và lời hứa của Ngài. Để luôn có đời sống tin cậy Thượng Đế, bạn nên thực hành các việc này: cầu nguyện hằng ngày, đọc Kinh Thánh, làm chứng, và lớn lên trong Chúa Cứu Thế qua quyền năng của Đức Thánh Linh. Hãy trở thành thuộc viên của Hội Thánh, nhận lễ báp têm, thờ phượng, thông công và phục vụ Chúa.
8. NHẬN ĐỊNH VỀ PHƯƠNG PHÁP “KẾ HỌACH CỨU RỖI QUA NHỮNG CÂU THÁNH KINH”
Phương pháp chứng đạo “Kế họach Cứu Rỗi Qua Những Câu Thánh Kinh” cũng tương tự như phương pháp Lovett song có nhiều ưu điểm hơn. Nó khai triển Phúc Âm khá đầy đủ và chương trình trình chăm sóc chu đáo hơn.
Về điểm yếu của phương pháp này thì cũng giống như của Lovett, ngoại trừ không sử dụng thủ đoạn tâm lý.
Chương IV- BỐN ĐỊNH LUẬT THUỘC LINH CỦA BILL BRIGHT
1.-Định luật một                                                         
2.-Định luật hai
3.-Định luật ba
4.-Định luật buốn
5.-Phương pháp sử dụng tài liệu “Bốn định Luật Thuộc Linh”
6.-Nhận định về phương pháp “Bốn Định Luật Thuộc Linh”
Một trong những người góp phần quan trọng cho việc truyền bá Phúc Âm và huấn luyện cá nhân chứng đạo trong nhiều năm qua là Tiến sĩ Bill Bright và chiến dịch Campus Crusade for Christ của ông. Chiến dịch này đã họat động rất nhiều nơi tại Hoa Kỳ và khắp thế giới. Mục tiêu của Bright là giúp thế hệ này thực thi mạng lịnh trọng yếu của Chúa Cứu Thế.
Bill Bright tu học tại các Chủng viện Thần học Princeton và Fuller để trang bị cho chức vụ hầu việc Chúa. Trong năm cuối ở Chủng viện Fuller. Thánh Linh đặt gánh nặng về những linh hồn hư mất trong các đại học trên vai ông. Bright vâng lời Chúa đi ra truyền bá Phúc Âm. Hiện nay ông có hàng ngàn nhân viên cộng tác để thi hành chức cụ cao quý này. Bright tin tưởng vào việc cá nhân chứng đạo ngay từ lúc mới tiếp nhận Chúa. Quyển sách nhỏ “Bốn Định Luật Thuộc Linh” là phương pháp chứng đạo ông dùng trong nhiều năm, và tính đến nay nó đã được ấn hành trên 100 triệu quyển. Sau đây là những lẽ thật Thánh Kinh giải dị được trình bày dưới hình thức Bốn Định Luật Thuộc Linh.
Vũ trụ hữu hình bị chi phối bởi những định luật vật lý; cũng vậy có những định luật thuộc linh chi phối sự tương quan giữa bạn và Thượng Đế.
1. ĐỊNH LUẬT MỘT
THƯỢNG ĐẾ THƯƠNG YÊU BẠN VÀ ĐÃ HOẠCH ĐỊNH MỘT CHƯƠNG TRÌNH KỲ DIỆU CHO ĐỜI SỐNG BẠN.
Tình Thương Yêu Của Thượng Đế
“Vì Thượng Đế yêu thương nhân loại đến nỗi hy sinh Con Một của Ngài, để tất cả những người tin nhận Con Thượng Đế đều không bị hư vong nhưng được sự sống vĩnh viễn ” (GiGa 3:16 BDY).
Chương Trình Của Thượng Đế
“Ta đến để đem lại sự sống sung mãn ” (10:10 BDY).
2. ĐỊNH LUẬT HAI
CON NGƯỜI PHẠM TỘI VÀ BỊ PHÂN CÁCH VỚI THƯỢNG ĐẾ NÊN KHÔNG THỂ HIỂU BIẾT CÙNG KINH NGHIỆM ĐƯỢC TÌNH YÊU VÀ CHƯƠNG TRÌNH CỦA THƯỢNG ĐẾ ĐỐI VỚI ĐỜI SỐNG MÌNH.
Con Người Là Tội Lỗi
“Vì mọi người đều phạm tội, không còn phản chiếu vinh quang Thượng Đế ” (Ro-ma 3:23 BDY).
Con người được dựng nên để tương giao với Thượng Đế, nhưng vì lòng cứng cỏi ngoan cố, con người đã chọn lấy ý riêng của mình, do đó sự tương giao với Thượng Đế bị gián đoạn. Ý riêng ấy, thể hiện qua sự phản loạn tích cực hoặc qua thái độ hững hờ tiêu cực là bằng chứng của điều mà Thánh Kinh gọi là tội lỗi.
Con Người Bị Phân Cách
“Vì tiền công của tội lỗi là sự chết, nhưng tặng phẩm của Thượng Đế là đời sống vĩnh viễn trong Chúa Cứu Thế Giê-xu, Chúa chúng ta ” (6:23 BDY).
Thượng Đế Thánh khiết còn loài người tội lỗi. Một vực sâu phân cách hai bên. Con người cố gắng liên tục vươn lên Thượng Đế, mong được đời sống phong phú do các nổ lực của mình, như nếp sống Thánh thiện, đạo đức, triết học, v.v....
3. ĐỊNH LUẬT BA
CHÚA CỨU THẾ GIÊ-XU LÀ GIẢI PHÁP DUY NHẤT CỦA THƯỢNG ĐẾ ĐỐI VỚI TỘI LỖI CỦA LOÀI NGƯỜI. NHỜ CHÚA CỨU THẾ GIÊ-XU BẠN CÓ THỂ NHẬN BIẾT CÙNG KINH NGHIỆM TÌNH YÊU VÀ CHƯƠNG TRÌNH CỦA THƯỢNG ĐẾ ĐỐI VỚI ĐỜI SỐNG BẠN.
Chúa Cứu Thế Giê-xu Đã Chết Thay Cho Chúng Ta
“Nhưng Thượng Đế đã chứng tỏ tình yêu thương Ngài đối với chúng ta, khi Chúa Cứu Thế chịu chết thay chúng ta là người tội lỗi ” (Ro-ma 5:8 BDY).
Chúa Cứu Thế Giê-xu Là Con Đường Duy Nhất
“Ta là Con đường, Chân lý và Nguồn sống. Nếu không nhờ ta, không ai được đến với Cha ” (GiGa 14:6 BDY).
Thượng Đế nối liền vực sâu ngăn cách chúng ta với Ngài bằng cách sai Con Ngài là Chúa Cứu Thế Giê-xu chịu chết trên thập giá để thay thế cho chúng ta.
4. ĐỊNH LUẬT BỐN
MỖI NGƯỜI CHÚNG TA PHẢI ĐÍCH THÂN TIẾP NHẬN CHÚA GIÊ-XU LÀM CỨU CHÚA CỦA RIÊNG MÌNH, NHIÊN HẬU CHÚNG TA MỚI CÓ THỂ HIỂU BIẾT CÙNG KINH NGHIỆM TÌNH YÊU VÀ CHƯƠNG TRÌNH CỦA THƯỢNG ĐẾ ĐỐI VỚI CUỘC ĐỜI CHÚNG TA.
Chúng Ta Phải Tiếp Nhận Chúa Cứu Thế Giê-xu
“Tuy nhiên tất cả những người tiếp nhận Chúa đều được quyền làm con cái Thượng Đế -tiếp nhận Chúa là đặt niềm tin nơi Chúa ” (1:12 BDY).
Chúng Ta Phải Tiếp Nhận Chúa Cứu Thế Giê-xu Qua Đức Tin
“Vậy anh em được cứu rỗi nhờ ân phúc Thượng Đế, do đức tin nơi Chúa Cứu Thế. Đây là một tặng phẩm của Thượng Đế, chứ không do anh em. Không phải là kết quả của công đức anh em, nên chẳng ai có thể khoe khoang ” (Eph Ep 2:8-9 BDY).
Chúng Ta Tiếp Nhận Chúa Cứu Thế Giê-xu Bằng Cách Đích Thân Mời Ngài
“Này, Ta đứng bên ngoài gõ cửa, nếu ai nghe tiếng ta mà mở cửa ra. Ta sẽ vào. ..” (KhKh 3:20 BDY).
Tiếp nhận Chúa Cứu Thế Giê-xu bao hàm việc từ bỏ bản ngã để quay về cùng Thượng Đế, tin cậy Chúa Cứu Thế Giê-xu, mời Ngài ngự vào đời sống chúng ta, xin Ngài tha thứ tội lỗi và biến cải chúng ta theo ý muốn Ngài. Nếu chỉ lấy lý trí tán đồng những điều Ngài phán, hoặc chỉ kinh nghiệm bằng tình cảm thì chưa đủ.
5. Phương pháp sử dụng tài liệu “Bốn định luật thuộc linh”
Hai vòng tròn dưới đây tiêu biểu cho hai hạng đời sống:
* ĐỜI SỐNG DO BẢN NGÃ LÀM CHỦ
+ Bản ngã hay cái tôi ngồi trên ngai
+ Chúa Cứu Thế Ở bên ngoài đời sống
+ Những sở thích dưới quyền điều khiển của cái tôi, kết quả thường là hỗn loạn và thất vọng
* ĐỜI SỐNG DO CHÚA CỨU THẾ LÀM CHỦ
+ Chúa Cứu Thế ngồi trên ngai của đời sống
+ Bản ngã (cái tôi) bị hạ bệ
+ Những sở thích đặt dưới quyền điều khiển của Thượng Đế vô hạn, kết quả là sự hoà hợp chương trình của Thượng Đế
Vòng tròn nào tượng trưng cho đời sống bạn đúng nhất?
Bạn muốn vòng tròn nào tượng trưng cho đời sống mình?
Phần dưới đây giải thích cho bạn biết cách tiếp nhận Chúa Cứu Thế:
Bạn Có Thể Tiếp Nhận Chúa Cứu Thế Giê-xu Ngay Bây Giờ Bằng Sự Cầu Nguyện
Thượng Đế biết rõ tấm lòng bạn. Ngài quan tâm đến thái độ bên trong của bạn hơn là lời nói bên ngoài. Vậy bạn cứ dạn dĩ cầu nguyện đại để như vầy:
“Lạy Chúa Giê-xu, con cần đến Ngài. Con xin mở cửa cuộc đời con để tiếp nhận Ngài làm Cứu Chúa và Chủ của con. Con cám ơn Ngài đã tha tội cho con. Xin Chúa ngự trị trên ngai của đời sống con. Xin Ngài biến cải con trở thành con người Chúa muốn ”.
Lời cầu nguyện trên đây có bày tỏ được nguyện vọng của lòng bạn chăng? Nếu có, xin bạn hãy cầu nguyện những lời ấy ngay giờ này, và Chúa Cứu Thế Giê-xu sẽ ngự vào đời sống bạn, như lời Ngài đã hứa.
Làm Thế Nào Để Biết Chúa Cứu Thế Giê-xu Có Ngự Trong Đời Sống Bạn?
Bạn đã tiếp nhận Chúa Cứu Thế Giê-xu vào đời sống của bạn chưa? Theo lời Chúa hứa trong KhKh 3:20, bây giờ Chúa Cứu Thế Giê-xu đang ở đâu đối với bạn? Ngài đã hứa rằng sẽ ngự vào đời sống bạn. Chúa có nói sai với bạn không? Bạn căn cứ trên quyền nào để biết rằng Thượng Đế đã nhậm lời cầu nguyện của bạn? (Nhờ sự thành tín và Lời phán của Ngài).
Thánh Kinh Hứa Ban Sự Sống Đời Đời Cho Mọi Người Tiếp Nhận Chúa Giê-xu
“Thượng Đế tuyên bố Ngài và Chúa Cứu Thế là Nguồn sống. Ai tiếp nhận Con Thượng Đế mới có sự sống. Ai khước từ Con Thượng Đế làm sao có sự sống được? Tôi viết điều đó để anh em biết rõ nhờ tin Con Thượng Đế mà anh em được sống vĩnh viễn ” (IGi1Ga 5:11-13 BDY).
Hãy thường thường tạ ơn Chúa, vì Ngài ngự trong đời sống bạn và sẽ chẳng bao giờ lìa bỏ bạn (HeDt 13:5). Ngay chính giờ phút bạn căn cứ trên lời Chúa hứa để mời Ngài ngự vào lòng bạn, bạn có thể biết chắc Chúa đã làm điều đó và bạn có sự sống vĩnh cửu. Chúa không lừa dối bạn đâu.
Đừng Tin Cậy Nơi Cảm Giác
Thẩm quyền của chúng ta là lời hứa của Thánh Kinh, chớ không phải là những cảm giác. Cơ Đốc nhân sống bởi đức tin nơi Thượng Đế và lời phán của Ngài.
Giờ Đây Bạn Đã Tiếp Nhận Chúa Cứu Thế Giê-xu
Ngay lúc bạn bởi đức tin tiếp nhận Chúa Cứu Thế Giê-xu, có nhiều việc xảy ra:
Chúa Cứu Thế ngự vào đời sống bạn (KhKh 3:20; CoCl 1:27).
Mọi tội lỗi của bạn được tha thứ (1:14).
Bạn trở nên con cái của Thượng Đế (GiGa 1:12).
Bạn bắt đầu một cuộc phiêu lưu quan trọng mà chính vì mục đích nầy Thượng Đế tạo dựng nên bạn (10:10; IICo 2Cr 5:17; ITe1Tx 5:18).
Những Đề Nghị Giúp Cho Cơ Đốc Nhân Trưởng Thành
Sự tăng trưởng thuộc linh là kết quả của lòng tin cậy Chúa Cứu Thế Giê-xu. “Người công bình sẽ sống bởi đức tin.” (GaGl 3:11). Một đời sống đầy đức tin sẽ giúp bạn mỗi lúc càng thêm tin cậy Đức Chúa Trời trong mọi chi tiết nhỏ nhặt của đời sống mình và giúp bạn thực hành những điều sau đây:
Đến với Thượng Đế qua sự cầu nguyện hằng ngày (GiGa 15:7).
Đọc Lời Thượng Đế mỗi ngày, bắt đầu với Phúc Âm Giăng (Công Vụ 7:11).
Vâng phục Thượng Đế từng giây phút (GiGa 14:21).
Làm chứng về Chúa Cứu Thế bằng chính nếp sống và lời nói của bạn (Mat Mt 4:19).
Tin cậy Thượng Đế trong từng chi tiết của cuộc sống bạn (IIPhi 2Pr 5:7).
Để cho Đức Thánh Linh điều khiển cuộc đời và ban quyền năng cho đời sống cùng sự làm chứng hằng ngày của bạn (GaGl 5:16, 17; Công Vụ 1:8).
Tầm Quan Trọng Của Một Giáo Hội Đầy Ơn
HeDt 10:25 khuyến cáo chúng ta “chớ bỏ sự nhóm lại...” Nhiều thanh củi nhúm lại sẽ cháy sáng, nếu gác một thanh lên lò sưởi lạnh, lửa sẽ tắt ngay. Mối tương quan giữa bạn và các tín hữu khác cũng như thế. Nếu bạn chưa gia nhập một Hội Thánh, xin đừng đợi người ta đến mời bạn. Hãy giành phần chủ động; hãy đến thăm vị mục sư của Hội thánh gần nhà bạn, nếu Hội thánh đó tôn thờ Chúa Cứu Thế Giê-xu và giảng dạy Lời Thánh Kinh. Hãy bắt đầu từ tuần nầy và đặt chương trình đi nhóm đều đặn.
5. NHẬN ĐỊNH VỀ “BỐN ĐỊNH LUẬT THUỘC LINH”
Phương pháp chứng đạo “Bốn định luật thuộc linh” có nhiều lợi điểm. Trước hết là nó dễ thực hành. Chỉ cần biết đọc chữ thì có thể thực hành phương pháp nầy. Trong lúc trình bày Phúc Âm chứng đạo viên sẽ cầm sách đọc và giải thích cho thân hữu.
Tiến sĩ Bright là người chủ trương huấn luyện tín hữu biết sống đời sống Cơ Đốc và truyền bá Phúc Âm. Quyển sách huấn luyện nhan đề “Chia Sẻ Sự Sống Dư Dật” (“Sharing the Abundant life”) là cẩm nang hướng dẫn từ từ từng bước về phương pháp chứng đạo Bốn Định Luật Thuộc Linh. Sách huấn luyện đó chứa đựng nhiều tài liệu hữu ích như: động cơ thúc đẩy truyền bá Phúc Âm, trả lời câu hỏi, khai triển lời chứng, hướng dẫn việc chăm sóc, và thế nào để đưa tân tín hữu vào nếp sống Cơ Đốc. Sách huấn luyện trên có thể đặt mua tại Campus Crusade for Christ International Arrowhead Springs San Bernardino, CA 92414. Sách này có thể dùng để dạy tại Hội Thánh địa phương trong bốn hoặc năm buổi tối. Nếu huấn luyện tại gia thì có thể kéo dài lâu hơn.
“Để đạt được hiệu quả trong chức vụ cho Chúa Cứu Thế ta phải có trình độ thuộc linh cao”. Người Cơ Đốc phải liên tục học hỏi về phương pháp chia sẻ Phúc Âm. Không có đường tắt cho chứng đạo viên, tuy nhiên quyển sách nhỏ nầy sẽ giúp cho Cơ Đốc nhân mau chóng biết cách làm chứng về Chúa.
Lợi điểm kế tiếp là sự kết quả đầy khích lệ của phương pháp nầy. Hàng chục ngàn người đã được hóan cải khi Thánh Linh ứng dụng Bốn Định Luật Thuộc Linh vào nhu cầu tâm linh của họ. Các lẽ đạo Thánh Kinh và Thần học trong sách nhỏ nầy rất vững chải đặt nền tảng trên các câu Thánh Kinh quen thuộc. Khi sử dụng sách nhỏ Bốn Định Luật Thuộc Linh sẽ tạo nên thân thiện giữa vòng chứng đạo viên và thân hữu mà không cần phải ép buộc hoặc thúc bách. Phương pháp này có thể dùng để chứng đạo tư gia, tại tiệm ăn, tại các cuộc gặp gỡ công cộng hoặc riêng tư. Nhiều tín hữu đã làm chứng nhân lúc người ta dừng đổ xăng.
Phương pháp Bốn Định Luật Thuộc Linh mở đầu với lời khẳng định tích cực “Đức Chúa Trời thương yêu bạn” theo các câu Thánh Kinh và ví dụ minh họa giúp cho chứng đạo viên làm chứng cách tự tin vì biết sẽ nói gì. Phần trình bày cứ tiếp tục theo sát chủ đề và dẫn đến dịp tiện cho sự quyết định. Ngoài ra, tài liệu nầy cũng cung cấp sự nuôi dưỡng tân tín hữu qua các đề nghị về sự tăng trưởng thuộc linh như cầu nguyện hằng ngày, đọc Thánh Kinh, làm chứng, sự hướng dẫn của Thánh Linh, đi lễ thờ phượng và phục vụ Chúa.
Lợi điểm sau cùng của phương pháp nầy, là chú trọng đến công tác của Đức Thánh Linh. Đức Chúa Trời ban phước cho phương pháp nầy vì nó chứa đựng Phúc Âm cứu rỗi và quyền năng của Thánh Linh. “Chúng tôi nhắc nhở họ (các học viên) rằng sự thành công trong việc chứng đạo là chia sẻ về Chúa Giê-xu trong quyền năng Thánh Linh.
Căn bản tất cả sự huấn luyện của chúng tôi là nhấn mạnh về chức vụ của Thánh Linh. Bạn còn nhớ Chúa Giê-xu bảo các môn đệ hãy đi khắp thế gian công bố Phúc Âm. Nhưng đồng thời Ngài căn dặn họ chờ đợi trong thành Giê-ru-sa-lem cho đến khi mặc lấy quyền năng từ trên cao. Phao-lô khuyên Hội Thánh tại Ê-phê-sô và tấy cả các tín hữu trải qua mọi thời đại bao gồm thế hệ chúng ta, là hãy đầy dẫy Đức Thánh Linh.85
Tiến sĩ Bill Bright đã đóng góp một công tác lớn lao cho các Cơ Đốc nhân toàn thế giới do việc khai triễn một phương pháp chứng đạo hiệu quả và huấn luyện con dân Chúa cách thực hành phương pháp ấy.
Tuy nhiên, phương pháp trên cũng có vài điểm yếu. Trước hết là việc trình bày Phúc Âm bằng cách cầm sách Bốn Định Luật Thuộc Linh đọc cho thân hữu nghe, giống như đọc những công thức. Các công thức hoặc định luật in sẵn nầy nói lên tính cách máy móc của phương pháp và có thể đánh mất sự hướng dẫn của Thánh Linh. Phương pháp trên cũng không nhấn mạnh về sự ăn năn. Cách trình bày Phúc Âm đó quá đơn giản, và những câu hỏi về lai thế không được giải đáp.
Chương V- NỖ LỰC TRUYỀN BÁ PHÚC ÂM CỦA D. JAMES KENNEDY
1.-Lời mở đầu
2.-Phúc Âm
3.-Sự tín thác
4.-Chăm sóc trực tiếp
5.-Trình bày Phúc Âm vắn tắt
6.-Nhận định về phương pháp "Nỗ Lực Truyền Bá Phúc Âm"
Nỗ Lực Truyền Bá Phúc Âm là chương trình cá nhân chứng đạo được bắt đầu tại Hội Thánh Trưởng lão Coral Ridge ở Fort Lauderdale, Florida do Mục sư Tiến sĩ James Kennedy quản nhiệm. Hội Thánh đã tăng trưởng từ 17 người đến hơn 7.000 hội viên trong 14 năm.86 Sự tăng trưởng lạ lùng đó không do tài giảng thuyết hùng hồn trên tòa giảng bèn là do chương trình giáo dân chứng đạo.
Câu chuyện bắt đầu với cuộc đời của vị Mục sư quản nhiệm D. James Kennedy trước kia chẳng phải là nhà truyền giảng Phúc Âm nhưng là người quản lý của khiêu vũ trường Arthur Murray. Ngày nọ chiếc máy thu thanh có gắn đồng hồ của Kennedy làm cho ông tỉnh ngộ trước câu hỏi của nhà truyền giảng Donald Gray Barnhouse: "Giả sử bạn qua đời đêm nay và đứng trước mặt Thượng Đế. Ngài hỏi bạn rằng: 'Tại sao ta cho con vào Thiên đàng?' Bạn sẽ thưa với Chúa thế nào?" Câu hỏi đó khiến cho Kennedy suy nghĩ đến số phận đời đời của ông và thúc đẩy ông tiếp nhận Chúa Cứu Thế.
Khi tốt nghiệp Chủng viện Thần học Columbia năm 1959, Kenedy được mời làm Mục sư của Hội Thánh Trưởng lão Corai Ridge. Sau một năm số tín hữu từ 45 người giảm xuống còn 17 người. Để cứu vãn tình trạng đó, Kennedy tiến hành chương trình thăm viếng. Tuy nhiên, với bản tính nhút nhát cố hữu cộng thêm việc không biết cách làm chứng về Chúa, chương trình thăm viếng ấy đã thất bại .
Giữa lúc Kennedy thất vọng và nghi ngờ về sự kêu gọi của chức vụ mình, ông nhận được thư của Mục sư Ken Smartt mời ông đến hầu việc Chúa cho chiến dịch truyền giảng mười ngày. Khi đến nơi Kennedy mới biết chương trình được chia như sau: ban ngày đi từ nhà này sang nhà khác thăm viếng và làm chứng, ban đêm truyền giảng, Kennedy viết:
Tôi sợ điếng hồn vì biết mình không có khả năng để làm việc đó. Tuy nhiên sáng hôm sau, chúng tôi ra đi. Sau chừng nửa giờ với những cố gắng vấp váp của tôi, ông Mục sư bèn tiếp tục cuộc đối thoại và chỉ trong 15 hay 20 phút sau đã dẫn người ấy đến với Chúa Cứu Thế.
Sau chiến dịch mười ngày ấy, Kennedy đã học được phương cách dắt đưa người hư mất về với Chúa Cứu Thế. Kinh nghiệm đó đánh dấu sự thay đổi quan trọng trong chức vụ hầu việc Chúa của ông.
Trở về Coral Ridge, Kennedy bắt đầu đi làm chứng và thu gặt kết quả thật khích lệ. Ngay sau đó, ông nhận ra rằng dù đã hết sức cố gắng nhưng ông chỉ đi thăm và làm chứng được một ít người. Vì thế Kennedy nghĩ đến việc huấn luyện tín hữu cho công tác truyền bá Phúc Âm. Tại chỗ này, ông học được một nguyên tắc quan trọng khác cho việc huấn luyện và nó đã trở thành nguyên tắc căn bản cho chương trình Nỗ Lực Truyền Bá Phúc Âm. Kennedy viết:
Tôi làm một việc khờ dại như hàng ngàn người khác đã làm: tôi tổ chức một lớp học về chứng đạo. Tôi dạy họ sáu bài học và thúc giục các học viên đi ra. Họ thảy đều trở về kinh hoảng! Tôi chờ vài tháng và thử thêm lần nữa. Lần này tôi dạy mười hai bài học --lại thất bại...
Qua những lần không thành công, Kennedy mới nghĩ ra phương pháp hiện đang sử dụng là phối hợp lớp học với việc thực tập chứng đạo. Ông khám phá rằng phải dẫn học viên đi ra và cho họ thấy trưởng toán làm chứng. Nhờ vậy họ thắng được sự sợ hãi là ngăn trở lớn nhất trong việc truyền bá Phúc Âm. Trải qua nhiều năm Kennedy đã soạn thảo chương trình chứng đạo chi tiết gồm có: Phúc Âm, chương trình huấn luyện và phương pháp chăm sóc.
Triết lý truyền bá Phúc Âm của Kennedy được xây dựng trên bốn nguyên tắc:
Nguyên tắc thứ nhất, “Hội Thánh là đoàn thể theo lệnh Chúa Cứu Thế đi ra chia sẻ Phúc Âm cho toàn thế giới”90. Huấn thị đầu tiên của Chúa Cứu Thế cho các môn đệ là “Các con hãy theo Ta. Ta sẽ đào luyện các con thành người cứu vớt đồng loại” (Mac Mc 1:17 BDY). Huấn thị sau cùng của Chúa cho các môn đệ là “Nhưng khi Đức Thánh Linh giáng trên các con, các con sẽ nhận được quyền năng làm chứng cho Ta tại thành Giê-ru-sa-lem cả xứ Giu-đê, xứ Sa-ma-ri và khắp thế giới” (Công Vụ 1:8 BDY). Hội Thánh đầu tiên là Hội Thánh truyền giáo. “Tín đồ di tản khắp nơi, đi đâu cùng truyền bá Phúc Âm” (8:4 BDY). Theo văn mạch của câu Thánh Kinh này thì những người tản lạc là tín hữu.
Nguyên tắc thứ hai, “Công tác của các Mục sư là huấn luyện giáo dân chứng đạo”.
Nguyên tắc thứ ba, “Truyền bá Phúc Âm là dễ thâm nhập hơn dạy dỗ”92. Chúa Cứu Thế đem môn đệ đi với Ngài trong lúc truyền bá Phúc Âm. “Người bình thường không thể học chứng đạo trong lớp, cũng giống như người ấy không thể học lái máy bay trong phòng khác”.
Nguyên tắc thứ tư, “Huấn luyện một người chinh phục linh hồn còn quan trọng hơn cứu vớt một linh hồn”93. Nói cách khác, đưa dẫn một linh hồn về với Chúa là quan hệ, nhưng huấn luyện một người đi chinh phục 10 linh hồn hoặc 100 hay 1.000 linh hồn cho Chúa còn quan hệ hơn.
Chương trình huấn luyện gồm có ba loại: học tại lớp, những bài làm tại nhà và đi ra thực tập, phần trình bày Phúc Âm được thực hiện theo ba bước: trước hết ta học bố cục của sứ điệp Phúc Âm có thể coi như bộ xương. Kế đến ta học câu gốc để lấp thịt vào bộ xương. Saucùng ta học các ví dụ soi sáng để thêm thịt, khiến cho bố cục Phúc Âm thêm sáng tỏ và dễ hiểu.
Có lẽ phần quan trọng trong chương trình Nỗ Lực Truyền Bá Phúc Âm là việc sử dụng hai câu hỏi chẩn đoán. Sau khi thảo luận về đời sống thế tục, về bối cảnh tôn giáo của thân hữu, về Hội Thánh chúng ta, và về lời chứng cá nhân hoặc của Hội Thánh, thì ta nêu ra hai câu chẩn đoán. Thứ nhất trong đời sống tâm linh hiện tại, bạn có chắc rằng nếu hôm nay qua đời, bạn sẽ vào Thiên đàng chăng? Nếu câu trả lời là không biết chắc, chứng đạo viên sẽ hỏi câu thứ hai, “Giả định bạn qua đời đêm nay và ứng hầu trước mặt Thượng Đế, rồi Ngài hỏi bạn “Tại sao ta cho con vào Thiên đàng? Bạn sẽ thưa với Ngài thế nào?”
Để thích ứng với văn hóa Việt Nam trong việc sử dụng hai câu hỏi chẩn đoán, ủy ban phiên dịch quyển “Nổ Lực Truyền Bá Phúc Âm” ra Việt ngữ, đề nghị ta nên đồng nhất ta với thân hữu và hỏi như vầy:
Câu hỏi 1: Giả định trong lúc chúng ta đang nói chuyện đây, một chuyện không may xảy đến (bom nguyên tử nổ v.v...) và cả hai chúng ta đều qua đời. Tôi biết chắc rằng sau khi chết tôi sẽ được lên thiên đàng, không rõ trong cuộc sống tâm linh hiện tại của ông, ông có biết chắc chắn rằng ông qua đời hôm nay ông sẽ được lên Thiên đàng không?
Câu hỏi 2: Nếu chúng ta qua đời hôm nay và ứng hầu trước mặt Thượng Đế, rồi Ngài hỏi chúng ta rằng: Tại sao ta cho con vào Thiên đàng? Tôi biết tôi sẽ trả lời với Chúa như thế nào, còn ông thì sao?
Hai câu hỏi chẩn đoán sẽ giúp ta dễ dàng chuyển tiếp qua phần Phúc Âm. Dưới đây là bố cục trình bày Phúc Âm.
BỐ CỤC TRÌNH BÀY PHÚC ÂM
1. LỜI MỞ ĐẦU
A. Đời sống thế tục của họ
B. Bối cảnh tôn giáo của họ
C. Hội Thánh của chúng ta
D. Lời chứng cá nhân và / hoặc của Hội Thánh
E. Hai câu hỏi chẩn đoán
2. PHÚC ÂM
A. ÂN PHÚC
1. Thiên đàng là tặng phẩm biếu không (Ro-ma 6:23)
2. Chẳng thể nhờ công đức riêng hoặc vì xứng đáng mà được (Eph Ep 2:8, 9)
B. NGƯỜI
1. Là tội nhân (Mat Mt 5:48; Ro-ma 3:23; Gia Gc 2:10)
2. Không thể tự cứu mình (Eph Ep 2:8, 9; CoCl 1:20-22)
C. THƯỢNG ĐẾ
1. Hay thương xót cho nên không muốn hình phạt chúng ta (GiGa 3:16; Ro-ma 5:8; IIPhi 2Pr 3:9)
2. Công bình vì vậy phải hình phạt tội lỗi (Ro-ma 6:23; IITe 2Tx 1:9; HeDt 9:27)
D. CHÚA CỨU THẾ
1. Ngài là ai - Thần Nhân vô hạn (GiGa 1:1, 14; 10:30; 20:28)
2. Ngài đã làm gì - Ngài đã trả giá tội lỗi cho chúng ta đồng thời sắm một chỗ ở thiên đàng và biếu cho chúng ta như một tặng phẩm (IICo 2Cr 5:14, 21; IPhi 1Pr 1:18, 19)...
E. ĐỨC TIN
1. Không phải là gì - chẳng phải là sự thừa nhận theo trí khôn hoặc niềm tin tạm thời (Eph Ep 2:9).
2. Nhưng là gì - duy tin cậy một mình Chúa Cứu Thế để được cứu rỗi (GiGa 3:16, 18, 36; 6:47; Công Vụ 4:12).
3. SỰ TÍN THÁC
A. CÂU HỎI ĐỂ BIẾT CHẮC: Bạn thấy những điều tôi vừa trình bày có rõ cho bạn không?
B. CÂU HỎI TÍN THÁC: Bạn có muốn nhận tặng phẩm này để được sự sống vĩnh viễn không?
C. LÀM SÁNG TỎ TỰ TÍN THÁC
1. Thuyên chuyển lòng tin
2. Nhận Đấng Christ phục sinh và hiện đang sống
3. Nhận Đấng Christ làm Cứu Chúa (KhKh 3:20)
4. Nhận Đấng Christ là Chủ
5. Ăn năn tội
D. LỜI CẦU NGUYỆN TÍN THÁC
1. Cầu nguyện cho người - để hiểu, ăn năn và tin
2. Cầu nguyện với người - từng câu ngắn
3. Cầu nguyện cho người - để được bảo đảm
E. SỰ BẢO ĐẢM ƠN CỨU RỖI - xin cho phép tôi chỉ bạn một điều quan trọng mà Chúa Cứu Thế nói về việc bạn vừa thực hiện (GiGa 6:47)
4. CHĂM SÓC TRỰC TIẾP
A. THÁNH KINH - hẹn 7 ngày gặp lại
B. CẦU NGUYỆN
C. THỜ PHƯỢNG
D. TƯƠNG GIAO
E. LÀM CHỨNG
5. TRÌNH BÀY PHÚC ÂM VẮN TẮT
I. LỜI MỞ ĐẦU (A - D)
(Trình bày vắn tắt 10 phút khởi sự với hai câu hỏi chẩn đoán và kết thúc với câu hỏi tín thác)
F. HAI CÂU HỎI CHẨN ĐOÁN
Câu hỏi 1
- Thật là lý thú, Sung ạ. Nhưng xin cho biết: trong đời sống tâm linh của bạn hiện tại, bạn có biết chắc rằng hôm nay bạn qua đời, bạn sẽ vào thiên đàng chăng?
- Tôi tưởng không ai có thể biết chắc điều đó.
- Trải qua nhiều năm chính tôi cũng không biết, nhưng sau đó tôi khám phá được một điều kỳ diệu! Tôi khám phá ra rằng tôi có thể biết chắc chắn! Thậm chí tôi khám phá ra rằng đó là lý do tại sao Thánh Kinh được chép ra. Thánh Kinh dạy: “Tôi viết điều đó để anh em biết rõ nhờ tin Con Thượng Đế mà anh em được sự sống vĩnh viễn” (IGi1Ga 5:13).
- Bạn có muốn tôi chia sẻ với bạn cách nào tôi biết chắc rằng tôi đang đi vào thiên đàng, và cách nào bạn cũng có thể biết được như vậy không?
- Có, tôi thật muốn biết.
Câu hỏi 2
- Được rồi. Tôi sẵn sàng chia sẻ với bạn, nhưng trước hết tôi xin hỏi bạn một câu khác mà tôi nghĩ sẽ đem chúng ta đến gần vấn đề và làm sáng tỏ tư tưởng chúng ta hơn. Giả định rằng bạn qua đời đêm nay và ứng hầu trước Thượng Đế và Ngài hỏi bạn: Tại sao Ta phải cho con vào thiên đàng? Bạn sẽ thưa với Chúa làm sao?
- Tôi không nghĩ ra được câu trả lời nào.
- Bạn không cần phải suy nghĩ nhiều chỉ nói điều gì thóang qua trong trí bạn.
- Ô, tôi đã cố gắng hết sức ăn ngay ở lành sống cuộc đời thánh thiện.
TIN MỪNG
- Được rồi, bạn ạ. Điều đó rất đáng khen.
Bạn biết không, khi bạn trả lời câu hỏi thứ nhất, tôi tưởng bạn đã có tin mừng cho bạn. Và sau khi nghe bạn trả lời câu hỏi thứ hai, tôi biết tôi thật có tin mừng đó. Thật thế, tôi còn dám quả quyết trong vòng 60 giây sắp tới, bạn được nghe Tin Vui lớn nhất mà chưa bao giờ trong đời bạn được nghe. Đó chắc hẳn là một điều lạ, phải không?
II. PHÚC ÂM
A. ÂN PHÚC
1. Thiên đàng là tặng phẩm biếu không
2. Chẳng phải làm lành lánh dữ hoặc xứng đáng mà được.
Tôi xin chứng minh điều đó. Tôi cảm thấy phần lớn đời tôi cũng sống đúng như bạn. Tôi đã nghĩ nếu tôi muốn vào thiên đàng thì tôi phải trả giá, hoặc giành chiếm cho được. Tôi phải trở nên người thánh thiện đủ, và làm việc cho xứng đáng để được vào nước thiên đàng. Sau đó tôi đã khám phá ra thiên đàng tuyệt đối là một tặng phẩm biếu không - chớ không phải giành chiếm, hoặc nhờ công đức riêng hoặc vì xứng đáng mà được. Hoàn toàn biếu không! Thế có kỳ lạ không?
Để tôi chỉ cho bạn câu Thánh Kinh Tân Ước: Ro-ma 6:23 đây này, bạn hãy tự đọc lấy:
“Vì tiền công của tội lỗi là sự chết, nhưng tặng phẩm của Thượng Đế là đời sống vĩnh viễn trong Chúa Cứu Thế Giê-xu, Chúa chúng ta ”.
Tặng phẩm của Thượng Đế là đời sống vĩnh viễn... Thế có lạ lùng không?
Có lẽ bạn nghĩ: “Làm sao có thể như vậy được? Làm sao chúng ta có thể có được? Để xem thử tôi có thể chỉ cho bạn không? Tôi biết một phương pháp giúp bạn khám phá được điều này, chẳng những đây là phương pháp, mà còn là phương pháp duy nhất mà thôi.
B. NGƯỜI
1. Là tội nhân
Thánh Kinh dạy rằng mỗi người đều đã phạm tội, cho nên chẳng ai trong chúng ta thánh thiện đủ để được vào thiên đàng, vì tiêu chuẩn của Thượng Đế là toàn hảo. Nếu chúng ta phải thánh thiện đủ như Chúa Giê-xu phán: “Các con phải toàn hảo như Cha các con trên trời ” (Mat Mt 5:48). Nhưng “vì mỗi người đều phạm tội, không còn phản chiếu vinh quang Thượng Đế”(Ro-ma 3:23). Trong tư tưởng, lời nói, việc làm của chúng ta --chúng ta đã thất bại không vâng giữ được điều luật của Chúa, kể cả tội mình đã phạm lẫn tội thiếu sót không làm --tức là những điều chúng ta đã làm và những điều chúng ta bỏ qua không làm.
2. Không thể tự cứu mình
Đây là lý do không một ai trong chúng ta có thể tự kiếm được con đường vào thiên đàng. Chúng ta không thể tự cứu mình, Thánh Kinh dạy: “Vậy, anh em được cứu nhờ ân phúc Thượng Đế .... Không phải là kết quả của công đức anh em, nên chẳng ai có thể khoe khoang” (Eph Ep 2:8, 9).
C. THƯỢNG ĐẾ
1. Hay thương xót --cho nên không muốn hình phạt chúng ta.
2. Công bình --bởi vậy phải hình phạt tội lỗi.
Vấn đề con người cố gắng tự cứu mình trở thành nghiêm trọng hơn khi chúng ta xem xét Thánh Kinh dạy gì về Thượng Đế.
Chúng ta biết Thượng Đế đầy lòng thương xót và thương yêu, đầy ơn và nhân từ, nhưng cũng chính Thánh Kinh dạy rằng Thượng Đế công bình, Thánh khiết và công chính; mắt Ngài Thánh sạch chẳng nhìn sự dữ, chẳng có thể nhìn được sự trái ngược (HaKb 1:13). Ngài phải hình phạt tội. Thánh Kinh dạy rằng Thượng Đế mỗi ngày nổi giận cùng người ác và Ngài truyền cho mọi người ở khắp nơi hãy ăn năn. Cố nhiên chúng ta biết Thánh Kinh dạy Thượng Đế thương yêu, đầy ân phúc và hay thương xót. Ngài không muốn hình phạt chúng ta, vì Ngài thương yêu chúng ta. Vậy, câu giải đáp cho nan đề này là gì?
Với sự khôn ngoan vô hạn của Thượng Đế. Ngài đã hoạch định một giải pháp. Thượng Đế sai Con một Ngài vào thế gian để giải quyết vấn đề này.
D. CHÚA CỨU THẾ GIÊ-XU
1. Ngài là ai - Thần Nhân vô hạn
Vậy, Chúa Cứu Thế Giê-xu là ai? Theo lời Thánh Kinh Chúa Cứu Thế Giê-xu là Thượng Đế. Ngôi Hai trong Ba Ngôi Thiên Chúa, Đấng tạo hóa vũ trụ. Thánh kinh dạy, “Ban đầu có Chúa Cứu Thế, Chúa Cứu Thế ở với Thượng Đế từ nguyên thủy vì Ngài là Thượng Đế ngôi Hai. Chúa Cứu Thế đã mang lấy hình hài thể xác con người sinh họat giữa chúng ta ” (GiGa 1:1, 3, 14).
2. Ngài đã làm gì? - Đã trả giá đền tội chúng ta, và mua sắm thiên đàng để làm tặng phẩm biếu chúng ta.
Ngài đến để làm gì? Cả Thánh Kinh luận về công lao cứu chuộc vĩ đại. Hãy tưởng tượng cuốn sách ở bên tay phải tôi chứa dựng bản ghi chép tỉ mỉ cuộc đời chúng ta, mọi việc chúng ta làm, tất cả mọi tội, mọi tư tưởng, mọi cớ tích của chúng ta, mọi điều chúng ta từng làm cách bí mật - thay thảy đều ghi chép trong sách này. Thánh Kinh dạy rằng một ngày kia các sách sẽ mở ra, và mọi người biết mọi điều về chúng ta. Ngày đó, nhiều người sẽ bị hổ thẹn! Tôi xin xác quyết một điều: nếu người nào bị đoán xét tùy theo những điều ghi trong sách của đời sống mình, chắc chắn người ấy sẽ bị kết tội.
Đây (nâng cuốn sách lên) là nan đề của chúng ta. Bạn thấy rõ, đó là tội lỗi đè nặng trên chúng ta như một gánh nặng to lớn. (Để cuốn sách trong lòng một bàn tay). Điều này ngăn trở chúng ta vào thiên đàng. Điều này ngăn trở chúng ta không lên gặp Thượng Đế được. Chúng ta phải làm gì với các tội đó?
Trong Cựu Ước sự dự tính của Thượng Đế đối với tội được mô tả bằng các hình bóng báo hiệu trước. Giăng Báp-tít loan báo đúng kỳ Chiên Con của Thượng Đế đã đến. Chúa Cứu Thế Giê-xu đã hoàn tất nhiệm vụ của Ngài. Đó là gì? Trong phân đoạn Thánh Kinh: “Chúng ta thảy đều như chiên đi lạc, ai theo đường nấy, Đức Giê-hô-va và làm cho tội lỗi của hết thảy chúng ta đều chất trên người ” (EsIs 53:3, 6).
Giả định bàn tay kia của tôi tượng trưng cho Chúa Cứu Thế Giê-xu, Thánh Kinh dạy rằng Thượng Đế chất mọi tội lỗi của chúng ta trên Chúa Giê-xu (Chuyển cuốn sách qua tay “Giê-xu”). Chúa lấy tội lỗi chúng ta đem qua sổ kế toán của Chúa Cứu Thế Giê-xu mà Thượng Đế ghét. Chúa đã kể hoặc chất tội lỗi chúng ta trên Chúa Cứu Thế. Kế đó, tôi đọc một điều mà tôi là bậc làm cha mẹ phải sửng sốt. Tôi đọc: “Đức Giê-hô-va lấy làm vừa ý mà làm tổn thương người... Ngài đã bị Thượng Đế đánh và đập và làm cho khốn khổ.” Thượng Đế đã tuôn đổ cơn thạnh nộ đối với tội lỗi trên chính con Ngài.
Chính Chúa Giê-xu phán: Ngài đi chuẩn bị chỗ ở cho chúng ta. Ngài đã mua sắm một chỗ cho chúng ta ở thiên đàng.
Sung ạ, bạn biết điều diệu kỳ là Chúa Cứu Thế đã mua sắm chỗ ở trên thiên đàng và biếu cho chúng ta như một tặng phẩm. Tặng phẩm của Thượng Đế là đời sống vĩnh viễn. Do ân phúc Ngài ban cho chúng ta tặng phẩm về nước thiên đàng.
E. ĐỨC TIN
1. Không phải là gì - không phải chỉ là thừa nhận theo trí khôn. Làm sao chúng ta nhận được điều đó?
“Vậy, anh em được cứu nhờ ân phúc Thượng Đế, do đức tin...” Đức tin là chìa khóa mở cửa nước thiên đàng. Có người đã nói đức tin là bàn tay không của người hành khất tiếp nhận tặng phẩm của Vua.
Nhiều người nghĩ họ có đức tin, nhưng thật họ không rõ đức tin là gì. Chúng ta hãy xem đức tin không phải là gì. Nhiều người tin rằng Chúa Giê-xu đã sống, chết và sống lại. Và họ cho rằng đó là đức tin. Nhưng đây chỉ là sự thừa nhận của trí tuệ đối với những sự kiện lịch sử. Thánh Kinh dạy rằng cả đến quỉ cũng tin Chúa Cứu Thế theo cách đó. Nhưng như vậy chưa đủ (Cũng không phải là niềm tin tạm thời).
Người khác tưởng họ có đức tin trong Chúa Cứu Thế, nhưng khi bạn hỏi họ thật có nghĩa gì, họ chỉ tin cậy Chúa Cứu Thế vì những điều tạm bợ của đời sống, tỉ như sức khỏe hoặc con cái, hoặc tài chính, hoặc sức mạnh hay sự hướng dẫn - những điều đó chúng ta chỉ cần trong cuộc sống hiện đang ở thế hạ này.
2. Đức tin là gì - duy tin cậy Chúa Cứu Thế để được ơn cứu rỗi
Nhưng Thánh Kinh dạy đức tin là tin cậy một mình Chúa Giê-xu để được hưởng ơn cứu rỗi, đặt niềm tin hy vọng về đời sống vĩnh viễn trong Chúa Cứu Thế .
Chúa Cứu Thế không đến thế hạ chỉ để cho chúng ta được tai qua nạn khỏi khi mổ ruột dư, hoặc đi máy bay đến Nữu Ước bình an vô sự. Chúa Cứu Thế đến để đem chúng ta lên thiên đàng hầu chúng ta hưởng sự sống vĩnh viễn.
Người đời tin cậy một trong hai điều - hoặc tin cậy chính mình hoặc tin cậy Chúa Cứu Thế. Trước kia tôi đã từng tin cậy giống như bạn đang tin-- tin vào chính cố gắng của tôi để sống cuộc đời hoàn toàn Thánh thiện. Kế đó tôi đã nhận thấy nếu tôi có thể vào thiên đàng bằng cách này, tôi sẽ tự cứu mình: và nếu tôi có thể tự cứu mình, tất nhiên tôi sẽ là cứu chúa của tôi. Và nếu tôi là cứu chúa của tôi, tôi sẽ cạnh tranh với Chúa Cứu Thế Giê-xu, Đấng xưng mình là Cứu Tinh của cả thế giới.
Điều tôi cần làm là ngưng tin cậy chính mình và khởi sự tin cậy Chúa Cứu Thế Giê-xu. Vậy, trải qua nhiều năm, cách chân thành và ăn năn, tôi chỉ làm điều đó. Và tôi nhận được tặng phẩm của sự sống vĩnh viễn. Trước kia tôi không đáng được thì bây giờ tôi cũng không đáng được, nhưng chỉ nhờ ân phúc Chúa mà tôi có được.
- Bạn có tin ghế này thật có không? (chỉ một ghế trống)
- Có.
- Bạn có tin nó có thể giữ vững bạn không?
- Có.
- Hiện giờ nó chưa giữ vững bạn. Làm cách nào bạn có thể chứng minh rằng chiếc ghế thật có và có thể giữ vững bạn?
- Bằng cách ngồi lên đó.
- Chiếc ghế tượng trưng cho Chúa Cứu Thế. Trải qua một thời gian dài tôi tin ghế thật có và có thể giúp tôi, nhưng tôi không ngồi trên ghế đó, vậy nó chẳng ích lợi chi cho tôi. Tôi không có sự sống vĩnh viễn vì tôi đang tin cậy vào công đức của tôi để vào nước thiên đàng. Hãy nhớ điều bạn đã thưa với Thượng Đế nếu Ngài hỏi tại sao Ngài phải để cho bạn vào thiên đàng? Bạn đã thưa: “Tôi đã làm hết sức mình, ăn ngay ở lành...” Người duy nhất mà bạn viện dẫn đến trong câu trả lời này là ai?
- Tôi.
- Khi bạn nói điều đó thì bạn tin cậy vào ai để vào thiên đàng.
- Tôi.
- Muốn nhận sự sống vĩnh viễn bạn phải chuyển sự tin cậy nơi bạn qua sự tin cậy nơi Chúa Cứu Thế .
(Cớ tích để sống cuộc đời tin kính)
Vậy, cớ tích để sống cuộc đời tin kính là gì? Cớ tích để sống cuộc đời tin kính là lòng biết ơn điều Chúa Cứu Thế đã ban cho chúng ta. Kinh Thánh dạy rằng “tình yêu của Chúa Cứu Thế cảm thúc tôi” (IICo 2Cr 5:14).
Vị nguyên viện trưởng Đại học Princeton đã nói cách này: “Khi còn thanh niên, tôi đã tiếp nhận Chúa Cứu Thế và tặng phẩm về sự sống vĩnh viễn. Tất cả phần sót lại của đời tôi chỉ là lời Tái bút cho ngày đó, mà rằng: Cám ơn Chúa về điều Ngài đã ban cho tôi lúc bấy giờ”.
III. SỰ TÍN THÁC
A. CÂU HỎI ĐỂ BIẾT CHẮC: Những điều tôi vừa trình bày có rõ cho bạn không?
- Ô, có chứ, thật diệu kỳ.
- Bạn vừa nghe câu chuyện vĩ đại nhất về một sự cống hiến vĩ đại nhất, bởi Con người vĩ đại nhất từng sống trên thế gian.
B. CÂU HỎI TÍN THÁC
Bây giờ tới câu hỏi này: bạn có muốn tiếp nhận tặng phẩm về sự sống vĩnh viễn mà Chúa Cứu Thế đã từ bỏ cõi trời và chịu chết trên thập tự giá để ban cho bạn không?
6. NHẬN ĐỊNH VỀ PHƯƠNG PHÁP “NỖ LỰC TRUYỀN BÁ PHÚC ÂM”
Phương pháp Nỗ Lực Truyền Bá Phúc Âm có nhiều lợi điểm. Trước hết là nó chứa đựng căn bản thần học vững chắc. Có lẽ đạo về ân phúc, con người, Đức Chúa Trời, Chúa Cứu Thế Giê-xu, và đức tin được trình bày đầy đủ và rõ ràng.
Phương pháp này giống như kế họach truyền bá Phúc Âm của Chúa Cứu Thế Giê-xu là chọn giáo dân và huấn luyện họ qua việc đi ra thực tập.
Nỗ Lực Truyền Bá Phúc Âm nhấn mạnh việc sử dụng tín hữu, và vì vậy đã chia bớt gánh nặng mà trước đây chỉ nấy trên vai của Mục sư và một ít người lãnh đạo.
Nó tạo cơ hội cho giáo dân hầu việc Chúa. Nhiều Cơ Đốc nhân muốn thực hiện một việc gì cho Chúa nhưng không biết phải làm sao. Với chương trình này họ có thể trở thành chứng nhân của Chúa Cứu Thế .
Bố cục trình bày Phúc Âm rất tốt bao gồm các câu Thánh Kinh và ví dụ làm sáng tỏ chân lý cứu rỗi, ghi nhớ được nó, ta có thể đi ra làm chứng về Chúa cách tự tin.
Tuy nhiên, phương pháp Nỗ Lực Truyền Bá Phúc Âm cũng có nhiều điểm yếu. Trước hết là sự cứu rỗi được trình bày trong phương pháp này dường như nghiêng hẳn về một phía. Phần nói về Phúc Âm là rất đúng qua việc bày tỏ cho thân hữu biết lẽ cần của sự tha thứ và cứu khỏi tội lỗi. Cũng rất đúng khi tuyên bố rằng Chúa Cứu Thế Giê-xu đã thực thi việc giải hòa giữa Đức Chúa Trời và loài người qua sự chết của Ngài. Đồng thời không có gì sai khi nói với thân hữu rằng Chúa Cứu Thế Giê-xu là con đưòng duy nhất dẫn đến Đức Chúa Cha. Tuy nhiên phần trình bày đã không dành đủ thời gian cho phương diện khác của sự cứu rỗi. Phương pháp này không nhấn mạnh rằng mục đích của sự cứu rỗi là trọn vẹn; rằng đời sống bên trong con người đã được thay đổi và không còn bị nô lệ dưới tội lỗi. Bây giờ con người có thể sống cuộc đời theo ý muốn Đức Chúa Trời. Khi thân hữu bằng lòng tiếp nhận Chúa thì được chứng đạo viên dạy rằng, họ bây giờ là con cái Đức Chúa Trời --được tha thứ, cứu chuộc, phục hòa. Tuy nhiên phương pháp này không hướng dẫn cho tân tín hữu biết họ nên chứng tỏ dấu hiệu bên ngoài là đang bước đi với Đức Chúa Trời. Tân tín hữu phải nhận rõ là họ có một sứ mạng mới trong đời sống, và họ sống “giữa thế gian nhưng không thuộc về thế gian”.
Điểm yếu thứ hai của phương pháp này là thiếu nhấn mạnh về sự ăn năn. Kennedy có đề cập nhiều về ân phúc biếu không, về tình thương yêu của Đức Chúa Trời, về sự chết đền tội của Chúa Cứu Thế, về ý nghĩa đức tin: nhưng lại nói rất ít về lẽ đạo ăn năn. Phương pháp này có chỉ ra cho thân hữu biết “mọi người đều đã phạm tội, thiếu mất sự vinh hiển của Đức Chúa Trời” (Ro-ma 3:23), song không giải thích cho thân hữu rằng họ đang có mối liên hệ sai trật với Đức Chúa Trời: rằng họ đang chống nghịch với Đấng Tạo Hóa, và “đã chết vì lầm lỗi và tội ác mình” (Eph Ep 2:1). John R. Stort cũng nhận ra nguy cơ đó trong sự giảng dạy hay chứng đạo ngày nay. Ông viết: “sự ăn năn... đã thiếu vắng cách đáng tiếc trong lối giảng dạy hiện đại. Nếu biến động của sự tái sanh đang diễn ra, thì lòng của thân hữu sẽ như “kim châm” và kêu lên: “Hỡi anh em, chúng tôi phải làm chi?” (Công Vụ 2:37 BNC). Nếu Thánh Linh không làm việc trong đời sống của thân hữu, sự quyết định của họ là vô nghĩa.
Điểm yếu thứ ba là thiếu quyền năng của Thánh Linh. Chương trình Nỗ Lực Truyền Bá Phúc Âm được soạn thảo công phu và có hệ thống. Tài liệu được nhuận chánh nhiều lần. Phần trình bày Phúc Âm cũng được cập nhật luôn luôn. Tuy nhiên tất cả sự cố gắng trên đều ra từ tâm trí con người, và vì vậy nguy cơ cho người sử dụng chương trình này là dễ quên công tác và quyền năng của Thánh Linh.
Điểm yếu thứ tư là chú trọng đến số lượng người tin Chúa. Thực sự này thúc ép chứng đạo viên cố gắng mang về một “chiến công của ân phúc” trong mỗi lần đi ra làm chứng. Khi các toán chứng đạo họp lại để tường trình, toán đưa dắt được người đến với Chúa hôm đó sẽ hãnh diện đứng lên kể lại chiến tích. Còn toán không đạt được kết quả bằng mắt thấy thì có cảm giác tội lỗi và thất bại. Trong khi sự thực của vấn đề là chỉ có Đức Chúa Trời mới biếât hạt giống nào gieo ra sẽ mang lại kết quả lớn hơn cho mùa gặt.
Điểm yếu thứ năm là thời gian huấn luyện và thời gian trình bày Phúc Âm. Người Việt có tâm hồn thực tế, muốn “thử nó” và kinh nghiệm kết quả tức thì. Nhiều học viên không thể theo trọn khóa học vì nó quá dài, những 16 tuần. Ngoài ra lúc trình bày Phúc Âm, chứng đạo viên muốn nói đầy đủ hết các phần của bố cục cũng mất khá nhiều thì giờ. Trong truyền thống gia đình Việt Nam, khó có thể giữ được không khí yên tĩnh liên tục trong lúc chứng đạo viên nói quá nhiều và quá...dài như thế.
Điểm yếu sau cùng là hai câu hỏi chẩn đoán. Hai câu hỏi này thường bị phản đối chẳng những về khía cạnh thần học mà còn về khía cạnh văn hóa. Về khía cạnh thần học, câu hỏi thứ hai không đặt nền tảng trên Thánh Kinh và cũng không dựa trên phương thức chứng đạo của các tín hữu đầu tiên. Nếu xem lại câu hỏi đó (dù chỉ là câu hỏi giả định) ta sẽ không tìm được một câu Thánh Kinh nói rằng Đức Chúa Trời sẽ đứng trước cổng thiên đàng để hỏi: “Tại sao ta cho con vào thiên đàng?” Hơn nữa, một người được vào thiên đàng hay không, tùy thuộc vào việc người đó bằng lòng đặa1 niềm tin nơi Chúa Cứu Thế hay chăng lúc còn trên đất chớ không phải được quyết định ở trước cổng thiên đàng. Đồng thời sự sống vĩnh viễn được ban cho ngay lúc ta vừa tin Chúa chớ không đợi đến lúc vào thiên đàng.
Về khía cạnh văn hóa, khi đem câu trên để hỏi người Việt, đặc biệt là người Việt cao niên, thì sẽ có vấn đề. Đối với văn hóa Việt tộc, câu hỏi “nếu ông/bà qua đời đêm nay...” hoặc “giả định ông/bà qua đời đêm nay...” là những câu hỏi xúi quẩy, trù ẻo. Để thích ứng với văn hóa Việt Nam, ta nên đổi câu hỏi trên như vầy: “Tất cả chúng ta phải từ giả cõi đời một ngày nào đó, và đôi khi ngày ấy đến sớm hơn chúng ta nghĩ. Nếu điều đó xảy đến cho tôi và ông/bà...” ta đổi chữ “chết”, “qua đời” trở thành “từ giã cõi đời” cho người Việt dễ chấp nhận hơn. Ngoài ra cũng nên đồng nhất chính mình vào câu hỏi, để không bị hiểu lầm là trù ẻo họ. Bản dịch tiếng Việt quyển Nỗ Lực Truyền Bá Phúc Âm” xuất bản lần thứ nhất có sửa đổi hai câu hỏi một ít cho thích hợp với văn hóa Việt tộc, tuy nhiên việc làm đó cần được tiếp tục.
 Chứng Đạo
Tác giả: Viện Thần Học Việt Nam
Mục Sư Tô Văn Út.


PHẦN THỨ BẢY-
 GƯƠNG CHỨNG ĐẠO TRONG KINH THÁNH
Chương I- CHÚA GIÊ-XU LÀM CHỨNG CHO NI-CÔ-ĐEM
1.-Chúa hoan nghênh người đến thăm Ngài bất cứ lúc nào và đối đãi chân thành với người
2.-Ngài hướng dẫn tội nhân chú ý đến trọng tâm của vấn đề càng sớm càng tốt
3.-Ngài gợi sự thích thú ngay lúc mới bắt đầu làm chứng
4.-Ngài nhấn mạnh về sự tái sinh, chớ không phải cải cách xã hội
5.-Ngụ ý rằng nếu tội nhân đang tìm kiếm chân lý, chắc sẽ được
“Có một nhà lãnh đạo Do Thái thuộc phái biệt lập, tên là Ni-cô-đem. Một buổi tối, ông đến thăm Chúa Giê-xu và nhìn nhận: Thưa Thầy, chúng tôi biết Thầy là Giáo sư Thượng Đế sai xuống, vì nếu Thượng Đế không cộng tác, chẳng ai thực hiện nổi những phép lạ Thầy đã làm ”. Chúa Giê-xu đáp: “Đây là sự thật: nếu không tái sinh, không ai thấy được Nước Chúa ”. Ni-cô-đem thắc mắc: “Người đã già làm cách nào tái sinh được? Không lẽ trở vào lòng mẹ để sinh ra lần nữa sao? Chúa Giê-xu đáp: “Đây là chân lý: Nếu không nhờ nước và Thánh Linh sinh ra, không ai được vào Nước Chúa. Thể xác chỉ sinh ra thể xác; Thánh Linh mới sinh ra tâm linh. Ông đừng ngạc nhiên khi nghe tôi nói: con người phải tái sinh! Gió thổi hướng nào cũng được. Nghe tiếng gió, nhưng ông không biết gió đến từ đâu hay sẽ đi đâu. Người được Thánh Linh sinh thành cũng thế. Ni-cô-đem lại hỏi: “Làm sao thực hiện điều đó?” Chúa đáp: “Ông làm giáo sư dân Do Thái mà chưa hiểu điều căn bản đó sao? Đây là sự thật, chúng tôi nói điều chúng tôi biết, làm chứng điều chúng tôi thấy, nhưng các ông không chấp nhận. Tôi nói những việc dưới đất, các ông còn không tin, làm sao các ông tin được những việc trên trời? Không bao giờ có ai lên trời, ngoại trừ Chúa Cứu Thế từ trời xuống trần gian. Như Mai-sen đã treo con rắn giữa sa mạc, tôi cũng phải bị treo lên, để bất cứ người nào tin tôi đều được sự sống vĩnh viễn. Vì Thượng Đế yêu thương nhân loại đến nỗi hy sinh Con Một của Ngài, để tất cả những người tin nhận Con Thượng Đế đều không bị hư vong nhưng được sự sống vĩnh viễn. Thượng Đế sai con Ngài xuống đời không phải để kết tội nhưng để cứu vớt loài người. ” (GiGa 3:1-17 BDY).
Ni-cô-đem là người có địa vị cao trọng trong giáo quyền Do Thái. Ông thuộc phái biệt lập, cũng là hội viên của tòa công luận. Là giáo sư của Y-sơ-ra-ên, Ni-cô-đem đến thăm Chúa Cứu Thế vào một buổi tối trong thời gian Ngài ở Giê-ru-sa-lem. Điều quan trọng đầu tiên ta thấy là Chúa tiếp nhận và hoan nghênh Ni-cô-đem bất kể ngày hay đêm.
Cho dù nhiều người biệt lập không tin Chúa Cứu Thế Giê-xu, song Ni-cô-đem rất chú ý đến các phép lạ Chúa làm. Ông đến với Chúa với tấm lòng kính phục và nói rằng: “Thưa Thầy, chúng tôi biết Thầy là Giáo sư Thượng Đế sai xuống, vì nếu Thượng Đế không cộng tác, chẳng ai thực hiện nổi những phép lạ Thầy đã làm. ”
Vừa khi Ni-cô-đem mở đầu, Chúa đã biết rõ căn bệnh thuộc linh của ông. Đó là bệnh chưa được tái sinh, chưa có sự sống thuộc linh. Đây là điểm quan trọng thứ hai ta cần để ý. Chúa biết rõ điều Ni-cô-đem cần, đó là tấm lòng được đổi mới nên Chúa vào ngay vấn đề: “Đây là sự thật: nếu không tái sinh, không ai thấy được Nước Chúa.”
Ni-cô-đem dù là một người trí thức từng nghiên cứu thần học, đã phải lúng túng với lời phán của Chúa. Ông thốt ra những lời đầy ngạc nhiên: “Người đã già làm cách nào tái sinh được? Không lẽ trở vào lòng mẹ để sinh ra lần nữa sao?” Ni-cô-đem chưa hề nghe nói về sự tái sinh, chưa từng kinh nghiệm sự tái sinh, rồi khi Chúa giải thích ông cũng không hiểu nổi.
Bệnh của Ni-cô-đem là bệnh chung của nhân loại. Trường hợp của Ni-cô-đem là trường hợp chung của con người qua mọi thời đại. Bệnh nhân không biết lý do của căn bệnh đang mang, không hiểu được nhu cầu của mình, ai nấy lúng túng trước vấn đề: phải làm sao để được cứu rỗi?
Khi Ni-cô-đem hỏi: “Làm sao thực hiện được điều đó?” Chúa không cố gắng giải thích hết mọi điều, song nhắc cho ông nhớ điển tích Môi-se treo con rắn lửa bằng đồng giữa sa mạc để dân sự khi bị rắn cắn nhìn lên đó thì được cứu sống. Chúa cho Ni-cô-đem biết con rắn bằng đồng bị treo lên đó, chỉ về sự chết của Ngài trên thập tự giá. Nếu ai nhìn xem Chúa, tức là tin Chúa đã chết thay tội mình thì sẽ được sự sống đời đời.
Muốn được tái sinh để có thể vào Nưóc Trời, Ni-cô-đem phải nhìn nhận mình là một tội nhân đang bị nọc độc của tội lỗi hành hạ và sẽ bị hình phạt như con rắn bị treo trên cây sào. Song Chúa Cứu Thế tự nguyện chịu hình phạt thay ông trên thập tự giá. Nếu ông tin Ngài thì được sự sống vĩnh viễn, tức là được tái sinh. “Vì Thượng Đế yêu thương nhân loại đến nỗi hy sinh Con Một của Ngài, để tất cả những người tin nhận Con Thượng Đế đều không bị hư vong nhưng được sự sống vĩnh viễn.”
Ni-cô-đem đã ngạc nhiên lại càng ngạc nhiên hơn. Ông kể mình thuộc hạng có điều kiện nhất để được vào nước Trời. Ông hy vọng Chúa tỏ ra tôn trọng ông hay ít nữa nói lên một lời chấp nhận ông là con người đạo đức, trái lại mọi sự như đã sụp đổ tận nền móng. Những gì Ni-cô-đem tin cậy, tự hào của một người Do Thái chính tông, một người biệt lập tích cực đã trở thành vô dụng đối với Đức Chúa Trời. Ông phải tự nhận là một tội nhân đang hư mất, hạ mình tin cậy sự chết đền tội của Chúa Cứu Thế để được cứu. Đó không phải là công lao, cố gắng của ông, nhưng là ân phúc Đức Chúa Trời ban cho ông.
Một bài làm chứng tuyệt diệu về Phúc Âm cứu rỗi mà Ni-cô-đem là người đầu tiên trong nhân loại, có diễm phúc được nghe Chúa Cứu Thế trình bày. Chúng ta rất vui mừng vì Ni-cô-đem đã tin Chúa, mặc dù không ai biết rõ ông đã tin ngay hôm đó hay về sau.
Qua bài làm chứng của Chúa Cứu Thế, ta đọc được nhiều nguyên tắc để áp dụng cho thời nay.
Chúa hoan nghênh người đến thăm Ngài bất cứ lúc nào và đối đãi chân thành với người.
Ngài hướng dẫn tội nhân chú ý đến trọng tâm của vấn đề càng sớm càng tốt.
Ngài gợi sự thích thú ngay lúc mới bắt đầu làm chứng.
Ngài nhấn mạnh về sự tái sinh, chớ không phải cải cách xã hội.
Ngài không cố gắng giải thích mọi sự cho tội nhân, song quả quyết rằng đó là sự thật.
Ngài ngụ ý rằng nếu tội nhân đang tìm kiếm chân lý, chắc sẽ được.
Chương II- CHÚA GIÊ-XU LÀM CHỨNG CHO THIẾU PHỤ SA-MA-RI
1.-Chúa đi đến nơi tội nhân ở, thay vì chờ tội nhân đến với Ngài.
2.-Chúa không cảm thấy phẩm giá bị hạ thấp việc tiếp xúc với người tội lỗi xấu xa.
3.-Chúa gợi nhu cầu thuộc linh bằng cách đề cập các vấn đề liên quan đến cuộc sống thường nhật.
4.-Chúa bày tỏ cho người nghe biết tội lỗi mình qua việc để họ tự nhận, chớ không lên án.
5.-Chúa tránh tranh biện.
6.-Chúa giới thiệu Ngài là Đấng Cứu Thế và kêu gọi sự đáp ứng bởi đức tin.
“Chúa rời xứ Giu-đê qua xứ Ga-li-ê. Theo lộ trình, Chúa phải đi ngang qua xứ Sa-ma-ri. Gần đến thành Si-kha trong sứ Sa-ma-ri, Chúa dừng chân bên giếng Gia-cốp, thuộc khu đất Gia-cốp cho con là Giô-sép. Vì đi đường mệt mỏi, Chúa ngồi nghỉ bên giếng vào lúc giữa trưa. Thấy một thiếu phụ Sa-ma-ri đến múc nước, Chúa bảo: “Chị cho tôi uống nước”. Lúc đó, các môn đệ đã vào thành mua thức ăn. Chị ấy ngạc nhiên: “Ông là người Do Thái, sao lại xin phụ nữ Sa-ma-ri cho uống nước? (người Do Thái không bao giờ giao thiệp với người Sa-ma-ri ). Chúa đáp: “Nếu chị biết được tặng phẩm Thượng Đế dành cho chị, và biết tôi là ai, tất chị sẽ xin tôi cho nước hằng sống”. Chị dè dặt hỏi: “Thưa ông, giếng thì sâu mà ông không có gàu dây gì cả, làm sao ông múc được nước sống đó? Liệu ông tài giỏi hơn tổ phụ chúng tôi là Gia-cốp sao? Người đã để giếng này lại cho chúng tôi. Chính người, con cái và súc vật người đều uống giếng này. Chúa đáp: “ uống nước này sẽ còn khát mãi, nhưng uống nước tôi cho sẽ thành một mạch nước trong tâm hồn, tuôn tràn mãi mãi sức sống vĩnh viễn”. Chị mừng rỡ: “Thưa ông, xin ông cho tôi uống nước ấy cho đã khát, để khỏi cực nhọc đến đây múc nước nữa. Chúa bảo: Chị đi về gọi anh đến đây! Chị bẽn lẽn: “Tôi không có chồng”. Chúa ôn tồn: “Chị nói chị không có chồng cũng phải. Vì chị đã có năm đời chồng, còn người đang sống với chị cũng chẳng phải chồng chị. Chị nói thế mà đúng. Chị sợ hãi nhìn nhận: “Ông thật là nhà tiên tri, biết hết mọi chuyện”, rồi chị hỏi Chúa: “Thưa ông, tổ phụ chúng tôi thờ Thượng Đế trên đỉnh núi này. Tại sao người Do Thái các ông bảo thủ đô Giê-ru-sa-lem mới đúng là nơi thờ phượng? Chúa đáp: “Chị cứ tin lời tôi, đã đến lúc người ta không thờ phượng Thượng Đế trên núi này, cũng không phải là Giê-ru-sa-lem nữa. Thờ phượng Chúa nơi nào cũng được, điều quan trọng là thờ phượng cho đúng cách, với lòng chân thành, do Thánh Linh hướng dẫn. Vì Thượng Đế là thần linh, nên Ngài muốn con người thờ phượng Ngài cách ấy. Người Sa-ma-ri không hiểu rõ sự thờ phượng, còn chúng tôi biết rõ, vì sự cứu rỗi nhân loại bắt đầu từ người Do Thái. Chị ấy thưa: Tôi biết Chúa Cứu Thế sẽ xuất hiện. Ngài sẽ chỉ dẫn mọi việc cho chúng ta. Chúa đáp: “Tôi chính là Chúa Cứu Thế”. Thiếu phụ bỏ vò nước bên giếng, chạy vào thành phố, hăng say nói với mọi người: Đồng bào mau ra xem, Ngoài kia, có một người nói đúng tất cả những việc tôi đã làm. Đó không phải là Chúa Cứu Thế sao? Dân chúng kéo nhau đến gặp Chúa. Nhiều người Sa-ma-ri trong thành Si-kha tin nhận Chúa nhờ lời chứng của thiếu phụ: “Người nói đúng tất cả những việc tôi đã làm!” Gặp Chúa bên bờ giếng, họ nài xin Chúa ở lại với họ, nên Chúa lưu lại hai ngày. Nghe Chúa giảng dạy, lại có thêm người tin Ngài. Họ bảo thiếu phụ: Bây giờ chúng tôi tin, không phải chỉ nhờ lời chứng của chị, nhưng chúng tôi đã nghe Chúa dạy, và biết Ngài là Đấng Cứu Tinh của thế giới. ” (GiGa 4:1-26, 28-30, 39 -42 BDY).
Câu chuyện trên bắt đầu với những lời này: “Chúa phải đi ngang qua xứ Sa-ma-ri”. Tại sao Chúa phải đi ngang qua xứ Sa-ma-ri? Vì Ngài biết tại đó có một tội nhân đang trông chờ Chúa Cứu Thế. Vậy Chúa đã đến đúng chỗ hẹn, và đúng thời điểm để gặp một người, đó là thiếu phụ Sa-ma-ri.
Chúa có thể chờ đợi thiếu phụ này đến cùng Ngài, lúc đó danh tiếng Chúa đã được đồn khắp trong dân chúng. Chắc chắn thiếu phụ đã nghe về Ngài và biết Chúa có thể giúp bà nếu bà đến với Ngài. Tuy nhiên, Chúa không chờ cho bà tìm đến Ngài. Chúa biết có nhu cầu trong tấm lòng đó và vì vậy Ngài đến với bà. Một câu châm ngôn đã viết: “Nếu muốn bắt cá, bạn phải đi đến nơi có cá ”. Chúa đã thực thi đúng như thế.
Chúa có cách gợi chuyện thật tuyệt tác. Từ một câu hỏi xin nước thiên nhiên, “Chị cho tôi uống nước!” Chúa đã dẫn thiếu phụ đến chỗ ý thức về nhu cầu nước sống. Một câu mở đầu rất đơn giản, nhưng có tác dụng sâu xa. Ta hãy học nơi Chúa phương cách gợi chuyện hữu hiệu này trong việc truyền bá Phúc Âm. Ta nên bắt đầu câu chuyện về các vấn đề liên quan đến cuộc sống hằng ngày. Câu Chúa xin nước uống, đã phá đổ bức tường thành kiến về kỳ thị chủng tộc giữa Do Thái và Sa-ma-ri, khiến người thiếu phụ lấy làm lạ hỏi: “Ông là Ngài Do Thái, sao lại xin phụ nữ Sa-ma-ri cho uống nước?” Đây là điều người Do Thái chẳng hề làm. Sự ngạc nhiên ấy khơi dậy tính hiếu kỳ của thiếu phụ, khiến bà càng thêm chú ý “người khách lạ” này, và thấy thích thú trong việc tìm hiểu người .
Để hướng dẫn thiếu phụ đến chỗ ý thức nhu cầu thuộc linh, Chúa giục bà hãy tìm biết Ngài là ai, và hãy xin Ngài ban cho nước uống. Bà dè dặt hỏi: “Thưa ông, giếng thì sâu mà ông không có gàu dây gì cả, làm sao ông múc được nước sống đó? Liệu ông tài giỏi hơn tổ phụ chúng tôi là Gia-cốp sao? Người đã để giếng này lại cho chúng tôi. Chính người, con cái và súc vật người đều uống giếng này”.
Đôi lúc làm chứng, ta cũng gặp lời chống đối tương tự: “tôi có đạo rồi.” “Chúa của ông lớn hơn vị giáo chủ của tôi sao?” Điều ta để ý là Chúa không cải lý. Ngài không nói gì đến tên Gia-cốp, cũng chẳng lý luận để minh chứng Ngài lớn hơn Gia-cốp. Nhưng Chúa chuyển câu chuyện nước thiên nhiên qua nước thiêng liêng.
Khi người nghe nhận thức được nhu cầu thuộc linh của họ, thì bước thứ hai là bày tỏ cho họ nhìn biết tội lỗi mình. Vì thế Chúa bảo bà về gọi chồng đến, rồi Ngài sẽ ban cho nước sống. Bà không thể nào được nước sống, nếu chưa xưng ra tội lỗi mình. Tội lỗi trong lòng làm tắt nghẽn nguồn nước sống.
Bà đáp: “Tôi không có chồng.” Chúa ôn tồn: “Chị nói chị không chồng cũng phải, vì chị đã có năm đời chồng, còn người đang sống với chị cũng không phải là chồng chị. Chị nói thế mà đúng. Điều ta chú ý là Chúa không lên án tội lỗi của thiếu phụ, cũng chẳng chỉ thẳng tội lỗi của bà; nhưng Ngài nêu lên sự kiện để cho bà biết thực trạng tội lỗi của mình.
Thấy Chúa biết rõ cuộc sống riêng tư của mình, thiếu phụ nhìn biết Ngài là nhà tiên tri. Và một lần nữa bà lại tẻ đề. Để Chúa không nói thêm gì đến đời tư mình, thiếu phụ đưa ra câu hỏi về vấn đề thờ phượng. “Thưa ông, tổ phụ chúng tôi thờ Thượng Đế trên đỉnh núi này. Tại sao người Do Thái các ông bảo thủ đô Giê-ru-sa-lem mới đúng là nơi thờ phượng.”
Địa điểm thờ phượng Đức Chúa Trời là vấn đề tranh luận sôi nổi trong vòng người Do Thái và Sa-ma-ri thời bấy giờ. Người Do Thái cho rằng nơi đáng thờ phượng là Giê-ru-sa-lem; trong khi đó người Sa-ma-ri chọn Ga-ri-xim làm nơi thờ phượng Đức Chúa Trời. Chúa Giê-xu không đi vào vòng tranh luận hạn hẹp ấy. Ngài đặt trước mặt người thiếu phụ một viễn tượng rộng lớn về sự thờ phượng Đức Chúa Trời vượt quá giới hạn của không gian và thời gian: “Vì Đức Chúa Trời là thần của nên ai thờ phượng Ngài phải lấy tâm thần và lẽ thật mà thờ phượng”. Chúa muốn nói cho bà rằng sự thờ phượng không phải tại trên núi Ga-ra-xim hay tại thành Giê-ru-sa-lem mà tại trong lòng, tức là tâm thần và lẽ thật. Nếu Đức Chúa Trời chỉ ngự trên núi Ga-ra-xim hay trong thành Giê-ru-sa-lem, thì chúng ta hoàn toàn vô phước. Điều quan trọng nhất là chúng ta được Ngài ngự trong lòng và chúng ta thờ phượng Ngài bằng tâm thần và lẽ thật. Khi người Y-sơ-ra-ên dâng tế lễ cho Đức Chúa Trời thì họ phải làm thật đúng như Chúa đã dạy trong lời của Ngài là lẽ thật. Họ phải lấy tâm thần mà đến gần Đức Chúa Trời và giao thông với Ngài.
Mắt của bà dường như sáng lên, lòng của bà mở ra, bà nói với tất cả niềm tin: Tôi biết Chúa Cứu Thế sẽ xuất hiện. Ngài sẽ chỉ dẫn mọi việc cho chúng ta”. Chúa đáp: “Tôi chính là Chúa Cứu Thế. ” Tại đây, ta thấy bài làm chứng của Chúa đã qua bước thứ ba là giới thiệu Chúa Cứu Thế và sự cứu rỗi của Ngài cho tội nhân.
Trong lúc tuyệt vọng mà gặp được Chúa Cứu Thế, thiếu phụ vui mừng khôn xiết. Bà quên việc múc nước, quên cả cái vò, chạy vào thành Si-kha nói với mọi người: “Đồng bào mau ra xem. Ngoài kia, có một người nói đúng tất cả những việc tôi đã làm. Đó không phải là Chúa Cứu Thế sao? ” Dân chúng kéo nhau đến gặp Chúa.
Qua cách Chúa chứng đạo, ta học được những nguyên tắc này.
- Chúa đi đến nơi tội nhân ở, thay vì chờ tội nhân đến với Ngài.
- Chúa không cảm thấy phẩm giá bị hạ thấp do việc tiếp xúc với người tội lỗi xấu xa.
- Chúa gợi nhu cầu thuộc linh bằng cách đề cập các vấn đề liên quan đến cuộc sống thường nhật.
- Chúa bày tỏ cho người nghe biết tội lỗi mình qua việc để họ tự nhận, chớ không lên án.
- Chúa tránh tranh biện.
- Chúa giới thiệu Ngài là Đấng Cứu Thế và kêu gọi sự đáp ứng bởi đức tin.
Chương III- PHI-LÍP LÀM CHỨNG CHO THÁI GIÁM Ê-THI-Ô-BI
1.-Phi-líp là người bận rộn với công việc Chúa, vì người chẳng những có tài năng mà còn mong muốn được phục vụ Chúa.
2.-Phi-líp có sự tương giao mật thiết với Chúa, nhờ đó đã được Thánh Linh hướng dẫn trong mọi công tác phục vụ Ngài.
3.-Phi-líp vâng theo sự hướng dẫn của Đức Thánh Linh, không thắc mắc cũng chẳng trễ nãi.
4.-Phi-líp mở đầu việc làm chứng bằng cách gọi gợi sự thích thú cho người nghe.
5.-Phi-líp am hiểu về Kinh Thánh và sử dụng Kinh Thánh trong lúc truyền bá Phúc Aâm.
6.-Phi-líp trung tín thực thi công tác truyền bá Phúc Âm cho đến lúc hoàn tất.
7.-Phi-líp tỏ ra nóng cháy trong sự phục vụ Chúa, qua hành động chạy theo xe thái giám.
8.-Phi-líp tỏ ra kiên nhẫn qua việc giảng giải từ đầu về bối cảnh và sự ứng nghiệm của đoạn Kinh Thánh cho thái giám hiểu.
“Một thiên sứ đến bảo Phi-líp: Hãy đứng dậy đi về hướng Nam, tới quãng đường giữa Giê-ru-sa-lem và Gaxa, là nơi hoang vắng! Phi-líp đứng dậy lên đường trong khi viên thái giám quản đốc ngân khố nữ hoàng Can-đác nước Ê-thi-ô-bi cũng đi đường ấy. Ông vừa lên Giê-ru-sa-lem thờ phượng tại đền thờ. Trên đường về, ông ngồi xe đọc sách tiên tri Ê-sai. Thánh linh bảo Phi-líp: “Con tiến lên! Đuổi cho kịp xe đó! Phi-líp chạy đến, nghe thái giám đang đọc sách Ê-sai, liền hỏi: Ông có hiểu đoạn văn đang đọc không? Thái giám trả lời: Không có người giải nghĩa, làm sao tôi hiểu được! Rồi ông mời Phi-líp lên xe. Đoạn Thánh Kinh ông đọc như sau: Người khác nào chiên bị dẫn đến lò thịt, như chiên con nín lặng trước mặt thợ hớt lông, người không hề mở miệng phản đối… người ta sỉ nhục người, bất chấp cả công lý, còn ai sẽ kể lại cuộc đời người? Vì mạng sống người đã bị cất khỏi mặt đất.” Thái giám hỏi Phi-líp: Nhà tiên tri nói về ai đây? Về chính ông ta hay người nào khác? Bắt đầu từ đoạn Thánh Kinh ấy, Phi-líp giảng giải về Chúa Giê-xu. Dọc đường, đi ngang lạch nước, thái giám hỏi: “Sẵn nước đây! Có gì ngăn trở tôi chịu báp têm không? Thái giám ra lệnh dừng xe, hai người xuống nước và Phi-líp làm báp têm cho thái giám ” (Công Vụ 8:26-38 BDY).
Trong sự phục vụ Chúa có một lời khuyên quan trọng này: “Nếu bạn muốn sử dụng ai làm công việc gì cho Chúa, thì hãy dùng người bận rộn”. Một thực sự dường như nghịch lý là người bận rộn có thể làm được nhiều điều, vì người có khả năng làm việc và mong muốn làm việc. Trong khi đó một người ăn không ngồi rồi là người chẳng muốn sử dụng tài năng hoặc không muốn làm việc. Và lý do chẳng muốn làm việc thường thấy nơi người ở không. Tuy nhiên, Hội Thánh thường cần những người biết dâng hiến tài năng hơn là chỉ mong muốn được bận rộn với công việc. Và trong hầu hết các trường hợp người ta nhận thấy rằng nếu một người muốn phục vụ Chúa thì sẽ có cánh cửa mở ra cho họ.
Truyện tích Phi-líp làm chứng cho thái giám Ê-thi-ô-bi là câu chuyện Chúa dùng một người bận rộn cho mục đích đặc biệt của Ngài. Khi Chúa kêu gọi Phi-líp làm công việc này chính là lúc ông đang bận rộn với công tác truyền bá Phúc Âm đầy kết quả tại Sa-ma-ri. Nhưng ngày kia, một thiên sứ của Chúa bảo ông chờ dậy đi qua con đường vắng vẻ từ Giê-ru-sa-lem xuống Ga-xa. Có lẽ Phi-líp ngạc nhiên lắm vì thiên sứ không cho ông biết đến đó để làm gì, hoặc để gặp ai. Tuy nhiên Phi-líp “đứng dậy lên đường”. Đó là sự vâng lời trọn vẹn, phục tùng hoàn toàn. Đó là tư cách của một chứng đạo viên.
Đức Chúa Trời chẳng hề sai lầm. Khi đến nơi chỉ định, Phi-líp thấy một người ngồi trên xe ngựa và đang đọc sách. Đức Thánh Linh bảo Phi-líp: Con tiến lên! Đuổi cho kịp xe đó. Phi-líp liền chạy theo và nghe người đang đọc sách tiên tri Ê-sai. Phi-líp hỏi: Ông có hiểu đoạn văn đang đọc không? Thái giám trả lời: Không có người giải nghĩa làm sao tôi hiểu được! Rồi ông mời Phi-líp lên xe.
Phi-líp bắt đầu từ đoạn Thánh Kinh thái giám đang đọc mà giảng giải về Chúa Giê-xu. Phi-líp rất khéo léo khi nêu lên câu hỏi mở đầu. Ông cũng am tường Kinh Thánh nên đã giải nghĩa Ê-sai 53: 7-8 là chỉ về Chúa Cứu Thế. Cuộc làm chứng thật đầy đủ và rõ ràng.
Đến một chỗ, có lạch nước vệ đường, thái giám xin Phi-líp nhân danh Chúa Cứu Thế Giê-xu làm báp têm cho mình. Họ vừa ra khỏi nước, Thánh Linh của Chúa đem Phi-líp đi ngay. Thái giám không thấy ông nữa, nhưng cứ hân hoan lên đường. Còn Phi-líp được Chúa đưa đến thành A-xốt, tiếp tục công bố Phúc Âm tại các thành phố trên đường đi đến hải cảng Sê-sa-rê.
Qua công tác “cá nhân chứng đạo” của Phi-líp ta học được những điều như sau:
- Phi-líp là người bận rộn với công việc Chúa, vì ngươi chẳng những có tài năng mà còn mong muốn được phục vụ Chúa.
- Phi-líp có sự tương giao mật thiết với Chúa, nhờ đó đã được Thánh Linh hướng dẫn trong mọi công tác phục vụ Ngài.
- Phi-líp vâng theo sự hướng dẫn của Đức Thánh Linh, không thắc mắc cũng chẳng trễ nải.
- Phi-líp mở đầu việc làm chứng bằng cách gợi sự thích thú cho người nghe.
- Phi-líp am hiểu Kinh Thánh và sử dụng Kinh Thánh trong lúc truyền bá Phúc Âm.
- Phi-líp trung tín thực thi công tác truyền bá Phúc Âm cho đến lúc hoàn tất.
- Phi-líp tỏ ra nóng cháy trong sự phục vụ Chúa qua hành động chạy theo xe thái giám.
- Phi-líp tỏ ra kiên nhẫn qua việc giảng giải từ đầu về bối cảnh và sự ứng nghiệm của đoạn Kinh Thánh cho thái giám hiểu.\
Chương IV- PHI-E-RƠ LÀM CHỨNG CHO CỌT-NÂY
1.-Phi-e-rơ để cho Đức Chúa Trời chuẩn bị tấm lòng trước khi đi ra truyền bá Phúc Âm.
2.-Phi-e-rơ ngăn cản người ta thờ lạy mình.
3.-Phi-e-rơ lắng nghe để hiểu rõ tình trạng thuộc linh của người hư mất trước khi đưa ra phương thuốc cứu chữa.
4.-Phi-e-rơ hiểu rằng cuộc sống đạo đức của Cọt-nây chưa đủ để phục hòa với Đức Chúa Trời.
5.-Phi-e-rơ trung tín giảng giải sự cứu rỗi qua Chúa Cứu Thế Giê-xu.
6.-Phi-e-rơ vâng lời Đức Chúa Trời.
7.-Phi-e-rơ áp dụng từ từ từng bước về phương pháp truyền bá Phúc Âm của Chúa Cứu Thế Giê-xu.
8.-Phi-e-rơ giảng giải Phúc Âm rất đầy đủ và kết thúc bài làm chứng với lời mời gọi tiếp nhận Chúa.
9.-Phi-e-rơ có hành động và lời nói khiêm tốn, biết nhường sự vinh hiển cho Đức Chúa Trời.
10.-Phi-e-rơ dành thì giờ cầu nguyện với Chúa mỗi ngày.
“Tại Sê-sa-rê, có một người tên Cọt-nây, làm đại đội trưởng trong trung đoàn Ý-đại-lợi. Ông và mọi người trong nhà đều có lòng mộ đạo, kính sợ Thượng Đế. Cọt-nây rộng rãi cứu tế dân nghèo và siêng năng cầu nguyện. Một hôm, vào khoảng ba giờ chiều, ông thấy rõ trong khải tượng, một thiên sứ của Thượng Đế đến gọi: Cọt-nây, ông nhìn sửng thiên sứ, sợ hãi: “Thưa Ngài, có việc gì?” Thiên sứ nói: “Lời cầu nguyện và việc cứu tế của ông đã được Thượng Đế ghi nhận. Bây giờ ông cho người đến Gia-pha, mời Si-môn Phê-rơ về đây. Ông này đang trọ trong nhà Si-môn thợ thuộc da, gần bờ biển. Phê-rơ sẽ bảo ông mọi việc phải làm. “Khi thiên sứ đi rồi, Cọt-nây gọi hai gia nhân và một binh sĩ có lòng mộ đạo, thuật cho họ nghe khải tượng rồi sai đi Gia-pha. Hôm sau, khi người nhà Cọt-nây gần đến Gia-pha, Phê-rơ lên sân thượng cầu nguyện, lúc ấy vào khoảng giữa trưa. Phê-rơ đang đói, muốn ăn, nhưng khi thức ăn dọn lên, ông xuất thần, thấy trời mở ra và một vật như tấm vải lớn buộc bốn góc hạ xuống đất, trong đó có đủ loài thú vật, loài bò sát và loài chim trời. Thình lình có tiếng gọi: “Phê-rơ con dậy làm thịt mà ăn! Phê-rơ nói: “Lạy Chúa con không dám, vì con không hề ăn vật gì phàm tục ô uế. Tiếng ấy lại bảo ông lần nữa: “ Vật gì được Thượng Đế tẩy sạch thì không còn ô uế nữa ”. Lời đó lập lại ba lần, rồi vật kia được thu lên trời. Phê-rơ đang phân vân suy nghiệm ý nghĩa khải tượng thì nghe Thánh Linh bảo: Này, có ba người đang tìm con. Con cứ đứng dậy xuống đi với họ. Đừng nghi ngờ, vì Ta đã sai họ đến. ” Phê-rơ xuống bảo người nhà Cọt-nây. Tôi chính là người các ông đang tìm. Các ông đến đây có việc gì? Họ đáp: Đại đội trưởng Cọt-nây sai chúng tôi đến. Chủ chúng tôi là người công chính và kính sợ Thượng Đế, được cả người Do Thái khen ngợi. Thượng Đế sai thiên sứ bảo chủ chúng tôi mời ông về nhà để nghe lời ông chỉ dạy. Phê-rơ đưa họ vào nhà nghỉ đêm. Sáng sau, ông lên đường với họ, có vài anh em tín hữu Gia-pha cùng đi. Hôm sau, Phê-rơ đến thành Sêsarê. Lúc ấy, Cọt-nây đã mời họ hàng, thân hữu họp lại chờ đợi. Thấy Phê-rơ đến, Cọt-nây ra đón, quỳ lạy dưới chân. Nhưng Phê-rơ đỡ Cọt-nây đứng dậy: “Xin ông đứng lên! Tôi cũng chỉ là người như ông ”. Vừa nói vừa bước vào nhà, Phê-rơ nhìn thấy có nhiều người đang nhóm họp. Ông nói: “Quý ông đều biết rõ, người Do Thái không được phép kết thân hoặc giao thiệp với người nước ngoài. Tuy nhiên, Thượng Đế đã dạy tôi không được kỳ thị chủng tộc. Vì thế tôi không ngần ngại đến ngay khi quý ông mời. Vậy xin hỏi quý ông gọi tôi đến đây có việc gì? Cọt-nây trả lời: Bốn ngày trước cũng vào giờ này- ba giờ chiều --tôi đang cầu nguyện trong nhà. Thình lình một người mặc áo sáng chói đến đứng trước mặt, bảo tôi: Cọt-nây, Lời cầu nguyện anh đã được Chúa nghe, việc cứu tế anh đã được Ngài ghi nhớ. Vậy anh nên sai người đến Giapha mời Si-môn Phê-rơ. Ông ấy đang trọ nhà Si-môn, thợ thuộc da, ở cạnh bờ biển. Tôi lập tức sai người mời ông, nay ông đã vui lòng đến tận đây. Toàn thể chúng tôi đang nhóm họp trước mặt Thượng Đế để nghe tất cả những điều Chúa đã truyền dạy ông. Phê-rơ nói: “Bây giờ, tôi biết chắc Thượng Đế không thiên vị ai. Bất cứ dân tộc nào, hễ ai kính sợ Chúa và làm điều công chính, Chúa đều tiếp nhận. Chúa Cứu Thế Giê-xu là Chúa muôn dân đã công bố Phúc Âm của Thượng Đế cho dân Y-sơ-ra-ên. Như quý ông biết, sau khi Giăng giảng dạy về lễ báp têm, Đạo Chúa được truyền giảng từ xứ Ga-li-lê, và phổ biến khắp xứ Giu-đê. Thượng Đế đã cho Chúa Giê-xu người Na-xa-rét đầy dẫy Thánh Linh và quyền năng. Chúa đi khắp nơi làm việc thiện và chữa lành tất cả những người bị quỉ áp bức, vì Thượng Đế ở với Ngài. Chúng tôi đã chứng kiến tất cả những việc Ngài làm trong nước Y-sơ-ra-ên và tại Giê-ru-sa-lem. Người Do Thái đã giết Ngài trên cây thập tự. Đến ngày thứ ba Thượng Đế cho Ngài sống lại và hiện ra cho những người được Thượng Đế lựa chọn làm nhân chứng. Ngài không hiện ra cho mọi người, nhưng cho chúng tôi, những người được ăn uống với Ngài sau Ngài sống lại. Chúa bảo chúng tôi công bố Phúc Âm mọi nơi, làm chứng rằng Thượng Đế đã lập Ngài làm chánh án xét xử mọi người sống và người chết. Tất cả các nhà tiên tri đều viết về Chúa Cứu Thế: mọi người tin Ngài đều được tha tội nhờ Danh Ngài, Phê-rơ còn đang nói, Thánh Linh đã giáng trên mọi người nghe. Các tín hữu Do Thái đi theo Phê-rơ đều kinh ngạcvì người nước ngoài cũng nhận được ân tứ Thánh Linh. Họ nghe những người ấy nói ngoại ngữ và tôn vinh Thượng Đế. Phê-rơ hỏi: ai có thể từ chối làm báp tem bằng nước cho những người này? Vì họ đã nhận lãnh Thánh Linh cũng như chúng ta. Vậy, ông làm báp têm cho họ nhân Danh Chúa Cứu Thế Giê-xu. Sau đó họ mời ông ở lại vài ngày ” (Công Vụ 10:1-48 BDY).
Thành kiến là ý kiến đã có sẵn từ lâu, cố chấp, khó thay đổi. Trong Hội Thánh đầu tiên, có thành kiến giữa người văn minh và bán khai, thành phần trí thức và thất học, người tự chủ và người nô lệ, người nam và người nữ, người Do Thái và ngoại bang. Song Hội Thánh Chúa sau đó đã chiến thắng thành kiến. Sự chết của “Chúa Cứu Thế đem lại hòa bình cho chúng ta. Ngài hòa giải hai khối dân tộc thù nghịch, kết hợp làm một nhân loại mới. Chúa hy sinh thân mình để phá đổ bức tường ngăn cách đôi bên, chấm dứt hận thù, phế bỏ luật pháp Do Thái với giới răn, quy luật. Chúa hợp nhất hai khối dân thù nghịch, cho họ gia nhập vào Thân thể Chúa để tạo nên một nhân loại mới và xây dựng hòa bình. Hai bên đã là bộ phận của một thân thể, hận thù tất nhiên tiêu tan, cả hai đều được giải hòa với Thượng Đế. Vậy chiến tranh đã chấm dứt tại cây thập tự. Chúa Cứu Thế đã đến công bố Phúc Âm hòa bình ấy cho các dân tộc gần xa. Nhờ Chúa Cứu Thế tất cả các dân tộc đều được Thánh Linh dìu dắt đến cùng Chúa Cha (Eph Ep 2:14-18 BDY), “sự chia rẽ kỳ thị giữa Do Thái và nước ngoài, giữa nô lệ và tự do, giữa nam và nữ, đã chấm dứt, vì chúng ta đều hợp nhất trong Chúa Cứu Thế Giê-xu” (GaGl 3:28 BDY).
Thật vậy, từ trước đã có thành kiến lớn giữa dân Do Thái với các dân ngoại bang. Đức Chúa Trời đã tự tỏ mình ra cho Áp-ra-ham, chọn lựa dòng dõi ông làm dân thuộc riêng về Ngài để họ truyền giảng chân lý cho cả thế gian. Nhưng dân Do Thái đã hiểu sai rằng chỉ có họ mới là dân đáng được cứu rỗi. Vì thế Phúc Âm của Chúa Cứu Thế đã phá bỏ thành kiến đó, và tỏ ra rằng Hội Thánh phải gồm muôn dân, muôn nước.
Sự hóan cải của Cọt-nây đã đánh dấu sự bắt đầu của một thời đại mới trong lịch sử Hội Thánh. Câu chuyện mở đầu với những lời này: tại Sê-sa-rê, có một người tên Cọt-nây... có lòng mộ đạo, kính sợ Thượng Đế. Mặc dù Cọt-nây hết lòng thờ phượng Đức Chúa Trời, song dường như ông chưa được bình an với Ngài. Tuy nhiên, nhờ sự siêng năng cầu nguyện và tìm kiếm Chúa, Ngài ban thưởng ông qua việc mách bảo ông hãy cho người đến Gia-pha mời Si-môn Phi-e-rơ về nhà. Phi-e-rơ sẽ bảo ông mọi việc sẽ làm.
Phi-e-rơ là người Do Thái, nên cũng không tránh khỏi thành kiến với dân ngoại bang, và không muốn truyền bá Phúc Âm cho họ. Vì thế trước khi Đức Chúa Trời dùng Phi-e-rơ mang Phúc Âm đến cho người nước ngoài. Ngài phải chuẩn bị tấm lòng ông. Đang khi các gia nhân của Cọt-nây gần đi đến nơi Phi-e-rơ trọ, Ngài đã cho Phi-e-rơ thấy một khải tượng. Ông thấy bầu trời mở rộng và có vật gì sa xuống, như thể là một tấm khăn to: bốn đầu túm lại và buông xuống đất. Bên trong thì có đủ mọi loài bốn chân, vật bò sát và chim bay trên trời. Rồi có tiếng bảo rằng: “Phi-e-rơ, con dậy làm thịt mà ăn.” Nhưng Phi-e-rơ trả lời: “Lạy Chúa con không dám, vì con không hề ăn vật gì phàm tục ô uế”. Và tiếng kia lại nói với ông lần nữa: “Vật gì được Thượng Đế tẩy sạch thì không còn ô uế nữa”. Sự việc ấy diễn ra ba lần như thế, rồi vật kia liền rút lên trời. Phi-e-rơ còn đang suy nghĩ xem khải tượng vừa rồi có ý nghĩa làm sao, thì mấy người Cọt-nây sai phái đã hỏi thăm được nhà của Si-môn và vừa tới ngay bên ngoài cửa. Họ kêu người hỏi xem có phải ông Si-môn gọi là Phi-e-rơ trọ ở đây chăng. Phi-e-rơ đang nghĩ về khải tượng kia, thì Thánh Linh bảo ông rằng: “Này! Có ba người đang tìm con. Con cứ đứng dậy, xuống đi với họ. Đừng nghi ngờ, vì Ta đã sai họ đến”.
Bấy giờ, Phi-e-rơ hiẻu rõ ý nghĩa của khải tượng là ông không được phép xem dân tộc nào là ô uế khi Chúa đã làm cho họ tinh sạch. Ông phải nhận họ là anh em trong một Hội Thánh. Vậy nên sáng hôm sau, Phi-e-rơ và vài anh em tín hữu Gia-pha cùng đi đến nhà Cọt-nây tại Sê-sa-rê, Phi-e-rơ đã chiến thắng thành kiến đối với dân ngoại bang, vì đã để cho Đức Chúa Trời chuẩn bị tấm lòng ông.
Chúa đã sắp đặt đâu đó một cách đáo. Trước khi Phi-e-rơ tới, Cọt-nây đã mời họ hàng, thân hữu họp lại chờ đợi trong nhà. Vừa lúc Phi-e-rơ vào nhà, Cọt-nây ra đón, cúi xuống chân ông mà lạy, xem Phi-e-rơ là một sứ giả từ trời. Phi-e-rơ vội vàng đỡ Cọt-nây dậy và nói: “Xin ông đứng lên! tôi cũng chỉ là một người như ông”. Biết bao lần ta không có lời nói và hành động như Phi-e-rơ. Biết bao lần ta quên rằng mình chỉ là người đại diện Chúa chớ chẳng phải là Chúa, và không ngăn cản người khác thần Thánh hóa mình.
Vào nhà xong, Phi-e-rơ liền bày tỏ lý do ông đến là do Đức Chúa Trời sai khiến, và ông hỏi Cọt-nây đã cho tìm ông có việc gì. Điều ta học được là Phi-e-rơ biết lắng nghe trước khi nói. Một lỗi lầm thường thấy nơi chứng đạo viên là không lắng nghe trước khi nói, và vì vậy không hiểu rõ nhu cầu của người hư mất để có sự hướng dẫn đúng. Khi tiếp xúc với họ ta thường cho rằng mọi người đều có cùng một nhu cầu, một hoàn cảnh và ta cư xử với họ cùng một cách thức. Đành rằng mỗi trường hợp của người hư mất đều cần sự cứu chữa giống nhau - do huyết của Chúa Cứu Thế tẩy sạch tội lỗi chúng ta. Tuy nhiên, không phải lúc nào ta áp dụng một phương pháp trình bày Phúc Âm như nhau, Phi-e-rơ đã làm một việc khôn ngoan nhất: lắng nghe trước khi nói.
Sau khi lắng nghe, Phi-e-rơ nhận biết Cọt-nây là người đạo đức và rộng rãi cứu tế dân nghèo, song bấy nhiêu chưa đủ để được cứu rỗi. Cọt-nây cần biết về Chúa Cứu Thế và công lao cứu chuộc của Ngài để có đời sống đổi mới trong Chúa.
Thấy được nhu cầu đó, Phi-e-rơ hành động như một y sĩ đại tài, bắt đầu chữa trị cho bệnh nhân thuộc linh. Phi-e-rơ hăng say giảng giải về Chúa Cứu Thế cho Cọt-nây. Ông còn nói thì Thánh Linh đã giáng trên mọi người nghe, ai nấy được đầy dẫy Thánh Linh, nói ngoại ngữ mà ca tụng Đức Chúa Trời. Sau đó, Phi-e-rơ làm báp têm cho họ, nhân danh Chúa Cứu Thế Giê-xu. Điều ta học được nơi chứng đạo viên Phi-e-rơ là:
- Phi-e-rơ để cho Đức Chúa Trời chuẩn bị tấm lòng trước khi đi ra truyền bá Phúc Âm.
- Phi-e-rơ ngăn cản người ta thờ lạy mình.
- Phi-e-rơ lắng nghe để hiểu rõ tình trạng thuộc linh của người hư mất trước khi đưa ra phương thuốc cứu chữa.
- Phi-e-rơ hiểu rằng cuộc sống đạo đức của Cọt-nây chưa đủ để phục hòa với Đức Chúa Trời.
- Phie rơ trung tín giảng giải sự cứu rỗi qua Chúa Cứu Thế Giê-xu.
- Phi-e-rơ vâng lời Đức Chúa Trời.
- Phi-e-rơ áp dụng từ từ từng bước về phương pháp truyền bá Phúc Âm của Chúa Cứu Thế Giê-xu.
- Phi-e-rơ giảng giải Phúc Âm rất đầy đủ và kết thúc bài làm chứng với lời mời gọi tiếp nhận Chúa.
- Phi-e-rơ có hành động và lời nói khiêm tốn, biết nhường sự vinh hiển cho Đức Chúa Trời.
- Phi-e-rơ dành thì giờ cầu nguyện với Chúa mỗi ngày.
 PHẦN THỨ TÁM
- CHĂM SÓC TÂN TÍN HỮU
Chương I- TRONG NGÀY QUYẾT ĐỊNH TIN CHÚA
1.-Sau khi thân hữu cầu nguyện tiếp nhận Chúa
2.-Điều chứng đạo viên cần thực hiện sau khi cầu nguyện cho thân hữu tin Chúa.
Đức Chúa Trời đã nhậm lời bạn cầu nguyện. Vị thân hữu mà bạn làm chứng đã bằng lòng tin Chúa. Bạn vui mừng, vị thân hữu vui mừng, các thiên sứ vui mừng. Đó là một đặc ân và vui mừng lớn nhất mà bạn có được. Tuy nhiên, cùng với đặc ân ấy có trách nhiệm kèm theo: trách nhiệm chăm sóc tân tín hữu. Mục đích của việc chăm sóc là để tân tín hữu “đạt đến mức toàn hảo trong Chúa Cứu Thế Giê-xu” (CoCl 1:28 NDY). “Ngài phân phối công tác như thế để chúng ta phục vụ đắc lực cho Ngài, cùng nhau xây dựng Hội Thánh, là Thân thể Ngài. nhờ đó, chúng ta được hợp nhất, cùng chung một niềm tin về sự cứu rỗi và về Con Thượng Đế - Cứu Chúa chúng ta - và mỗi người đều đạt đến bậc trưởng thành trong Chúa, có Chúa Cứu Thế đầy dẫy trong tâm hồn ” (Eph Ep 4:12, 13 BDY).
Phao-lô và Banaba sau khi giảng Phúc Âm và giúp nhiều người tin Chúa, hai ông đã họach định chương trình chăm sóc bằng cách “trở lại Lý-trà, Y-cô-ni và An-ti-ốt, cũng cố tinh thần các tín hữu, khuyên họ cứ giữ vững đức tin” (Công Vụ 14:21 BDY). Dưới đây là chương trình chăm sóc cho tân tín hữu.
1. SAU KHI THÂN HỮU CẦU NGUYỆN TIẾP NHẬN CHÚA
Sau khi thân hữu cầu nguyện tiếp nhận Chúa, chứng đạo viên chia sẻ niềm vui về đời sống mới trong Chúa Cứu Thế của họ. Tiếp theo chứng đạo viên đọc cho tân tín hữu nghe các câu Thánh Kinh bảo đảm sự cứu rỗi:
“Tôi quả quyết với anh em: Ai tin tôi sẽ được sự sống vĩnh viễn ” (GiGa 6:47 BDY).
“Thượng Đế đã tuyên bố Ngài ban cho chúng ta sự sống vĩnh viễn và Chúa Cứu Thế là Nguồn sống. Ai tiếp nhận Con Thượng Đế mới có sự sống. Ai khước từ Con Thượng Đế làm sao có sự sống được? Tôi viết điều đó để anh em biết rõ nhờ tin Con Thượng Đế mà anh em được sống vĩnh viễn ” (IGi1Ga 5:11-13 BDY).
Lúc đọc xong chứng đạo viên hỏi: “Chúa Cứu Thế qủa quyết ai tin Ngài sẽ được gì?” Tân tín hữu sẽ đáp: “Được sự sống vĩnh viễn.” Kế đó chứng đạo viên nói: Hoan nghênh bạn vào gia đình của Đức Chúa Trời và chúng ta là anh chị em trong Chúa Cứu Thế. Đây là giờ phút quan trọng nhất trong đời sống bạn. Hãy ghi nhớ hôm nay (ngày/tháng/năm) là sinh nhật thuộc linh của bạn. Mời bạn ký tên vào hai phiếu quyết định tin Chúa. Bạn sẽ giữ một phiếu để ghi nhớ và Hội Thánh sẽ giữ một phiếu để lưu trong sổ sách. Đồng thời tôi muốn chia sẻ cho bạn vài điều quan trọng để giúp bạn bắt đầu đời sống mới trong Chúa Cứu Thế. Đó là cầu nguyện hằng ngày, đọc Kinh Thánh, tham dự các buổi lễ thờ phượng, và áp dụng các điều bạn học được trong lời Chúa.
2. ĐIỀU CHỨNG ĐẠO VIÊN CẦN THỰC HIỆN SAU KHI CẦU NGUYỆN CHO THÂN HỮU TIN CHÚA
1. Biếu cho thân hữu quyển Phúc Âm Giăng hoặc quyển Tân Ước với lời giải thích vắn tắt để bắt đầu đọc nó mỗi ngày, khởi sự với ba chương đầu của sách Phúc Âm Giăng.
2. Giải thích cầu nguyện là nói chuyện với Đức Chúa Trời, và khuyến khích tân tín hữu cầu nguyện mỗi ngày với lời cầu nguyện Chúa dạy trong Mat Mt 6: 9-13.
3. Xếp đặt cho tân tín hữu đi lễ thờ phượng và chuẩn bị tiếp đón họ tại nhà thờ.
4. Định thì giờ và địa điểm cho lần thăm viếng chăm sóc thứ nhất.
5. Trao đổi tên, địa chỉ và số điện thoại với tân tín hữu.
6. Biếu cho tân tín hữu quyển sách nhỏ nhan đề Tín Hữu Hành Đạo và đề nghị người đọc trước chương một.
7. Kết thúc với lời cầu nguyện và thân thiện từ giả.
Sau đó chứng đạo viên hoàn lại phiếu quyết định cho văn phòng Hội Thánh và điền vào phần đầu của tờ tường trình thăm viếng chăm sóc. Dưới đây là các mẫu Phiếu Quyết Định và Tờ Tường Trình Thăm Viếng Chăm Sóc.
PHIẾU QUYẾT ĐỊNH VÀ
TỜ TƯỜNG TRÌNH THĂM VIẾNG CHĂM SÓC
PHIẾU QUYẾT ĐỊNH
Họ và tên ..................................................sinh năm:...............
Địa chỉ: ....................................................................................
..................................................................................................
Điện thoại: ...............................................................................
Hôm nay tôi quyết định tin nhận Chúa Giê-xu làm Đấng Cứu Thế của tôi.
.............................. ngày ........... tháng ............ năm ............
Hướng dẫn viên
TỜ TƯỜNG TRÌNH THĂM VIẾNG CHĂM SÓC
Họ và tên
Địa chỉ
Điện thoại
Ngày quyết định tin Chúa
Tên hướng dẫn viên
Ghi chú:
Ngày chăm sóc
Tài liệu chăm sóc Chăm sóc bởi
Lần nhất
Lần nhì
Lần ba
Lần tư

Ngày ghi danh lớp Niềm tin căn bản
Ngày ghi danh lớp Trường Chúa Nhật
Tham gia các sinh họat Hội Thánh
Ngày chịu báp têm và trở nên Hội viên
Trước khi tiếp tục việc thăm viếng chăm sóc, chứng đạo viên nên nhớ và thực hành những điều sau:
1. Đến thăm tân tín hữu với tình thương và cầu nguyện xin Thánh Linh hướng dẫn mọi sự.
2. Luôn bắt đầu và kết thúc việc thăm viếng chăm sóc bằng sự cầu nguyện.
3. Cố gắng đáp ứng nhu cầu của tân tín hữu.
4. Đừng thăm viếng lâu hơn một giờ.
Chương II- CÁC LẦN THĂM VIẾNG CHĂM SÓC
1.-Lần thăm viếng thứ nhất
2.-Lần thăm viếng thứ hai
3.-Lần thăm viếng thứ ba
4.-Lần thăm viếng thứ tư
1. LẦN THĂM VIẾNG THỨ NHẤT
1. Giúp tân tín hữu biết chắc họ đã được cứu rỗi.
2. Ôn lại các câu Thánh Kinh bảo đảm về sự cứu rỗi: GiGa 6:47 IGi1Ga 5:11-13 và xin họ học tiếp GiGa 3:16.
3. Giảng giải tài liệu “Tín hữu Hành Đạo” chương 1, và xin họ đọc tiếp chương 2.
4. Giải thích tại sao và cách nào Cơ Đốc nhân cầu nguyện (a) với Đức Chúa Cha (b) bởi Đức Thánh Linh và (c) trong danh Chúa Cứu Thế Giê-xu.
5. Nhắc tân tín hữu đọc Phúc Âm Giăng chương 4 -6.
6. Khuyến khích tân tín hữu tham dự lễ thờ phượng và chuẩn bị tiếp đón họ tại nhà thờ.
7. Định ngày, giờ cho lần thăm viếng tới.
2. LẦN THĂM VIẾNG THỨ HAI
1. Giảng giải tài liệu “Tín Hữu Hành đạo”chương 2, và nhắc tân tín hữu đọc tiếp chương 3.
2. Ôn lại câu Thánh Kinh ghi nhớ lần trước trong GiGa 3:16 và xin họ học Ro-ma 3:23 và 6:23.
3. Nhắc tân tín hữu đọc Phúc Âm giăng chương GiGa 7:15.
4. Giải thích các tiết mục trong tờ chương trình lễ thờ phượng.
5. Định ngày, giờ cho lần thăm viếng tới.
3. LẦN THĂM VIẾNG THỨ BA
1. Giảng giải tài liệu “Tín hữu Hành đạo” chương 3, và nhắc tân tín hữu đọc tiếp chương 4.
2. Ôn lại các câu Thánh Kinh ghi nhớ và khuyến khích tân tín hữu học Eph Ep 2:8, 9
3. Xin họ đọc trước Phúc Âm Giăng chương 16-21.
4. Giúp tân tín hữu thảo những nét chính cho bài làm chứng cá nhân:
- Cuộc sống trước lúc biết Chúa
- Thế nào tôi biết Chúa
- Đời sống sau khi biết Chúa
5. Định ngày, giờ cho lần làm viếng tới
4. LẦN THĂM VIẾNG THỨ TƯ
1. Giảng giải tài liệu “Tín Hữu hành đạo” chương 4.
2. Ôn lại các câu Thánh Kinh ghi nhớ, và khuyến khích tân tín hữu học GiGa 14:6.
3. Nhắc lại việc học Kinh Thánh, cầu nguyện mỗi ngày, tham dự lễ thờ phượng và làm chứng.
4. Trong giai đoạn này Mục sư Quản nhiệm sẽ tiếp tục liên lạc với tân tín hữu, khuyến khích và trả lời những thắc mắc. Đồng thời Mục sư Quản nhiệm sẽ hướng dẫn tân tín hữu học lớp Niềm tin căn bản để chuẩn bị nhận lễ báp têm và trở thành tín đồ chính thức.
5. Sau đó ghi danh cho họ vào lớp Trường Chúa Nhật.
Gary W. Kuhne đề ra năm bước căn bản của một chương trình chăm sóc hiệu quả (1) Giúp tân tín hữu biết chắc đã được cứu rỗi (2) Giúp tân tín hữu phát triển đời sống dưỡng linh liên tục (3) Giúp tân tín hữu hiểu những cơ bản của nếp sống Cơ Đốc sung mãn. (4) Giúp tân tín hữu gia nhập và sinh họat với một Hội Thánh địa phương (5) Giúp tân tín hữu chia sẻ niềm tin cho người khác.
PHẦN THỨ CHÍN-
GIẢI ĐÁP CHO NHỮNG LỜI BÀO CHỬA VÀ CHỐNG ĐỐI
Chương I- VỀ ĐỨC CHÚA TRỜI
1.-Tôi không tin Thượng Đế thực hữu
2.-Thượng Đế không công bình
3.-Nếu Thượng Đế thật lòng yêu thương tôi, thì tôi không cần phải lo gì cả
4.-Nếu Thượng Đế muốn cứu tôi thì cần gì đến huyết Chúa Cứu Thế
Lời bào chữa đã bắt đầu từ trong vườn Ê-đen và vẫn tiếp tục đến ngày nay. Chúa Cứu Thế Giê-xu và Phao-lô cũng gặp phải điều này, và vì vậy ta không nên ngạc nhiên khi đối diện với chúng. Tuy nhiên, biết được rằng sẽ có những lời bào chữa và chống đối, giúp ta chuẩn bị sẵn sàng để trả lời trong lúc làm chứng về Chúa.
Điều ta cần nhớ là tránh tranh luận trước những lời bào chữa và chống đối. Thay vào đó, ta sẽ dùng lời Thánh Kinh để giải đáp. Vì “lời Đức Chúa Trời là lời sống và linh nghiệm, sắc hơn gươm hai lưỡi, thấu vào đến đỗi chia hồn, linh, cốt, tỷ, xem xét tư tưởng và ý định trong lòng. Chẳng có vật nào được dấu kín trước mặt Chúa, nhưng thảy đều trần trụi và lộ ra trước mặt Đấng mà chúng ta phải thưa lại” (HeDt 4:12-13).
Dưới đây là các lời bào chữa và chống đối về Đức Chúa Trời ta thường gặp, và theo sau là các câu Thánh Kinh để giải đáp.
1. Tôi không tin Thượng Đế thực hữu
- Thi Tv 19:1-“Các từng trời rao truyền sự vinh hiển của Đức Chúa Trời, bầu trời giải tỏ công việc tay Ngài làm”.
- 8:1, 3 “Hỡi Đức Giê-hô-va là Chúa chúng tôi, danh Chúa được sang cả trên khắp trái đất biết bao; sự oai nghi Chúa hiện ra trên các từng trời. Khi tôi nhìn xem các từng trời là công việc của ngón tay Chúa, mặt trăng và các ngôi sao mà Chúa đã đặt. ”
- 33:6 “Các từng trời được làm nên bởi lời Đức Giê-hô-va, cả cơ binh trời bởi hơi thở của miệng Ngài mà có”.
- Ro-ma 1:19, 22 “Vì sự thật về Thượng Đế đã được giải bày cho họ, chính Thượng Đế đã tỏ cho họ biết. Dù biết Thượng Đế nhưng họ chẳng tôn vinh hay tri ân Ngài. Họ suy tư trong vòng luẩn quẩn, tâm hồn bị sa lầy trong bóng tối”.
2. “Thượng Đế không công bình ”
- Thi Tv 9:4 “Vì Chúa binh vực quyền lợi và duyên cớ tôi, Chúa ngồi tòa mà đoán xét công bình.”
- 11:7 “Vì Đức Giê-hô-va là công bình; Ngài yêu sự công bình”.
- 119:137 “Hỡi Đức Giê-hô-va, Ngài là công bình, sự đoán xét của Ngài là ngay thẳng”.
- 15:17 “Đức Giê-hô-va là công bình trong mọi đường Ngài, hay làm ơn trong mọi công việc Ngài”.
- Gie Gr 11:20 “Hỡi Đức Giê-hô-va vạn quân, Ngài đoán xét cách công bình”.
3. “Nếu Thượng Đế thật lòng yêu thương tôi, thì tôi không cần phải lo gì cả ”
- Mat Mt 22:11-13 “Vua vào phòng tiệc, gặp một tân khách không mặc áo lễ (vua may sẵn cho mỗi người). Vua hỏi: Này bạn, sao đã vào đây mà không mặc áo lễ? Người ấy cứng miệng không đáp, Vua truyền tả hữu trói người ấy, ném ra ngoài, vào chỗ tối tăm đầy tiếng khóc lóc và nghiến răng”.
- IIPhi 2Pr 2:4, 5 “Thượng Đế không dung thứ các thiên sứ phạm tội, nhưng quăng họ vào hỏa ngục, giam học trong chốn tối tăm để đợi ngày phán xét. Ngài cũng chẳng chừa một ai lúc Ngài dùng trận Hồng thủy tiêu diệt thế giới vô đạo, ngoại trừ Nô-ê, người truyền giảng đạo công chính, với bảy mươi người trong gia đình”.
4. “Nếu Thượng Đế muốn cứu tôi thì cần gì đến huyết Chúa Cứu Thế
- HeDt 9:22 “Vậy, theo luật pháp, huyết tẩy sạch hầu hết mọi vật: nếu không đổ huyết, tội lỗi chẳng bao giờ được tha thứ”.
- Ro-ma 5:9, 10 “Trước là người tội lỗi, ta còn nhờ huyết Chúa được tha thứ, nay ta sạch tội rồi, hẳn Ngài sẽ cứu chúng ta khỏi hình phạt khủng khiếp Thượng Đế dành cho thế gian. Trước là kẻ thù Thượng Đế, ta còn được giải hòa với Ngài nhờ sự chết của con Ngài, nay đã hòa thuận rồi, hẳn Ngài sẽ giải cứu ta do sức sống bất diệt của Ngài.”
- IPhi 1Pr 1:18, 19 “Anh em đã biết rõ, Thượng Đế đã trả giá rất cao để cứu chuộc anh em khỏi nếp sống lầm lạc của tổ tiên. Không phải trả giá bằng bạc vàng dễ mất, mau hư, những bằng huyết quý báu của Chúa Cứu Thế Chiên con vô tội không tỳ vết của Thượng Đế”.
Chương II- VỀ CHÚA CỨU THẾ GIÊ-XU
1.-Tôi không cần một Cứu Chúa
2.-Tôi không tin Chúa Giê-xu là con Thượng Đế
1. “Tôi không cần một Cứu Chúa
- GiGa 3:18 “Ai tin con Thượng Đế sẽ không bị kết tội, ai không tin đã kết tội rồi, vì không tin nhận Con một của Thượng Đế”.
- 3:36 “Ai tin Con Thượng Đế đều được sự sống vĩnh viễn. Ai không vâng phục Ngài chẳng được sự sống ấy mà còn mang án phạt của Thượng Đế”.
- Ro-ma 3:23 “Vì mọi người đều phạm tội, không còn phản chiếu vinh quang Thượng Đế.”
2. “Tôi không tin Chúa Giê-xu là Con Thượng Đế
* Chúa Giê-xu đã hiện hữu từ nguyên thủy
- GiGa 1:1, 2 “Ban đầu có Chúa Cứu Thế, Chúa Cứu Thế ở với Thượng Đế từ nguyên thủy vì Ngài là Thượng Đế ngôi hai”.
- 1:3 “Chúa Cứu Thế đã sáng tạo vạn vật; mọi vật trong vũ trụ đều do tay Chúa tạo nên”.
- CoCl 1:17 “Chúa Cứu Thế có trước vạn vật, Ngài an bài và chi phối vạn vật”
* Chính Chúa Giê-xu đã xưng nhận thần tính của Ngài
- GiGa 14:9 “Ai đã thấy ta, tức là đã thấy Cha”.
- 10:30 “Ta với cha là một”.
* Tiên tri Ê-sai đã dự ngôn 800 năm trước khi sanh ra Chúa Giê-xu rằng Ngài phải ra đời do một trinh nữ.
- EsIs 7:14 -“Vậy nên, chính Chúa sẽ ban một điềm cho các ngươi: nầy một gái đồng trình sẽ chịu thai, sanh một con trai, và đặt tên là Em-ma-nu-ên.”
* Chúa Giê-xu là nhân vật duy nhất vô tội
- HeDt 4:15 “Có một thầy tế lễ bị thử thách mọi việc cũng như chúng ta, song chẳng phạm tội”.
- LuLc 23:4 “Ta không thấy người này có tội gì”.
* Chúa Giê-xu biết những tư tưởng sâu kín nhất của tội nhân nhưng Ngài ban cho sự tha thứ
- GiGa 2:24-25 “Nhưng Đức Chúa Giê-xu chẳng phó thác mình cho họ, vì Ngài nhận biết mọi người, và không cần ai làm chứng về người nào, bởi Ngài tự hiểu thấu mọi điều trong lòng người ta”.
- 4:29 “Đồng bào mau ra xem, ngoài kia, có một người nói đúng tất cả những việc tôi đã làm. Đó là không phải là Chúa Cứu Thế sao?”
* Sự chết của Chúa Giê-xu đã được dự ngôn 900 trước khi Ngài giáng sanh
- DaDn 9:26 “Đấng chịu xức dầu sẽ bị trừ đi, và không có chi hết.”
- Thi Tv 22:16 “Một lũ hung ác vây phủ tôi; chúng nó đâm lủng tay và chơn tôi”.
* Chúa Giê-xu tình nguyện chịu chết thay thế cho tội nhân
- EsIs 53:5, 6 “Nhưng người đã vì tội lỗi chúng ta mà bị vết, vì sự gian ác chúng ta mà bị thương, bởi sự sửa phạt người chịu, chúng ta được bình an, bởi lằn roi người chúng ta được lành bịnh. Chúng ta thảy đều như chiên đi lạc, ai theo đường nấy: Đức Giê-hô-va đã làm cho tội lỗi của hết thảy chúng ta đều chất trên người.”
- GiGa 10:18 “Không ai có quyền giết ta, nhưng ta tình nguyện hy sinh. Ta có quyền hy sinh tính mạng và có quyền lấy lại. Chúa Cha dã bảo ta thi hành việc ấy.”
- Mat Mt 20:28 “...Vì ta đến trần gian không phải để cho người phục vụ, nhưng để phục vụ người, và hy sinh tính mạng cứu chuộc nhiều người”.
* Chúa Giê-xu đã từ kẻ chết sống lại
- GiGa 20:26-27 “Cách tám ngày, các môn đệ lại nhóm nhau trong nhà, có Thô-ma ở với. Khi cửa đương đóng, Đức Chúa Giê-xu đến, đứng chính giữa môn đệ mà phán rằng: Hãy đặt ngón tay ngươi vào đây, và xem bàn tay Ta; cũng hãy giơ bàn tay ngươi ra và đặt vào sườn Ta, chớ cứng lòng, song hãy tin.”
- Ro-ma 6:9 “Chúng ta biết Chúa Cứu Thế đã sống lại từ cõi chết, Ngài không bao giờ chết nữa, vì sự chết chẳng còn quyền lực gì trên Ngài”.
- 4:25 “Ngài đã bị nạp vì tội lỗi chúng ta, và sống lại vì sự xưng công bình của chúng ta”.
- ICo1Cr 15:17 “Nếu Chúa Cứu Thế đã chẳng sống lại, đức tin anh em hóa ra vô ích, anh em vẫn còn bị đày đọa trong tội lỗi.”
Chương III- VỀ THÁNH KINH
1.-Tôi không tin Thánh Kinh được Thượng Đế cảm ứng
2.-Có nhiều điều trong Thánh Kinh tôi không hiểu
3.-Thánh Kinh đầy mâu thuẫn
4.-Thánh Kinh là lời của con người.
1. “Tôi không tin Thánh Kinh được Thượng Đế cảm ứng ”.
- IISa 2Sm 23:2 “Thần của Đức Giê-hô-va đã cậy miệng ta mà phán, và lời của Ngài ở nơi lưỡi miệng ta”.
- Thi Tv 138:2 “Tôi sẽ thờ lạy hướng về đền Thánh của Chúa, cảm tạ danh Chúa vì sự nhơn từ và sự chơn thật của Chúa; vì Chúa đã làm cho lời Chúa được tôn cao hơn cả danh thinh Chúa”.
- IITi 2Tm 3:16 “Cả Thánh Kinh đều được Thượng Đế cảm ứng, có ích cho việc dạy dỗ, khiển trách, sửa trị, đào luyện con người theo sự công bình”.
- IIPhi 2Pr 1:19-21 “Những điều chúng tôi thấy càng chứng tỏ lời tiên tri trong Thánh Kinh là xác thực. Vì thế, anh em phải lưu ý những lời tiên tri ấy, xem như ngọn hải đăng giữa biển đời mù mịt, giúp chúng ta hiểu được nhiều huyền nhiệm, khúc mắc của Thánh Kinh. Khi anh em suy nghiệm chân lý của lời tiên tri, ánh rạng đông sẽ bừng lên giữa cảnh tối tăm, và Chúa Cứu Thế, ngôi sao mai, sẽ soi sáng tâm hồn anh em. Vì không có lời tiên tri nào trong Thánh Kinh do các tiên tri tự nghĩ ra, nhưng chính Chúa Thánh Linh đã cảm ứng họ nói ra lời của Thượng Đế”.
2. “Có nhiều điều trong Thánh Kinh tôi không hiểu
- GiGa 7:17 “Người nào sẵn lòng làm theo ý muốn Thượng Đế hẳn biết lời tôi dạy là của Thượng Đế hay của tôi”.
- ICo1Cr 2:14, 15 “Người không có Thánh Linh không nhận lãnh những ân tứ của Thượng Đế, chỉ coi như chuyện khờ dại, vì phải nhờ Thánh Linh mới hiểu giá trị những ân tứ đó. Người có Thánh Linh hiểu giá trị mọi điều, nhưng người khác không hiểu họ”.
3. “Thánh Kinh đầy mâu thuẫn
- Thi Tv 119:140 “Lời Chúa rất là tinh sạch nên kẻ tôi tớ Chúa yêu mến lời ấy”.
- ChCn 30:5 “Các lời của Đức Chúa Trời đều đã thét luyện: Ngài là cái thuẫn đỡ cho người nương cậy nơi Ngài.”
4. “Thánh Kinh là lời của con người
- ITe1Tx 2:13 “Bởi vậy, chúng tôi tạ ơn Đức Chúa Trời không thôi về sự anh em tiếp nhận lời của Đức Chúa Trời mà chúng tôi đã truyền cho, không coi như lời của loài người, bèn coi như lời của Đức Chúa Trời, vì thật là lời Đức Chúa Trời, cũng hành động trong anh em có lòng tin”.
- IIPhi 2Pr 2:20, 21 “Trước hết, phải biết rõ rằng chẳng có lời tiên tri nào trong Kinh Thánh lấy ý riêng giải nghĩa được. Vì chẳng hề có lời tiên tri nào là bởi ý một người nào mà ra, nhưng ấy là lời bởi Đức Thánh Linh cảm động mà người ta đã nói bởi Đức Chúa Trời”.
- GiGa 7:17 “Người nào sẵn sàng lòng làm theo ý muốn Thượng Đế hẳn biết lời tôi dạy là của Thượng Đế hay của tôi”.
Chương IV- VỀ HỘI THÁNH
1.-Tôi thấy có quá nhiều giáo phái
2.-Tôi thấy có nhiều người giả hình trong Hội Thánh
3.-Hội Thánh quyên tiền nhiều quá
4.-Tôi có thể là một người Cơ Đốc mà không cần đi lễ ở nhà thờ
1. “Tôi thấy có nhiều giáo phái ”
- GiGa 17:20, 21 “Không những Con cầu xin cho họ, Con còn cầu xin cho những người sẽ tin Con nhờ lời chứng của họ. Xin Cha cho các môn đệ mới cũ đều hợp nhất, cũng như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha, và họ ở trong chúng ta”.
- ICo1Cr 2:2 “Vì tôi đã quyết định không nói gì với anh em ngoài Chúa Cứu Thế Giê-xu, Đấng chịu đóng đinh trên cây thập tự.”
2. “Tôi thấy có nhiều người giả hình trong Hội Thánh
- Mat Mt 7:1 “Đừng lên án ai, các con sẽ khỏi bị lên án.”
- Ro-ma 2:1 “Thưa anh em, khi lên án người khác điều gì, anh em cũng tự lên án, vì đã lên án họ mà cũng hành động như họ.”
- CoCl 3:25 “Nếu anh em không bận tâm, Chúa sẽ báo trả, Ngài không hề thiên vị.”
- Giop G 13:16 “Chánh điều đó sẽ là sự cứu rỗi ta; vì một kẻ vô đạo chẳng được đến trước mặt Chúa”.
- Mat Mt 7:21-23 “Không phải người nào gọi ta là Chúa cũng được vào Nước Trời, chỉ những người vâng theo ý Cha ta trên trời mới được vào đó. Trong ngày Phán xét sẽ có nhiều người, đã dùng Danh Chúa để đuổi quỉ, làm nhiều phép lạ. Nhưng ta sẽ đáp: Ta không hề biết các ngươi! Lui ra cho khuất mắt ta, vì các người chỉ làm việc gian ác”.
3. “Hội Thánh quyên tiền nhiều quá
- Mat Mt 6:33 “Nhưng trước hết các con phải tìm kiếm Thượng Đế để được Ngài ngự trị trong lòng. Ngài sẽ cung cấp đầy đủ mọi nhu cầu cho các con”.
- LuLc 12:15 “Phải đề phòng, đừng để lòng tham lôi cuốn. Vì đời sống con người không cốt ở chỗ giàu có dư dật đâu”.
4. “Tôi có thể là một người Cơ Đốc mà không cần đi lễ ở nhà thờ
- GiGa 15:5 “Ta là cây nho, các con là cành. Người nào sống trong ta và ta sống trong lòng sẽ kết quả dồi dào, vì ngoài ta các con chẳng làm chi được”.
- ICo1Cr 12:27 “Anh em là thân thể của Chúa Cứu Thế, mỗi người là một bộ phận.”
Chương V- VỀ CÁC VẤN ĐỀ KHÁC
1.-Tôi quá bận rộn
2.-Tôi muốn dành thì giờ cho công việc làm ăn trước, sau đó tôi sẽ tin Chúa
3.-Tin Chúa tôi sẽ bị bắt bớ
4.-Tin Chúa bạn hữu sẽ chê cười tôi
5.-Tôi không từ bỏ được những thú vui trần gian
6.-Tin Chúa phải từ bỏ nhiều điều quá
7.-Tôi không thích thú về những việc thuộc linh
8.-Tôi không tin có đời sau
9.-Tôi có tin có sự đoán phạt ngày sau
10.-Tôi không thắng được tội lỗi
11.-Tôi phải trở thành người tốt hơn trước khi tiếp nhận Chúa Cứu Thế
12.-Tôi sẽ tin Chúa nhưng không phải bây giờ vì còn nhiều thì giờ
13.-Quá trễ cho tôi tin Chúa
14.-Không còn có hy vọng cho tôi
1. “Tôi quá bận rộn
- Mat Mt 6:33 “Nhưng trước hết các con phải tìm kiếm Thượng Đế để được Ngài ngự trị trong lòng”.
- ITi1Tm 4:7, 8 “... phải luyện tập lòng tin kính”.
2. “Tôi muốn dành thì giờ cho công việc làm ăn trước, sau đó tôi sẽ tin Chúa ”.
- Mat Mt 6:33 “Nhưng trước hết các con phải tìm kiếm Thượng Đế để được Ngài ngự trị trong lòng”.
- Gia Gc 4:13-17 “Nếu có người nói: ngày mai ta sẽ tới thành phố này hay thành phố kia ở đó một năm, buôn bán và phát tài: anh em làm sao biết được những gì sẽ xảy ra ngày mai? Cuộc sống anh em mong manh chẳng khác gì làn sương mai, chốc lát đã tan ngay. Đúng ra anh em phải nói: nếu Chúa muốn, chúng ta vẫn còn sống và sẽ làm việc này việc kia. Còn nói như cách trên là tự phụ về chương trình mình họach định: tự phụ như thế không bao giờ đẹp lòng Chúa”.
3. “Tin Chúa tôi sẽ bị bắt bớ
- ChCn 29:25 “Sự sợ loài người gài bẩy; nhưng ai nhờ cậy Đức Giê-hô-va được yên ổn vô sự”.
- Mat Mt 5:11-12 “Phúc cho các con khi bị người ta nhục mạ, khủng bố và vu cáo đủ điều, chỉ vì các con theo ta. Các con nên hân hoan mừng rỡ vì sẽ được giải thưởng lớn dành sẵn trên trời. Ngày xưa, các nhà tiên tri cũng từng bị khủng bố, hãm hại như thế”.

- LuLc 12:4, 5 “Đừng sợ những người muốn giết các con; họ chỉ có thể giết thể xác, mà không giết được linh hồn. Vậy các con phải sợ ai? Phải sợ Thượng Đế, vì Ngài có quyền sinh sát và ném vào hỏa ngục”.
- IITi 2Tm 2:12 “Nếu chúng ta chịu đựng mọi thử thách, sẽ được cai trị với Chúa. Nếu chúng ta chối Chúa, Ngài cũng sẽ chối chúng ta”.
4. “Tin Chúa bạn hữu sẽ chê cười tôi
- Thi Tv 1:1, 2 “Phước cho người nào chẳng theo mưu kế của kẻ dữ, chẳng đứng trong đường tội nhân, không ngồi chỗ của kẻ nhạo báng, song lấy làm vui vẻ về luật pháp của Đức Giê-hô-va và suy gẫm luật pháp ấy ngày và đêm.”
- ChCn 13:20 “Ai giao tiếp với người khôn ngoan, trở nên khôn ngoan; nhưng kẻ làm bạn với bạn điên dại sẽ bị tàn hại.”
- IPhi 1Pr 2:20, 21 “Nếu anh em làm quấy, rồi chịu đựng hành hạ đánh đập thì chẳng có gì đáng khen, nhưng nếu anh em chịu khổ vì làm lành và kiên nhẫn chịu đựng, Thượng Đế rất hài lòng. Chịu đau khổ cũng là việc Thượng Đế giao cho anh em. Chúa Cứu Thế đã chịu khổ vì anh em và làm gương sáng cho anh em”.
5. “Tôi không từ bỏ được những thú vui trần gian ”
- Ro-ma 12:1, 2 “Do lòng thương xót của Thượng Đế, tôi nài khuyên anh em dâng thân thể mình cho Thượng Đế như một sinh tế sống và Thánh, đẹp lòng Ngài. Đó là cách thờ phượng đích thực của người theo Chúa. Đừng đồng hóa với người đời, nhưng hãy để Chúa đổi mới tâm trí mình...”
- IGi1Ga 2:15 -17 “Đừng yêu thế gian và những gì thuộc về thế gian, vì nếu yêu thế gian, anh em chứng tỏ mình không thật lòng yêu Thượng Đế. Tất cả những thứ trần tục, những tham dục của thân xác, đam mê của mắt và kiêu ngạo của đời, đều không do Thượng Đế, nhưng ra từ thế gian. Thế gian đang suy vong và tham dục nó cũng bị tiêu diệt, nhưng ai làm theo ý muốn Thượng Đế sẽ còn lại đời đời.”
6. “Tin Chúa phải từ bỏ nhiều điều quá
- Thi Tv 26:11 “Còn tôi, tôi sẽ bước đi trong sự thanh liêm, xin hãy chuộc tôi và thương xót tôi”.
- Mac Mc 8:36, 37 “Nếu một người chiếm được cả thế giới nhưng mất linh hồn thì có ích gì? Vì không có chi đánh đuổi được linh hồn”.
- Ro-ma 8:32 “Thượng Đế đã không tiếc chính Con Ngài, nhưn hy sinh Con để cứu chúng ta, hẳn Ngài cũng sẽ ban cho chúng ta mọi sự luôn với Con Ngài” .
- Phi Pl 3:7, 8 “Những ưu điểm ấy nay tôi coi là điều thất bại, vì tôi hoàn toàn đặt niềm tin vào Chúa Cứu Thế. Vâng, tất cả những điều ấy đều trở thành vô nghĩa nếu đem so sánh với điều quý báu tuyệt đối này: biết Chúa G iê xu là Cứu Chúa tôi. Tôi trút bỏ tất cả, kể như vô giá trị, cốt để được Chúa Cứu Thế.”
7. “Tôi không thích thú về những việc thuộc linh
- GiGa 3:36 “Ai tin Con Thượng Đế đều được sống vĩnh viễn. Ai không vâng phục Ngài chẳng được sự sống ấy mà còn mang án phạt của Thượng Đế”.
- HeDt 2:3 “Ta làm sao thoát khỏi hình phạt, một khi khước từ ân cứu rỗi lớn lao này”.
8. “Tôi không tin có đời sau
- DaDn 12:2 “Nhiều kẻ ngủ trong bụi đất sẽ thức dậy, kẻ thì để được sự sống đời đời, kẻ thì để chịu sự xấu hổ nhơ nhuốc đời đời”.
- GiGa 5:28, 29 “Các ông đừng ngạc nhiên. Sẽ đến giờ mọi người chết nằm dưới mộ sẽ nghe tiếng gọi của Con Thượng Đế, và bước ra khỏi mộ. Người làm điều thiện sống lại để sống mãi còn người làm ác sống lại để chịu hình phạt”.
- ICo1Cr 15:35, 36 “Nhưng có người hỏi: người chết sống lại cách nào? Lấy thể xác đâu mà sống lại? Câu hỏi thật ngây ngô! Khi anh em gieo giống, nếu hạt giống không chết đi sẽ không bao giờ nẩy mầm sống lại.”
9. “Tôi không tin có sự đoán phạt ngày sau ”
- LuLc 16:23-26 “Chịu khổ hình dưới hỏa ngục, người giàu nhìn lên, thấy Lã-xa ở nơi xa với Áp-ra-ham. Liền kêu xin: Lạy tổ Áp-ra-ham, xin thương xót con, sai Lã-xa nhúng đầu ngón tay vào nước, đến đây nhỏ vào lưỡi con cho mát, vì con bị đốt trong lò lửa này, đau đớn quá. Nhưng Áp-ra-ham đáp: Con không nhớ con đã ích kỷ hưởng thụ suốt đời sao? Còn Lã-xa phải khổ sở. Bây giờ Lã-xa được an ủi tại đây, còn con phải chịu đau khổ. Hơn nữa, chúng ta có một vực thẳm ngăn cách. Ai muốn từ đây qua đó, hay từ đó qua đây đều không được”.
- LuLc 12:5 “Vậy các con phải sợ ai? Phải sợ Thượng Đế, vì Ngài có quyền sinh sát và ném vào hỏa ngục”.
- Mat Mt 25:41, 46 “Ta cũng sẽ bảo nhóm người bên trái: những người gian ác đáng nguyền rủa kia. Đi ngay vào lò lửa không hề tắt dành cho Sa-tan và các quỉ sứ. Rồi người ác bị đưa vào nơi hình phạt đời đời, còn người công chính được hưởng sự sống vĩnh viễn”.
10. “Tôi không thắng được tội lỗi ”
- Ro-ma 6:14 “Tội lỗi không thống trị anh em nữa, vì anh em không còn bị luật pháp trói buộc, nhưng được hưởng ân phúc của Thượng Đế.”
- ICo1Cr 10:13 “Anh em không phải đương đầu với một cám dỗ nào quá sức chịu đựng của con người. Thượng Đế luôn luôn thành tín, Ngài không để anh em bị cám dỗ quá sức đâu, nhưng trong cơn cám dỗ Ngài cũng mở lối thoát để anh em đủ sức chịu đựng”.
- Phi Pl 4:13 “Tôi đủ sức làm mọi việc nhờ năng lực Chúa cho.”
11. “Tôi phải trở thành người tốt hơn trước khi tiếp nhận Chúa Cứu Thế
- Mat Mt 9:13 “Tôi đến trần gian không phải để thuyết giảng cho người Thánh thiện, nhưng để kêu gọi người có tội quay về Thượng Đế.”
- Mat Mt 6:33 “Nhưng trước hết các con phải tìm kiếm Thượng Đế để được Ngài ngự trị vào lòng”.
12. “Tôi sẽ tin Chúa nhưng không phải bây giờ vì còn nhiều thì giờ
- LuLc 12:19, 20 “Xong xuôi, ta sẽ tự nhủ: của cải này có thể tiêu dùng hàng chục năm. Thôi, ta hãy nghỉ ngơi, ăn uống vui chơi. Nhưng Thượng Đế bảo: ngươi thật dại dột, tối nay ngươi qua đời, của cải dành dụm đó để cho ai?”
- IICo 2Cr 6:2b “Giờ đây là kỳ thuận tiện, hiện nay là ngày cứu rỗi”.
13. “Qúa trễ cho tôi tin Chúa ”
- PhuDnl 4:30, 31 “Khi ngươi bị gian nan, và các việc này xảy đến cho ngươi, bấy giờ trong ngày cuối cùng, ngươi sẽ trở về cùng Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi, và vâng theo lệnh Ngài. Vì Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi là Đức Chúa Trời hay thương xót sẽ không bỏ ngươi và không hủy diệt ngươi đâu”.
- GiGa 6:37b “Người đến với tôi chẳng bao giờ bị tôi xua đuổi.”
- Rô-ma 10:13; “Vì tất cả những người yêu cầu Danh Chúa đều được cứu rỗi”.
14. “Không còn có hy vọng cho tôi ”
- Mat Mt 11:28 “Những ai đang nhọc mệt và nặng gánh ưu tư, hãy đến với ta, ta sẽ cho các con được nghỉ ngơi”.
- Công Vụ 2:21 “Khi ấy, ai cầu khẩn danh Chúa đều được cứu”.
- IIPhi 2Pr 3:9b “Ngài lấy lòng nhịn nhục đối với anh em, không muốn cho một người nào chết mất, song muốn cho mọi người đều ăn năn”.

Phụ Lục 1: PHƯƠNG PHÁP PHÂN PHÁT TRUYỀN ĐẠO ĐƠN
Một trong những nhu cầu thiết yếu hiện nay là phải tiếp xúc với hàng ngàn người chẳng bao giờ đặt chân đến nhà thờ hay có dịp nghe giảng Phúc Âm. Bạn với tôi, chúng ta đang có phương tiện đem Phúc Âm đến cho họ tại nhà riêng, tại các văn phòng, các tiệm buôn, và những nơi khác qua truyền đạo đơn.
LỢI ÍCH CỦA VIỆC SỬ DỤNG TRUYỀN ĐẠO ĐƠN
1. Truyền đạo đơn sẽ trực thoại với thân hữu ngay tại nhà riêng của họ.
2. Truyền đạo đơn sẽ mang Phúc Âm đến với những người ta không thể tiếp xúc để làm chứng.
3. Truyền đạo đơn sẽ giúp cho thân hữu ôn lại những điều ta đã làm chứng cho họ.
4. Khi dùng truyền đạo đơn để trình bày Phúc Âm, ta sẽ tránh được những tranh luận không cần thiết.
PHƯƠNG PHÁP TUYỂN CHỌN TRUYỀN ĐẠO ĐƠN
Khi muốn chọn truyền đạo đơn để phân phát hoặc để làm chứng cho thân hữu, ta phải biết rõ quan điểm thần học của chính mình và của quyển sách nhỏ đó. Nhiều quyển truyền đạo đơn thường dùng ngày nay không tỏ bày Phúc Âm rõ ràng. Nếu một quyển truyền đạo đơn không giải thích rõ về Phúc Âm, ta không nên dùng nó. Hãy tuyển chọn quyển khác thích hợp hơn.
Ngoài ra, nếu biết người mình sẽ tiếp xúc là ai, ta phải chọn về những vấn đề thích thú cho các hạng tuổi đó. Người cao niên thích biết về thiên đàng, người trung niên thích thú về sự thành công, tuổi thanh niên thích nghe về chuyện hôn nhân, giới thiếu niên thích tìm hiểu về chuyện phiêu lưu.
NHỮNG ĐIỀU NÊN LÀM VÀ NÊN TRÁNH TRONG VIỆC PHÂN PHÁT TRUYỀN ĐẠO ĐƠN
1. Ta không nên chỉ tặng sách thôi, mà còn phải kèm theo những lời tích cực như: “Tôi xin phép được chia sẻ cho bạn về một quyển sách nhỏ mà nội dung của nó đã làm thay đổi đời sống tôi”.
2. Hãy để những truyền đạo đơn biếu tặng cho thân hữu ở bất cứ nơi nào bạn được phép: tại trạm bán xăng, tại nhà hàng, tiệm buôn, văn phòng bác sĩ, luật sư, nhà thuốc tây, phi trường, thẩm mỹ viện, tiệm cắt tóc...
3. Nên in địa chỉ và số điện thoại của bạn hoặc của Hội Thánh vào tất cả những quyển truyền đạo đơn.
4. Không nên biếu tặng những quyển truyền đạo đơn quá cũ, hoặc đã bị xé rách.
Ăn mặc lịch sự khi đi phân phát truyền đạo đơn hoặc đi chứng đạo.
Phụ Lục 2: CÁC CÂU THÁNH KINH CẦN GHI NHỚ CHO VIỆC CHỨNG ĐẠO
THƯỢNG ĐẾ LÀ ĐẤNG NHÂN TỪ, YÊU THƯƠNG, KHÔNG MUỐN AI BỊ HƯ VONG
- GiGa 3:16 “Vì Thượng Đế yêu thương nhân loại đến nỗi hy sinh Con Một của Ngài, để tất cả những người tin nhận Con Thượng Đế đều không bị hư vong nhưng được sự sống vĩnh viễn”.
- ITi1Tm 2:4 “Chúa mong muốn mọi người được cứu rỗi và hiểu rõ chân lý”
- IIPhi 2Pr 3:9 “Không phải Chúa chậm trễ thực hiện lời hứa như người ta tưởng. Nhưng Ngài chờ đợi, vì không muốn ai bị hư vong nên Ngài dành thêm thì giờ cho mọi người có dịp ăn năn”.
NHƯNG VÌ MỌI NGƯỜI ĐÃ PHẠM TỘI NÊN CON NGƯỜI BỊ HƯ VONG
- EsIs 53:6-“Chúng ta thảy đều như chiên đi lạc, ai theo đường nấy: Đức Giê-hô-va đã làm cho tội lỗi của hết thảy chúng ta đều chất trên người”.
- Gie Gr 17:9 “Lòng người ta là dối trá hơn mọi vật, và rất là xấu xa: ai có thể biết được?”
- Ro-ma 3:10 “Thánh Kinh chép: chẳng một người nào công chính dù chỉ một người thôi”.
- 3:23 “Vì mọi người đều phạm tội, không còn phản chiếu vinh quang Thượng Đế.”
ÁN PHẠT CỦA TỘI LỖI CON NGƯỜI LÀ SỰ CHẾT
- Exe Ed 18:4 “Này, mọi linh hồn đều thuộc về ta: linh hồn của cha cũng như linh hồn của con, đều thuộc về ta: linh hồn nào phạm tội thì sẽ chết”.
- Ro-ma 6:23 “Vì tiền công của tội lỗi là sự chết, nhưng tặng phẩm của Thượng Đế là đời sống vĩnh viễn trong Chúa Cứu Thế Giê-xu, Chúa chúng ta”.
- Eph Ep 2:1 “Trước kia tâm linh anh em đã chết vì tội lỗi gian ác”.
NHƯNG CHÚA CỨU THẾ GIÊ-XU TÌNH NGUYỆN CHỊU CHẾT TRÊN THẬP TỰ GIÁ ĐỂ CHUỘC TỘI CON NGƯỜI
- Ro-ma 5:8 “Nhưng Thượng Đế đã chứng tỏ tình yêu thương Ngài đối với chúng ta, khi Chúa Cứu Thế chịu chết thay chúng ta là người tội lỗi”.
- IICo 2Cr 5:21 “Thượng Đế đã khiến Đấng vô tội gánh chịu tội lỗi chúng ta, nhờ đó chúng ta được Thượng Đế nhìn nhận là người công chính”.
- ITi1Tm 1:15 “Đây là lời trung thực, đáng được mọi người tin nhận: Chúa Cứu Thế Giê-xu đã xuống trần gian để cứu vớt người tội lỗi. Trong những người được cứu, ta nặng tội nhất”.
- HeDt 9:26b “Chúa Cứu Thế chỉ xuất hiện một lần vào cuối các thời đại, dâng thân Ngài làm sinh tế để xóa sạch tất cả tội lỗi chúng ta”.
- IPhi 1Pr 1:18, 19 “Anh em đã biết rõ, Thượng Đế đã trả giá rất cao để cứu chuộc anh em khỏi nếp sống lầm lạc của tổ tiên. Không phải trả giá bằng bạc vàng dễ mất, mau hư nhưng bằng huyết báu của Chúa Cứu Thế, Chiên Con vô tội không tỳ vết của Thượng Đế”.
- 2:24 “Khi chịu chết trên cây thập tự, Ngài đã gánh hết tội lỗi chúng ta trong thân thể Ngài, để chúng ta có tể dứt khoát với tội lỗi và sống cuộc đời công chính. Vết thương Ngài chịu đã chữa lành thương tích chúng ta”.
- 3:18 “Chúa Cứu Thế cũng đã chịu khổ. Mặc dù không hề phạm tội, Ngài đã một lần chết vì tội lỗi của tất cả chúng ta, để đem chúng ta trở về Thượng Đế. Dù thân xác Ngài chết, nhưng tâm linh Ngài vẫn sống”.
CON NGƯỜI PHẢI TIN CẬY VÀO CÔNG LAO CỨU CHUỘC CỦA CHÚA CỨU THẾ ĐỂ ĐƯỢC SỰ CỨU RỖI.
- Ro-ma 3:24-26 “Nhưng Thượng Đế ban ân, rộng lòng tha thứ, kể chúng ta là công chính, do công lao cứu chuộc của Chúa Cứu Thế Giê-xu. Thượng Đế đã cho Chúa Giê-xu hy sinh chuộc tội chúng ta, những người tin cậy huyết Ngài. Việc cứu chuộc này chứng tỏ đức công chính của Thượng Đế đối với tội lỗi loài người trong quá khứ và hiện tại. Trong quá khứ, Ngài nhẫn nhục bỏ qua tội lỗi. Trong hiện tại, người tin Chúa Giê-xu được Ngài tha tội và nhìn nhận là công chính”.
- HeDt 6:18 “Cả lời hứa, lời thề đều bất di bất dịch vì Thượng Đế chẳng bao giờ bội ước. Vậïy, những người tìm đến Ngài đều được niềm an ủi lớn lao và hy vọng chắn trong Ngài.”
SỰ CỨU RỖI LÀ NHỜ ÂN ĐIỂN BỞI ĐỨC TIN, CHỚ KHÔNG DO VIỆC LÀM
- GaGl 2:21-“Tôi không phải là người phủ nhận giá trị sự chết của Chúa Cứu Thế. Nếu con người có thể được cứu rỗi nhờ vâng giữ luật pháp thì Chúa Cứu Thế không cần chịu chết làm gì.”
- Eph Ep 2:8, 9-“Vậy anh em được nhờ ân phúc Thượng Đế, do đức tin nơi Chúa Cứu Thế. Đây là một tặng phẩm của Thượng Đế, chứ không do anh em. Không phải là kết quả của công đức anh em, nên chẳng ai có thể khoe khoang.”
- Tit Tt 3:5, 6 “Ngài cứu rỗi không phải vì công đức chúng ta, nhưng bởi lòng nhân từ Ngài ban Thánh Linh tẩy sạch tội lỗi và đổi mới chúng ta. Thượng Đế đã đổ Thánh Linh dồi dào trên chúng ta qua Chúa Cứu Thế Giê-xu, Đấng Cứu tinh của chúng ta.”
LỜI MỜI GỌI QUYẾT ĐỊNH
- EsIs 1:18 -“Đức Giê-hô-va phán: bây giờ hãy đến, cho chúng ta biện luận cùng nhau. Dầu tội các ngươi như hồng điều, sẽ trở nên trắng như tuyết, dầu đỏ như son, sẽ trở nên trắng như lông chiên.”
- GiGa 1:12 -“Nhưng hễ ai đã nhận Ngài, thì Ngài ban cho quyền năng trở nên con cái Đức Chúa Trời, là ban cho những kẻ tin danh Ngài.”
- IICo 2Cr 6:2b -“Giờ đây là kỳ thuận tiện, hiện nay là ngày cứu rỗi.”
- KhKh 3:20a -“Này, ta đứng ngoài cửa mà gõ, nếu ai nghe tiếng ta mà mở cửa cho, thì ta sẽ vào cùng người ấy.”
LỜI BẢO ĐẢM VỀ SỰ CỨU RỖI
- GiGa 3:36 -“Ai tin Con Thượng Đế đều được sự sống vĩnh viễn. Ai không vâng phục Ngài chẳng được sự sống ấy mà còn mang án phạt của Thượng Đế.”
- 5:24 -“Tôi quả quyết: Ai nghe lời tôi mà tin Đấng đã sai tôi, thì được sự sống vĩnh viễn. Người ấy không bị kết tội, nhưng đã thoát chết mà vào cõi sống.”
- IGi1Ga 5:11-13 -“Thượng Đế đã tuyên bố Ngài ban cho chúng ta sự sống vĩnh viễn và Chúa Cứu Thế là Nguồn sống. Ai tiếp nhận Con Thượng Đế mới có sự sống. Ai khước từ Con Thượng Đế làm sao có sự sống được? Tôi viết điều đó để anh em biết rõ nhờ tin Con Thượng Đế mà anh em được sống vĩnh viễn.”

Sách Tham khảo
Baumann, Dan, All Originality Makes A Dull Church. Santa Ana: Vision House Publishers, 1976
Ballou, R.O, ed. The Bible of World, quoted in The Analects of Confucius, bk. IV. New York: The Viking Press, 1939
Berkhof, L. Systematic Theology, Grand Rapids: Wm. B. Eerdmans Publishing Co., 1959
Bright, Bill. Come Help Change the World: Old Tappan: Fleming H. Revell Company, 1970
Browr, Francis; Driver, S. R. Briggs Charles A. Hebrew and English Lexicon of the Old Testament. Oxford: Claredon Press, 1907
Calvin, John. Institutes of the Christian Religion. Grand Raids: Wm. B.Eerdmans Publishing Co., 1957
Carnedgie, Dale. How to Win Friends and Influence People. (Đắc Nhân Tâm) do Phương hiếu và Nguyễn Hiến Lê lược dịch. Glendale, CA: Đại Nam, không ghi ngày.
Chandter, Russell. The Kennedy Explosion. New Canaan: Keats Publishers, Inc., 1972
Conzer, Edward, Tinh Hoa Phật Giáo và Sự Phát Triển. Sài Gòn: Ban Tu Thư Đại học Vạn Hạnh, 1970
Cơ quan xuất bản Tin Lành. Chân, Giả Luận. Sài Gòn: Nhà in Tin Lành, 1957
Duran, Will. Lịch sử Văn minh Trung Quốc do Nguyễn Hiến Lê dịch. Colifonia: Văn nghệ, 1993
Dương Quảng Hàm. Việt Nam Văn Học Sử Yếu. Forth Smith, AR: Sống mới, 1979
Đức Nhuận, Phật học Tinh Hoa. Sài Gòn: Viện Đại Học Vạn Hạnh, 1971
Geen, Bryan. The Practical of Evangelism. New York, NY: Charles Scribner’s Sons, 1951
Green, M. Evangelism Now and Then. Downers Grove: InterVarsity Press, 1979
Hastings, James. The Christian Doctrine of Faith. New York: Charles Scribner’s Sons, 1919
Kane, J. Herbert. Understanding Christian Missions. Grand Rapids: Baker Book House, 1974
Kennedy, James D. Evangelism Explosion. Third Edition. Wheaton: Tyndall House Publishers, 1983
Nỗ Lực Truyền Bá Phúc Âm, bản tiếng Việt xuất bản lần thứ nhất. Omaha, Nebraska: Printers’ Sales Idea Service Company, n.d.
Kiêm Đạt, Lịch Sử Tranh Đấu Phật giáo. Sepulveda: CA: Phật học Viện Quốc tế, 1981
Kuhne, Gary W. The Dvnamics of Personal Follow - up. Grand Rapids: Zondervan Publishing House, 1980
Lê Văn Siêu, Văn minh Việt Nam. Sài Gòn: Hoa Nghiêm, 1964
Liang, D. A Practical Guide to Personal Evangelism. Petaluma, CA: Chinese Christian Mission Publisher, 1985
Lovett, C.S. Soul - Winning Made Easy. Baldwin Park: Personal Christianity, 1959
Moreau, Scott A. The World of the Spirits: A Biblical Study in the African Context. Nairobi: Evangelical Publishing House, 1990
Ngô Di. Thiền và Lão Trang. Los Alamitos, CA: Xuân Thu, 1991.
Nguyễn Hiến Lê. Khổng Tử. Califonia: Văn nghệ, 1992
Nguyễn Văn Ngọc và Trần Lê Nhân. Cổ Học Tinh Hoa, quyển thứ nhì, Glendale, CA, Tỉnh Hoa Miền Nam, không ghi ngày
Nguyễn Văn Thọ. Chân Dung Khổng Tử. Sài Gòn, 1969
Nhất Thánh. Đất lề Quê Thói (Phong tục Việt Nam). Glendale. CA: Đại Nam, không ghi ngày
Phạm Quỳnh, Phật Giáo Lược Khảo, trích trong Văn Học Việt Nam Thế Kỷ XX của Lê Kim Ngân. Sài Gòn: Văn Hiệp, không ghi ngày.
Phan Kế Bính. Việt Nam Phong Tục. Los Alamitos, CA: Xuân Thu, không ghi ngày
Phan Thanh Bình. Đạo Nào Cũng Tốt. El Cajon, CA, 1989
Pratt. B. The Pilgrimage of Buddhism. New York: The Macmillan Co, 1928
Reischauer, A, K. The Great Religions of the Modern World, ed. By Jurji, E.J. Princeton: Princeton University Press, 1947
Ross, W. Nancy. Three Ways of Asian Wisdom Hinduism. Buddhism -Zen and their Significance in the West. New York: Simon & Schuster, 1966
Schilling, Paul. S. The Meaning of Evangelism from Evangelism and Contemporary Issues, quoted in Drummon, A, Lewis. Evangelism the Encounter Revolution. London: Marshall, Morgan & Scontt Bludell House, 1972
Stott, John, R. Christian Mission in the Modern World. Downers Grove: InterVarsity Press, 1975
Strong, H. Augustus. Systematic Theology. Chicago: The Jodson Press, 1907
Sweazey, E.George. Effective Evangelism. New York, NY: Harper & Row, 1953
Tạp Chí Đại Trường. Thần, Người và Đất Việt. California: Văn Nghệ, 1989
Thayer, Henry Joseph. Greek - English lexcon of the New Testament. Grand Rapids: Zondervan Publishing House. 1962
Thích Mật Thể. Việt Nam Phật Giáo Sử lược. Sepulveda, CA: Phật Học Viện Quốc Tế, 1984
Thiện Cẩm. Quan Niệm Giải Thoát Trong Phật Giáo Cũ. Sài gòn, 1970
Thiessen, C. Henry. Introductory Lectures in Systematic Theology. Grand Rapids: Wm. B. Eerdmans Publishing Co 1949
Thu Giang. Phật Học Tinh Hoa. Dorth Smith, AR: Sống mới, không ghi ngày
Toan Ánh. Nếp Cũ: Tín ngưỡng Việt Nam. Sài Gòn: Nam Chi Tùng Thư, không ghi ngày
Phong tục Việt Nam (Thờ cúng tổ tiên ) Hà Nội: Nhà Xuất bản khoa học xã hội, 1991
Trịnh Văn Thanh. Lão Tử, trích trong Thành Ngữ Điển Tích Danh Nhân Từ Điển, quyển 1. Los Alamitos, CA: Xuân Thu, Không ghi ngày.










Hội Thánh KiềnBái's blog© 2013. Được tạo và lưu trữ bởi Bùi Qúy Đôn. Tài liệu có thể được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau.