Chương 9
ĐỨC TIN
Đức tin luôn luôn là dấu hiệu của một môn đệ Đấng Christ. Những môn đệ đầu tiên được biết dưới danh hiệu "TÍN ĐỒ "(BELIEVERS ).Chúa Giêxu đã phán: "...kẻ nào tin thì mọi việc đều được cả "( Mác 9:23).
Đức tin có nghĩa là hoàn toàn lệ thuộc, nương dựa vào Đức Chúa Trời. Khi Ađam phạm tội thì ông đã bước ra khỏi sự nương cậy Đức Chúa Trời và bước vào sự độc lập, nương vào chính mình (mà đó là sự vô tín). Đây là lý do Đức Chúa Trời đã đặt đức tin vào vị trí ưu tiên. Đức tin là con đường bước trở lại vào trong mối tương quan với Đức Chúa Trời (sự nương dựa Đức Chúa Trời).
Sự lệ thuộc vào Đức Chúa Trời này gọi là đức tin. Đức tin nâng bạn ra khỏi ngũ quan nhìn, nghe, nếm, ngửi và sờ chạm. Đức tin giải phóng bạn khỏi những khả năng giới hạn. Bởi đức tin bạn di chuyển từ sự bất khả năng đến những gì Đức Chúa Trời có thể làm cho bạn. Đây là sự bước đi bởi đức tin mà mỗi chúng ta được kêu gọi đến chỗ "..không gì không thể làm được... "( Mat 17:20).
A. ĐỨC TIN LÀ GÌ?
Đức tin là hành động vâng lời để đáp ứng những gì Đức Chúa Trời đã phán. Một đức tin thật được bày tỏ trong 1) sự vâng lời và 2) hành động, để đáp ứng với 3) Tiếng phán của Đức Chúa Trời.
"Vả, đức tin là sự biết chắc vững vàng của những điều mình đang trông mong, là bằng cớ của những điều mình chẳng xem thấy "( Hêb 11:1).
Đức tin có nghĩa là tin cậy, tin chắc hay xác tín nơi một người nào hay nơi lời nói của người ấy. Có đức tin nơi Đức Chúa Trời bao hàm một sự hoán đổi của lòng tự tin vào mình với sự tin cậy vào Chúa. Chúng ta thôi tin cậy vào chính mình mà tin cậy vào Chúa. Chúng ta từ bỏ nương dựa nguồn tri thức bị hạn chế của mình và bắt đầu tiếp nhận nguồn vô hạn của Ngài.
B. HAI LOẠI TRI THỨC
"Lời nói và sự giảng của tôi chẳng phải bằng bài giảng thuyết khéo léo của sự khôn ngoan, nhưng tại sự tỏ ra Thánh Linh và quyền phép hầu cho anh em chớ lập đức tin mình trên sự khôn ngoan loài người, bèn là trên quyền phép Đức Chúa Trời.
Dầu vậy chúng tôi giảng sự khôn ngoan cho những kẻ trọn vẹn, song chẳng phải sự khôn ngoan thuộc về đời này, cũng không phải của các người quản trị đời này, là kẻ sẽ bị hư mất.
Chúng tôi giảng sự KHÔN NGOAN BÍ MẬT của Đức Chúa Trời, là sự mầu nhiệm kín dấu, mà từ trước các đời, Đức Chúa Trời đã định sẵn cho sự vinh hiển chúng ta "( ICôr 2:4-7)cũng xem các câu 816.
1. Sự Tri Thức Qua Cảm Quan
Tất cả những sự tri thức đều đến với con người thiên nhiên qua ngũ quan như thấy, nghe, nếm, ngửi, sờ. Đây là sự tri thức giới hạn, được mô tả là "sự khôn ngoan của loài người".
2. Sự Tri Thức Qua Mặc Khải
Sự tri thức này không dựa vào ngũ quan, cũng không dựa vào sự lí luận thiên nhiên nhưng dựa vào một nguồn duy nhất (alternative source) đó là CHÂN LÝ của lời Đức Chúa Trời. Được tiếp thụ qua tâm linh của con người, và được mô tả là "Sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời ", vì "Chúng ta sống bởi ĐỨC TIN chớ không phải bởi mắt thấy "( IICôr 5:7).
C. NỀN TẢNG CỦA ĐỨC TIN
Nền tảng của việc có đức tin nơi Đức Chúa Trời nằm ở trong ba thực tại quan trọng:
1. Bản Tánh Của Đức Chúa Trời
"Khi Đức Chúa Trời hứa cùng Abraham, và vì không thể chỉ Đấng nào lớn hơn, nên Ngài chỉ chính mình mà thề với người rằng... "(Hêb 6:13).
a. Ngài Không Thể Thay Đổi:
b. Ngài Không Thể Thất Bại
"Tôi biết rằng Chúa có thể làm được mọi sự, chẳng có ý chỉ nào Chúa lấy làm khó lắm "( Gióp 42:2)cũng xem ISử 28:20.
c. Ngài Không Thể Nói Dối
"Đức Chúa Trời chẳng phải là người để nói dối, cũng chẳng phải là con loài người để hối cải. Điều Ngài đã nói, Ngài há sẽ chẳng làm ư?Điều Ngài đã phán, Ngài há sẽ chẳng làm ứng nghiệm sao? "( Dân 23:19)cũng xem Tít 1:2.
2. Công Tác Cứu Chuộc Của Con Đức Chúa Trời
"Nhìn xem Đức Chúa Giêxu là cội rễ và cuối cùng của đức tin, tức là Đấng vì sự vui mừng đã đặt trước mặt mình, chịu lấy thập tự giá, khinh điều sỉ nhục, và hiện nay ngồi bên Hữu Ngai Đức Chúa Trời. "( Hêb 12:2).
Đấng Christ đã trở nên nguồn của đức tin chúng ta nơi Đức Chúa Trời. Sự kiện Chúa chết và sống lại cung ứng nền tảng cho đức tin chúng ta.
"...Giêxu Chirst... đã làm nên sự khôn ngoan, sự công bình, sự nên thánh và sự cứu chuộc cho chúng ta " (ICôr 1:30)cũng xem Rô 5:1, 2.
3. Lời Đức Chúa Trời
"Đức Giê-hô-va bèn phán: "...Ta sẽ tỉnh thức, giữ lời phán ta đặng làm trọn "( Giê 1:12).
Lời của Ngài mãi mãi là chơn thật. Đức tin đến khi Đức Chúa Trời đem một lời thật cụ thể vào chính hoàn cảnh của chúng ta, và lời ấy đến giữa tất cả những lời Ngài đã từng phán. Khi Lời Chúa đến với chúng ta theo cách này, lời ấy sẽ trở nên sinh động trong chúng ta, nẩy sinh ra đức tin của chúng ta.
D. ĐỨC TIN HÀNH ĐỘNG NHƯ THẾ NÀO.
Nguyên tắc của đức tin trong (Rô 3:27) là vận hành trong chúng ta cách liên tục, dầu hoàn cảnh có ra sao đi chăng nữa (Xem IICôr 5:7; Gia 1:5, 6). Đức tin hành động theo những cách sau:
1. Đức Chúa Trời Ban Đức Tin Cho Chúng Ta
"Vì trong Tin Lành này có bày tỏ sự công bình của Đức Chúa Trời, bởi đức tin mà được, lại dẫn đến đức tin nữa, như có chép rằng: Người công bình sẽ sống bởi đức tin "(1:17; Ha 2:4).
Người công bình sống bởi đức tin, đó là đức tin mà Ngài ban cho chúng ta như là một ân tứ.
"Vả, ấy là nhờ ân điển, bởi đức tin mà anh em được cứu... (đức tin ấy) là sự ban cho của Đức Chúa Trời "( Êph 2:8, 9) "...y theo lượng đức tin mà Đức Chúa Trời đã phú cho từng người "( Rô 12:3).
2. Đức Tin Đến Bởi Nghe Một Lời Từ Đức Chúa Trời
Trước hết Đức Chúa Trời khích lệ chúng ta bằng cách phán một "lời" thích nghi với hoàn cảnh của chúng ta.
Điều này có thể đến khi bạn đọc Kinh Thánh hay khi bạn nghe tiếng nói của Thánh Linh bên trong tâm linh mình. "...Đức tin đến bởi sự người ta nghe, mà người ta nghe là khi lời của Đấng Christ được rao giảng "( Rô 10:17)cũng xem Sáng 5:17, 15, 2; Giô 1:8.
3. Vâng Theo Lời Chúa
Để đức tin có thể vận hành trong tình trạng của chúng ta, chúng ta phải vâng theo Lời ấy. Đức tin phải NĂNG ĐỘNG chớ không phải thụ động. Phần lớn các Lời hứa của Đức Chúa Trời đều có điều kiện. Ngài sẽ làm phần của Ngài nếu chúng ta làm phần của chúng ta.
4. Sự Khủng Hoảng Hay "Thử thách" Của Đức Tin Chúng Ta
Đây là một giai đoạn thử thách. Mọi sự xảy ra chung quanh xem ra trái với những gì Đức Chúa Trời đã phán và dường như chẳng có bằng chứng tự nhiên nào cho niềm tin của chúng ta. Ở điểm này, đức tin chúng ta hoàn toàn yên nghỉ trên Lời Đức Chúa Trời (những gì Ngài đã phán cho chúng ta).
"Anh em vui mừng về điều đó, dầu hiện nay anh em vì sự thử thách trăm bề buộc phải buồn bã ích lâu; hầu cho sự thử thách đức tin anh em quí hơn vàng hay hư nát, dầu đã bị thử lửa, sanh ra ngợi khen, tôn trọng, vinh hiển cho anh em khi Đức Chúa Giêxu Chirst hiện ra. "( IPhi 1:6, 7)cũng xem Rô 4:16-21; Thi 105:17-19.
Trong đức tin, chúng ta ném mình vào SỰ THÀNH TÍN CỦA NGÀI.
Trong những lúc chúng ta hoài nghi và vật vã, Đức Chúa Trời là thành tín, vì Ngài không bỏ chúng ta "(IITi 2:13).
Ngài đã thành tín với Thôma và Phierơ khi đức tin của họ bị thử thách. Chúa Giêxu đã không từ bỏ họ. "Ngài sẽ chẳng bao giờ rời chúng ta hay bỏ quên chúng ta " (Hê-bơ-rơ).
5. Kết Quả.
Kết quả sau cùng là luôn luôn phần thắng thuộc về kẻ tin, đem lại sự vinh hiển cho Đức Chúa Trời (Xem Gia 1:2-4,12; Sáng 21:1-3; Thi 105:9-22; Công 3:16; Hêb 6:13-15)
"...Vì hễ sự gì sanh bởi Đức Chúa Trời thì thắng hơn thế gian, và sự thắng hơn thế gian, ấy là đức tin của chúng ta "( IGiăng 5:4).
TÔI HỨA NGUYỆN
Hôm nay con quyết định sống bởi đức tin và tin cậy Đức Chúa Trời trong mọi lãnh vực của đời sống. Con thừa nhận nhu cầu của con hoàn toàn lệ thuộc vào Đức Chúa Trời, đó là đức tin trong hành động. Trong những nan đề, những thách thức và khó khăn con sẽ nương dựa vào sự thành tín của Ngài. Sự đáp ứng của Đức Chúa Trời sẽ là ân điển của Ngài, quyền năng khả thi của Ngài. Con cũng sẽ dạy người khác nương dựa nơi sự thành tín của Đức Chúa Trời và bước đi với đức tin nơi Đức Chúa Trời.