Thánh Kinh Phong Tục- Chương Thứ Ba

Người Chăn Chiên và Dân Quê

"Hi vọng của cánh đồng chẳng phải là đống lúa trong sân đạp lúa"
Tục ngữ xứ Sy-ri.

(  Tương quan  -  Trang cụ  -  Cai quản  )

I.  Đời mục đồng

1. Người chăn chiên và kẻ làm ruộng, những sự tương quan của hai hạng người nầy.-  Chăn chiên và trồng tỉa bao giờ cũng là hai công việc chính trong xứ Pha-lê-tin. Việc nọ bổ khuyết việc kia, một đằng cung cấp quần áo, một đằng cung cấp đồ ăn. Kinh Thánh chép rằng hai việc ấy có từ thời thái cổ (Sáng thế ký 4:2). Hai việc ấy có ảnh hưởng đến sự sanh hoạt trong gia đình; nó gây nên các nghề nghiệp, và đào tạo nề văn minh trong các làng xóm và tỉnh thành. Khi Kinh Thánh dùng các vật liệu hữu hình để cắt nghĩa và làm nổi bật các chơn lý thiêng liêng, thì luôn luôn nhắc đến các phận sự và nổi nguy hiểm của kẻ chăn chiên, các phương thức và khí cụ của kẻ làm ruộng.
            Tuy hai nghề nảy nở cạnh nhau, lâu đời như nhau và giúp ích lẫn nhau, nhưng lại cạnh tranh nhau về đất đai. Nơi nào có phái chuyên chăn chiên tiếp xúc với phái chuyên làm ruộng, thì đối với nhau có ngay sự nghi ngờ và bất tín nhiệm. Đó chính là vì địa chất của xứ Pha-lê-tin và vì địa vị của dân Y-sơ-ra-ên trong xứ ấy.
            Có đồng bằng và thung lũng để trồng lúa mì, nhưng các chổ ấy lại trống trải tứ phía, tiện cho chiên và dê chạy vào. Trừ vườn nho và vườn rau ra, còn thì đồng ruộng không hề có tường và hàng rào che chở. Đất ruộng của mỗi người có đá làm mốc hoặc có giới hạn thiên nhiên. Mùa màng không có thay đổi mỗi năm để đất sẽ không mất hết chất tươi (như hay làm ở Âu Mỹ), người ta không biết cỏ khô là gì, và cũng không có đồng ruộng bỏ cho cỏ mọc. Có những ngọn đồi và đồng vắng tiện cho sự chăn chiên, song những chỗ đó thuộc về ai? Nếu người lạ muốn chiếm những chổ đó, ai có thể ngăn trở họ? Ý tưởng cốt yếu của người chăn chiên là cho bầy mình ăn cỏ, và vì mục đích ấy, người tự nhiên muốn có đất đai, càng nhiều càng tốt. Người không ở luôn một chổ, nhưng đổi chỗ luôn theo thời tiết quanh năm: Mùa hạ nóng bức thì dẩn bầy lên các ngọn đồi cao hơn, đến mùa đông thì xuống phía nam, đến những đồng bằng ấm áp hơn. Gia-cốp để bầy mình cách bầy của La-ban ba ngày đường, và các con trai của Gia-cốp từ Hếp-rôn đi về phía bắc, đến tận Si-chem và Đô-than.
            Dân làng nào cũng có quyền khai khẩn các cánh đồng hoang ở chung quanh; vì chủ bầy hoặc kẻ được chủ thuê chăn bầy phải chịu trách nhiệm về chăn chiên, nên nếu phạm đến các đồng lúa trong làng hoặc thi hành thủ đoạn hà hiếp, thì bị luật pháp trong làng trừng trị. Nhưng trường hợp lại trái hẳn mỗi khi có một bầy chiên lớn dời trại đến giáp giới các đồng ruộng, tỉ như Áp-ra-ham dẫn theo hơn ba trăm người. Những đoàn chăn chiên như thế dùng trách nhiệm dùng sức mạnh mà xấn vào, và lúc trẩy qua, họ chẳng ngần ngại cho bầy xông vào ruộng lúa, gặt và đem theo mùa màng chín vàng của gã nông phu.
            Những đoàn chăn chiên ấy là Con cái của phương Đông, nay gọi làBédouins[1]: Kinh Thánh luôn luôn nhắc đến họ, coi như một sức ngăm dọa hủy phá cuộc đời văn minh và các quyền lợi trong xã hội. Nơi nào không có chính phủ trung ương cai trị mọi người, thì mỗi giai cấp phải chăm lo binh vực quyền lợi của mình, và "võ lực tức là quyền lợi."  Ấy là án phạt dân Y-sơ-ra-ên phải chịu vì đã không làm chủ tất cả Đất Hứa, đã để cho các bộ lạc vô pháp vô thiên ở địa giới phía đông: Mỗi khi nước Y-sơ-ra-ên suy đồi vì cớ nội loạn hoặc chiến tranh với các nước láng giềng, thì bọn kia lại hăm hở xông vào chiếm lại những đất đai đã mất.
            Ấy đấy, sự phân biệt giai cấp và sự tranh giành quyền lợi về đất đai đã chia rẽ người làm ruộng với người chăn chiên. Vì sự nguy hiểm do nguyên cớ đó, nên công dân trong làng hợp thành đoàn quân nghĩa dũng để chóng nạn ngoại xâm, hơn là hợp thành một thị xã để lo nội trị. Tù trưởng của bộ lạc du mục phải được lãnh tụ trong làng tiếp đón, và như vậy, làng có thể đối đãi người lạ hoặc như khách quí đáng được hoan nghinh, hoặc như kẻ thù đáng bị đánh đuổi.
            Cho nên ngày nay, khi nào ta hỏi dân số trong một làng nào là bao nhiêu, thì họ trả lời theo lối nhà binh rằng làng ấy có bao nhiêu cây súng. Sức mạnh chiến đấu tức là nhơn dân. Về phía những kẻ chăn chiên từ xa đi đến, tỉ như các tộc trưởng Áp-ra-ham, Y-sác và Gia-cốp, đem theo tôi tớ và bầy đông đúc, thì phải lập giao ước với các nhà cầm quyền trong địa hạt. Áp-ra-ham làm cho địa vị mình thêm hùng cường vì kết đồng minh với Nam-rê, Ếch-côn và A-ne. Còn Lót dường như đã nhập tịch dân Sô-đôm, trở nên giống như những điền chủ ở đó, vì đã bỏ trại mà ở trong một nhà gần cổng thành.

2. Trang cụ (équipement) của người chăn chiên.-  Trong Kinh Thánh, những đoạn điển cố về sự sinh hoạt của người chăn chiên và những danh từ hình bóng mượn của sự sinh hoạt đó, vẫn cốt chuyên chú vào những phương diện ôn hòa. Kẻ thù của người chăn chiên chỉ là thú dữ và trộm cướp. Cơ hội gây nên tranh giành hơn hết giữa người chăn chiên, cũng như giữa người làm ruộng, chính là nước, chính là quyền được đến những giếng, rạch và suối nước (Sáng thế ký 13:7; 29:8; Ê-xê-chi-ên 2:17). Sự giữ bầy chiên và sự làm ruộng cùng phát đạt cạnh nhau. Người chăn chiên thuộc về hàng xã, và được quyền cho bầy chiên, bầy dê ăn cỏ trên những ngọn đồi tiếp cận và trong những ruộng lúa sau mùa gặt tháng năm.
            Bộ diện của người chăn chiên phương đông ít thay đổi, cũng như chiên của họ và những bổn phận giản dị của họ đối với chiên.
            (1)  Áo mặc.-  Người vẫn mặc áo rộng làm bằng da chiên, hoặc bằng vải dày dệt bằng lông chiên, lông dê, hoặc lông lạc đà. Áo đó ban ngày che chở người khỏi lạnh và mưa, đến đêm lại dùng làm chăn. Túi bên trong ngay trước ngực rộng đủ chứa một con chiên hoặc dê mới đẻ khi nó cần được đem qua nơi mấp mô chơm chởm, cần được đem đến nơi ẩn núp hoặc đem về nhà chăm nom vì cớ mắc bịnh hay trái thời tiết (Ê-sai 40:11).
            (2)  Cái túi.-  Mùa hạ, người chăn chiên có khi ở trên núi suốt một tháng, chỉ giao thông với hàng xóm khi nào có ai đem lương thực đến cho mình. Người để lương thực vào cái bị lủng lẳng bên cạnh sườn, ấy tức là "cái túi chăn chiên" (I Sa-mu-ên 17:40); mã phu và nhiều người khác cũng dùng cái túi ấy khi đi đường xa. Túi ấy làm bằng da dê con đã đánh bóng, dùng để đựng bánh, trái ô-li-ve, phó mát (fromage), nho và vả khô.
            (3)  Bầu nước.-  Còn đồ đựng thức uống, như nước hoặc sữa, thì người chăn chiên dùng một cái "vò" nhẹ không vỡ được, làm bằng quả bầu. Hình quả bầu nầy dường như làm kiểu mẫu cho các vò bằng thủy tinh và bằng đất.
            (4)  Gậy.- Cái gậy hoặc côn bằng gỗ cây dẻ bộp lủng lẳng bên cạnh sườn, hay đựng trong cái túi nhỏ mà dài buộc liền với áo dài. Phải lựa chọn kỹ càng, có khi phải nhổ một cây non và thẳng để làm côn, và chỗ rễ cây phình to phải đẽo gọt để làm đầu côn. Chỗ tay cầm phải gọt, và có khoan một cái lỗ ở dưới cùng để buộc vào thắt lưng, hoặc để treo lủng lẳng nơi cổ tay như cái roi đánh ngựa. Trên đầu thì đóng đinh có đầu to như thứ đinh dùng ở miếng sắt móng ngựa. Đó là "cây gậy" ở Thi Thiên 23:4. Trong khoa điêu khắc của nước A-si-ri, cây gậy ấy ở trong tay vua là biểu hiệu của uy quyền; nó là nguyên hình của cây phủ việt, cái chùy và cái ba-toong.
            (5)  Trượng.-  "Cây trượng" chép chung với "cây gậy" ở Thi Thiên 23:4, cũng làm bằng một thứ gỗ ấy, nhưng dài chừng hai thước tây, nhẵn nhụi, ít khi có chĩa hoặc móc ở một đầu. Nó giúp người chăn chiên leo lên dóc đá, đập lá và cành nhỏ, sửa trị những con chiên hay đi la cà và những con dê hay đánh nhau. Khi đứng canh giữ bầy mình, thì người chăn tựa vào cây trượng.
            (6)  Trành.-  Cái trành của người chăn chiên làm bằng lông dê. Đa-vít rất quen dùng trành, còn người chi phái Bên-gia-min dùng trành rất khéo (Các quan xét 20:16). Cái túi lắp viên đá hình tròn như viên ngọc bích, giữa có một khe nhỏ để khì lắp đá vào, thì túi phủ đá như cái bao. Tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng A-rạp đặt tên cái túi đó theo hình dệt nó hơi lõm vào. Nó chính là "chỗ trũng của cái trành" (I Sa-mu-ên 25:29 - theo bản tiếng Anh đã sửa lại). Hai cái dây có vận thêm lông dê đen và trắng trông rất mỹ thuật, và rất ít là một dây có vòng thắt nút ở đầu để cho ngón tay vào. Chẳng những dùng để đánh trộm cướp và thú dữ, cái trành còn làm việc như con chó chăn chiên ở phương Tây: ấy vì người chăn có thể dùng trành bắn một viên đá rơi gần một con chiên đi lờ phờ ở đằng sau, làm cho nó giựt mình mà nhận biết mình cô độc và bị nguy hiểm. Ngày nay, khi bọn trai trẻ trong làng lân cận có sự xung đột, chúng thường đứng từng hàng dài, dùng trành mà ném đá vào nhau.
            Theo nghĩa bóng, thì cái trành của người phương Đông cốt ý chỉ về khoảng đường hơn là chỉ về sự đúng hướng. Có một tục ngữ của người A-rạp tả vẽ kẻ hay nói hành như kẻ đựng sự bí mật trong một cái trành. Hắn thử xem mình có thể sự xấu của kẻ khác xa đến đâu.
            Công dụng của cái trành trái hẳn với công dụng của cái bầu nước. Cái trành ném ra, còn cái bầu thì giữ lấy. Chắc đó là ý của A-bi-ga-in muốn nói cùng Đa-vít khi nàng đem "bọc những người sống" và mạng sống trong đó để đối chiếu với "trành ném đá" (I Sa-mu-ên 25:19). Người đứng trước mặt nàng chắc có cả trành ném đá lẫn túi đồ ăn; linh hồn của những kẻ thù nghịch như viên đá trong trành, đáng bị ném đi, còn linh hồn của người thì được Đấng Chăn Cao cả che chở và giữ gìn như các thứ cần dùng trong cái túi nuôi sống. Trong trường hợp nầy ý nghĩa rõ ràng và đẹp đẽ đến nỗi trong trường hợp kia cũng cần có một điển cố (allusion) thật đúng và thật rõ ràng.

3. Cai quản bầy chiên.-
            (1)  Sự hiện diện của người chăn chiên.-  Ngày cũng như đêm, người chăn chiên luôn luôn ở với bầy mình. Như chúng tôi đã giải luận rồi, sự đó là cần yếu vì cớ xứ trống trải, luôn luôn có nỗi nguy hiểm do thú dữ và kẻ trộm. Một cảnh tượng quen mắt và đẹp mắt hơn hết ở phương Đông chính là người chăn chiên dẫn đưa bầy mình đến đồng cỏ. Người chăn thường có một hoặc hai con chó, nhứt là ở các đồng cỏ xa xôi, hiu quạnh của miền núi. Nhưng loài chó nầy to lớn, hung tợn, có thể giao chiến với muôn sói, và ban đêm có thể báo hiệu quân trộm mon men đến gần. Người chăn mong chiên theo mình, còn chiên thì mong người chăn không lìa bỏ chúng. Nếu người dường như đi xa chúng, thì chúng chạy theo người. Khi nào không thấy người hoặc thấy một kẻ lạ thay vì người, thì chúng hoảng sợ. Từng hồi từng lúc người gọi chúng để cho chúng biết rằng người đương ở gần. Chiên nghe và cứ ăn cỏ. Nhưng nếu có ai khác thử bắt chước giọng của người chăn, thì chúng nhớn nhác nhìn quanh và bắt đầu chạy tán loạn.
            (2)  Sự che chở của người chăn chiên.-  Vì người ở luôn với chiên, nên người luôn luôn chăm chút đến chúng. Chẳng những sẵn sàng che chở chúng, người còn dẫn chúng đến cách đồng thuận tiện nhứt do con đường tốt nhứt. Người cho chúng nghe điệu nhạc của cái sáo, có khi những con chiên nhỏ đáp lại bằng cách nhảy nhót chung quanh người. Người bẻ lá trên cành cây; lúc giữa trưa, người dẫn chúng đến dưới bóng ghình đá, hoặc dưới bóng cây hạnh đào hoặc cây liễu, gần bên giếng hoặc suối nước. Người dùng hết cách để sống với chiên và vì chiên. Lúc mặt trời lặn, người dẫn chúng trở về chuồng; tại đó, ban đêm chúng nằm ngủ bình yên chung với nhiều bầy khác nữa.
            Chuồn chiên thường là một cái hang đá lớn hoặc khu đất trũng có mái che, chung quanh xây tường đá. Khắp cả bờ tường cắm cây gai có chận đá cho khỏi sai chỗ. Ở miệng hang, hoặc ở góc tường gần cửa vào, người chăn có một chỗ làm bằng cành cây có mái, như cái trại mà Phi-e-rơ muốn dựng trên núi Hóa Hình. Ở đó, tỉ như đêm Đấng Christ giáng sanh tại Bết-lê-hem, họ canh giữ bầy mình ban đêm. Bầy chiên cần được che chở loàn toàn luôn luôn như thế, vì chúng không nghĩ đến sự tự vệ. Khi muôn sói đến, bầy dê liền chạy lại đứng sát nhau, giơ sừng ra cự địch; nhưng chiên liền tan lạc và dễ làm mồi cho muôn sói (Giăng 10:12).
            Trong cuộc đời chăn chiên có một cảnh tượng thú vị hơn hết, là khi bầy chiên đi qua suối nước. Người chăn chiên vẫn dẫn đầu, chiên đi hàng một theo người, nhưng đến giữa dòng thì chúng trợt chơn, trôi theo dòng nước. Người chăn vội tiến lên phía trước, bồng một con nầy rồi một con khác, đẩy chiên đi trước mình, kéo chiên cho khỏi sức ép của nước. Vừa đến bờ bên kia, người chăn vội chạy dọc theo mé nước để kéo những con đã bị cuốn đi nhưng đã vùng vẫy đến được bờ bên kia, mệt mỏi lắm. Chiên nào đứng ngần người chăn hơn hết thì được bình yên hơn hết. Dường như Thi Thiên 18:16 ngụ ý đến sự giải cứu như thế - "Từ trên cao Ngài giơ tay ra nắm tôi, rút tôi ra khỏi nước sâu."
            (3)  Sự hiểu biết của người chăn chiên.-  Vì luôn luôn ở với chiên và rất chăm lo đến chiên, nên người chăn quen biết chiên rất thân mật. Nhiều chiên được đặt tên riêng, hoặc do tánh tình của nó, hoặc do một việc nào có quan hệ đến nó. Lúc mặt trời lặn, người chăn đếm chiên, thường tính từng đôi một. - Nhưng dường như theo một luật định, khi chiên nhóm chung một chỗ người chăn liềncảm thấy có con nào thiếu chăng. Ấy chẳng phải vì thiếu một con chiên mà thôi, nhưng cũng vì vẻ mặt cả bầy lộ sự thiếu thốn cái chi đó. Sự hiểu biết này rất thân mật và tự nhiên đáng tin cậy, đến nỗi thường khi không cần theo lệ đếm từng con một.
            Ngày kia, một giáo sĩ gặp một gã chăn chiên ở chỗ hẽo lánh nhứt của dãy núi Li-ban, bèn hỏi hắn nhiều câu về bầy chiên, có câu hỏi rằng hắn có phải đếm chiên mỗi buổi tối chăng. Hắn đáp: "Không," thì ông lại hỏi hắn làm thế nào mà biết rằng chiên đủ hay thiếu. Hắn đáp; "Thưa ông, nếu ông lấy vải bịt mắt tôi, rồi đem bất cứ con chiên nào đến cho tôi rờ mặt nó, chỉ một lát tôi sẽ có thể nói rằng nó thuộc về tôi hay không." Đó là ý nghĩa đầy đủ của lời Đấng Chăn Nhơn Lành đã phán rằng: "Ta quen chiên Ta, và chiên Ta quen Ta" (Giăng 10:14).
            Nhưng có người chăn thuê, và hắn nổi danh về sự bất trung (cũng như người chăn thật nổi tiếng về sự trung thành với phận sự). Vì hay dùng cách phỉnh gạt, nên lời chứng của hắn, cũng như của người nuôi chim bồ câu, không được các tòa án ở phương Đông công nhận. Hắn ở trong vòng phận sự, mà không hiểu phận sự, và chẳng có ai xét xem hắn làm phận sự thể nào. Hắn bạo dạng cũng chẳng được nhợi khen, và có thể nói dối để che đậy sự xao lãng phận sự. Được trả công rất ít, hắn có nhiều cơ hội bán dê con và chiên concho những khách đi qua, hoặc giao cho bà con đem đi chợ bán. Và đến cuối mùa, hắn trình rằng những con vật ấy đã bị ngườiBédouins ăn trộm, bị muông sói ăn, hoặc ngã xuống vực sâu.
            Những ngày hội hè của người chăn chiên nhằm kỳ hớt long chiên, vào tháng năm và tháng sáu. Bầy đông thêm vì những chiên con mới đẻ trong một vụ; sữa, bơ và phó mát tràn trề; đồng cỏ vẫn còn nhiều miễn là biết chỗ tìm liếm, và tiết nóng mùa hè làm cho sự sinh hoạt ở nơi khoáng đãng thành ra dễ chịu cả ngày lẫn đêm. Ấy là thời kỳ mời nhau dự tiệc giữa những người Bédouins và những người chăn chiên trong làng. Chắc các con trai của Gióp đã hội hợp chè chén trong thời kỳ ấy.
            Từ cuộc đời đồng mục ta có thể rút ra nhiều sự so sánh và nhiều bài học, thật như ta có thể trông mong như thế nơi một nghề nghiệp rất hệ trọng và thông thường của người Y-sơ-ra-ên. Người chăn luôn luôn có mặt giửa bầy chiên và che chở chiên, ấy là những đặc điểm hiển nhiên có thể khiến ta liên tưởng đến những dây liên lạc cao hơn một cách dễ dàng. Thi Thiên 23 vẫn bày tỏ lòng tin cậy Đức Chúa Trời một cách đơn sơ và tha thiết hơn hết. Chiên phục tùng người chăn, ấy chẳng phải chỉ là bước đầu của đời thiêng liêng, - bước đầu đáng được quên bỏ khi chúng ta sẽ biết như Chúa đã biết mình vậy; những kẻ được cứu chuộc và được vinh hiển vẫn còn được dẫn đến những suối nước hằng sống (Khải huyền 7:17).
            Dây liên lạc chặt chẽ đến nỗi dân Y-sơ-ra-ên ngỗ nghịch có thể kêu vang rằng: "Nhơn sao cơn giận Chúa nổi phừng cùng bầy chiên của đồng cỏ Chúa?" (Thi Thiên 74:1). Mọi sự có quan hệ đến sự yêu thương tận tụy, sự hiểu biết thân mật và quyền phép che chở, đều được gồm tóm trong phẩm tước này: "Đấng chăn chiên lớn là Đức Chúa Jêsus" (Hê-bơ-rơ 13:20). Các thí dụ ở Lu-ca 15:3-7 và Giăng 10:1-18 cũng có một tính cách như thế. Cũng hãy tham khảo Thi Thiên 79:13; 95:7; Ê-xê-chi-ên 34:8. Khi Phi-e-rơ vui mừng và mạnh mẽ vì được tha thứ và được phục hưng, thì Đấng Christ lại giao chức vụ mới cho ông theo một cách đầy những ý tưởng cao thượng - "Hãy chăn chiên Ta" (Giăng 21:16).
            Kinh Thánh rất hay nói đến sự yếu đuối trọn vẹn của con chiên không có người chăn. Kinh Thánh dùng sự đó làm hình bóng mà ứng dụng đầy đủ vào những vấn đề đạo đức và tôn giáo, tỉ như người ta rất dễ bị che khuất, đi dông dài và lầm lạc trong đồng vắng của cuộc đời; nào những sự thua mất và sầu thảm xảy ra khi ý chí không đầu phục và không được dắt đưa một cách cương quyết; nào những tai hại cặp theo sự cảnh cáo sai lầm cùng sự nguy hiểm thiết thực (Dân số Ký 27:17; I Sa-mu-ên 25:7; I Các Vua 22:17; Thi Thiên 119:117; Ê-sai 53:6; Giê-rê-mi 50:6, 17; Ê-xê-chi-ên 34:6, 12).
            Rốt lại, con chiên con câm miệng mà đầu phục khi bị hớt lông và gần bị giết. Đó là biểu hiệu về sự lẳng lặng cam chịu và về số phận tuyệt vọng. Dân Y-sơ-ra-ên thường có thể ví địa vị của mình với số phận nhứt định và sự âm thầm tuyệt vọng của con chiên. Hình bóng này được dùng trong lời tiên tri quan trọng ở sách Ê-sai, đoạn 53. Đấng sai môn đồ ra đi "như chiên vào giửa bầy muôn sói" (Ma-thi-ơ 10:16), thì chính Ngài trước hết là "Chiên Con đã chịu giết" (Khải huyền 5:12).



[1]  Tức là người A-rạp du mục ở trong đồng vắng của Phi châu và A-rạp, sống bằng nghề cướp bóc.


Hội Thánh KiềnBái's blog© 2013. Được tạo và lưu trữ bởi Bùi Qúy Đôn. Tài liệu có thể được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau.