Thánh Kinh Phong Tục- Chương Thứ Tư

Các Nghề Nghiệp

"Bàn tay Danh dự là một cái cân. Đường nào cũng dẫn đến cối xay lúa."
Tục ngữ xứ Sy-ri.


            Một cảnh tượng sướng mắt hơn hết  trong cuộc gia đình sinh hoạt chính là xem đứa trẻ thức dậy một cách tỉnh táo và đột nhiên, và lấy làm vui thỏa vì đêm tối đã qua và bước sang một ngày mới. Cuộc sinh hoạt trong các thành phố ở phương Đông cũng bày ra một đặc sắc ngây thơ như thế. Lúc hừng đông, các ngôi sao vụt biến mất trong ánh sáng càng lâu càng lộ ra; và vừa lúc mặt trời mọc, thì các công việc hằng ngày đã bắt đầu rồi. Người thức dậy trước nhất là các thợ làm bánh: họ nướng bánh để đem ra ngoài phố bán với sữa nóng cho những người đi làm sớm. Những kẻ phải chăn ngựa, la, lừa và lạc đà ruỗi người ra và thức dậy, mặc áo sẵn sàng để dọn đồ ăn cho các súc vật đương nhẫn nại chờ đợi. Những người làm công đem theo đồ dùng hay là không đem theo gì cả, bắt đầu hội họp ở nơi nhứt định, chào hỏi nhau và chờ người đến thuê. Dân lao động ở ngoài châu thành, hoặc đi bộ, hoặc cỡi lừa. Ta nghe tiếng cái đe kêu chan chát, tiếng gõ của người thợ làm thùng, tiếng quay của cái bánh xe ở giữa sân làm thừng (dây), rồi tiếng vặn ống khóa ken két khi người A-rạp mở cửa hàng. Ngày mới ồn ào, tưng bừng, bận rộn bắt đầu như vậy đó. Vừa khi mặt trời lặn thì công ngừng ngay, các cửa hàng đóng lại, phố xá vắng tanh, và thành phố chìm vào sự yên nghĩ và lặng lẽ của một đêm khác (Thi Thiên 104:23).
            Người Bédouins chuyên nghề chăn chiên kinh ngạc, sửng sốt khi bước vào thành phố và thấy cách sinh hoạt khác hẳn cách sinh hoạt của mình. Những sự nhu cầu của người rất ít và giản dị biết bao; đồ ăn, quần áo và đồ dùng làm việc phần nhiều do chính tay người và tay vợ con, anh em người làm ra. Nhưng ở thành phố mỗi nghề nghiệp có một phố riêng hoặc một khu chợ riêng; thợ làm thùng, thợ bạc, kẻ bán thóc lúa, gỗ, rau, thịt chiên, vải, thợ đóng giày và làm đệm, đều phối họp với nhau, mỗi nghề có riêng một chỗ. Khi sự sinh hoạt thêm phiền phức, thì luôn luôn có sự nỗ lực và sự phát triển tài khéo đặc biệt.
            Các công nghệ ở phương Đông đáng chú ý ở chổ tài khéo được bày tỏ trong sự dùng những khí cụ đơn giản, và công việc tốt nhứt lại do những máy móc thô lỗ. Lịch sử các công nghệ ở phương Đông là một lịch sử của những tay thợ chuyên môn hơn là những phương pháp cải thiện. Bàn tay mềm mại, bức vẽ dễ dàng, con mắt tinh tường để nhận thấy vẽ cân đối và sự tự nhiên biết trước hình nào sẽ ra sao, mọi sự đó phần nhiều do những nghiệp đoàn đời xưa; trong những nghiệp đoàn ấy cha con thường cùng làm một nghề, cứ truyền tử lưu tôn, hết đời nọ sang đời kia. Còn như làm cho nghệ thuật hoàn hảo hơn, thì một bí mật của nhà nghề cũng là một bí mật của một gia đình, và người ta hết sức giấu giếm. Mối lợi riêng đó thật lợi cho gia đình ấy, nhưng nguy hiểm cho quần chúng, vì ngày nay ta thấy nhiều nghề bí mật đã bị quên mất rồi (thí dụ như nghề sơn theo lối cổ, cùng nghề tôi thanh đồng).
            Mới đây trong xứ có tiếp xúc với máy móc và cách chế tạo của Âu châu, nên có thêm một vài nghề mới, và những nghề cũ cũng thay đổi ít nhiều. Ở xứ Pha-lê-tin và xứ Sy-ri cũng như ở mọi nơi khác, nghệ thuật chẳng phải vì nghệ thuật mà thôi, nhưng cũng còn vì mối lợi có thể do nghệ thuật mà được. Đó là trách nhiệm về phần tinh thần mà các công cuộc sáng chế phải chịu. Bấy giờ người phương Đông ham thích các thuốc nhuộm lộng lẫy và nhạt chế bằng chất phẩm tử (aniline) của người phương Tây, cũng như người phương Tây ham thích những màu sắc dồi dào và bền bĩ của vải và thảm do người phương Đông làm ra. Công nghệ quan trọng mà ngày nay thiếu hẳn chính là nghề làm hình tượng. Có lẽ ta thấy dấu tích cuối cùng của nghề ấy ở các đền  và đồ thờ bằng bạc do tín đồ Hội kia dâng vào các nhà thờ Chúa và nhà thờ các thánh, và ở các ngọn nến to lớn trên bàn thờ mà mặt trời xứ Sy-si không rọi tới.
            Bấy giờ chúng ta hãy chú ý đến một vài công nghệ và kỹ nghệ; làm vậy, chúng ta sẽ ngạc nhiên vì thấy là hợp vNê-hê-mi nhiều đoạn trong Kinh Thánh, và những điển cố ấy sẽ có hứng thú và bổ ích cho mình là dường nào.

1. Dệt, nhuộm và thêu.-
                        (1)  Nghề dệt.-  Còn theo cách thức giản dị hơn hết trong những người đã bắt đầu dệt trước hết, tứ là những người chăn chiên nay đây mai đó, gọi là người Bédouins. Người đàn bàBédouin cặp một mớ lòng dê nơi cánh tay, kéo một túm ra và buộc vào một tảng đá. Nàng quây sợi và dần dần thêm lông dê vào. Như vậy, nàng được một thứ sợi không đều đặng lắm, một thứ dây tết, sau dệt thành vải lông dê, dùng làm túi đựng thóc cho lừa, ngựa, lạc đà, và làm túi đựng lúa mì và bột. Còn vải lông dê rộng hơn thường thì họ nối lại với nhau để làm những "nhà bằng lông" đen, tức là những trại của người Bédouins. Đó là "bao gai" mà Kinh Thánh nói đến, người ta mang bao gai để tỏ dấu buồn thảm và ăn năn, bao gai cũng dùng để làm mẫu so sánh những thứ gì đen thẫm. Vải lông lạc đà thì hơi mềm hơn; còn mềm nhứt và quí giá nhứt thì là len (laine). Vì cừu và dê có màu đen và trắng, còn lạc đà có màu vàng nhạt hoặc cách gián thẫm, nên người ta dệt vải có những dọc to thẫm và nhạt. Tất cả các thứ vải dệt ở phương Đông đều có hai đặc sắc nầy: Dùng hòn đá khi kéo chỉ, và sự thích có dọc sặc sỡ. Giữa vòng những bộ lạc chăn chiên, đàn bà vẫn còn dệt vải may trại, áo choàng rộng và một ít thứ giống như vậy. Ở vùng thôn quê, ta cũng thường thấy đàn bà tết chỉ bông hoặc chỉ lông chiên đương khi đi đường, nhưng vải dùng bấy giờ phần nhiều do những xưởng dệt ở các thành phố như AleppoBeyrouth và Đa-mách, hoặc nhập cảng của Âu châu. Trong khung dệt của phương Đông, các sợi dọc của tấm dệt. buộc vào cái cột gần mái nhà và chạy xuôi về phía trước, thành những hàng tương đối (parallèles), cho đến một cái cột ngang quay được ở nơi chân người dệt. Những sợi ấy làm ra bề dài và bề ngang của tấm vải, và những sợi ngang của bông, vải, lụa hoặc len thì cho vào từng cái một, qua những sợi dọc, từ đầu nọ tới đầu kia; có một tấm gỗ chận trên tấm vải đương dệt, làm cho những sợi ngang và dọc được thẳng hàng. Người thợ dệt ngồi để làm việc.
                        (2)  Nhuộm.-  Rất nhiều thuốc nhuộm của phương Đông tốt và bền cực điểm. Màu tía sáng chói là màu họ ưa hơn hết, thì trong tiếng A-rạp cũng như trong tiếng Hê-bơ-rơ đều gọi theo tên một con sâu bọ đóng tổ ở trong một thứ cây dẻ bộp. Thuốc màu chàm thì chế bằng vỏ quả lựu. Nay ở bờ biển Acrengười ta còn thấy một loài sò xưa người Phê-ni-xi dùng làm "thuốc màu tía" mà bà Ly-đi đã chuyên bán (Công vụ các sứ đồ 16:14).
            Màu tía sáng chói, màu xanh dịu và nhạt, màu đỏ như "huyết rồng" (theo cách gọi của người Thổ nhĩ kỳ), màu vàng của chim hoàng yến, màu chàm, và thỉnh thoảng có màu xanh tinh khiết của dân Hồi giáo làm cho dịu bớt, từng ấy màu dập dìu luôn nhưng bao giờ cũng vẫn thế. Đó là quang cảnh sặc sỡ của một đám người phương Đông.
            Người phương Đông rất có tài phân biệt màu nhạt với màu đậm, màu tươi với màu dịu, nhưng không giống như người phương Tây trong chỗ nhận biết sự tương quan của các màu sơ đẳng(couleurs primaires) với các màu trung đẳng (couleurs secondaires). Người ta luôn luôn đặt những màu hồng và tía xanh da trời và xanh lá cây ở cạnh nhau (Xuất Ê-díp-tô ký 26:1). Nếu có một người đờn bà Hồi giáo ăn mặc áo lễ mà lại đứng chung với phụ nữ Âu, Mỹ trong một phòng khách, thì phụ nữ Âu Mỹ sẽ coi người đờn bà ấy là một dị trang, còn người đờn bà ấy sẽ tự hỏi một vài bậc phụ nữ Âu Mỹ đó đã làm tội hoặc chịu tội gì mà phải ăn bận nhũn nhặn như thế. Trong xứ của người đờn bà Hồi giáo ấy, cách phục sức như thế hiệp với ánh nắng chói vốn dung hòa được mọi màu. Cả đến con ngựa vằn ở trong sào huyệt nó cũng nhờ có vằn mà không bị người ta xem thấy. Cùng với những màu sắc lộng lẫy và thường khi chói mắt ấy, các nhà chế tạo ở phương Đông còn có nhiều màu sắc dịu dàng nữa.
                        (3)  Nghề thêu.-  Đó là cách tô điểm mọi thứ vải, bông, lụa hoặc len theo nhiều màu sắc và kiểu mẫu. Có hai thứ chính.
                        A.  Các kiểu nguyên một màu, hoặc ảnh hưởng của một kiểu không có màu khác thêm vào. Hạng nầy cũng chia làm hai thứ.
                               a.  Trên vải.- Thật là một việc rất rắc rối và phiền phức của mũi kim; ít khi người người ta làm việc nầy, trừ khi làm áo dài cho người đàn ông ở phương Đông mặc bên ngoài. Áo dài làm bằng vải hoặc lụa màu trơn bóng; người ta cắt áo ấy và trải trên lần lót bằng vải trắng. Rồi người ta để các sợi chỉ to ở giữa lụa và vải theo kiểu đẹp và người ta khâu nó vào, mũi nhỏ hai bên của chỉ to giấu ở trong: như vậy chỉ ở trong nổi lên cao, dầu thật không thấy chỉ ấy được, và hai bên đều giống nhau. Dươi ánh mặt trời, đường thêu trên vải hoặc lụa như thế trông rất lộng lẫy, còn như thêu trên vải dệt bằng vàng, thì trông chói lọi hết sức (Thi Thiên 45:13 theo nguyên bản).
                               b.  Trong vải.- Đây ta lại thấy những màu dọc, vuông, tròn, ngòng ngoèo, và chìa khóa do cách dệt không làm nổi trên mặt vải. Thứ hàng nầy dệt ở thành Đa-mách, có rất nhiều kiểu đẹp đẽ khác nhau, và là thứ hàng nội hóa thông dụng. Một vài thứ hàng nầy (hạng "a" hoặc hạng "b") chắc đã là vật liệu kiểu mẫu dùng may áo cho thầy tế lễ thượng phẩm (Xuất Ê-díp-tô ký 28:39). Cách thêu đó có hình như bàn cờ.
                        B.  Kiểu mẫu có nhiều màu sặc sỡ.- 
                               a.  Thứ mặt nổi.-  Chính là kiểu mẫu thêm vào, dùng chỉ vàng và có nhiều màu khác nhau. Hình nó như vàng và bạc chạm nổi, như khi một bộ áo cưới ở phương Đông làm bằng lụa tốt và nặng, có thêu những hoa huệ to và nổi bằng vàng.
                               b.  Trong vải.- Trong trường hợp nầy, người ta làm kiểu có màu trong khi dệt, vì cách trang hoàng cốt yếu là các dòng dọc, như trong các bức màn của đền tạm.
            Những vải vóc ở phương Đông thường là hai mặt giống nhau. Kinh Thánh gọi những vải ấy là "những bức thêu sặc sỡ" khi người ta có ấn tượng rằng những vải vóc ấy có màu sắc lộng lẫy và khác nhau. Đó là phần việc của người pha màu (Xuất Ê-díp-tô ký 26:36; Ê-xê-chi-ên 16:10).
            Chữ "cực xảo" nghĩa là việc thêu chớ không phải đẹp vì đồ dùng mà thôi, mà cũng đẹp vì kiểu tỉ mỉ lẫn các hình loài người, thú hoa và những hàng dọc ngang, và tréo. Đó là công việc của người thợ vẽ (Xuất Ê-díp-tô ký 26:1; 28:6; 36:8).

2. Nghề thợ nề.-  Phần nhiều những cổ tích lạ lùng hơn hết của phương Đông đều do công việc của người thợ nề; ấy cũng như các đặc sắc hiện thời của phương Đông. Những khí cụ và cách thức làm việc của người thợ nề rất có bổ ích cho người kê cứu Kinh Thánh, vì Kinh Thánh hay nói đến người thợ nề để làm thí dụ hoặc để dạy dỗ.
            Người làm ruộng ở khắp mọi nơi có tài xây cất những tường thấp bằng đá chồng chất lên để rào ruộng lúa mì và vườn nho; nhưng khi phải xây bằng đá và vôi, thì cần có sự kinh nghiệm của người thợ cả. Có nhiều làng nổi tiếng vì những tay thợ nề, họ đi khắp xứ để làm khoán.
                        (1)  Cái nền.-  Phải rất thận trọng về cái nền vì đất hay co vào và giản ra nhơn cớ sự khô ráo của mùa hạ và mùa đông. Cần lập nền sâu trong tầng đá, nên thường khi phải mất nhiều công phu và tiền bạc, và đó thường là cớ thất vọng có nói đến trong sách Lu-ca 14:29. Người ta đào nhiều hố sâu rộng, rồi xây những tường dày bằng đá và vôi. Tường xây cao hơn mặt đất và để ít lâu cho khô và bền. Tự nhiên về sau tất cả công việc ấy không ai thấy nữa; cho nên Kinh Thánh có nói đến sự bất nhã do sự xây dựng trên nền của kẻ khác (Rô-ma 15:20; I Cô-rinh-tô 3:10).
                        (2)  Hòn đá góc nhà.- Khi đã đặt hòn đá dài nhứt trên nền dự bị sẵn rồi, thì người ta chọn một vầng đá vuông lớn cho mỗi góc để cái nền được vững chắc hơn tại chỗ hai tường giáp nhau (Ê-sai 28:16; Thi Thiên 118:22; Ma-thi-ơ 21:42). Người ta thường đặt một vầng đá vuông giống như thế nhưng mỏng hơn, trên mỗi góc của lớp đá cao nhứt, trên lớp đá đó có đặt các sà của mái nhà. Vì vầng đá nầy không có hình dáng đẹp đẽ, nên tự nhiên các thợ nề bỏ qua nó trong khi đặt những viên đá dài thường, cho đến lúc một sự cần dùng đặc biệt tỏ ra vầng đá ấy rất xứng đáng nối liền hai bức tường. Khi xây nền của một tòa nhà hệ trọng, như công sở hoặc học đường, khi người theo Hồi giáo hay giết một hay nhiều con chiên để thết tiệc người nghèo. Đó tức là lễ khánh thành.
                        (3)  Cái gậy để đo.- Khi xây nền, và thỉnh thoảng trong khi xây tường, người cai thợ nề dùng một cái gậy thẳng và dài độ sáu thước tây để đo các bức tường và khoảng giữa những cửa sổ và cửa lớn (Ê-xê-chi-ên 40:3; Khải huyền 21:16). Cũng dùng một cây gậy ngắn hơn một chút, - dùng một cách rất đơn sơ nhưng đúng lạ lùng - trong khi xây cất các vòm cửa có rất nhiều trong nền kiến trúc của phương Đông.
                        (4)  Dây rọi (Ligne à plomb).-  Nó là một cục chì hình cái phễu lật ngược, buộc bằng một sợi dây vào một miếng gỗ đường kính cũng như thế, để khi đặt miếng gỗ vào viên đá mới trát theo một hàng, thì miếng chì ở dưới chỉ hơi đụng đến tường. Người ta luôn luôn dùng dây rọi cho tường được thẳng. Tường có chịu thử nghiệm như thế thì mới được vững bền lâu dài. Cái gì "không ngay thẳng" thì sẽ đổ sụp xuống đất, mặc dầu khi làm lễ khánh thành, người ta đã dâng nhiều con chiên làm tế lễ (Ê-sai 28:17; Giê-rê-mi 22:13). Về phần đạo đức, thì sự dạy dỗ về lòng ngay thẳng nầy ứng dụng đặc biệt cho "nhà của Đức Chúa Trời xây" (I Cô-rinh-tô 3:9), cho sự xây dựng trên nền đức tin (Giu-đe 20), và sự xây dựng "nhà thiêng liêng" (I Phi-e-rơ 2:5).
                        (5)  Dây đo bề ngang.-  Dây đo bề ngang dùng chung với dây rọi. Khi nào cần phải xây một hàng đá mới, thì người thợ đặt hai viên đá cao bằng nhau ở mỗi đầu tường, hoặc cách nhau chừng sáu thước tây, mỗi viên đá cũng dùng dây rọi thử xem có thẳng xuống không.
            Rồi người ta tháo lấy một sợi dây gai, quấn nhiều lần quanh một viên đá, rồi giăng thẳng từ đầu viên đá ấy sang đầu viên đá bên kia, rồi cũng buộc chặt lại ở đó. Người thợ cũng dùng dây rọi mà đo ở quãng giữa dây ấy, rồi mới xây cả một hàng đá; như vậy cả bề ngang và bề dọc đều được ngay thẳng. Dường như ở II Các Vua 21:13 có nói đến cái dây đo bề ngang, vì ở đó có nói tiên tri rằng cái dây đã dăng trên xứ Sa-ma-ri và trên nhà A-háp cũng sẽ giăng trên thành Giê-ru-sa-lem; ấy có nghĩa là thành Giê-ru-sa-lem sẽ bị san phẳng như mặt đất.
            Sách Gióp 38:4-7 có ngụ ý nói đến cái nền đã bị đo, sự dùng dây rọi và các cuộc vui khi làm lễ khánh thành.
                        (6)  Các đồ dùng của người thợ nề.-  Những đồ dùng nầy cốt để bổ, đập và trát đá. Cái búa có cạnh răng cưa đáng chú ý đặc biệt, vì những tảng đá lớn của Baalbek chứng tỏ một công việc đập đá chắc phải do một thứ đồ dùng như thế.
            Cái rổ con để mang đất đi cũng đáng chú ý; hơn nữa là vì người ta tìm thấy cái rổ ấy chung với các thừng để nhắc lên, - cả rổ và thừng đã vùi xuống đất hằng mấy chục thế kỷ ở nơi những thợ thuyền xứ Ai-cập xưa kia đã đặt.

3. Nghề thợ mộc.-  Phong tục phương Đông không cần đến người thợ mộc bằng người thợ nề. Công việc cốt yếu của người thợ mộc là làm mái nhà, cửa, cánh cửa sổ, song cửa sổ và đi-văng (divan).Dọc theo bờ biển còn có nghề đóng thuyền.
            Kinh Thánh có nói đến bàn và nghế; nhưng có lẽ những dân quê ngày xưa cũng như ngày nay chỉ ngồi và ăn trên sàn nhà và trên đi-văng. Để chở hàng nặng, người ta dùng ngựa thay vào xe gỗ, còn giới hạn của các vườn thì phân định bằng các tảng đá, tường, hoặc hàng rào bằng cây xương rồng hoặc lau sậy; thành thử người ta chẳng cần đến công việc của người thợ mộc. Vì cớ ở nhiều nơi thiếu gỗ làm rầm nhà, tỉ như ở thành Giê-ru-sa-lem, cho nên nhiều nhà phải lợp mái hình vòng cung bằng đá, chớ không lợp bằng mái gỗ.
            Các bia cổ của xứ Ai-cập tỏ ra cái rìu, cái cưa, cái thước thợ, cái dùi và lọ keo là những đồ dùng cốt yếu của người thợ mộc ngày xưa. Với những đồ dùng nầy và một vài đồ dùng khác nữa, người thợ mộc hiện thời ở phương Đông cũng làm công việc giản dị cũng như người thợ mộc ngày xưa. Công việc khéo léo hơn hết của người thợ mộc là khắc kiểu đẹp trên gỗ trần nhà, làm khung cửa sổ và chạm trổ cửa lớn theo kiểu A-rạp. Người thợ mộc rất hay dùng cái rìu. Khi dùng cưa mà xẻ một tấm gỗ, thì người thợ mộc ngồi trên tấm gỗ mà cứ cưa tới đằng trước.
            Người A-rạp so sánh kẻ hà tiện với một cái cưa dài, có hai tay thợ cầm, dùng để xẻ cây gỗ thành tấm, vì nó "ăn" cả khi kéo lên và khi kéo xuống.



Hội Thánh KiềnBái's blog© 2013. Được tạo và lưu trữ bởi Bùi Qúy Đôn. Tài liệu có thể được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau.