Thánh Kinh Phong Tục- Chương Thứ Năm

Sự Sinh Hoạt Trong Gia Đình
và Những Dây Liên Lạc Trong Gia Đình

“Chủ nhà biết mọi sự ở trong nhà.
Áo bình an không bao giờ phai màu.
Sự sinh ra là sứ giả của sự chết.”
                                                                                               Tục ngữ xứ Sy-ri.


            Đã thấy gã chăn chiên, gã nông phu trong đồng ruộng, những người lái buôn theo đuổi nghề nghiệp, bây giờ chúng ta sẽ chú ý đến sự sinh hoạt trong gia đình. Ấy là vì cớ sự sinh hoạt trong gia đình nên mới có những nghề nghiệp kia.
            Trước hết chúng ta hãy xem xét cái nhà và sự sắp đặt trong nhà, sự nấu nướng đồ ăn và cách ăn uống, cùng các thứ và các kiểu y phục. Và chúng ta sẽ xét đến những sự liên lạc và những sự xảy ra cốt yếu trong sự sinh hoạt ở chốn gia đình. Như vậy, chúng ta sẽ sẳn sàng để trong một chương cuối cùng, xem xét thể nào những tình hình và phong tục mà mình mới kê cứu được diễn lại và mở mang trong những việc công, đem cả đặc tính vào xã hội, chính trị và tôn giáo ở phương Đông.

1. Nhà.-  Cũng như trong những xứ khác, nhà là một nơi thân mật biệt riêng, một nơi che chở khỏi lạnh lẽo. Nhưng ở phương Đông, nhà lại đặc biệt là nơi che chở khỏi nắng nóng. Rải rác đây đó có dấu tích của những hang đá làm nơi ở của người thái cổ; và những gã chăn chiên cũng dẫn bầy mình vào các hang đá giống như thế. Hang đá là nơi ẩn náu của những kẻ trốn tránh trong thời dân Y-sơ-ra-ên bị ức hiếp. Ngày nay những hang đá bỏ không của xứ Ba-san và những phòng hẹp đục trong đá của các thầy tu chính là tỏ ra cách kiến trúc những hang đá đời thượng cổ.
            a. Nhà trại.-  Đó là kiểu nhà sơ sài hơn hết, rất được thông dụng, và là đặc sắc của người Bédouins hoặc du mục. Nó là một cái mái thấp bằng lông dê đen, phía trước để ngỏ và có hai cột chống lên. Có thể kể chỗ ngỏ ấy là nguyên gốc của mọi cánh cửa, đã được đổi thành đẹp đẽ và to lớn hơn hết, như cổng của các thành phố và của Đền thờ ở Giê-ru-sa-lem. Trại được giữ vững vàng bởi các dây thừng cũng làm bằng lông dê đen, dây thừng buộc vào các cọc bằng gỗ dẻ bộp dùng vồ đóng xuống đất (Các quan xét 4:21; 5:26). Có một tấm màn treo ở giữa trại, phân cách phòng của đờn bà với phòng chung. Vì được che kín không ai thấy như thế, nên đờn bà có thể dễ dàng nghe chuyện ở phòng chung hoặc ở cửa trại (Sáng thế ký 18:10). Cũng có thể nhìn ra phía ngoài qua tấm rềm làm bằng cói.
            Sau khi dân Y-sơ-ra-ên chăm chú vào nghề nông, thì họ vẫn dùng cái trại. Nó là biểu hiệu cho một cuộc đời giản dị, không bị bó buộc; mỗi khi người ta không chịu nhận một phương pháp nào trong việc quốc gia, thì họ lại kêu la rằng: “Hỡi Y-sơ-ra-ên, mỗi người hãy trở về trại mình!” (II Sa-mu-ên 20:1; I Các Vua 12:16). Vì có liên lạc với tổ tông, nên trong thi ca và các sách tiên tri, các trại được địa vị cao quí hơn cái nhà xây bằng đá (Thi Thiên 84:1-10; Nhã-ca 1:5; Giê-rê-mi 4:20). Hiện nay những người đã được trưởng dưỡng trong cái trại thì rất không đành lòng lìa bỏ nó. Họ cho rằng lìa bỏ cái trại thì về phương diện xã hội là một sự nhục nhã, và về phương diện cá nhân là một sự hi sinh. Cách đây mấy năm, người vợ của một ông quan ngườiBédouin ở thành Đa-mách đã chết vì thèm thuồng cuộc đời trong cái trại mà mình đã phải dứt bỏ. Quan nầy trước đã cưới một thiếu nữ người Anh, thuộc dòng quí phái; hằng năm bà ở nơi đồng vắng với chồng ít lâu, rồi vợ chồng lại về ở thành Đa-mách. Bà trang hoàng nhà cửa rất lịch sự, cũng trồng trong vườn nhiều thứ cây và hoa quí. Khi bà nầy qua đời, thì quan đó lại cưới một nàng quận chúa cùng dân tộc với mình, đem nàng về nhà mình ở thành Đa-mách. Chẳng bao lâu nàng bắt đầu mất sức khỏe và vui vẻ, mặc dầu chồng mua cho quần áo và đồ nữ trang đẹp đẽ, lại có nhiều bà quí phái tới lui thăm viếng và mời đến nhà chơi, nàng cũng lâm bịnh và qua đời. Lòng nàng thèm nhớ những cuộc hội họp bên biếng, những lạc đà và dê con ở chung quanh trại, và cả cuộc đời giản dị, tự do nơi đồng vắng.
            Giê-rê-mi 35:2-17 có để đối chiếu sự người Rê-cáp tuân theo một lời nguyền trong gia tộc với sự bất trung của người Y-sơ-ra-ên đã xây bỏ các điều răn của Đức Chúa Trời.
b. Nhà cửa ở trong làng và trong thành phố.-  Nhà đơn giản của dân quê thường chỉ có một phòng. Chữ A-rạp để chỉ về một cái nhà cũng có nghĩa là một cái phòng, và chắc trong vòng người Hê-bơ-rơ ngày xưa cũng là như vậy. Giữa phòng có một cái trụ bằng gỗ hoặc bằng đá chống đỡ cái sà ngang của mái phẳng, và trên trụ ấy thường có một cái xích đông nhỏ để đặt chiếc đèn dầu; như vậy, đèn soi sáng tất cả phòng hoặc nhà (Ma-thi-ơ 5:15).
            Nếu nhà có hai phòng, thì hai phòng ấy không xây liền cạnh nhau; nhưng ở giữa có một khoảng trống rộng bằng một phòng. Cũng xây một bức tường nối hai phòng ấy, và như vậy, nhà có một cái sân.
            Nếu nhà có ba phòng, thì một phòng chiếm chỗ của bức tường ở cuối sân. Nếu cần có hơn ba phòng, thì họ xây nối vào những phòng kia, và như vậy, làm cho sân dài thêm ra. Đối với một gai đình đông đúc và vào hạng giàu có, cha mẹ có nhiều con trai đã cưới vợ nhưng vẫn ở chung với mình, thì có thể có nhiều sân cái nọ ăn thông dành riêng cho nhiều gia đình nhỏ đó. Các phòng thường không ăn thông với nhau, nhưng cửa thì đều mở ra phía sân. Để che khỏi nắng mưa, người ta xây một dẫy cột có mái chung quanh khu đất hoặc vẩy một cái hiên từ tường ra. Trong một nhà nhỏ chỉ có một hoặc hai phòng, người ta lợp một cái mái bằng lá và cành cây rậm, hoặc bằng những tấm ván cũ, để rủ bóng trên cửa ra vào, hoặc phủ kín một phần sân để che lối vào phòng ở cuối sân. Đó chắc là phần mái nhà đã bị gỡ khi họ giòng người bại xuội xuống và đặt nơi chơn Đấng Christ (Mác 2:4).
            c. Mái nhà.-  Mái nhà là một hoặc mấy tấm gỗ lớn đặt ngang, rồi có nhiều tấm gỗ nhỏ đặt lên trên. Tất cả phủ bằng một lớp nhược thảo (genêts), cây nhỏ mọc nơi hoang (bruyères) và lau sậy (roseaux); trên hết lại rải đất dày độ mười phân tây. Khi đất đã bị séo, lăn và nện xuống, thì người ta làm cho cái mái nhà phẳng chịu được nước bởi trát một lần vôi hoặc xi măng, và có những lỗ ở ria tường cho nước mưa thoát ra.
            d. Câu lơn nơi mái nhà (Phục Truyền luật lệ ký 22:8) không được người ta xây cất cẩn thận như đáng phải làm, và sự thiếu đề phòng ấy thường gây ra tai nạn. Mỗi góc có xây cột cao chừng hai thước tây; họ giăng giây từ trụ nầy đến trụ kia để phơi quần áo. Trong những nhà có đạo Hồi, khoảng trống giữa các cột góc ấy thường chất những tấm ván hoặc xây gạch có chừa chỗ hở, hầu cho người nhà có thể đi lên mái nhà mà kẻ lân cận không thấy được.
            Sẽ bị kể là xấu bụng người láng giềng nào đi quanh trên mái nhà để có thể nhìn xuống sân của các nhà bên cạnh. Trong vòng dân quê thì mái nhà cốt nhất dùng để phơi thóc lúa, phơi quả mùa hạ, và phơi củi để dùng lúc mùa đông (Giô-suê 2:6).
            Người ta đứng trên mái nhà mà báo cáo công việc trong làng; và khi có đám cưới, người ta hay hội họp trên mái nhà, tại đó tân khách ca hát và vỗ tay, giậm chơn đều nhịp (Các quan xét 16:27).
            e. Phòng cao (II Các Vua 1:2; 23:12; Mác 14:15; Công vụ các sứ đồ 1:13; 9:37; 20:8).-  Đó là một đặc sắc giản dị của nhà cửa ở phương Đông. Và là một cách thích hợp với khí hậu. Mùa hè, người ta làm những lều nhỏ bằng lá và cành cây để ngủ ban đêm cho được mát mẻ hơn. Phòng cao cũng dùng như thế, nhưng dùng được mãi mãi. Khi người ta xây nhiều phòng như thế trên mái nhà, thì Kinh Thánh gọi là nhà mùa hạ, khác hẳn với nhà mùa đông ở dưới (Các quan xét 3:20; Giê-rê-mi 36:22; A-mốt 3:15). Trong những nhà lớn cũng có sự thay đổi như thế bởi ở phía đông, và ở phía tây lúc mùa hạ. Người ta lên mái nhà bởi cái thang cục kịch bằng gỗ hoặc bởi những bậc đá, bắc vào phía ngoài tường nhà, hoặc bắc dọc theo một bức tường trong sân. Phòng cao, vì là một nơi tĩnh mịch và mát mẻ, nên hay được xây cất và bày biện tốt đẹp hơn những phòng thường; khách ngủ lại ban đêm thì ở trong phòng cao đó, cho phân biệt với khách chỉ đến chơi chốc lát. Phòng cao xây cho người của Đức Chúa Trời (II Các Vua 4:15) cốt dùng làm một nơi tĩnh mịch xứng hiệp với chức vụ thiêng liêng và thói quen cầu nguyện của ông ấy.
            f. Phòng cho khách ở.-  Người phương Đông thường không biệt riêng một phòng để khách ở; người phương Tây cho làm như thế là bất lịch sự và hầu như là đuổi khách đi. Người phương Đông không thích ờ một mình, và ban đêm thích thắp một ngọn đèn con trong phòng. Vì họ cứ để nguyên quần áo mà ngủ, nên không cần có chỗ riêng biệt. Nếu giường khách nằm kê ở phòng cao, thì một vài con trai của chủ nhà cũng kê giường ngủ gần giường kháchcho có bạn. Một người phương Đông thấy mình bị bỏ lửng khi được tiếp rước cách tự nhiêntrong một gia đình Âu Tây; trái lại, một người Âu Tây thấy mình bị lấn áp vì cớ ông chủ nhà phương Đông luôn luôn có mặt săn sóc đến mình.
            Trong những nhà nhỏ thì căn phòng ở đằng cuối sân là phòng khách thường để tiếp những khách tình cờ đến thăm. Phòng nầy thường trống hơn những phòng khác trong nhà.Trong những nhà chỉ có một phòng thì nơi dành cho khách chỉ là một tấm ghế trường ở cuối phòng; đấy là chỗ danh dự mà khách được dẫn đến. Trong những nhà lớn hơn, thì người ta biệt riêng một phòng rộng và bày biện lịch sự ở gần cửa cho tiện, hầu cho khách không phải chờ đợi và người nhà bị làm phiền ít hơn hết. Vì người ta thường đem món giải khát dâng khách, nên phòng cho khách ở cũng làphòng ăn tiệc.
            g. Sàn nhà.-  Người ta ít khi tấy sàn nhà bằng gỗ. Ở chốn thôn quê sàn nhà thường là bằng bùn, dùng vồ bằng gỗ mà nện xuống, rồi dùng một tảng đá lớn và dẹp mà xoa cho nhẵn. Cái sàn sạch và bền hơn chính là sàn làm bằng “Xi măng”, thức là vọi trộn với đá sỏi nhỏ, và cũng nện xuống theo cách trên kia. Sàn nhà tốt hơn hết là sàn làm bằng những phiến đá vôi vuông. Trong những nhà đẹp ở thành phố, thì những phòng chung cho mọi người lại lát bằng đá hoa trắng, nổi bật bởi những “lằn” đá đen hoặc những hình bằng đá hoa nhiều màu khác nhau. Các sân rộng thường cũng lát như thế, ở chính giữa sân có một chỗ chứa nước (fontaine) bằng đá hoa làm cảnh; cũng chừa ra nhiều chỗ không lát, để trồng cam, chanh, những cây lớn, cây nhỏ xanh tươi luôn và thơm tho.
            h. Đồ đạc và đồ trang hoàng.-  Các bức tường thường làm bằng thạch cao, quét một nước vôi. Nhưng nhà của người giàu có, nhứt là ở thành Đa-mách, thì tường của những phòng chung cho mọi người lại có trang hoàng nhiều hình khảm (mosaĩques) đẹp đẽ bằng gỗ, đá hoa, xa cừ, pha lê và ngà. Những hình trang hoàng thường là những hình kỷ hà học rất phiền phức; song những hình hoa và súc vật cũng thường dùng đến. Thường khi cũng treo gươm, đoản đao và súng để trang hoàng tường. Người ta không thử gián thứ giấy để trang hoàng tường, cũng không thích những hình nhỏ chi chít in trên những giấy đó. Khí hậu nóng nực có ảnh hưởng hay làm cho trễ nải, nên người ta cần có những bức tường để tự nhiên hầu cho tinh thần được sảng khoái. Trong những phòng khách trang hoàng lịch sự thật cũng có ít đồ vật gợi cho ta suy nghĩ về hoàn cảnh êm đềm của một trí óc học rộng biết nhiều. Ta có cảm tưởng rằng tại đó không có cái điều mà chủ nhà cần đến và tự nhiên hưởng được trong tòa nhà đẹp đẽ của mình, nhưng chỉ có cái điều mà người giàu muốn phô bày với khách đến thăm mình. Những tấm thảm đẹp bằng lông chiên, lông dê và lụa trải trên sàn nhà bằng đá hoa; một tấm ghế trường chạy suốt ba phía trong phòng; những gối có bao bằng bông, lông chiên, lụa và kim tuyến do người bổn xứ dệt. Mọi đồ vật đó với một cái gương lớn treo ở góc phòng, một cây đèn nhiều ngọn bằng thủy tinh treo nơi mái nhà, một chỗ đựng nước (fontaine) bằng đá hoa thường khi đặt ngay dưới cây đèn, một vài cái bàn khảm nhỏ bày ở đây đó, đều là những thứ trang hoàng thông thường trong một phòng khách phương Đông.
            i. Cửa.-  Cửa là một chỗ thánh khiết và quan hệ đặc biệt. Phía ngoài cửa và phía trong cửa là hai chỗ khác nhau như hai thế giới vậy. Trong những nhà lớn thì người canh cửa ngồi ngay chỗ đi vào để trả lời kẻ hỏi thăm và để dẫn khách vào trong nhà. Ban đêm người canh cửa ngủ trong một phòng nhỏ, ngay lối đi vào, bên cạnh cửa để canh giữ mọi khu trong nhà. Hắn giống như người canh giữ cổng thành và vườn nho. Hắn có trách nhiệm che chở người nhà, nhưng vẫn không thuộc trong vòng bà con. Sau khi đua khách đến cửa phòng khách rồi, hắn lại lui về chỗ gác. Thi Thiên 84:10 có ngụ ý nói đến địa vị hèn hạ và ngoại nhân của người gác cửa đó.
            Trong những nhà nhỏ hơn không có người gác cửa, thì có một đầy tớ hoặc một người nhà đứng trên bao lơn mà hỏi to rằng: “Ai đó?”  Nếu là một người bà con, thì khách trả lời rằng: “Mở cửa!” Nếu là một người bạn thân, thì khách hỏi to rằng: “Tôi đây.”  Nhận biết là tiếng nói của ai thì đủ rồi (Công vụ các sứ đồ 12:13).
j. Cửa sổ.-  Người ta mới dùng cửa sổ có mặt kính được ít lâu nay, Cửa sổ ở phương Đông thường có những song gỗ để gìn giữ cho khỏi bị quấy rầy và trộm cắp; nửa dưới cử sổ lại có một tấm bình phong che khuất, để người trong nhà có thể nhìn ra ngoài mà không ai trông thấy mình được. Ban đêm cửa sổ đóng bằng then gỗ, cốt nhất để được yên ổn và tỉnh mịch, và một phần cũng để tránh ánh sáng và ánh nắng mặt trời lúc sáng sớm. Vì cớ đó ở Ma-la-chi 3:10 có ngụ ý nói đến sự mở cửa sổ. Ở phòng cao thì không cần có song gỗ, vì khách qua đường không nhìn tới hoặc với tới được; cho nên có thể xảy ra những việc như có chép ở Giô-suê 2:15; I Sa-mu-ên 19:12; Công vụ các sứ đồ 20:9. Nhà ở thành phố thì cửa sổ thường không trông ra ngoài đường; nhưng bao lơn của các từng trên lại thường trông ra ngoài đường,- các bao lơn ấy có cửa sổ trông ra rất xa và nhận được luồng gió từ cả hai phía. Trong những nhà ấy bình phong vần là một món trang hoàng lịch sự. Các vò đựng nước uống thì đặt gần các cửa sổ ấy để có luồng gió làm cho mát mẻ. Vì trường hợp đó, nên những bình phong có tính cách trang hoàng được gọi làmashraîyel, do tiếng A-rạp mashrab, nghĩa là một chỗ để uống nước. Trong các phòng sách của nước Anh thường thấy một cái bình phong có mỹ thuật, nhưng không có quan hệ với công dụng nguyên trước của nó.
            Kinh Thánh chép rằng bà mẹ của Si-sê-ra bồn chồn nhìn qua cửa sổ như thế để chờ con trai mình không hề trở lại (Các quan xét 5:28).
            Trên cổng thành phố hoặc nơi đi vào các đồn lũy có một cửa sổ nhỏ đặt trong tường hoặc trong chòi canh, từ chỗ đó người canh gác có thể nhìn thấy mọi kẻ đến gần mà chính mình không bị nguy hiểm gì cả.
            k.   Sửa soạn đi ngủ.-  Người phương Đông nhóm họp để đi ngủ, chớ không phải ai lui về phòng nấy để đi ngủ. Vậy nên trong thí dụ ở Lu-ca 11:7 có nói người cha thoái thác rằng con cái ngủ với mình, - chúng ngủ trên những đệm trải trên sàn nhà, chung quanh giường của cha. Khi đến giờ ngủ, họ mở tủ, rương hoặc hốc tường để lấy những đồ dùng trên giường ngủ. Mỗi một cái đệm đều nhồi bông hoặc lông chiên; phụ vào mỗi cái đệm lại có một cái chăn trải giường dầy bọc bằng vải cát ba hoặc lụa màu, và khâu thành những đường dọc hoặc tréo. Khi ngủ, người phương Đông dùng chăn trùm cả đầu lẫn thân thể. Trong những sự thánh của đời sống người phương Đông, có khoản không được khuấy rối giấc ngủ hoặc làm giở bửa cơm của ai. Phải khó khăn cực điểm mới bảo được một tên đầy tớ Sy-ri đánh thức chủ hắn lúc trời còn mờ sáng. Khi một người theo Hồi giáo đánh thức bạn đồng đạo, thì người chỉ hô lên rằng: “Đức Chúa Trời là độc nhất!” Tuyên bố cái chơn lý tối cao ấy thì người tin Hồi giáo bao giờ cũng cho là hợp thời, và chỉ kẻ vô tín mới có thể phản đối sự tuyên bố ấy.

Hội Thánh KiềnBái's blog© 2013. Được tạo và lưu trữ bởi Bùi Qúy Đôn. Tài liệu có thể được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau.