Thánh Kinh Phong Tục- Chương Thứ Sáu

Xã Hội, Chính Trị Và Tôn Giáo

“ Thoát khỏi bản ngã còn quí hơn thoát khỏi sư tử.
Có hai người không hề thỏa lòng: Kẻ tìm học thức và kẻ tìm của cải.
Của cải quí nhất chính là của cải đẹp lòng Đức Chúa Trời “
(Tục ngữ của xứ Sy-ri).


Chương này đem chúng ta đến một phương diện rất rộng rãi và phức tạp.  Ấy chính là làm tỏ rõ Kinh Thánh bởi dựa vào tình hình xã hội, cách cai trị, các sự tổ chức về văn chương, khoa học và tôn giáo ở phương Đông.

1.  Làng mạc ở phương đông.-
            a. Cao nguyên làng mạc.- Phong cảnh ở phương Đông không có những trại rãi rác đó đây trên đồng bằng và thung lũng.  Những  kẻ trồng trọt đất đai ở bất luận khu vực nào cũng xây cất nhà cửa gần gũi lần nhau trong một làng xóm.  Như trước kia đã nói, một cớ chính của tình hình nầy chính là vì tình hình trong xứ không được yên ổn.  Thổ sản và các thứ tài sản của nông gia, và cả đến sinh mệnh của họ nữa, đều cần được che chở cho khỏi bị hại bở tay các bộ lạc chuyên nghề chăn nuôi súc vật.  Vả, những tù trưởng quan trọng đứng đầu những bộ lạc khác nhau, cứ giao chiến với nhau luôn, và dân quê trồng trọt đất đai của chúa mình thì phải liên hiệp với ông chúa ấy.  Kẻ thù của ông chúa tức là kẻ thù của họ.  Muốn biết sự phục tòng ấy trọn vẹn là ngần nào, ta chỉ cần bằng vào lời  một tù trưởng cao tuổi mới tuyên bố rằng chế độ cai trị cả một quốc gia bây giờ không tốt bằng chế độ cai trị các gia tộc ngày xưa.  Khi người ta hỏi ông rằng ông nói “chế độ cai trị tốt”  là ý nghĩa gì, ông bèn chỉ vào một vầng đá xám mà rằng : “Khi tôi bảo dân tôi rằng :  Đá nầy đỏ, thì họ đáp rằng:  Dạ, nó đỏ;  nếu tôi nói rằng:  Không, đá nầy xanh, thì họ đáp rằng:  Dạ, nó xanh.  Đó là chế độ cai trị tốt, nhưng bây giờ chế độ ấy đã mất rồi.”
            Những cuộc nội loạn ấy gây cho làng mạc dễ bị xâm hãm luôn, nên làng mạc là nơi bộ lạc giữ thế công, thế thủ, cũng như nhà cửa là nơi sum họp của cha mẹ và con cái.
            Lẽ thứ ba bắt buộc người ta phải hợp thành làng ấy là sự cần có nước. Nước chẳng những cần cho cư dân và các bầy súc vật của họ, song cũng cần cho các vườn rau nữa.  Theo cách đó, làng thường được đặt tên theo suối nước (ain)hoặc giếng nước (beer) mà làng dựng ở bên cạnh.  Thêm vào tên đó lại có tên ghềnh đá, cây, đồng cỏ, súc vật, hoặc một đặc sắc thiên nhiên ở miền tiếp cận. Trong Kinh Thánh có những thí dụ như thế, tỉ như A-bên-Ma-im  Bê-ê-Sê-ba, Ên-Đô-rơ.
            b. Hình thể.-  Làng nhỏ của dân quê ở giữa những cánh đồng lúa mạch, chỉ là những nhà nhỏ bằng gạch của ông chủ chia cho những người trồng trọt những đồng ruộng ở chung quanh. Những nhà trên sườn đồi thì xây bằng đá vôi; người ở trong những nhà nầy được tự chủ nhiều hơn,  cũng có nhiều thứ công việc hơn, và toàn thể những làng ấy cũng tốt đẹp hơn nhiều. Những nhà có mái bằng phẳng trông giống như các cái rương lớn đã từ trên lăn xuống và thình lình bị dừng lại. Những nhà ấy thường rất gần nhau, đến nổi cửa nhà nầy ăn thông với mái bằng phẳng của nhà ngay dưới gió. Những bức tường trắng lấp ló bên trong lớp lá cây dâu trồng chung quanh; vẻ bất biến (monotonie) thường bớt đi vì diện tích rộng rãi hơn và nền kiến trúc đẹp đẽ hơn của nhà ông tù trưởng;  có khi các nhà túm tụm chung quanh cái nhà thờ nổi bật lên ở giữa làng, chỉ trừ một vài cái nhà rải rác cho đến ngọn đồi, tại đó có ngôi cổ mộ dưới bóng cây dẻ bộp làm thành một nét vẽ tuyệt xảo trên bức “phông”.
            c. Sự sinh hoạt trong làng.- Nông phu đi làm lụng ngoài đồng ruộng, thường ở xa lắm và họ thường không trở về nhà trước khi mặt trời lặn.  Đó là sự đi ra mà Kinh Thánh nói đến khi luận về các công việc ngoài đồng ruộng (Thi-thiên 104:23; 126:6; Lu-ca 14:19; 15:25), Ê-sai 1:3 cũng nói đến sự sinh hoạt trong làng, vì có chép rằng : “Bò biết chủ mình, lừa biết máng của chủ”.  Lúc mặt trời lặn, bò và lừa đã ở suốt ngày trên những cánh đồng cỏ tiếp cận và những khu ruộng trơ trụi, bèn được người chăn dẫn về đến cổng làng. Tại đó bò và lừa cũng lìa khỏi người chăn, tự lần qua những ngõ hẹp của làng mà về chốn nghỉ ngơi ban đêm. Một vài nghề nghiệp đã được mở mang đầy đủ hơn hết trong các thành phố thì thoạt tiên là ở giữa vòng dân quê trong làng xóm.  Lò bánh trong làng cứ hai ngày lại đốt một lần; một người trong làng làm nghề thợ mộc thường; một người khác đóng móng ngựa, móng la, móng lừa, và cũng được họ vời đến khi cần đánh dấu súc vật bằng sắt nung đỏ; thỉnh thoảng, tùy theo làng to hay nhỏ, người bán thịt cũng có thịt chiên hoặc thịt dê con để bán; người chăn con la cũng chở hàng hóa từ làng đến các tỉnh lân cận và ngược lại. Sự sống rất giản dị, nhơn từ, siêng năng; ai nấy biết công việc của lẫn nhau một cách thân mật, và sẳn sàng tỏ thiện cảm với nhau mỗi khi trong gia đình có sự vui mừng hoặc sầu khổ.  Nếu có người lạ đến thì khắp làng biết ngay; nếu có người làng đi xa trở về, thì ai nấy hoan nghinh và tới thăm hỏi rất là lịch sự (Ru-tơ 1:19).  Phụ nữ có nhiều việc làm đầu đề câu chuyện ở bên giếng trong khi họ chờ đến lượt múc nước đầy vò; buổi tối, các trưởng lão hội họp để bàn luận về những việc trong làng, để báo và nghe những tin tức mới. Có nhiều cuộc cãi cọ, tranh dành giữa các phái kình địch, giữa các người ở từ lâu và các người đến ở sau, và giữa những gia tộc tranh nhau địa vị oai quyền và danh dự hơn hết. Nhưng hết thảy hiệp lại chống cự sự sỉ nhục mà làng phải chịu do những kẻ không thuộc về làng.
            Thuế thân hàng năm, hoặc món tiền mà mỗi người thành đinh phải nộp cho nhà nước thì bổ và nộp trong làng mà người ấy sinh ra. Ở trong làng có họ hàng của người ấy cùng đất ruộng của tổ tiên truyền lại mà người ấy có quyền thừa hưởng. Nếu người ấy đi ở nơi khác, thì phải chỉ định những kẻ phải chịu trách nhiệm nộp thuế cho mình, mặc dầu vì công ăn việc làm bắt buộc người phải ở một làng khác, và con cháu người có lẽ sinh trưởng ở nơi xa cách cố hương, nhưng họ vẫn phải nộp thuế chổ đó. Vậy nên Giô-sép trở về thành Bết-lê-hem vì ông là dòng dõi của Đa-vít (Lu-ca 2:4).

2. Thành Phố.-  Sự mở mang của một thành phố phần nhiều là do sự ở gần những đồng bằng trồng lúa mạch bát ngát, hoặc những vườn nho mênh mông, hoặc do nó được làm trú sở của chính phủ, hoặc do sự tiện lợi buôn bán trên mặt biển. Đời thượng cổ, chổ nghỉ ngơi trên đường cái của các đoàn lữ hành đã trở nên những thành phố giàu có và phồn hoa.
            a. Vách thành.-  Bức vách cao lớn bọc hết các nhà cửa đã tiếp nối và làm rõ rệt mục đích của nhà cửa và của làng xóm, tức là để che chở người ta. Ở đằng xa mà thấy vách thành trắng có chòi canh nổi bật giữa đồng vắng trơ trụi hoặc cây cối xanh tươi chung quanh, thì khách bộ hành mòn mỏi được yên ủi và giục lòng mạnh mẽ. Một khi ở bên trong những vách thành, thì có sự yên nghỉ, sự thoát khỏi hiểm nghèo, sự sum họp với những người mình yêu dấu, và sự cung cấp mọi thứ cần dùng. Các đặc sắc của thành phố cổ đó đều biểu hiện trong khúc sách mô tả thành Giê-ru-sa-lem mới (Khải huyền 21), và biến những hình bóng đẹp đẽ cho những bài thơ thánh và bài suy gẫm về “Thành Đức Chúa Trời” đương đời Trung Cổ.
            Vì hiện nay tình hình sứ Sy-ri và sứ Pha-lê-tin được vững vàng, yên tĩnh hơn, nên các vách thành mau bị lu mờ bởi những nhà ở ngoại châu thành trống trải.
            Vì những người thợ về đời xưa không có cốt mìn để bắn phá, nên phải chịu khó nhọc để xẻ những tảng đá từ ghềnh đá kiên cố.  Vì xẻ một tảng đá dày thì không khó nhọc bằng sẻ hai tảng đá mỏng, nên có một vài tảng đá to lớn lắm.  Các tảng đá của vách thành Giê-ru-sa-lem to lớn lắm ;  và vì có các  kiểu khác nhau của người Do Thái, người La-mã, người dự cuộc Thập tự chiến dịch(les Croisés), người A-rạp (Sarrasins), nên các tảng đá ấy làm biểu hiện cho các nước khác nhau đã tiếp nhận Tin Lành.
            b. Cổng thành.-  Kinh Thánh thường nói đến cổng thành. Cổng thành to lớn và đồ sộ, làm bằng gỗ cây dẻ bộp, bọc một lần sắt hoặc thau đóng vào gỗ ấy. Ở giữa cổng cái, cao hơn mặt đất chừng 30 hoặc 60 phân tây, có chen vào một cổng con, cao độ 75 phân, rộng độ 60 phân, do đó người canh cổng thành khôn ngoan, cẩn thận có thể cho người đến sau khi mặt trời lặn được phép vào. Cổng thành phố là một phương pháp đề phòng cho khỏi kẻ thù, nhơn lúc tối tăm không ai trông thấy, thình lình hãm đánh thành phố. Vậy nên Thành Thiên thượng, là nơi không có tối tăm và không có sự thù nghịch nào vào được, thì các cổng mở luôn luôn, làm dấu hiệu cho sự đón tiếp thân ái (Khải huyền 21:25).

3. Đường phố.-
a. Phố. - Phố ở phương Đông chỉ là một con đường hẹp cho người đi bộ và súc vật chở hàng.  Không cần đặt tên cho các phố chính, vì mỗi phố đã để riêng cho một nghề đặc biệt hoặc cho sự mua bán những thứ hàng đặc biệt. Ta chỉ cần bước vào cũng đủ biết là phố hàng Rau, phố hàng Dầu Thơm, phố hàng Bạc, v. v...  Phố xá chật hẹp che chở những người bán hàng và khách qua đường khỏi ánh nóng của mặt trời.  Đó đây, có một mái cao dựng lên trên phố, làm cho bóng rợp hơn và che chở khỏi mưa.  Những khoảng ánh sáng dịu đó làm cho nắng càng chói hơn mỗi khi đường phố rộng ra hoặc rẽ ngoặt khiến cho ánh mặt trời đổ xuống trên những  y phục sặc sỡ và những hàng hóa bóng nhoáng của một thành phố phương Đông.  Dạo qua các cửa hàng tạp hóa trong thành Đa-mách, có lụa, vải lót chỉ vàng, đồ trang sức bằng đồng, các thứ hương thơm cổ và dầu tùng hương, thì dễ dò theo và nhận biết lời tiên tri mô tả thành Ty-rơ đời xưa (Ê-xê-chi-ên 27:).
            Từ giã các cửa hàng tạp hóa hoặc các dãy cửa hàng, rồi đi vào khu yên tĩnh của thành phố có các nhà ở, thì ta bị kích thích bởi cái vẻ ngờ vực và cấm đoán của những nhà nầy.  Không có cửa sổ trông ra đường phố, và cửa sổ của những phòng cao thì có căng lưới mắt cáo rất kín. Chẳng thấy một ai, chẳng nghe một tiếng nào, trừ ra thỉnh thoảng có tiếng inh ỏi, cầu nhầu của đàn bà cãi nhau vì việc nhà. Cũng thấy những nhà đẹp đẽ có sân rộng bằng đá hoa, điểm thêm giếng nước và cây cối xanh tươi luôn, có phòng khách bày nhiều tấm khảm và bức chạm trổ trang hoàng. Nhưng vào các nhà đẹp đẽ ấy thì do một con đường hẹp và cửa một chuồng bò. Như vậy, dễ chống dữ hơn bất cứ khi nào thình lình bị hãm đánh, và vẻ tồi tàn của nó giang xa án phạt sự kêu ngạo và sự rủa sả do con mắt của ma quỉ dòm giỏ. Đường phố để cho khách qua lại, còn nhà là một khu rào kín, thiêng liêng và được canh giữ. Mọi sự trong nhà tỏ ra sự thù tiếp, hoan nghinh ; mọi sự bên ngoài nhà tỏ ra sự xua đuổi, cách biệt. Trong những thành phố có lẫn người Do Thái, người tin đạo Đấng Christ và người theo đạo Hồi Hồi, thì họ ở những khu riêng, hợp thành một thành phố ở trong một thành phố, lấy tên của đạo mình tin theo làm một dây liên lạc.
            Sự mô tả một thành phố phương Đông sẽ không dược hoàn toàn nếu không nói đến những con chó nằm lăn lóc trên các đường phố. Chúng giống như chó sói, màu đen hoặc vàng thẫm, lười biếng và dơ bẩn; người ta dung chịu nó vì nó ăn những đồ thừa trong bếp mà họ vứt tung ra đường phố, chúng làm như nhơn viên phòng giữ cho bịnh tật khỏi lan ra mà chẳng lĩnh lương bổng gì cả. Chúng cẩn thận chia thành phố ra từng khu, chó ở khu nào thì chiếm giữ khu ấy, không được ra quá giới hạn. Khi nào có một con chó quá giới hạn của khu nó, thì con chó nào thấy nó trước tiên bèn kêu ăng ẳng để cảnh báo; tiếng kêu ấy truyền từ con nầy đến con kia, và chỉ trong một hai phút thì thấy cả một đàn chó chạy ba chơn bốn cẳng như một đội quân cứu hỏa về phía chúng nghe được tiếng kêu ăng ẳng thứ nhứt. Nếu con chó quấy rối kia không lẻn trốn đi ngay, thì nó bị chồm đánh, làm cho khốn khổ, và bị đuổi theo một quãng xa về đến khu vực của nó.
            Nằm trên đường, ngăm dọa và ngăn trở kẻ thường qua lại, ở rất đông tại nơi nào có người ở rất đông, nhưng chẳng kiếm cách liên lạc thành thực với người, sung sướng hơn hết khi nào có chừng hai chục con xúm nhau nhảy cắn một người hoặc một con vật đáng thương dám chờn vờn đến chọc tức, khuấy rối sự bình an chung khi chúng tranh nhau nằm trên đống cát và ăn món đồ thừa đã thiu, đó là những chỗ con chó phương Đông giống với người Pha-ri-si.
b. Hàng xóm, láng giềng.-  Vì các nhà ở phương Đông bao giờ cũng ở trong làng hoặc trong thành phố, nên tình hàng xóm láng giềng về phương diện xã hội thật quan trọng lắm. Tất cả những đoạn Kinh Thánh luận về bạn hữu, xóm giềng và kẻ ở trọ thì ngày nay vẫn còn ứng dụng cho những sự giao tế ấy.
            Người phương Đông không khi nào ở một mình; loại tục ngữ nhiều hơn hết và quen dùng hơn hết là loại luận về sự cần yếu của tình xóm giềng, sự lợi và sự hại do tình xóm giềng mà ra.
            Ảnh hưởng tốt hoặc xấu của sự ở lân cận đã được mô tả trong các ngạn ngữ nầy : “Nếu anh ở chung với người ta bốn mươi ngày, thì anh lìa bỏ họ hoặc trở nên giống như họ”; “Chúng tôi là kẻ lân cận của anh và đã học tập nơi anh”;  “Lời khuyên bảo đã được ban cho kẻ sắp xây nhà hoặc thuê nhà, hoặc sắp đi xa”; “Hãy xem xét kẻ lân cận ở trước nhà và xem xét bè bạn ở trước đường cái”.
            Những câu nầy dạy phải đồng nhất về quyền lợi “Nếu là tốt cho kẻ lân cận của anh thì cũng là tốt cho anh”; “Kẻ nào bấu xén của kẻ lân cận anh thì cũng sẽ bấu xén của anh”;  “Thêm hoặc bớt một cái bánh, nhưng đừng khi nào để kẻ lân cận của anh phải thiếu thốn”.
            Sự nhịn nhục cần phải có đối với hàng xóm láng giềng thì đã được bày tỏ trong câu châm ngôn nầy : “Kẻ lân cận của anh vẫn là kẻ lân cận của anh, mặc dầu kẻ ấy cư xử dường như không phải kẻ lân cận của anh vậy”. Người ta đã đổi lại Châm ngôn 25:16 theo một cách nói bóng “Nếu bạn anh là mật ong, thì chớ ăn hắn”. Họ luôn luôn trưng dẫn Châm Ngôn 27:10.
            Những kẻ lân cận đều có mặt trong mọi sự buồn thảm hoặc vui mừng của gia đình (Lu-ca 15:6, 9). Sự quen biết nhau thân mật như thế đã được bao hàm trong lời nầy: “Ta  đã gọi các ngươi là bạn hữu Ta” (Giăng 15:15). Điều răn cấm làm chứng dối đã đặt ra cốt để che chở, binh vực kẻ lân cận, vì người luôn luôn tiếp xúc với những kẻ ở chung quanh mình, thì có lẽ thỉnh thoảng gây chuyện mếch lòng và gây nên sự trả thù. Sức mạnh của luật lệ về tình xóm giềng ở phương Đông đã được tỏ ra bởi những sự lạm dụng mà luật lệ ấy phải chịu. Những sự chuẩn bị nhơn từ của luật lệ ấy là do các trường hợp nầy: Sự bình đẳng trong xã hội, sự cứu giúp lẫn nhau và sự nguy hiểm chung. Luật lệ về bổn phận hàng xóm láng giềng là một nghĩa vụ về danh dự thương bị viện ra bởi những kẻ chẳng có dịp tiện hoặc ý định làm gì để đáp lại. Vậy nên người ta mong rằng nhà buôn sẽ bán rẽ hơn, và thầy thuốc sẽ tính tiền công hạ hơn cho những kẻ ở lân cận, mặc dầu là không quen biết nhau. Cả đến một người Âu làm giám đốc một công ty máy nước, cũng bị nài xin giảm giá cho những kẻ ở gần nhà mình. Tình hàng xóm láng giềng ở phương Đông làm rộng gia đình nhưng thu hẹp thế giới. Nó là hội ái hữu liên hiệp về các công việc của gia đình.  Bất cứ kẻ nào ở ngoài phạm vi láng giềng thì bị kể là người ngoại quốc, kẻ thù và kẻ ngoại đạo (II Các Vua 5:20). Đấng Christ thừa nhận luật lệ về tình hàng xóm láng giềng khi Ngài truyền lịnh rằng phảo giảng Tin Lành trước hết tại Giê-ru-sa-lem là nơi các Sứ đồ đương ở; nhưng chổ sau hết của sự giảng Tin Lành là các đầu cùng trái đất. Thí dụ về người Sa-ma-ri nhơn lành dạy về ý nghĩa chân chính và sự làm trọn tình hàng xóm láng giềng. Trong bài giảng ở trên núi, Đức Chúa Jêsus có chỉ rõ rằng những kẻ muốn làm con cái của Đấng Chí Cao thì không thể theo một tôn giáo chỉ có sự ích kỷ trong xã hội và sự giúp đỡ lẫn nhau khi có cần dùng (Ma-thi-ơ 5:43-48).

4.  Sự khoản đãi khách.-  Phương Đông nổi tiếng vì các luật lệ khoản đãi khách.  Trong vòng người Bédouins và những người ở trong các làng xóm xa xôi, hẻo lánh, thì những luật lệ khoản đãi khách vẫn giữ trọn cả ý nghĩa và vẻ tôn nghiêm đời xưa; ngay trong các thành phố, sự phô trương chúc mừng khi đón rước khách vẫn còn khiến ta nghĩ đến phong tục từ ngàn xưa. Xét sự khoản đãi khách chung với các luật lệ về tình hàng xóm láng giềng và cái vẻ hà tiện thông thường trong cuộc sinh hoạt ở phương Đông, thì tánh chất quan trọng mà người ta gán cho sự đãi đằng khách chẳng những là mỹ lệ, nhưng cũng là mầu nhiệm nữa. Sự ân cần đối với khách được mình mời (Lu-ca 14:12) thật thấy không có gì là khó khăn cả, vì sự ấy chỉ thuộc trong phép lịch sự giữa bạn hàng xóm láng giềng với nhau. Cả đến cớ tích khiến cho A-suê-ru đãi tiệc cũng còn làm chứng về sự ấy chẳng nhiều thì ít (Ê-xơ-tê 1:4).
            Đặc sắc của sự đãi đằng khách ở phương Đông ấy là nó bắt buộc phải tận tâm giúp đỡ những kẻ đi qua, mặc dầu là người lạ, và không có một mảy may nào là thân thích, quen thuộc.  Để cắt nghĩa sự bí mật ấy, có hai việc đáng được ta nhắc đến.
            a. Có sự cao thượng của ân huệ nầy.-  Ấy là sự cầu viện cái phần cao thượng và tốt lành hơn hết trong lòng người. Người lạ đi đến cửa thì đã đi đến giới hạn của mình rồi.  Người không thể đi xa hơn nữa (Khải huyền 3:20). Người ở trong tay những kẻ ở trong nhà, họ muốn tiếp rước hay cướp bóc tùy ý. Khi người đã được phép vào nhà, thì người trở nên chủ nhà một cách ẩn nhiên (virtuellement). Họ nói với người rằng nhà ấy là của người. Chủ nhà hầu hạ người; mọi món trữ sẵn trong nhà đều cung cho sự cần dùng của người; tất cả sức lực trong nhà đều để binh vực người. Sự tin cậy của khách đã được đáp lại bằng sự chủ nhà hào hiệp sẵn sàng liều mạng sống mình vì cớ khách lạ.
            Thêm vào sự được yên ổn còn có sự nghỉ ngơi, dễ chịu sau sự vất vả, ăn uống sau sự hao mòn, sự sum họp vui vầy sau sự cô đơn. Tục ngữ có câu : “Kẻ nào gieo sự nhơn từ thì sẽ gặt sự biết ơn”. Những sự lo lắng, bối rối bất ngờ xảy ra trong khi đi đường ở phương Đông khiến cho lúc thoát khỏi những nông nổi ấy thật trở nên một lúc đầy cảm kích trong thâm tâm của kẻ đã đi đường.
b. Khách là bất khả xâm phạm.-  Những tục lệ nầy đã đặt ra lâu lắm trước khi người ta đi nơi nầy chốn nọ để buôn bán hoặc thám hiểm; hồi ấy cần phải một lý cớ mạnh mẽ lắm mới khiến người ta liều xông vào vòng nguy hiểm, nhọc nhằn mà đi lữ hành. Ít khi có khách lạ đến nơi; luật lệ khoản đãi khách cấm không được hỏi khách đến từ đâu và sẽ đi đâu, trước khi đã biết rất ít là ba ngày, là thời hạn đủ tỏ ra rằng khách không ở vào một trường hợp cấp bách hoặc bị nguy hiểm cho thân mệnh. Người ta thường giả định rằng duyên cớ khiến khách phải viễn hành chính là vì trốn tránh kẻ thù nghịch, vì một việc cần yếu và quan trọng trong gia đình, hoặc vì muốn làm trọn một lời hứa nguyện trong tôn giáo. Về cớ thứ nhứt trong ba cớ đó, sự khốc liệt của cuộc báo thù huyết khiến cho chủ nhà nào cũng cảm thấy rằng có lẽ mình là người thứ hai cần có nơi ẩn náu. Khách lạ đến nơi đủ tỏ ra rằng bất luận người gặp cảnh ng khó khăn nào, thì từ trước đến nay Đức Chúa Trời cũng vẫn phù hộ người, và như vậy, sự nguy hiểm kinh khiếp ấy đã xảy ra vì cớ một kẻ nào đã đối đãi với người một cách tàn khốc. Vậy nên có một sự thiêng liêng mầu nhiệm liên lạc với khách, với phận sự che chở khách và với sự cung cấp mọi thứ cần dùng cho khách. Có một sự cần yếu hơn là sự đói khát: “Ta là Khách Lạ, các ngươi tiếp rước Ta” (Ma-thi-ơ 25:35).  KinhCoran của đạo Hồi-hồi có lặp lại lời khuyên ở Hê-bơ-rơ 13:2 theo phương diện tiêu cực. “Nhà nào không hề tiếp khách thì cũng không hề tiếp thiên sứ”.
            Muốn được kể là khách và được một nhà nào tiếp rước mình thì phải ăn một ít bánh của nhà ấy, một ít muối, hay là uống nước ở nhà đó: nếu không kịp có bánh, muối, hoặc nước, người muốn được tiếp rước sẽ nắm lấy cái cột của lều, rồi người của nhà đó phải tôn vinh tiếp đãi người “khách” đó.
            Nếu có một người trốn tránh đến gần một gã chăn chiên trong đồng vắng, thì gã chăn chiên phải mời người ăn bánh mì vá phó mát (fromage) đựng trong cái bị của mình. Sau khi đã cho ăn như vậy, gã chăn chiên phải che chở người khỏi mọi kẻ đuổi theo để giết người. Về phương diện nầy, sự biệt riêng mấy thành ẩn náu trong đất Y-sơ-ra-ên được trí óc người ta cho là một sự cố gắng để dẹp bớt sự hung bạo do cuộc báo thù huyết  y  theo luật pháp của quốc gia.
            Có một trường hợp mới xảy ra mấy năm trước đây ở gần thành Tripoli, xứ Sy-ri, tỏ ra có một quan niệm rất mạnh mẽ về phận sự và danh dự làm đảm bảo cho sự che chở khách lạ. Có một người can tội sát nhơn, và trong khi chạy trốn khỏi những kẻ báo thù huyết, hắn đã đến túp lều của một gã chăn chiên: Gã chăn chiên đã đi khỏi với bầy mình; người trốn tránh nài nỉ và được vợ cùng con trai gã chăn chiên nhơn danh Đức Chúa Trời mà hứa che chở mình. Nửa giờ sau có nhiều kẻ cỡi ngựa đến vây quanh nhà. Theo phép lịch sự họ không thể xông vào căn phòng độc nhất trong nhà, phòng nầy là thánh vì là nơi ở của phụ nữ.  Họ bèn xin chủ nhà dẫn kẻ sát nhơn ra. Người đờn bà nghèo khó bèn bước ra cửa, cầm tay con trai mình mới mười hai tuổi mà nói rằng: “Tôi không thể nộp khách của tôi, nhưng hãy bắt con trai một của tôi mà giết đi thay vì khách”. Sự nghĩa hiệp cương quyết của bà cảm động lòng họ thấm thía đến nổi một lúc sau họ nói rằng vì cớ bà, họ bằng lòng tha thứ cho kẻ sát nhơn được tự do. Đoạn, họ lên ngựa mà đi.
            Sự hy sinh vì khách không phải do lòng quí mến mạng sống (Vì họ cho rằng tội sát nhơn là nhỏ). Luật lệ tiếp khách là do hoàn cảnh và cơ hội tạo nên. Khi một lữ khách gặp một người Bédouinở nơi đồng vắng, thì họ thường chào bằng mấy tiếng: “Cổi áo ra!”  Nếu chống cự, thì họ chẳng quan tâm mấy đến tội giết người. Hiệu lực của luật lệ tiếp khách trong chính phạm vi của nó tỏ ra rằng dân Y-sơ-ra-ên và các nước bạn của họ đã ở vào một tình hình khốn khổ ghê gớm khi Gia-ên giết ông khách và sự trái phạm luật lệ khoản đãi khách như thế lại được dân chúng khen ngợi (xem Các-quan xét 4:17-22).
            Ở phương Đông bất luận thứ công việc nào cũng bị coi là hèn hạ, trừ ra ba điều đã được mọi người thừa nhận, tức là hầu hạ khách, hầu hạ gia đình, và hầu hạ con ngựa của mình.


---HẾT---

Hội Thánh KiềnBái's blog© 2013. Được tạo và lưu trữ bởi Bùi Qúy Đôn. Tài liệu có thể được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau.